Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

về mục sư Tin lành tiên phong PHẠM XUÂN TÍN -- source: facebook

MỤC SƯ PHAM XUÂN TÍN.

Phải nói Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín là vị Mục sư duy nhất trong Hội thánh Tin Lành Việt Nam viết nhiều đầu sách giá trị tham khảo. Khác với Mục sư Lê văn Thái là người viết sách, ngoài quyển ‘Hồi Ký 46 Năm Chức Vụ’ là tự truyện, các sách còn lại là dạng bồi linh do sự suy gẫm lời Chúa của cá nhân Cụ. Hãy thử điểm qua một số đầu sách Mục sư Phạm Xuân Tín là tác giả:

1. Cụ Mục sư Phạm XuânTín đã được Chúa ban cho ân tứ viết sách báo từ ngày bắt đầu công cuộc Truyền giáo giữa những người Dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên, Mục sư Tín đã phát hành Tạp Chí Truyền Giáo với những bài viết và hình ảnh công việc Chúa giữa các Sắc tộc, trong đó có sắc tộc Bahnar mà Cụ hết lòng rao truyền Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ cho họ, đến nỗi ông bà Cụ Mục sư Tín đã đặt tên cho con trai trưởng của ông bà là Phạm Xuân Bahnar Trung.

2. Cụ Mục sư Tín đã viết sách nhỏ tựa đề “Đời Tận Tụy” ghi lại công khó hầu việc Chúa của những người từ ngày đầu của Hội thánh trên đất nước Việt Nam, dù chỉ ghi sơ lược của một ít người, trong đó có những Mục sư như Cố Mục sư Hoàng Trọng Thừa là Hội Trưởng đầu tiên của Hội thánh, đến người hầu việc Chúa là người Sắc tộc, đến người tín đồ bình thường nhưng đầy lòng yêu mến Chúa đã dâng đời sống mình phục sự Chúa.

3. Quyển “Thánh Kinh Nhập Môn” chứa rất nhiều tài liệu cho người muốn học hỏi về Kinh thánh, nhất là lịch sử của Kinh thánh, kể cả thời kỳ 400 năm yên lặng, sự hình thành các Phe Nhóm Pha-ri-si, Sa-đu-sê… xuất hiện trong Tân Ước. Chắc chắn quyển sách nầy đã làm Cụ Mục sư tiêu hao nhiều tâm sức tra cứu tài liệu hiếm có trong Làng Văn Phẩm Cơ-Đốc Việt Nam.

4. Quyển “Thần Học Căn Bản” là những bài Thần học mà Cụ Mục sư đã dạy trong Thánh Kinh Thần Học Viện, vì là căn bản, nên tóm gọn các lẽ đạo căn bản.

5. Quyển “Tìm Hiểu Các Giáo Phái”, nhất là các Giáo phái Tin Lành chính thống, rất ích lợi cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam trong quá trình còn mới mẻ khi phải tiếp xúc với các Giáo phái đang tìm cách xâm nhập vào Việt Nam.

6. Ngoài ra Cụ Mục sư đã viết rất nhiều đầu sách dù không phải là những tác phẩm đồ sộ, nhưng cộng lại sẽ thấy là Một Công Trình Đồ Sộ cho người hầu việc Chúa trong Hội thánh Tin Lành tại Việt Nam, như Lược sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam, Kỷ Niệm 50 năm, rồi 60 năm Tin Lành Việt Nam, Chúa Tái Lâm… Cụ đã dày công từ những năm đầu của công cuộc truyền giáo trên Cao nguyên vào thập niên 30 – 40 dịch Kinh thánh ra nhiều loại tiếng Người Sắc tộc thiểu số để đem Tin Lành yêu thương cho đồng bào cao nguyên.

Cụ Mục sư Tín có một cách viết sách là dường như Cụ Mục sư cố gắng đưa vào sách nhiều tài liệu mà Cụ có được để người đọc hay học đỡ nhọc công, có thể nói, sách của Mục sư Tín viết không phải là một quyển mà mỗi quyển là một Bộ Sưu Tập công phu.

Ngoài những sách thuộc loại trên, Hội thánh Tin Lành Việt Nam phải ghi nhớ công khó của Mục sư Phạm Xuân Tín trong công việc Truyền giáo Thiếu Nhi. Điều ngạc nhiên là dù cao tuổi, nhưng Cụ lại dạy môn Truyền Giáo Thiếu Nhi trong Thánh Kinh Thần Học Viện, dạy cách tận tình, dạy với nhiều tài liệu. Ngoài tài liệu Giáo khoa, Cụ Mục sư cũng dạy làm Thị Cụ, soạn dịch những bài hát Thiếu nhi – những Bài hát Thiếu nhi nầy đã phát hành nhiều tập, được các sinh viên trong Viện sử dụng cho các lớp Thiếu nhi, vừa dễ hát, vừa dễ hiểu đối với các em Thiếu nhi. Chúng ta hãy thử xem một lời vài bài hát thiếu nhi của Mục sư Tín:

5 BÁNH VÀ 2 CÁ

Đây đoàn dân đông đang đói mệt,
Bàn tay nầy trông thật nghèo nàn,
Duy còn đây 5 chiếc bánh mì và cá chỉ một cặp thôi.
Trao vào tay Giê-xu tiếc gì,
Bàn tay nầy nay được đầy tràn.
Nhanh nhẹn em phân phát bánh mì.
Mười mấy thúng đầy còn dư
Nói lớn: MƯỜI HAI THÚNG!
Ê-LI CẦU MƯA
Thiết tha kêu xin thay cho dân tộc mình
Tiên tri Ê-li quỳ tại núi kia.
Ác gian quăng xa, Giê-hô-va nhậm lời,
Từ trời Ngài trút một cơn mưa.
Ào ào ào, sấm sét thi nhau gào,
Sẹt sẹt sẹt, chớp xe màn đen tối
Mưa tuôn mưa đổ khi Ê-li kêu cầu…
GIÊ-XU CHO EM CÂY ĐÈN
Giê-xu cho em cây đèn, Giê-xu cho em cây đèn
Chiếu sáng khắp chốn Cha truyền,
Ánh sáng thánh phải giơ cao
Xua tối tăm, soi đường đời, cứu mọi người.

Chúng ta phải tận mắt nhìn một Mục sư cao niên, gầy ốm, mái tóc điểm sương, đứng trên bục dạy cách sử dụng những thị cụ dạy Thiếu nhi, chúng ta mới thấy lòng cảm động sự tận tình đối với công việc thường dành cho những người trẻ - rất tiếc người trẻ không làm. Ngày nay các cháu thiếu nhi hát những bài mang tính người lớn nhiều quá, mất đi vẻ thơ ngây, giản dị của thiếu nhi. Bây giờ viết lại lời những bài hát nầy, tôi cảm ơn Chúa đã ban cho Mục sư Phạm Xuân Tín xây dựng một khải tượng mở mang công việc Chúa trên đất nước Việt Nam qua việc Truyền Giáo Thiếu Nhi. Cho đến ngày nay, không ai phủ nhận được hiệu quả của việc dạy đạo Thiếu nhi. Trong tài liệu Giáo khoa môn học, Mục sư Tín đã ghi lại những câu chuyện rất cảm động về thiếu nhi.

Truyển kể:

Nhà Truyền giáo Francoise Xavier đã nói: Hãy cho tôi những đứa trẻ, đến năn sau 7 tuổi, không ai có thể cướp nó khỏi tay tôi.

Có người hỏi Mục sư Moody sau buổi truyền giảng Tin Lành: Tối nay ông đã giảng có bao nhiêu người tin Chúa? Mục sư trả lời: Hai người rưởi. Người hỏi nói: À, ý Mục sư là có hai người lớn và một thiếu nhi. Mục sư Moody đính chính lại: Không, tôi muốn nói là có hai thiếu nhi và một người lớn. Vì người lớn đã thiêu đốt đời sống quá nửa, còn thiếu nhi chỉ mới thắp lên thôi.

Có một phụ nữ nói với Mục sư Moody: Thưa Mục sư, bài giảng của Mục sư làm tôi cảm động quá. Tôi bằng lòng đi giảng Tin Lành cho thế giới. Mục sư Moody lập tức trả lời: Tốt. Như vậy, tôi đề nghị bà về giảng Tin Lành cho những đứa con của bà trước.

Mục sư Tín có lòng quan tâm đến sự cứu rỗi của các thiếu nhi đến nỗi trong khi dạy về Thiên sứ trong môn Thần học, Mục sư khẳng định là các em thiếu nhi đều có thiên sứ của Chúa bảo hộ như Lời Chúa phán trong Math. 18:10, và Mục sư Tín thuật rằng trong một chuyến đi truyền giáo vùng cao nguyên, lúc ông rời nhà thì con của ông bà đang bị bịnh tại nhà, còn Mục sư bị lạc trong rừng, nửa đêm, Mục sư nghe tiếng như tiếng gió thổi ào ào trên những ngọn cây trong rừng, Mục sư nghĩ ngay đến thiên sứ của con mình báo tin người con ấy đã về với Chúa. Và quả thật vậy khi trở về nhà thì người con ấy đã được an táng.

Lòng yêu mến công việc truyền giáo thiếu nhi của Mục sư Phạm Xuân Tín đến nỗi ông tự quyên góp xây dựng một Trung Tâm Truyền Giáo Thiếu Nhi tại Nha Trang và cũng xin Tổng Liên Hội cử một Truyền đạo về lo cho Trung Tâm này.

Mục sư Phạm Xuân Tín là Giám học của Thánh Kinh Thần Học Viện, Mục sư cũng đảm trách dạy môn Thần học cho cả ba cấp trong Viện, ngoài những môn như Ngũ Kinh, Tiên tri Ê-sai, Giáo nghi. Có một lần tôi có việc lên văn phòng của Mục sư Tín, khi đến phòng thấy Mục sư Tín đang ngồi học tiếng Hi-bru, vì tuổi cao, Mục sư Tín lấy cây thước kẻ ngăn từng hàng để đọc. Mục sư Tín nói với tôi: “Tôi phải cố gắng học để có thể lo cho Viện”. Thật cảm phục tinh thần ham học của Mục sư Tín! Tôi được biết tự Mục sư xin học bổng để sang Úc du học lấy bằng Cao học Cơ-Đốc Giáo dục, Mục sư còn ước ao tiếp tục học nữa. Cũng từ việc học ở Úc nầy có một câu chuyện vui xảy ra. Lần đó Ban Thẩm vấn sát hạch chức vụ mục sư cho một Truyền đạo, buổi sát hạch nầy diễn ra trong phòng Ban Giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện. Khi thầy Truyền đạo từ phòng sát hạch bước ra với vẻ mặt buồn, các anh em trong Viện chen nhau hỏi thăm thì được biết Mục sư Tín hỏi thầy Truyền đạo nầy rằng: ‘Tôi nghe vài người trong đó có Thầy nói rằng Thần học Mỹ khác với Thần học Úc mà tôi (Mục sư Tín) đã học. Vậy Thầy cho tôi biết Thần học Mỹ và Thần học Úc khác nhau thế nào?’ Thầy Truyền đạo không thể trả lời, có người trong các anh em đang có mặt lên tiếng: ‘Thầy thiệt dở, thì khác nhau là Thần học Mỹ không có vợ, còn Thần học Úc có vợ’. Mọi người cười ồ lên, vì câu nói ám chỉ Mục sư Lê Hoàng Phu du học ở Mỹ mới về không có vợ.
Nói đến vấn đề Thần học tại Việt Nam, chỉ có hai vị Mục sư được nói đến nhiều nhất là Mục sư Phạm Xuân Tín và Mục sư Lê Hoàng Phu. Mục sư Phu có để lại một ít đầu sách cho Hội thánh nhưng chỉ là những sách dạng tham khảo như Thánh Kinh Phù Dẫn, Lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam là Luận Án Tiến sĩ của Mục sư Phu; riêng Mục sư Tín thì chẳng những dạy Thần học, viết quyển Thần Học Căn Bản (giáo khoa tại Viện), Mục sư Tín cũng đã cố gắng phát hành Tập San Thần Học để phổ biến những quan điểm mới về Thần học, rất ích lợi để tham khảo, rất tiếc chỉ phát hành vài số đa phần trong nội bộ Thánh Kinh Thần Học Viện.

Mục sư Tín là một trong các vị Mục sư được cử đi dự những Hội Nghị nước ngoài nhiều. Năm 1966, sau khi dự Hội Nghị Truyền giáo Thế Giới tại Berlin (Tây Đức thời đó), do Đoàn Truyền giáo của Mục sư Billy Graham tổ chức để khích lệ Hội thánh thế giới quan tâm việc giảng Tin Lành, khi trở về, Mục sư Tín làm chứng lại trước Hội Đồng Mục sư Truyền đạo nhóm tại nhà thờ số 7 đường Trần Cao Vân. Mục sư Tín nói: “Trong Hội Nghị tại Berlin (TâyĐức), Mục sư Billy Graham nói: Người Mỹ nào cũng biết uống Coca Cola, thì người Mỹ nào cũng phải được nghe Tin Lành! Nghe xong câu nói đó, tôi (Mục sư Tín) nghĩ người Việt Nam (thời đó) ít người biết uống Coca Cola, thi phải nói làm sao? Hôm nay, tôi được Chúa dạy nói với Quý Vị: ‘Người Việt Nam nào cũng biết ăn nước mắm thì người Việt Nam nào cũng phải được nghe Tin Lành!”. Thật là một câu nói đáng phải ghi vào lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam.
Biến cố 1975 tác động nhiều xáo trộn trong tình hình Hội thánh chung, Cụ Mục sư Viện Trưởng Ông văn Huyên phải về Saigon để giữ chức vụ Hội Trưởng, nên Tổng Liên Hội cử Mục sư Phạm Xuân Tín làm Phó Viện Trưởng quyền Viện Trưởng Thánh Kinh Thần Học Viện. Trước tình hình mờ mịt của việc mở lại Thánh Kinh Thần Học Viện, Mục sư Tín đã can đảm viết thư gởi Hội thánh toàn quốc kêu gọi Hội thánh dành thì giờ Kiêng ăn cầu nguyện xin Chúa cho mở lại Viện. Bức thư kêu gọi kiêng ăn bị diễn dịch sai thành ra là lời kêu gọi tuyệt thực khiến Mục sư Tín trong tuổi già phải bị ngăm dọa, phiền trách, xúc phạm. Nỗi buồn của người hầu việc bất năng trước công việc Chúa khiến Cụ Mục sư phải xin hưu hạ để giảm bớt căng thẳng, về ở với các con.

Cụ Mục sư đã ghi lại những nhọc nhằn sau 1975 như sau:

“Hội đồng thường niên của Địa Hạt Nam Trung Bộ được tổ chức vào ngày 1 tháng 3 năm 1975 tại Nhà Thờ Tin Lành Thạnh Mỹ, quận Đơn Dương. Tôi được mời giảng cho hội đồng mục sư truyền đạo nhóm trước hội đồng chung. Hội đồng kéo dài trong ba ngày và tôi được hội đồng tín nhiệm đưa vào chức vụ chủ nhiệm Địa Hạt Trung Nam Bộ. Tôi chỉ biết cúi đầu nhận trách nhiệm Chúa giao, xin Ngài ban thêm ơn, thêm sức và quyền năng Thánh Linh để hầu việc Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Sau khi Hội đồng bế mạc, hai ban trị sự bàn giao công việc và tiếp nhận trụ sở tại 30 đường Nhà Thờ, Nha Trang để xúc tiến mọi công tác.

Lúc bấy giờ khóa học 1974-1975 chưa mãn, trụ sở Địa Hạt cách xa Thánh Kinh Thần Học Viện nên tôi phải ra vô trụ sở Địa Hạt để chu toàn mọi công tác. Theo sự xúc tiến và trao đổi giữa các vị trong cựu và tân ban trị sự thì tình hình các Hội thánh trong Hạt không phải dễ dàng nhất là sự băng hoại, tham ô, tội lỗi ngấm ngầm đục khoét làm đổ vỡ nhiều chức vụ và nhiều chi hội. Buổi họp đầu tiên của tân ban trị sự đã gặp ngay những sự đau lòng khi phải giải quyết những nan đề trong các chi hội mà có những vấn đề không đạt được kết quả tốt đẹp.

Những ngày tháng biến động

Tình hình nghiêm trọng. Mũi Né không xa Nha Trang cho lắm nhưng tôi không đáp ứng được lời mời của Hội thánh để chủ tọa lễ cung hiến nhà thờ. Ra đến bến xe thì được biết đường đi bế tắc. Không có xe chạy ra Mũi Né. Tiếp đến là những ngày mà đoàn người từ các nơi ồ ạt kéo về Nha Trang trong đó có con cái Chúa nữa.

Tình hình khẩn trương. Chúng tôi biệt riêng nhiều thì giờ để cầu nguyện. Những ngày di tản đến. Học viên và giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện khăn gói về quê hương dầu mục sư Viện trưởng chưa ra thông cáo. Một số giáo sư ra đi lúc nào không ai hay biết. Số học viên và giáo sư còn lại ngày nào cũng nhóm họp cầu nguyện. Người ta bắt đầu đi hôi của, cướp phá giữa ban ngày. Nơi chúng tôi cư ngụ tại Thánh Kinh Thần Học Viện ở cuối đường hơi hẻo lánh nên mục sư Viện trưởng bảo chúng tôi đến tạm trú trong một phòng ở Thánh Kinh Thần Học Viện. Thế rồi tư thất chúng tôi cư ngụ lâu nay bị quân hôi của đến cướp phá. Lần thứ nhất tôi vắng nhà nên mất đồ đạc nhiều. Lần thứ hai họ đến với súng ống. Chúng tôi bốn người gồm các tôi tớ Chúa đang kiểm soát nhà cửa nghe tiếng súng nên ẩn núp trong nhà kho. Họ la lối hỏi chủ nhà đâu. Thế là tôi phải bước ra.. Quân hôi của bắn bốn phát súng vào tôi nhưng không trúng. Thật lạ lùng! Chúa là cái khiên che chở tôi. Vừa lúc đó, một con cái Chúa chạy xe Honda qua trước nhà, thế là họ cướp chiếc xe Honda của anh ta và tẩu thoát. Tín hữu các nơi ùn ùn đổ vào Nha Trang. Họ cần nơi tạm trú, cần tiền cứu trợ, cần thực phẩm… Thật là một cảnh hỗn loạn đau thương. Tôi triệu tập buổi họp tại trụ sở Địa Hạt tìm phương cách giúp đỡ con cái Chúa. Cũng vì cuộc họp này mà về sau tôi bị chính quyền lên án là xúi giục và cổ động cho tín hữu bỏ nước ra đi. Lý do khiến tôi bị lên án là có người báo cáo sai, chụp mũ và xuyên tạc. Sau khi thành phố Nha Trang và hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng, tôi phải đi đăng ký, lấy hộ khẩu chuyển từ Thánh Kinh Thần Học Viện ra trụ sở Địa Hạt, thu dọn đồ đạc còn lại, sách vở, tài liệu dọn về trụ sở Địa Hạt bắt tay vào chức vụ mới.

Nan đề chồng chất

Tân ban trị sự họp lại. Có nhiều vấn đề. Văn thư kiện cáo từ ban trị sự tiền nhiệm lưu lại hoặc mới nhận được. Tệ tham nhũng, ăn cắp đồ cứu tế và nhiều tội lỗi khác cần được loại trừ khỏi hàng ngũ mục sư truyền đạo và ban trị sự. Có vài trường hợp cần thay đổi nhiệm sở của các vị mục sư, truyền đạo chủ tọa Hội thánh nhưng gặp khó khăn vì các chi hội cũng như đương sự không vui lòng vì cố bám víu vào trường học và số tiền Hội Hoàn Cầu Khải Tượng trợ cấp cũng như số cứu tế nhận được hằng tháng. Ban viên ban trị sự của chi hội cũng là nhân viên của trường học nên cũng hưởng phần nào lợi lộc. Giáo hội đang đi xuống dốc. Điều đau đớn nhức nhối hơn nữa là khi ngồi trong Ban Trị Sự Tổng Liên, tôi phải nghe mấy ông thuộc Hội Hoàn Cầu Khải Tượng đến than phiền sự không phân minh của các mục sư truyền đạo khi nhận đồ cứu tế cho Hội thánh và họ kết luận: "Mục sư truyền đạo Việt Nam là vậy!” Thật là đau lòng. Tôi phải trung thực viết lại những điều nầy để con, cháu, chắt, chít học hỏi trong đời sống phục vụ và theo Chúa.

…………

Biến cố năm 1975 khiến nhiều nhà thờ bị bỏ trống. Các vị mục sư chủ tọa di tản. Các ban trị sự Hội thánh thỉnh cầu Địa Hạt cử người thay thế. Thật là đau lòng vì thiếu người chăn đến với các chi hội. Hơn thế nữa, sự thăm viếng của chủ nhiệm Địa hạt cũng bị giới hạn hoặc bị nghiêm cấm.

Ông bà Truyền đạo Nguyễn Công Trứ được bổ nhiệm đến Cam Nghĩa. Nơi đây có nhà nguyện, nhưng không có tư thất cho đầy tớ Chúa. Truyền đạo Đặng Linh Khoa hiệp cùng ban trị sự chở tôn ván từ nhà thờ Cam Ranh ra Cam Nghĩa, dựng một phòng phía sau nhà nguyện cho ông bà Truyền đạo Trứ. Công tác nầy gặp nhiều khó khăn ngăn trở nhưng rồi cũng được hoàn thành. Tôi vào thăm, tạ ơn Chúa và rất cảm thương đầy tớ Chúa sống trong sự thiếu thốn mọi bề. Dầu vậy, đầy tớ Chúa vẫn kiên trì phục vụ. Một ngày kia, Truyền đạo Trứ bị bắt, tôi đi can thiệp thỉnh cầu. Sau một thời gian ông được trở về rồi lại bị bắt lần thứ hai. Tôi lại đi can thiệp, Truyền đạo Trứ được trở lại với Hội thánh và gia đình. Ông bà tiếp tục hầu việc Chúa trong sự chật vật, phải làm rẫy, trồng lúa, khoai, bắp để sống.

Truyền đạo Toàn hầu việc Chúa ở Quảng Hòa phải đi nghĩa vụ. Địa Hạt cử Truyền đạo Lạc An đến thay nhưng chính quyền từ chối. Truyền đạo Trứ phải kiêm nhiệm.

Sau biến cố 1975, tại Đơn Dương, cụ Chấp sự Minh và ban trị sự hết lòng lo việc Chúa, bảo quản nhà thờ và chăm sóc con cái Chúa. Nhưng chẳng bao lâu, nhà thờ bị chính quyền quản lý. Cụ Minh qua đời. 

Ông Bá Nha thay thế, cùng với ban trị sự lo việc Chúa tổ chức những buổi nhóm riêng từng gia đình. Tôi lên thăm công việc Chúa lần thứ nhất bị giữ một đêm rồi bị trục xuất, đứng ngoài trời chờ xe đò về Nha Trang. Đói, khát, nắng nóng, bà cụ Minh thương cảm mua phở, đem nước đến tiếp trợ, rồi sau đó tôi đón được xe về Nha Trang. Lần thứ hai tôi đi thăm cùng với con trai Phạm Xuân Nhân. Anh chị em con cái Chúa thông công vui vẻ.

Tại Di Linh, Truyền đạo tập sự Võ Danh, dầu có sự ngăn trở đã quyết tâm hầu việc Chúa. Thầy dựng một chái gần bên nhà thờ để trú ngụ, sống tự túc bằng cách làm rẫy trồng khoai bắp. Rẫy người ta cho sử dụng cách xa nhà thờ những mười cây số. Tôi rất ái ngại cho sự an ninh của thầy mỗi khi đi làm rẫy gần khu rừng rậm. Thật vậy, một ngày kia, tôi nhận được tin thầy mất tích khi đi ra rẫy để giữ bắp. Tôi đến Di Linh nhưng không tìm được tông tích của Thầy Truyền đạo Danh. Ông chấp sự Bốn và ban trị sự phải điều hành công việc Hội thánh. Chẳng bao lâu, chính quyền quản lý và đóng cửa nhà thờ. Sau một thời gian thì được biết thầy phải đi học tập.

Truyền đạo Nguyễn văn Huệ ở Đà Lạt và Truyền đạo Nguyễn văn Thiệt ở Thạnh Mỹ đều đi học tập. Với cương vị chủ nhiệm, tôi đệ đơn can thiệp xin cho các tôi tớ Chúa được trở về sum họp gia đình hầu việc Chúa và cũng xin chính quyền cho lại các nhà thờ. Sau một thời gian chờ đợi không có kết quả, tôi xin giấy thông hành lên Đà Lạt với lý do thăm chị tôi, để lo vấn đề trên đồng thời thăm viếng Hội thánh. Tôi chưa lên đến nơi, thì nhà hữu trách đã đến nhà chị tôi thẩm vấn xem chị tôi thật sự có người em tên Phạm Xuân Tín hay không? Thời gian ngắn ở Đà Lạt, tôi đi thăm tín hữu và hầu việc Chúa tại Hội thánh hai Chúa nhật.

Rồi nhà hữu trách Đà lạt mời tôi đến gặp để giải quyết những vấn đề tôi đã nêu trong đơn. Chấp sự Trần Thế Huệ chở xe đạp đưa tôi đi. Vào phòng, tôi phải trình giấy thông hành, các giấy tờ liên hệ đến chức vụ. Một nhân viên chờ sẵn chụp hình khi họ bắt đầu buổi họp và lúc ký biên bản.

Họ làm việc với tôi suốt ba tiếng đồng hồ. Cuối cùng tôi bị bắt lỗi vì đã gởi thư xin tha cho hai vị Truyền đạo là vi phạm, tôi giảng đạo ở Đà Lạt là bất hợp pháp. Vị thẩm vấn nói rằng hộ khẩu tôi ở Nha Trang nên không có quyền xin can thiệp cho các vị Truyền đạo ở nơi khác. Trong gần ba tiếng đồng hồ làm việc, họ có cho nghỉ uống nước trà, ăn chuối. Khi được ra về, vị thẩm vấn đưa tôi ra tận cổng, tôi ngỏ lời mời vị ấy nếu có dịp đến Nha Trang thì xin mời ghé trụ sở Địa Hạt, tôi hân hạnh đón tiếp.

Khi được tin Mục sư Lê Khắc Cung bị bắt, tôi cũng đại diện Địa Hạt gửi đơn thỉnh cầu chính quyền cho ông được trở về phục vụ Chúa và sum họp gia đình. Sau một thời gian tôi nhận được văn thư trả lời rằng Mục sư Cung không lo lao động sản xuất, mà còn giảng đạo bất hợp pháp.

Tôi gửi đơn xin giấy thông hành để đi thăm các tôi tớ Chúa và các Hội thánh vùng Ban Mê Thuột, nhưng được trả lời: “Trên vùng ấy toàn Fulro, bác lên làm gì?” nên chính quyền không cấp giấy thông hành cho tôi. Do đó, suốt mười năm làm Chủ nhiệm cho đến khi về hưu, tôi vẫn chưa được trở về miền đất đỏ đầy kỷ niệm về những ngày tháng đầu tiên hầu việc Chúa giữa đồng bào sắc tộc.

Tại Cam Ranh, công việc Chúa đang phát triển thì ma quỷ lại tìm cách khác để chia rẽ Hội thánh Chúa. Thầy cô Truyền đạo Đặng Linh Khoa rất được ơn phục vụ Chúa đắc lực. Có một số tín hữu tư tưởng quá khích, chủ trương bỏ các lễ nghi như dâng con, báp-tem, trang trí ngày Lễ Giáng Sinh… nên bỏ Hội thánh ra nhóm riêng tại nhà ông bà Truyền đạo Khoa. Ông bà Truyền đạo nộp đơn ra khỏi Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Một thời gian sau, ông bà xin gia nhập trở lại, Tổng Liên Hội chấp thuận, nhưng tín hữu Hội thánh Cam Ranh không hoan nghênh.

Tôi phải trải qua nhiều sự khó khăn khác khi đi thăm viếng các Hội thánh hoặc khi giảng dạy. Vào một dịp lễ Giáng Sinh, tôi đến Hội thánh Phan Thiết, vừa bước xuống xe xích lô để vào nhà thờ thì có hai vị công an đến hỏi giấy tờ rồi không cho phép tôi chủ tọa buổi lễ. Tôi chỉ được phép cầu nguyện và chúc phước thôi. Một lần khác, từ Nha Trang đi ra Sông Cầu để thăm và giảng dạy. Sau khi trình giấy tờ, tôi lại bị trục xuất lên xe về ngay Nha Trang lúc hai giờ khuya Một buổi sáng kia, trên đường đi đến La Hai để hầu việc Chúa. Dọc đường, hai du kích kiếm tôi và bảo tôi phải đến đồn công an trình diện. Khi xe vừa đến nơi, tôi vào trình diện ngay và trưởng đồn không cho phép tôi giảng. Thế là lại lên đường trở về. Một lần, tôi được giấy phép đến thăm và giảng cho Hội thánh Tháp Chàm. Vừa đứng lên đọc Kinh thánh thì bị công an ở đó đến gọi đi trình diện và tịch thu giấy tờ. Hội thánh Tháp Chàm khẩn thiết cầu nguyện. Sau một tiếng đồng hồ làm việc, họ cho tôi về có cán bộ công an đi kèm vào nhà thờ. Tôi chỉ được phép ngồi dự lễ, thờ phượng Chúa.

Cùng một ngày chính quyền chiếm và quản lý Thánh Kinh Thần Học Viện, nhà thờ Vĩnh Phước tọa lạc gần đó và tư thất mục sư cũng bị niêm phong. Mục sư Huỳnh Sĩ Hùng phải đi học tập ba năm. Sau đó chúng tôi nộp đơn xin lại nhà thờ và chỉ một tuần sau nhà thờ được trao trả. Hội thánh nhóm họp theo sự điều hành của Địa Hạt và ban trị sự chi hội. Mười ba năm trong chức vụ chủ nhiệm Địa Hạt, giữa thời thế đổi thay, tôi cùng Ban Trị Sự Địa Hạt ngày đêm thiết tha cầu nguyện, nâng đỡ nhau trong chức vụ. Nhìn thấy bầy chiên của Chúa nhỏ bé, sống trong nghèo khó, thiếu thốn, lòng chúng tôi se thắt. Thật là một giai đoạn ngặt nghèo nên hầu như tất cả đều gần Chúa hơn. Chúng tôi hằng kêu xin với Cha Thiên Thượng: “Chúa ơi, xin chớ giấu mặt Ngài với Hội thánh của Chúa!”…

Phó Viện Trưởng Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang

Sau khi Viện trưởng Ông văn Huyên đắc cử Hội trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam, Ban Trị Sự Tổng Liên họp đề cử tôi làm chủ nhiệm kiêm Viện trưởng. Tôi nhất quyết từ chối vì không đủ sức. Sau đó vị Hội trưởng kiêm Viện trưởng yêu cầu tôi giữ chức Phó Viện trưởng để điều hành công việc nhà trường.
Chúng tôi gửi đơn đến chính quyền xin mở khóa học 1976-1977. Trong khi chờ đợi giấy phép thì chúng tôi nhận được nhiều thư hỏi về ngày khai giảng.

Trong phiên họp của cấp lãnh đạo nhà trường, vị giám học từ chối thảo thư thông báo về sự chờ đợi giấy phép nên tôi thảo bức thư thông báo và có trích câu Thánh Kinh I Cô-rinh-tô 15:58 xin các Hội thánh cầu nguyện hoặc kiêng ăn cầu nguyện cho vấn đề khai giảng khóa học 1976-1977. Sau khi thông báo được gửi đi thì công an mời tôi đến điều tra hai lần về thông báo này ở hai địa điểm khác nhau. Mỗi lần tôi được hỏi cung trên hai tiếng đồng hồ.

Tôi bị lên án là khích động quần chúng, xúi nhân dân tuyệt thực đấu tranh nên dùng chữ “hãy vững lòng, chớ rúng động…” như đã trích trong I Cô-rinh-tô 15:58. Tôi trả lời, giải thích, biện minh. Cuối cùng họ buộc tôi phải viết lại văn thư xin các Hội thánh ở vùng Nha Trang chỉ cầu nguyện mà đừng kiêng ăn. Tối hôm đó là tối thứ bảy, tôi phải đánh máy văn thư ngay lập tức rồi đạp xe đi đưa thư để sáng Chúa nhật thư được đọc giữa các Hội thánh. Chúa cũng thương tôi ốm yếu, gầy gò, đạp xe đi nhiều nơi thì mệt mỏi vô cùng nên Ngài cho tôi gặp Truyền đạo Trương văn Bồn ở Vĩnh Phước. Ông có xe Honda nên đã giúp chở tôi đi đến các Hội thánh mãi đến hơn 10 giờ tối mới về đến nhà. Đây là nỗi gian nan đầu tiên tôi trải qua trong chức vụ Phó Viện trưởng.

Thánh Kinh Thần Học Viện không được phép mở cửa khóa 1976-1977. Sau một thời gian dài chờ đợi, tôi bận rộn với công việc của Địa Hạt nên xin từ chức Phó Viện trưởng và được chấp thuận. Khi chính quyền chiếm và quản lý Thánh Kinh Thần Học Viện có văn thư mời tôi đến thảo luận, thư mời đề tên tôi với chức Phó Viện trưởng, tôi từ chối và trình cho họ biên bản của Viện trưởng thuận cho tôi từ chức trước đó. Họ bèn gửi một thư mời khác với chức vụ chủ nhiệm Địa Hạt đến dự kiến thôi. Các vị mục sư giám thị nội vụ và ngoại vụ đã phải ký những văn kiện chuyển giao Thánh Kinh Thần Học Viện. Chúng tôi giã từ Thánh Kinh Thần Học Viện với tấm lòng quặn thắt và chỉ biết trông chờ quyền năng tể trị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi”…[12]

Tôi phải trích một chương dài như vậy vì muốn những người đi sau thấy được Những Người Đi Trước chịu biết bao là gian khổ, nhưng vẫn hết lòng giữ gìn công việc của Đức Chúa Trời, lo cho anh em trong Chúa từ người hầu việc Chúa đến bầy chiên, nhất là trong tuổi cao sức yếu như Cụ Mục sư Tín, thêm vào đó là sự xáo trộn do nhiều người bỏ chức vụ, bỏ bầy chiên ra đi nước ngoài, hoặc tìm theo ‘con đường 30-4’, nghĩa là lợi dụng thời thế để làm ‘người quốc doanh’. Biết như vậy, mới hiểu được những dòng thơ quyết tâm dâng mình cho Chúa mà Cụ Mục sư Tín đã cảm tác khi được Chúa kêu gọi, Mục sư Tín viết: “Ngày ngày học Lời Chúa cộng với những thì giờ thông công với Cha Thiên Thượng, tôi được sự cảm thúc bởi Thánh Linh đã bày tỏ đức tin và quyết tâm theo Chúa qua bài thơ:

MUỐN ĐẾN THIÊN ĐÀNG

Chập chùng ngọn núi hồ hùm beo,
Vứt bỏ ra đi quyết quyết trèo.
Lời Chúa làm gươm khi đến ải,
Sức Thần ấy gậy lúc qua đèo.
Quản chi cuộc thế đời đen bạc,
Đâu kể phù vân cảnh tẻo teo.
Phải trái mặc ai ai diễu cợt,
Thiên đàng muốn đến quyết trèo leo.
(1935)[13]

Học môn Thần học với Cụ Mục sư Tín có một điểm đặc biệt là mỗi khi có sinh viên nào thắc mắc hỏi một câu, thì y như rằng, Cụ Mục sư Tín sẽ trả lời: “Về hỏi Chúa”. Những khi ấy, cá nhân tôi cũng không vừa ý vì tuổi trẻ chúng tôi thích được tranh cãi. Nhưng về sau khi có dịp dạy Thần học cho anh em đi sau, đứng trước nhiều câu hỏi, tôi phải áp dụng cách trả lời của Mục sư Tín: “Về hỏi Chúa”, vậy mà thành công để mà nhớ ơn Thầy xưa.

Viết về Mục sư Phạm Xuân Tín, không thể nào không nhắc đến tình yêu thương giữa Cụ Mục sư Tín và Bà. Năm tôi học tốt nghiệp (Khóa 1970-1971), Bà bị bịnh rất nặng, chúng tôi trong Viện thiết tha cầu nguyện và cũng xót xa khi nhìn thấy vị Giáo sư của chúng tôi tuổi cao trước gánh nặng gia đình đè nặng, vừa lo dạy vừa lo công việc Hội thánh chung trong Tổng Liên Hội, vừa một tay săn sóc Bà, không tránh được vẻ mệt mỏi trên gương mặt. Cơn bịnh của Bà kéo khá dài, nhưng rồi Chúa đã chữa lành cho, và chúng tôi thấy được sự vui mừng trên vị Giáo sư của mình. Rồi khi tuổi đã cao trên 90, Cụ Mục sư bị đột quỵ, mắt lòa, tai điếc, phải ngồi xe lăn. Đây là lời các con của Cụ Mục sư viết về Ba Mẹ (Ông Bà Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín): “Làm sao quên được hình ảnh ba ngồi trên xe lăn đến thăm mạ [Bà Cụ Mục sư bị đột quỵ não tháng 8 năm 2007], liệt nửa người bên trái, không tự ăn uống được). Bản thân tôi (con của Cụ) thầm nghĩ, ba đã già yếu, lại lòa mắt, vào thăm mạ làm chi, chỉ khổ thân. Nhưng ba đã nhất quyết thì chẳng ai cản được. Khi xe lăn đưa ba đến phòng bệnh, đến bên giường ba mò mẫm tìm tay mạ, rồi nói rất lớn tiếng (vì ba điếc nặng) giọng Huế đặc “Mạ Ly ơi, tôi vào thăm Mạ Ly đây”… rồi ba rổn rảng cầu nguyện cho mạ; cả phòng bệnh hai ba chục bệnh nhân và thân nhân im phăng phắc nghe. Sau khi ba về, mọi người đều khen hai Cụ đã già mà còn rất tình cảm[14]. Hãy nghe chính Cụ Mục sư ghi lại tâm tình của Hai Cụ: ‘Hôm nay, ngày 10 tháng 6 năm 1990, vợ tôi bảy mươi bốn tuổi, tôi đã bảy mươi tám tuổi, chúng tôi ôn lại những năm tháng đồng công cộng tác trong chức vụ, dâng lời cảm ta Chúa. Tôi nhớ lại những vần thơ cảm xúc vào ngày 8 tháng 5 năm 1985, khi đứng trước cây hoa hướng dương kỷ niệm năm thứ bốn mươi chín ngày thành hôn của chúng tôi:

Hai ta giống Hướng dương
Một gốc, một thiên phương,
Bốn chín năm hầu Chúa
Trăm năm nặng mối thương.
Truyền lời Chúa, xây Giáo hội,
Dạy Đạo dựng gia nương.
Khốn đốn trong công Thánh,
Phước lành ở Thương Đường.[15]

Có mối tình nào cùng sống cùng chết trong chức vụ hầu việc Chúa đẹp như vậy đâu! Ngày 5 tháng 1 năm 2008, Chúa đem Đầy Tớ của Chúa về trong tuổi 96; Mười ngày sau – ngày 15 tháng 1 năm 2008, Chúa lại đem Bà về cùng Ông với tuổi 92. Đáng học lắm thay! (Tôi mong thế hệ sau đọc quyển Hạt Giống của Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín, xuất bản 2012, ghi chép từ các con của Cụ Mục sư, để biết thêm những công khó của Một Người Đi Trước chúng ta)          ./.



nguồn: facebbook


                                                                                    ***




                                                  ----------------------------------------------------------------------


                                                                           tưởng  nhớ



                                                                 Mục sư Tin lành tiên phong
                                                                         PHẠM XUÂN TÍN





                                                                          blog Virgil  Gheorghiu
                                                                          Saigon, June 14,  2020


                                                 ------------------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ