NGUYỄN ĐĂNG MẠNH TỰ-SỰ-KỂ .../ -- source: Hồi Ký / Nguyễn Đăng Mạnh ( Hà Nội 2008 / phổ biến hẹp)
Nguyễn Đăng Mạnh tự-sự kể ...
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
Tôi năm nay 77 tuổi . Tuổi âm lịch 78 ( canh ngọ).
Nhìn lại, thây cuộc đời mình cũng có thể xem là may mắn. Đất nước đánh nhau 30 năm, hàng triệu người chết. Mình không chết. Thế là một cái may.
Xã hội mình, pháp luật lỏng lẻo. Bao nhiêu người bị bắt oan. Mình không bị bắt. Thế là 2 cái may.
Nhớ lại hôm có mấy nhà văn Thuỵ Điển sang Việt Nam, đưa tin thất thiệt tôi bị bắt. Tôi được Hội Nhà Văn mời ra gặp mấy ông Thuỵ Điển. Trên đường về, tôi tạt qua Nhà xuất bản Giáo dục, thuật lại chuyện này với Nguyễn Khắc Phi, lúc ấy làm tổng biên tập. Phi nói gọn lỏn: "Anh bị bắt là đáng lắm!". Như vậy, chuyện tôi bị bắt là một khả năng thật sự, nghĩa là rất có thể xảy ra.
Hồi ở Đồng Xa, vào năm 1987, tôi từng "được" một anh A.25 đến thăm hỏi. Họ cũng luôn đến lục lọi hồ sơ lý lịch của tôi ở phòng tổ chức Đại học Sư phạm Hà Nội. Các vị ở phòng tổ chức cán bộ cho biết như vậy. Nhưng rồi cũng chẳng sao . Vẫn được đủ thứ : giáo sư, nhà giáo nhân dân, giải thưởng Nhà nước ... Đúng là cái số tôi có quý nhân phù trợ.
***
Có lẽ tôi có "gien" ông bố: ham chơi, vui đâu chầu đấy, thích hưởng lạc. Từ 14, 15 tuổi đã tập hút thuốc lá. Rồi thích đọc Nguyễn Tuân viết về những thú hưởng lạc. Tôi chủ trương, Trời cho hưởng cái gì, không bao giờ từ chối, không việc gì phải từ chối. Nhưng không có thì thôi. Tôi có thể sống kham khổ mà vẫn vui. Và thực tế, tôi đã sống như vậy. Thuở nhỏ, bố mẹ và các anh chị tôi cho tôi là một thằng be rất dễ tính về chuyện ăn uống. Tôi có thể ăn cơm nguội với muối trắng mà vẫn thấy ngon. Có một lần, nhà có quả bưởi sần, múi khô, mọi người chê ăn như nhai rơm. Thếmà tôi vẫn chén hết. Lớn lên, trong chiến tranh, tôi từng phải ăn cháo sắn, thậm chí ăn củ chuối trừ bữa. Tôi rất ghét những tay cay cú, cố đấm ăn xôi, của Trời muốn vơ vét hết ...
***
Đánh giá con người, tôi có 2 tiêu chuẩn . Một là tiêu chuẩn đạo đức. Hia lá tiêu chuẩn thẩm mỹ. Có những loại người tôi rất ghét, tuy không ác, thậm chí còn tỏ ra tử tế đối với tôi nữa. Ghét vì tầm thường, nhạt nhẽo, vô duyên, nhàm chán, phi thẩm mĩ. Tất nhiên loại người này không thể hoàn toàn lương thiện được. Song đó không phải nét nổi bật của họ. Tôi rất ấy làm thú vị khi tình cờ tìm được cách diễn tả loại người này, nhân đọc Thần khúc của Dante. Nhà thi hào được Virgile dẫn xuống địa ngục. Ông thấy có một hạng người bị giam trong một khu riêng. Từ xa đã nghe chúng khóc rống lên thảm thiết.
Họ là ai mà cực độ đau thương
Những linh hồn nhàm chán,
Sống không hèn nhưng chẳng dám khen chê,
Không phản Chúa nhưng cũng chẳng trung với Chúa,
Chỉ vì mình, chỉ vì chúng mà thôi!
Thiên đình tống chúng đi
để Thượng giới khỏi giảm phần tươi đẹp
Địa ngục thẳm sâu
cũng chẳng thèm nhận chúng
Vì sợ đám tội đồ lại có cớ để vênh vang ...
Khúc III Thần khúc Địa ngục
Có người đề nghị tôi thử chỉ cho xem một người nào đó trong Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, đúng với tiêu chuẩn "phi mỹ học" nói trên. Thực ra đưa tiêu chuẩn mày, tôi, khởi sự, đâu phải xuất phát từ lý thuyết. Tôi bao giờ cũng từ thực tế cuộc sống mà khái quát lên, sau đó mới tìm trong sách vở cách diễn đạt phù hợp. Cho nên tôi có thể chỉ ra ngay mấy mẫu người người tiêu biểu trong thực tế. Đó là NTH và BVB. Trớ trêu thay họ lại là cán bộ Khoa Văn, nên suốt đời nghiên cứu và giảng dạy văn học, nghĩa là luôn tiếp xúc với cái đẹp và bàn về cái đẹp mà chính chọ là kẻ phản lại. Nhưng thôi, bọn người này chỉ nghĩ đến đã đủ chán đời lắm rồi, chả nên quan tâm làm gì ! Còn vô lý thì trên đời này thiếu gì chuyện vô lý ! .
Ngoài ra có một loại người, tôi cũng không ưa. Cũng là một dạng" phi mỹ học", tuy không đáng ghét lắm. Tôi gọi là những người có'bộ mặt thoả mãn", lúc nào cũng tươi và sáng bóng lên, thể hiện sự thoả mãn hoàn toàn với bản thân mình. Bộ mặt như muốn nói với mọi người: " tôi là người tài đức vẹn toàn, không có gì phải phấn đấu thêm nữa." Tôi chỉ muốn có dịp dạy dỗ mọi người về những điều hay lẽ phải. Đương nhiên là tôi phải được mọi người kính trọng. Ai không kính trọng tôi thì hoặc là kẻ hỗn láo, hoặc là quá ngu xuẩn. Bộ mặt như thế ở đứa trẻ con thì rất hồn nhiên, đáng yêu. Nhưng ở người lớn thì thật khôi hài. Tôi có đọc một cuốn sách về tâm lý học, sách này nói về một thứ bệnh gọi là autosuffisance. Có lẽ chính là bệnh của loại người này chăng ? Loại người này không bao giờ tự vấn xem, trong biển học mông mênh, đâu là giới hạn của mình, đâu là chỗ ngu dốt của mình. Không được người ta coi trọng, loại người này rất dễ nổi nóng. Lúc đó anh ta thường tìm ra những cái chẳng đâu vào đâu của mình rồi đề lên như là chỗ ưu việt, hơn đời : " này ngày xưa tôi học giỏi nhất lớp nhé, có lúc đã được làm trưởng lớp nhé! Thi tốt nghiệp đại học, tôi đỗ đầu nhé! ... " Nhìn loại người này lúc nổi nóng, thấy không hơn gì một đứa con nít.
ở Khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội có ai như thế không? tất nhiên là có, vì chính từ họ mà tôi khái quát ra loại người này. Nhưng thôi nói ta làm gì . Loại người này, ngoài cái tật nói trên, bụng dạ cần được phỉnh nịnh, được tâng bốc là lập tức có thể làm nhiều điều tốt cho bạn .
***
Tôi cho rằng, con người ta dù tài giỏi đến đâu cũng phải hiểu cái giá của mình thế nào trong con mắt của người đời. Đừng có chủ quan, tự thị. Những giá trị vật chất, dù ở đâu, với ai, cũng không thay đổi bao nhiêu. Những giá trị tinh thần thì khác, giá trị, thân phận anh trí thức thì khác, ở chỗ này, được coi là vàng bạc, là kim cương, thậm chí vô giá. Nhưng ở chỗ khác, chỉ đáng vất đi. Trần Đức Thảo, không ít người coi là một đại trí thức, một triết gia cỡ quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, thời Nhân văn -- giai phẩm, các ông lãnh đạo chỉ coi như một thằng chăn bò ( ở nông trường Ba Vì).
Đối với đời sống thông thường cũng thế. Quan hê với giới này, người này, anh có thể tất được quý trọng. Nhưng quan hệ với giới khác, người khác, anh cũng chẳng là gì hết, thậm chí bị khinh bỉ. Tôi cho đó là chuyện thường. Mà khinh hay trọng cũng đều có cái lý của nó cả. Cho nên ai bị khinh bỉ, chẳng nên tức tới, buồn khổ làm gì. Còn được ai quý trọng thì phải coi là một sự may mắn, một ân huệ đời đã ban tặng cho mình.
Và khinh trọng thì cái giá trị thực của mình vẫn thế thôi .
***
Phương châm sống của tôi là phải biết quý trọng cái tài, cái đẹp, lòng tốt. Người tài, người đẹp, người tử tế là những của quý hiếm trên đời. Không biết quý trọng 3 loại người đó là thiếu văn hoá, là thô bỉ. Viết nghiện cứu, dựng chân dung văn học, tôi chỉ viết về người tài, người tốt, và chỉ coi là nhà văn thật sự, những cây bút có tư tưởng, có cá tính và phong cách riêng. Đó mới là những người có thực tài. Mà trong lĩnh vực văn chương, người tài là người tạo ra cái đẹp. (Tôi gọi người tài là nhân tài, người đẹp là thiên tài -- vì đó là sự sáng tạo của Tạo hoá, là tài của Tạo hoá).
***
Nhiều người nhận xét, tôi tuy tuổi đã cao, nhưng tính vẫn trẻ, văn cũng trẻ. Chu Văn Sơn gọi tôi là Cụ Mết. Đỗ Lai Thuý và nhiều người khác không tán thành. Quả là tôi không thích giao du với cánh già. Chỉ thích chơi với đám trẻ. Tôi rất ghét thói gia trưởng, tính hách dịch, đầu óc bảo thủ. Đó cũng thường là tính cách của bọn già. Rất may là tôi làm nghề dạy học, luôn luôn được tiếp xúc với tuổi trẻ. Cho nện tôi rất yêu nghề dạy học.
Thực ra có 2 việc, hay gọi là 2 nghề, má tôi rất thích; dạy học và nghiện cứu, phệ bình văn học. Hai nghề không tách rời nhau và có chỗ thống nhất: cùng được phát biểu những tìm tòi, suy nghĩ riêng của mình.
Lên lớp được nói những điều tâm đắc với thế hệ trẻ, sướng lắm!
Viết xong một bài văn vừa ý, ngồi đọc lại, sửa câu này, chữ khác cho thật hoàn chỉnh, cũng rất sướng ...
Cả 2 công việc trên tôi đều đạt được một số thành tựu. Điều tôi cảm thấy sướng nhất là được khá đông giới sáng tác yêu mến và rất nhiều học trò quý trọng .
Nhưng cả 2 công việc trên đều có vinh, có nhục, có sướng, có khổ. Suy nghĩ về một vấn đề gì đó, lắm lúc thấy bí, cảm thấy tài năng đã bỏ mình mà đi rồi. Buồn vô cùng ! Dạy học cũng vậy. Không nghĩ ra cái gì mới mẻ, hay ho để nói với học sinh, cũng buồn vô cùng !
Nhưng buồn nhất, thậm chí cảm thấy chán đời, chán mình, là có những lúc bỗng nhiên nhìn lại cộng việc của mình, thấy vộ nghĩa quá ! Văn chương đúng là chuyện vớ vẩn. Tản Đà gọi thứ văn hay nhất, thứ văn đích thực là văn của mình là "văn chơi". Thảo nào các bậc thánh hiền ngày xưa đều cho rằng" lập thân tối hạ thị văn chương".
Vậy mà không hiểu sao các nhà lãnh đạo cộng sản cứ ra sức bơm to vai trò của thứ trò chơi này khiến nhiều kẻ trong đám cầm bút tỏ ra rất vênh vang một cách vô lối hết sức. Trong lĩnh vực này, nói như Gỉa Bình Ao, " Thiên tài và thằng hề (...) dường như không thể phân biệt rõ ". (**)
Có lẽ Nguyễn Khải nói đúng: " các ông cộng sản quan trọng hoá văn chương vì các ông ấy chủ yếu làm cách mạng bằng tuyên truyền. Mặt khác lại rất sợ sự thật. Văn chương hay đụng đến sự thật. Cho nên, các ông ấy quản lý rất chặt mấy thằng viết văn, tuy bọn này có làm được trò trống gì đâu và chúa là hèn nhát".
***
Tập HỒI KÝ của tôi, trong phần tư liệu riêng, không thấy có một cán bộ giảng dạy đại học nào -- trừ Hoàng Ngọc Hiến. Có người hỏi tôi:" Vì sao vậy? Đây là loại người cậu tiếp xúc hàng ngày, am hiểu nhiều nhất. Trong đó cũng có nhiều tay hấp dẫn đấy chứ ! " Đúng như thế thật. Nhưng tôi không nghiên cứu họ, không quan sát, ghi chép gì về họ.
Duy có 2 người tôi rất quý trọng. Hai người đồng tuế (canh ngọ) . Cũng tuổi già mà tính vẫn trẻ. Cả 2 đều giống nhau ở chỗ, tuy chuyên môn rất giỏi -- một người chuyên về lý luận, gần đây say triết học cổ phương Đông Hoàng Ngọc Hiến) , một người chuyên về văn học trung đại Việt Nam. ( Phạm Luận) -- nhưng chẳng được phong bất cứ một chức vụ khoa học nào. Sự có mặt của 2 ông bạn này trên đời khiến tôi rất yên tâm. Nghĩa là không cảm thấy cô đơn, tuy chúng tôi ít khi gặp nhau. Mà có gặp thì cũng không trao đổi tâm sự gì. Chúng tôi đều không tro đổi tâm sự gì. Chúng tôi đều không thích tâm sự. Đúng như Xuân Diệu nói: " Chúng mình hiểu nhau mà không cần phải nói ra".
Hoàng Ngọc Hiến , tôi đã viết ở trên rồi. Còn Phạm Luận, tôi thấy chỉ cần nói một câu; " đấy là một đấng trượng phu quân tử của thời hiện đại, một cốt đường hoàng, một phong thái thung dung, thật sự coi thường danh lợi " :
Bạc tiền gió thoảng thơ đầy túi
Danh lợi bèo trôi, rượu nặng nai
(Tản Đà)
Quận Phú Nhuận, T.P Hồ Chí Minh 4. 7. 2007
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
- tựa bài: KẾT LUẬN-- -tr. 299-- 302 Nguyễn Đăng Mạnh / HỒI KÝ
( Hà Nội 2008/ phổ biến hẹp).
-----------------
* - một số câu đối thoại do Bt in chữ nghiêng
(**) - chữ in màu xanh của Bt. .
------------------------------------------------------------------
In Memorian
giáo sư, nhà phê bình văn học xuất chúng
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
[1930 -- 2018 Hanoi]
blog Virgil Gheorghiu
Saigon 4 May, 2020
-------------------------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ