Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Thử phân tách một bài thơ của THÍCH TUỆ SỸ / Vĩnh Đào -- trích web Văn Thơ Lạc Việt

THỬ PHÂN TÍCH MỘT BÀI THƠ CỦA THÍCH TUỆ SỸ

Vĩnh Đào



KHÔNG ĐỀ

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

Trên đây là một bài thơ rất được nhiều người biết đến của nhà thơ thiền sư Thương toạ Thích Tuệ Sỹ (ngày nay là Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ). Bài thơ rất quyến rũ, lời thơ đậm màu triết lý nhân sinh nhưng cũng rất bí hiểm. Làm sao “hiểu” được bài thơ này? Người thưởng thức thơ có thể đọc đi đọc lại nhiều lần và thấy mình bị cuốn hút vì nhạc điệu của bài thơ cũng như những ngôn từ thanh thoát, gợi cảm, vừa giản dị vừa thông thái, nhưng không biết phải diễn dịch cách nào, làm sao theo dõi những tư tưởng của tác giả. Cho đến nay không có một bài bình giảng nào thử đưa ra một đuờng hướng để tiếp cận bài thơ này, ngoại trừ một bài cảm tưởng của Bùi Giáng (“Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ”, đăng trong quyển Đi vào cõi thơ, Nhà xuất bản Ca Dao, Sài Gòn, 1969), được thường xuyên nhắc tới trong những bài viết về thơ Tuệ Sỹ.

Nhưng theo tôi, thi sĩ Bùi Giáng chỉ đưa ra những cảm tưởng khái quát, khẳng định những điều to lớn, mà không đưa ra bất cứ một luận cứ nào để chứng minh những điều mình nói: “Ta tưởng như nghe ra ‘cao cách điệu’ bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzsche… Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.” Khẳng định những điều to lớn như vậy không có ích gì để giúp cho người đọc có một cái nhìn rõ hơn về tác phẩm.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ - Nhân Vật Phật Giáo - Hoavouu.com
tác giả tập thơ GIẤC MƠ TRƯỜNG SƠN   / Thích Tuệ Sỹ 
( Nxb An Tiêm, 2002)

Trước khi thử tìm một lối tiếp cận thỏa đáng bài thơ này, chúng tacần biết rõ hơn về tác giả và hoàn cảnh sáng tác thi phẩm.

Thích Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh tại Paksé, Lào, năm 1943. Vào đầu thập niên 1970 trong số các giáo sư của Viện Ðại Học Vạn Hạnh thì Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ và Phạm Công Thiện, chủ bút tạp chí “Tư tưởng” của Viện Ðại Học Vạn Hạnh, cả hai đều dưới 30 tuổi, được xem là những trí thức lỗi lạc nhất. Tuệ Sỹ chuyên về Phật học và tư tưởng Đông Phương, còn lãnh vực của cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện là triết lý Tây phương. Cuối năm 1970, Phạm Công Thiện rời Việt Nam để đi Pháp và không trở về. Tuệ Sỹ thay Phạm Công Thiện chịu trách nhiệm tạp chí Tư Tưởng, nhưng đến năm 1973 thì Tuệ Sỹ cũng quyết định rời bỏ Sài Gòn và Viện Ðại Học Vạn Hạnh để rút về chùa Hải Đức, trên đỉnh đồi cao heo hút phía Tây thành phố Nha Trang. Chưa đầy hai năm sau thì xảy ra biến cố tháng 4 năm 1975 và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Cuối hè 1976, Thầy Tuệ Sỹ lại quyết định dấn thân vào một cuộc thử nghiệm mới. Ông rời chùa Hải Đức, một mình đi làm rẫy ở vùng rừng núi Vạn Giả, cách Nha Trang khoảng 60 cây số. Đến năm 1977, ông rời Vạn Giả vào Sài Gòn sống ở chùa Già Lam. Năm 1978, thì bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam cho tới đầu năm 1981.
Ngày 1-4-1984, Thượng toạ Tuệ Sỹ lại bị bắt giữ cùng với Giáo sư Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát và một số tăng ni, bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền. Trong phiên tòa xảy ra năm 1988, ông bị kết án tử hình cùng với Giáo sư Lê Mạnh Thát. Do sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế, ông được giảm án xuống còn chung thân khổ sai. Năm 1998 Thượng toạ cùng với một số người khác được trả tự do.

Năm 1999, Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm trách vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), một tổ chức tổ chức không được chính quyền CSVN và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thừa nhận. Năm 2019, Tăng Thống Thích Quảng Độ ủy thác Hoà thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở vị trí Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống trong thời gian Tăng Thống lâm trọng bệnh. Hoà thượng Tuệ Sỹ tiếp tục xử lý thường vụ Viện Tăng Thống sau khi Tăng thống Thích Quảng Độ qua đời vào tháng 2-2020.

Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn do An Tiêm xuất bản năm 2002 tập họp các bài trong bốn tập bản thảo mỏng là Phương trời viễn mộng gồm 9 bài thơ viết trước năm 1975, Giấc mơ Trường Sơn gồm 29 bài sáng tác từ năm 1975 đến 1980, Tĩnh toạ gồm 9 bài, viết từ 1983 đến năm 2000, và Tĩnh thất, gồm 32 bài viết trong các năm 2000 và 2001.

Bài thơ trên đây, tác giả chỉ để là “Không đề” trong tập bản thảo. Trong tập Giấc mơ Trường Sơn, bài này mang tên “Khung trời cũ”. Đây có lẽ là tựa do nhà xuất bản đặt khi in lại, nhưng tựa đề này hình như không thích hợp mấy vì không liên quan đến các ý tưởng tản mạn của tác giả, từ những kỷ niệm của quá khứ đến những tư tưởng triết lý về thời gian và cuộc đời, và trở về hiện tại giữa bốn bức tường của tác giả, mơ tưởng đến một con suối giữa rừng, diễn tả rất sâu sắc và cô đọng.
Bài thơ trên được sáng tác theo thể thơ tự do, bắt đầu bằng hai câu thơ 9 chữ, phần còn lại chủ yếu là những câu thơ 8 chữ, xen kẻ với những câu 7 chữ, không theo một trật tự nào nhất định, nhưng khi đọc lên nghe rất quyến rũ vì nhạc tính rất cao và gây nên những cảm xúc khó tả, tùy theo những kỷ niệm cá nhân của người đọc, tuy rằng không dễ tìm ra những ý nghĩ nào dẫn dắt bài thơ.

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Việc đầu tiên không nên làm là tự đặt ra những câu hỏi: Đôi mắt ướt của ai? Tuổi vàng nào? Và khung trời nào mà hội cũ? Những thắc mắc sẽ không bao giờ có được câu trả lời. Tác giả có những tâm tư, ý tưởng, những ám ảnh của riêng mình, viết ra thành lời thơ mà không có chủ đích diễn tả làm sao để người đọc hiểu rõ ngọn ngành. Vậy không có ích gì khi cố gắng tìm một cách diễn dịch nào cho “hợp lý”. Chúng ta chỉ có thể nhận thấy là hình ảnh này đã từng ám ảnh tác giả trong một bài thơ sáng tác trước đó vào năm 1976, trong thời gian đầu ở rừng Vạn Giả:

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
(“Một thoáng chiêm bao”)

Còn áo màu xanh nào? Trên đồi hoang thì chỉ có thể màu xanh của cỏ thay đổi theo thời gian. Hay là áo của một người nào? Không có gì cho phép xác định và điều này cũng không quan trọng để có thể ngăn cản chúng ta tìm hiểu phần tiếp của bài thơ.

Theo lời kể lại của Thượng tọa Thích Phước An, về sau là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hoá của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thì chính Thầy Phước An vào mùa hè năm 1976 đã lên một chiếc xe đò cũ kỷ cùng với Thầy Tuệ Sỹ, để đưa Thầy đi làm rẫy tại một khu rừng hẻo lánh ở thị trấn Vạn Giả, gần đèo Cả. Rồi sau đó thì cứ một, hai tuần, Thầy Phước An lại về rừng Vạn Giả thăm bạn. Thầy thuật lại: “Đôi khi tôi ở lại đêm với anh trong túp lều tranh do tự tay anh cất lấy. Những lúc ở lại đêm như vậy, tôi lại càng cảm phục sức chịu đựng của anh. Đêm nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong túp lều tranh và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông.”

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Chính những kỷ niệm ngồi tâm tình trong đêm khuya bên ngọn đèn dầu đã để lại cho nhà thơ những hình ảnh khắc sâu trong ký ức và cho cảm giác mình chia sẻ kiếp sống phiêu bồng của những người du thủ. Tác giả cũng đã nhắc đến một kỷ niệm tương tự trong một bài thơ khác:

Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn nến tàn.
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh.
(“Rừng khuya bên bếp lạnh”)

Sau khi hồi tưởng vài hình ảnh của quá khứ, nhà thơ chuyển dòng tư tưởng sang một hướng khác:

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Núi và biển biểu hiện cho thiên nhiên và tạo hoá, một thiên nhiên trường tồn qua năm tháng, không chịu ảnh hưởng của thời gian, không thể bị hủy diệt, không có gì biến mất, dù chỉ là một hạt muối trong lòng biển. Trước cái vô hạn của thiên nhiên là cái hữu hạn của con người:
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Người bị thời gian chi phối có cảm giác ngày vui qua mau, cùng với sự tiếp nối liên tục của các mùa. Xuân Diệu đã từng thở than: “Vừa nắng mai sao đã đến sương chiều?” Thi hào Victor Hugo của trào lưu lãng mạn Pháp thế kỷ 19 trong tập Lá mùa thu xuất bản tại Paris năm 1831 cũng đã so sánh tính trường tồn bất diệt của thiên nhiên trước cái cái mong manh của đời sống con người. Vạn vật luôn luôn tươi trẻ, mỗi năm lại hồi sinh trong một lễ hội tưng bừng, hoàn toàn thản nhiên, vô cảm trước kiếp người ngắn ngủi. Nhà thơ đã có những câu thấm thía như sau:

Một ngày tôi sẽ ra đi, giữa khung trời mở hội
Mà không có gì mất mát cho cõi đời rạng rỡ bao la! [1]

Nhưng đối với thiền sư, chắc chắn không có những tiếc nuối như vậy. “Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng?” chỉ là một câu hỏi cho người phàm tục. Đối với người tu hành, kéo dài kiếp sống chỉ là để trả cho xong nợ trần thế:

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Chỉ vì “tuổi đời chưa đủ” nên tác giả mới còn phải lưu lại trên trần gian, kéo dài một chuỗi ngày vô vị không có gì mà phải tiếc nuối. Các từ ngữ “gót mỏi” và “đi quanh” cho thấy nỗi chán chường của tác giả trước kiếp sống hiện tại.
Trở về với thực tại, nhà thơ đối mặt với tình trạng bị giam hãm của mình giữa bốn bức tường.

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Phải chăng đây cũng là một bước đi quanh quẩn trên con đường cát bụi của cõi trần gian? Rồi nhà thơ lại đưa trí tưởng tượng đến cảnh vật tự do thanh thản bên ngoài. Và biểu hiệu của tự do chính là con suối tung tăng giữa đá sỏi và cỏ cây, thảnh thơi chảy về sông và ra biển khơi. Trong một bài thơ khác của tập Giấc mơ Trường Sơn, tác giả cũng đã nhắc đến khoảng thời gian bị tù tội:

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai như ánh chớp mây chiều
(“Tôi vẫn đợi”)

Lần này thì mộng mơ của tác giả không còn mơ hồ như sương mai như ánh chớp mây chiều, mà là hình ảnh rõ nét một con suối rộn rã băng ngàn tượng trưng cho ước vọng tự do.

Phần phân tích trên đây chỉ là quan điểm riêng của người viết. Có thể có những lối giải thích khác. Một bài thơ chỉ có giá trị để tồn tại với thời gian nếu nó chứa đựng những ý tưởng dồi dào, gây nên những cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc, và cảm xúc có thể khác nhau tùy người đọc.
Nhà thơ có thể muốn bộc lộ một tâm trạng khó phát biểu thành lời, bộc lộ những tình cảm, những cảm xúc dồn dập, tế nhị, trong những câu thơ cô đọng, và chỉ muốn viết ra cho riêng mình, không cố gắng sắp đặt lời văn cho dễ hiểu. Kết quả chúng ta có thể thấy những câu thơ hết sức quyến rũ do nhạc tính của câu, do nhịp điệu và vần, do sự lựa chọn và kết hợp ngôn từ, từ đó tạo cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, thích thú… Nhưng ý nghĩa của câu văn nhiều khi không rõ ràng, có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Và không thể nói là cách giải thích này đúng, hoặc cách nhìn kia sai.

Phạm Công Thiện khi bàn về thơ Tuệ Sỹ có nhận xét là: “Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa.” [2] Trong những trường hợp này, khẳng định rằng: “Tác giả muốn nói…” là một điều hoài công. Mỗi người có thể cảm nhận bài thơ theo cách của mình, không nhất thiết phải tìm hiểu xem cách mình hiểu có hợp với những suy nghĩ của tác giả hay không.
Mặt khác, đứng trước một sáng tác với những ý tưởng dồi dào trình bày rất cô đọng theo ngôn ngữ thơ, người đọc thường thấy bỡ ngỡ và khó có thể tìm ra một đường lối tiếp cận để tìm thấy những nguồn cảm xúc mà tác phẩm có thể đem lại. Có lẽ vì vậy mà bài thơ “Không đề” hay “Khung trời cũ” của tác giả Tuệ Sỹ tuy được biết rất nhiều nhưng ít khi được bình giải. Nhiệm vụ của người bình giải là vạch ra một lối đi và trình bày những lý lẽ để thuyết phục người đọc khám phá tác phẩm theo lối mình. Cách nhìn đó có thể phù hợp với các ý tưởng của tác giả hay là không. Một khi một tác phẩm nghệ thuặt, một bức tranh hay một bài thơ, được trình bày trước công chúng, thì ý nghĩa có tác phẩm không còn thuộc về tác giả mà thuộc về người thưởng ngoạn.                ./.

Vĩnh Đào

[-----------
1] " Je m’en irai bientôt, au milieu de la fête,  Sans que rien manque au monde immense et radieux !"
( Victor Hugo, Les Feuilles d’Automne (1831).
[2] “Nguyên Tánh – Phạm Công Thiện, Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ” đăng lại trong Nguyên Siêu, Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng, tập 2 do Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang in tại California, 2006. 



                                                                        ***

                                    ---------------------------------------------------------------


                                                              chúc mừng


                                                             tu sĩ, thi nhân 
                                                   THÍCH TUỆ SỸ
                                                  [ i.e. Phạm Văn Thương 1943  --       ]



                                                          vào tuổi 77


                                                  blog Virgil Gheorghiu
                                                Saigon, June 16, 2020

                         -----------------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ