Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Ộng già ngu xuẩn/ Alberto Moravia ( bản việt ngữ: Thân Trọng Sơn ) -- source: trang VHNT Phạm Cao Hoàng

THURSDAY, MAY 14, 2020


1582. ÔNG GIÀ NGU XUẨN Truyện ngắn ALBERTO MORAVIA nhà văn Ý( 1907-1990 ) - Dịch và giới thiệu: Thân Trọng Sơn



Truyện ngắn dưới đây, cùng với nhiều truyện khác, đã được đăng trên nhật báo Corriere della Sera ( Tin tức buổi chiều ) khi mà tên tuổi Moravia đã được biết tới qua một loạt tiểu thuyết.  Bạn đọc nhật báo nói trên mỗi ngày đều lật sang trang 3 để nghiền ngẫm những chuyện gần gũi với cuộc sống của mình. Về sau những truyện này được in lại trong tuyển tập Racconti romani ( Những mẩu chuyện thành Rome ) với những nhân vật chủ yếu thuộc giới bình dân trong xã hội Ý sau Thế chiến thứ 2. Dù là y tá, lái xe, thợ hớt tóc, ca sĩ, anh hầu bàn, người bảo vệ..., tất cả đều xuất hiện, xưng tôi, và kể chuyện đời mình, với  nhiều sắc thái khác nhau qua những cuộc mưu sinh không dễ dàng. Vậy mà, lúc nào, ở đâu, họ cũng quan tâm chia sẻ cùng nhau, và, như thế, trong mỗi truyện, dù bất trắc bi thảm tới đâu, vẫn len vào vài nét hài hước.

Nhan đề của truyện theo nguyên bản tiếng Ý là " Vecchio stupido ", người dịch dựa vào bản tiếng Pháp của Claude Poncet, là người chuyên dịch Moravia từ năm 1947 với cuốn " l' Amour conjugal"đến cuốn cuối cùng " l'Homme " năm 1965. 

      Nếu bạn có thói quen hay tán tỉnh phụ nữ, thiệt là khó để nhận biết đến khi nào với bạn thời kỳ đó đã qua và phụ nữ chỉ còn xem bạn như bậc cha chú, thậm chí còn lên hàng ông nữa. Càng khó hơn bởi lẽ đàn ông trung niên thường có hai khuôn mặt: một bên ngoài, với những nếp nhăn, tóc bạc, răng hư, mắt đục, ngược lại, mặt bên trong thì vẫn giữ nét trẻ trung, tóc dày bóng, mặt nhẵn nhụi, răng trắng sáng, mắt tinh anh. Chính mặt bên trong này vẫn say mê  ngắm nghía  phụ nữ, tưởng như họ có thể nhìn thấy được nó. Tuy vậy chính mặt bên ngoài lại lộ ra dưới mắt phụ nữ khiến họ thốt lên: "Ủa, lão già này muốn gì vậy ta? Lão có ý thức được là lão đáng mặt ông nội mình hay không ta? "
      Năm ấy, tiệm hớt tóc nơi tôi làm việc từ 30 năm nay chỉnh trang lại: thay gương soi và bồn rửa mặt, sơn lại tường, ông chủ nghĩ việc nên làm là tuyển thêm một cô thợ làm móng tay, tên cô là Iole. Trong tiệm, ngoài ông chủ, cánh đàn ông có ba người, Amato, chàng trai 25 tuổi, da nâu, nghiêm trang, trước làm cảnh sát, Giuseppe, hơn tôi 5 tuổi, thấp người, đầu hói, to mập, và tôi. Như thường lệ, khi một bóng hồng xuất hiện ở chỗ chỉ có đàn ông, tôi nhận ra ngay là cả ba chúng tôi đều chằm chằm nhìn cô gái.
      Tuy nhiên, nàng chẳng có gì đặc biệt, một phụ nữ, loại thường thấy hình in trên các bưu ảnh, đỏm dáng, vóc người đầy đặn, mắt sáng, tóc đen, phụ nữ như thế có đến hàng triệu! Thật ra cũng cần nói thêm là, chẳng khoe khoang gì, tôi có thể tự cho mình đẹp trai. Dáng tôi gầy, cao trung bình, vẻ mặt hơi xanh và có biểu cảm, phụ nữ thường cho là tôi có nét hấp dẫn.  Đúng là mỗi khi tôi liếc ngang, vẻ dịu dàng của đôi mắt gây ấn tượng, một sự dịu dàng đầy tình cảm, chẳng có gì kiểu cách. Nhưng thứ trội nhất ở tôi là mái tóc. Tóc tôi màu nâu hạt dẻ nhạt, mảnh, tinh tươm, gợn sóng, để dài với một chòm vén lên trán và tóc mai sà xuống ngay giữa má. Ngoài ra, tôi khá lịch lãm, hết giờ làm việc tôi ăn mặc chỉnh tề, cà vạt, vớ và khăn túi áo hợp màu nhau, còn trong tiệm, tôi khoác chiếc áo choàng trắng tinh chừng như là áo của bác sĩ giải phẫu.
      Những tính cách đó giải thích lý do tôi luôn thành công với phụ nữ. Và vì sự may mắn đó không bao giờ khác được nên tôi có thói quen nhìn chòng chọc người phụ nữ nào tôi thích, cách nhìn có ý nghĩa hơn ngàn lời khen. Và cứ thế, sau khi nhìn nàng thật lâu, tôi tiến tới gần và cảm thấy trái cây đã chín, chỉ cần đưa tay ra hái thôi.
      Trở về với Iole. Người tôi ngại nhất ở tiệm là cậu Amato. Cậu ấy chẳng đẹp trai, chẳng hấp dẫn nhưng còn trẻ. Lão Giuseppe thì tôi chẳng bận tâm, già hơn tôi như đã nói, lão lại xấu đến hết thuốc chữa. Suốt ngày Iole ngồi một góc trước cái bàn làm móng, đờ đẫn vì buồn chán và ngồi một chỗ, chỉ có việc đọc tới đọc lui hai, ba tờ báo có sẵn trong tiệm hay tự làm móng cho mình trong khi chờ làm cho khách. Theo bản năng, có khi cũng chẳng cố ý, tôi cứ nhìn theo dõi nàng liên tục. Có khách đến và ngồi vào ghế, chỉ bằng một động tác điệu nghệ, tôi phủ ngay chiếc khăn qua cổ khách trong khi cố đưa mắt liếc nhìn cô thợ móng tay, rồi khi gội đầu cho khách, tay vò cái đầu đầy bọt xà phòng, tôi lại liếc nhìn lần nữa. Hoặc khi đang tỉa viền tóc với đầu lưỡi kéo, cứ nhắp bốn nhát kéo tôi lại đưa mắt nhìn nữa. Nếu chính cô nàng đứng dậy đi lấy gì đó trong tủ, tôi lại nhìn hình nàng trong gương.
      Cần phải nói rõ, Iole chẳng đỏm dáng và lanh lẹ gì, mà có vẻ bề ngoài mơ màng, ít nói, đần độn, trông như con mèo mập ngái ngủ. Cứ thế, ngày qua ngày, nàng dần dà nhận ra là tôi hay nhìn nàng, rồi nàng cứ để tôi nhìn như vậy, cuối cùng nàng bắt đầu liếc nhìn trở lại. Chẳng tinh nghịch gì, nàng chẳng bao giờ như thế, chỉ vụng về và hơi ngờ nghệch, nhưng không thể nhầm lẫn được.
      Lúc này tôi nghĩ - xin được nói thế này - cá đã cắn câu rồi, và một ngày thứ bảy, tôi rủ nàng chiều hôm sau đi tắm với tôi ở bãi biển Ostie. Nàng nhận lời ngay, chỉ yêu cầu đừng chê bộ áo tắm của nàng, nàng chỉ có một bộ duy nhất giờ hơi chật vì nàng đã mập ra. Nàng nói điều đó chẳng chút ngại ngùng: " Cứ ngồi mãi một chỗ, em nay tròn quay!" . Một cô gái chẳng rào đón gì, bạn thấy không, và tôi khoái nàng vì lẽ đó.     
      Hôm sau chúng tôi hẹn nhau tại ga xe lửa St Paul, trước khi đi tôi đã sửa soạn thật cẩn thận. Tôi cạo râu nhẵn nhụi, thoa chút phấn lên má, chải tóc với lược dày để khỏi vương lại chút gàu nào, và vẩy chút nước hoa violet trên đầu và khăn tay. Tôi khoác áo sơ mi hở cổ, áo khoác ngoài mỏng, mang quần dài trắng. Iole rất đúng hẹn, lúc 2 giờ, tôi nhìn thấy nàng rẽ đám đông hành khách tiến lại phía tôi . Nàng mặc toàn đồ trắng, đẫy đà, hơi thấp nhưng trẻ trung và hấp dẫn.
      - Đông người quá, nàng nói với tôi, rồi ông xem, chúng ta sẽ phải đi bộ đến Ostie đấy!
      Tôi hào hiệp trả lời rằng bằng mọi cách tôi sẽ kiếm chỗ cho nàng, nàng cứ để tôi lo liệu. Và con tàu đến..., đám đông trên sân ga bắt đầu chuyển động hoảng loạn, chừng như có cả đại đội kỵ binh đang rượt đuổi, chỉ nghe tiếng la hét và gọi nhau. Tôi phóng tới trước, bám vào cửa, rướn lên khỏi đám đông, sắp sửa vào được bên trong. Một cậu thanh niên nước da nâu đen, thấp nhỏ lấn tôi để vượt qua, tôi xô mạnh, nó nắm lấy tay áo tôi mà kéo, tôi thúc cùi chỏ vào bụng nó, gạt tay ra và nhảy vào toa tàu. Nhưng vì tôi đã phí mất thời gian với thằng điên rồ kia , toa tàu đã chật cứng, chỉ còn một chỗ trống. Tôi phóng tới đó, một người khác nhảy trên lưng tôi lao đến, và cùng một lúc, để giành chỗ, tôi ném bộ quần áo tắm, nó ném chiếc áo khoác vào chiếc ghế ngồi. Cả hai đương đầu nhau.
      - Tôi đến trước.
      - Ai bảo thế?
      - Tôi nói vậy đó, và tôi ném cái áo khoác của nó vào mặt.
      Ngay lúc đó Iole xuất hiện và không ngần ngại xà vào ngồi và nói cảm ơn tôi. Tên trai trẻ lượm áo lên, do dự một lát rồi thấy là không đuổi Iole đi chỗ khác được vừa bỏ đi vừa lớn tiếng:
      - Ông già ngu xuẩn!
      Liền sau đó con tàu chuyển động và tôi đứng cạnh Iole. Nhưng bất chợt, tôi thấy hết hào hứng và chỉ muốn một điều là xuống tàu và bỏ đi. Cái tên gọi "ông già ngu xuẩn " rơi vào tôi đúng cái lúc tôi ít mong chờ nhất. Rõ ràng là tên trẻ tuổi đã ném "ông già ngu xuẩn " vào tôi với hai dụng ý. Ý nhục mạ nằm ở chữ ngu xuẩn cũng dễ hiểu thôi, hắn muốn sỉ nhục tôi và coi tôi là ngu xuẩn. Nhưng tên gọi "ông già "được thốt ra không phải để sỉ nhục, nó chỉ nêu lên một sự thật. Giả sử là thay vì tôi đã 50 tuổi, tôi chỉ mới mười sáu, hắn sẽ nói: " Thật ngu xuẩn, thằng nhóc con! " tóm lại, với hắn, tôi là một ông già, và việc hắn nói tôi ngu xuẩn, còn Iole có cho rằng tôi thông minh đi nữa thì cũng không quan trọng gì. Vả lại, cũng không cần Iole phải giành lấy cái ghế, rồi thế nào hắn cũng nể tôi tuổi lớn mà nhường chỗ cho tôi chứ. Điều này tôi càng tin hơn khi người hành khách ngồi trước măt Iole đã chứng kiến sự việc lên tiếng: " Cậu kia thật thô lỗ, lẽ ra phải nể nang người có tuổi chứ! "
      Tôi cảm thấy lạnh toát cả người và hoàn toàn suy sụp. Thỉnh thoảng tôi đưa tay sờ lên mặt, như thể vì không có gương soi nên lần ngón tay để dò tìm dấu hiệu của tuổi già. Tất nhiên là Iole không nhận ra chuyện gì. Được nửa đường đi, nàng nói:
      - Em rất tiếc là ông phải đứng.
      Tôi cũng chỉ biết trả lời:
      - Có lẽ tôi già thật, nhưng đâu đến nỗi không thể đứng được nửa tiếng đồng hồ!
      Và tôi mong đợi nàng sẽ thốt lên:
      - Già ư? Ông mà già? Ôi... Lui gi... Ông nói gì lạ thế!
      Trái lại, cô gái ngốc nghếch kia chẳng nói gì, tức là đồng ý với câu nói của tôi.

      Đến bãi biển Ostie, nàng thay quần áo trước, bước ra khỏi phòng thay đồ với chiếc áo tắm bó sát thân hình như sắp bung ra, trắng nõn, mát mẻ, rắn chắc, trẻ trung đến phát thèm.  Đến lượt tôi vào phòng thay đồ, việc đầu tiên là soi mình vào chiếc gương vỡ treo trên tường. Tôi già thật sao? Tại sao lâu nay không nhận ra? Liếc nhanh qua tôi thấy tóc lốm đốm những sợi bạc, đôi má mềm nhão, răng vàng ố. Chiếc áo sơ mi hở cổ trông trai lơ làm tôi phát ngượng quá mức: nó để lộ cái cổ với những nếp nhăn, chảy xệ xuống che cả yết hầu. Tôi cởi đồ ra và khi cúi người xuống để mặc quần tắm vào, da bụng tôi phình lên tới chỗ dạ dày rồi rơi thõng xuống như một cái túi xì hơi. "Ông già ngu xuẩn ", tôi giận dữ lặp lại. Cuộc đời thật biến chuyển bất ngờ, trước đây một tiếng đồng hồ, tôi tưởng mình còn trẻ đến mức có thể tỏ ra hào hoa với Iole, bây giờ, chỉ với bốn chữ đó, tôi lại thấy mình già, đáng tuổi làm bố cô ta. Và tôi thấy xấu hổ vì đã nhìn cô ta quá nhiều ở tiệm rồi còn rủ đi chơi nữa.  Trời mới biết cô ta nghĩ gì về tôi,  tôi ra sao dưới mắt cô ta!
      Lát sau thì tôi biết được cô ấy nghĩ gì về mình.
      Bám vào dây an toàn, chúng tôi để cho các cơn sóng dập vào người, biển động, sau mỗi đợt sóng đánh vào người, tôi không thở nổi và nghĩ: mình ngộp thở vì già rồi! Còn cô nàng đầy phấn khích, lớn tiếng gọi tôi:
      - Lui gi, ông biết không, em không nghĩ là ông thể thao đến vậy!
      - Vì sao? tôi hỏi. Sao cô nói tôi vậy?
      - Có gì đâu, thông thường, một người vào tuổi ông không thích tắm biển nữa... Việc đó dành cho đám trẻ.
       Ngay lúc này, một con sóng mạnh hơn, cao hơn đầy cả bọt đổ vào chúng tôi, tôi sẩy chân vấp vào Iole và, để giữ thăng bằng, tôi nắm lấy tay nàng, một cánh tay rắn chắc, tròn lẳn, da thịt trẻ trung, dẻo dai.
       Miệng đầy nước mặn, tôi nói lớn:
       - Tôi đáng tuổi bố cô đấy!
Trong đám bọt nước phủ quanh người, nàng cười nói:
      - Bố..., không dám, mà thôi, chỉ cỡ chú em thôi.
      Tóm lại, khi lên khỏi nước, tôi xấu hổ và bối rối đến tê người, không nói  được lời nào. Tôi cảm thấy miệng bị kẹp chặt giống như cái bẫy sập phải dùng kìm mới mở ra được. Iole đi trước tôi, kéo chiếc áo tắm che đùi và ngực vì khi ướt trông chúng lộ liễu quá, rồi nàng nằm dài trên bãi, lấy cát phủ lên người. Nhưng cát không dính vào làn da rắn chắc của nàng mà cứ rời ra từng tảng.Tôi ngồi cạnh nàng, nín thinh, căng thẳng, không cựa quậy, không mở miệng được. Iole, dù không nhạy bén lắm, chắc cũng thấy tôi không được thoải mái bởi đột nhiên nàng hỏi tôi có khoẻ không.
      - Tôi đang nghĩ về cô, tôi nói. Trong tiệm mình, cô thích ai nhất trong ba chúng tôi, Amato, ông già Giuseppe hay là tôi?
      Nàng đắn đo, suy nghĩ lâu trước khi trả lời:
      - Nhưng em thích cả ba.
      Tôi nhấn mạnh:
      - Thế nhưng, Amato còn trẻ.
      - Vâng, anh ấy còn trẻ, nàng trả lời.
      - Tôi nghĩ là cậu ấy mê cô, một lát sau tôi nói tiếp.
      - Thật vậy hả? Em chẳng để ý gì cả.
      Nàng lơ đãng, có vẻ lo lắng. Cuối cùng:
      - Này Lui gi. Em gặp rắc rối rồi. Áo tắm của em bị bung chỉ phía sau. Đưa hộ em cái khăn, em phải đi thay đồ đây.
      Thực tình tôi cũng hài lòng vì sự việc bất ngờ này. Tôi đưa nàng cái khăn, nàng lấy khăn quấn lên hông rồi chạy vào phòng thay đồ. Nửa giờ sau, chúng tôi ngồi trên tàu, trong một toa không có hành khách nào. Tôi gài kín cổ áo và tự nhủ từ nay mọi chuyện kết thúc, tôi đã già.

      Ngày hôm đó, tôi thề là từ nay sẽ không nhìn Iole và bất cứ phụ nữ nào khác nữa, và tôi đã giữ lời. Tôi thấy nàng có vẻ ngạc nhiên, hình như trong mắt nàng có chút gì trách móc, nhưng có thể đó chỉ là cảm tưởng của tôi vậy thôi. Một tháng qua đi, tôi chỉ nói chuyện với nàng bốn hay năm lần. Trong thời gian đó, nàng thân thiện với Giuseppe, tuy nhiên ông già lại cư xử như cha chú, chẳng chút nào lộ ý tán tỉnh, lại tỏ ra nhu nhược, nghiêm trang. Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình già, tôi vẫn tiếp tục cắt tóc, cạo râu cho khách, nhận tiền thưởng khách cho và vẫn câm như hến.
      Rồi một hôm, đúng lúc tiệm đóng cửa, khi tôi cởi áo choàng ở phòng kho phía sau cửa tiệm thì ông chủ, một người tốt bụng, tuyên bố: " Tối nay, nếu mọi người rảnh, chúng ta sẽ cùng nhau ăn tối. Tôi mời tất cả. Chả là Iole đính hôn với Giuseppe. "
      Tôi nhìn ra. Đứng trong góc, sau chiếc bàn làm móng tay, Iole mỉm cười. Giuseppe vừa mài lưỡi dao cạo cũng vừa mỉm cười. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.  Giusepp già hơn tôi, lại xấu trai, vậy mà Iole lại thích lão hơn cậu Amato. Tôi chạy đến lão ta, và chìa tay ra: " Chúc mừng! Chúc mừng nồng nhiệt!" Và tôi ôm hôn Iole trên cả hai má. Nói cho cùng, trong tiệm, người hạnh phúc nhất trong ba người chính là tôi.
      Ngày hôm sau là chủ nhật, vào buổi chiều, tôi đi dạo.  Vừa đi tôi vừa nhận ra rằng tôi lại bắt đầu ngắm nhìn nhiều phụ nữ như trước đây, nhìn từng cô một, trước mặt và sau lưng.

THÂN TRỌNG SƠN 
dịch
(từ bản tiếng Pháp của Claude Poncet
Un vieil imbéciletrong Nouvelles romaines.)


source: trang VHNT Phạm Cao Hoàng

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ