Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

về nhà phê bình văn học tài danh: VŨ NGỌC PHAN [1902 - 1987 hanoi ] / bài viết: Thụy -- source: ZING news



Vũ Ngọc Phan:

 'Một thuở dọc ngang cùng cây bút'




Năm 1942, Hoài Thanh và Hoài Chân cho ra đời Thi nhân Việt Nam. Không hẹn mà gặp, chính thời điểm này nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan hoàn thành một trong những tác phẩm để đời là Nhà văn hiện đại. Hai tác phẩm này đã tạo bước ngoặt lớn về nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học còn non trẻ ở nước ta thời bấy giờ.
Vũ Ngọc Phan sinh năm 1902 tại phố Hàng Đào, Hà NộiNộit. Là người xuất thân trong gia đình có dòng dõi thư hương, từ nhỏ thế giới của Vũ Ngọc Phan đã gắn liền với văn chương và sách vở. Cha ông, cụ Vũ Kỳ Sâm hay mời bạn bè đến nhà nói chuyện thơ văn. Trong những buổi đàm đạo ấy, cậu bé Vũ Ngọc Phan thường được nhận chân “sai vặt”, chủ yếu là đi lấy sách vở từ thư phòng đến cho cha.
Tuy dáng người nhỏ nhắn hơn bạn bè cùng tuổi, nhưng cậu bé Phan rất thông minh. Không những biết kha khá chữ Hán, chữ Nôm mà còn nhớ rất rõ vị trí của từng cuốn sách, vì thế cậu lấy sách rất nhanh nhưng chưa bao giờ lấy nhầm. Ngoài học chữ Hán và chữ Quốc ngữ ở nhà cùng cha và các chị, Vũ Ngọc Phan còn được cho học tiếng Pháp. Từ đây, cậu bé tìm thấy niềm vui mới.
Vu Ngoc Phan anh 1
 Vũ Ngọc Phan & vợ là nhà thơ Hằng Phương
Nhà của thầy giáo Tây học có rất nhiều báo chí bằng chữ Quốc ngữ cũng như tiếng Pháp. Với một con “mọt sách” như cậu bé Phan thì số sách này quả là một kho báu. Vũ Ngọ Phan rất thích thú với các tác phẩm nước ngoài được dịch hay phóng tác trên tạp chí như: Thơ ngụ ngôn La FontaineTrưởng giả học làm sang, Miếng da lừa
Sinh ra vào thời điểm mà nền Tây học phát triển mạnh mẽ, đến tuổi thiếu niên, người anh vợ của Vũ Ngọc Phan khi ấy là cậu Tham Tân đã khuyên cụ Sâm cho con trai theo Tây học để bắt kịp với thời thế. Được anh Tân khuyến khích, năm 19 tuổi, Vũ Ngọc Phan nộp đơn thi vào trường Lycée Albert Sarraut. Do thành tích học tập xuất sắc mà cậu học trò họ Vũ luôn được miễn học phí.
Năm 27 tuổi, Vũ Ngọc Phan đỗ Tú tài Tây học toàn phần. Với tấm bằng này nhiều thanh niên đương thời chọn vào làm cho chính quyền bảo hộ hoặc các nhà buôn của Pháp. Không thích gò bó, Vũ Ngọc Phan quyết định làm việc tự do, vừa viết báo, vừa dạy học. Quyết định này của ông được sự ủng hộ của người bạn đời, bạn văn, nhà thơ Hằng Phương.
Trong khoảng mười năm từ 1932-1942, ngoài công việc nghiên cứ Vũ Ngọc Phan còn dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới sang tiếng Việt, có thể kể đến như: Đảo giấu vàng (Stenvenson), Anna Karenina (Tolstoi), Ivanhoe (Water Scott). Có thể nói, Vũ Ngọc Phan là người đi đầu trong việc dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của nền văn học thế giới tới độc giả Việt Nam.
Ngoài cuốn Nhà văn hiện đại, phải kể thêm một công trình nghiên cứu rất khác cũng không kém phần công phu, đó là bộ Tục ngữ, ca dao Việt Nam xuất bản lần đầu năm 1956, được chỉnh lý, bổ sung cho đến năm 1978 đổi tên là Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam.
Bộ sách này là công trình nghiên cứu đầy tâm huyết, để hoàn thành nó, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã phải đi tới nhiều vùng miền, dày công sưu tập, thu thập cả  những làn điệu dân ca cổ của các dân tộc ít người.
Vu Ngoc Phan anh 2
Bộ sách Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (2 tập) do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2016.
Không những thế, Vũ Ngọc Phan còn là người khai sinh ra thuật ngữ “văn học dân gian” mà trước kia người ta vẫn quen gọi là văn học bình dân. Ông là một trong những người có công đầu trong việc sáng lập ra Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1966.
Vũ Ngọc Phan mất năm 1987 tại Hà Nội. Tên của ông được đặt cho một con phố của thủ đô. Trên phố Vũ Ngọc Phan có quán bia Legend khá nổi tiếng, là điểm tụ họp yêu thích của nhiều người. Nhưng một điều thú vị là sinh thời nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan không bao giờ đụng đến bia rượu.
Có một giai thoại rằng khi mới 5 tuổi, cậu bé Phan đã bị một người anh họ “lừa” uống rượu khiến cậu say mềm, chui vào trong tủ ngủ quên trời đất. Đến khi 7 tuổi, trong một lần đi ăn giỗ cùng mẹ, bị xếp ngồi vào mâm đàn ông, Vũ Ngọc Phan lại say bí tỉ, đến nỗi phải bôi vôi sống vào gan bàn chân cho tỉnh rượu. Thế nên sau này cứ thấy rượu là Vũ Ngọc Phan lại thấy…sợ!        ./.

THỤY  OANH

                                                                    ***

                                     ------------------------------------------------------
                                                            
                                                           tưởng nhớ


                                         nhà phê bình văn học tài danh tiền chiến
                                                    VŨ NGỌC PHAN
                                                  tác giả NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI 
                                              


                                                          blog Virgil Gheorghiu
                                                           Saigon, June 12, 2020

                                      ---------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ