Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

' Hoa Vông Vang' / Đỗ Tốn tái bản ở Hoa Kỳ -- source: nguoi-viet.com/

‘Hoa Vông Vang’ của nhà văn Đỗ Tốn tái bản, ra mắt độc giả Little Saigon

WESTMINSTER, California (NV) – “Hoa Vông Vang” tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Đỗ Tốn do nhà Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn xuất bản lần đầu tiên năm 1945, và tái bản nhiều lần sau đó.
Hôm Chủ Nhật, 25 Tháng Tám, buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang” được tổ chức tại hội trường nhật báo Việt Báo, trên đường Moran, thành phố Westminster. Lần tái bản này, tập truyện có ba phần, gồm “Hoa Vông Vang,” “Ả Hẩu,” và “Như Băng-Hồi Ký.”
Theo đó, cùng với “Hoa Vông Vang” thì “Ả Hẩu” là tự truyện của nhà văn Đỗ Tốn, đăng trên báo tại Sài Gòn vào thập niên 1960; còn “Như Băng-Hồi Ký” của bà Nguyễn Thị Như Băng, phu nhân của nhà văn Đỗ Tốn viết từ năm 1987 tại California, Hoa Kỳ.
Trong lời mở đầu buổi ra mắt sách, trưởng nữ của nhà văn Đỗ Tốn, bà Đỗ Hạc Tuyền, nói: “Sự hiện diện của quý vị tại đây hôm nay đã nói lên lòng mến chuộng của quý vị dành cho ‘Hoa Vông Vang.’ Mối quan tâm của quý vị đối với những tác phẩm văn học có giá trị vượt thời gian và niềm tin cùng sự khích lệ quý vị dành cho chúng tôi, những người cho in lại tập truyện cùng đứng ra tổ chức buổi sinh hoạt văn học này.”
Bốn chị em trong gia đình nhà văn Đỗ Tốn trong ngày ra mắt sách “Hoa Vông Vang,” từ trái, Đỗ Hạc Tuyền, Đỗ Duyên, Đỗ Thăng, Đỗ Huân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Nhắc về thân phụ, bà Hạc Tuyền nói: “Nhà văn Đỗ Tốn sinh năm 1921 tại Hà Nội, mất năm 1973 tại Sài Gòn, khi đang phục vụ trong Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực VNCH, với cấp bậc thiếu tá. Ông từng giữ chức phó quản đốc Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội.”
Bà cũng nhắc đến thân mẫu, bà Nguyễn Thị Như Băng, sinh năm 1925 tại Lạng Sơn. Chiến tranh Pháp-Nhật xảy ra, mẹ bà cùng gia đình lánh nạn sang Trung Quốc, bà Như Băng theo học trường quân sự về ngành vô tuyến điện do chính phủ Tưởng Giới Thạch chủ trương. Bà Như Băng thông thạo tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, và chữ Hán. Bà Hạc Tuyền cho biết thân phụ và thân mẫu của bà kết hôn năm 1945.
Bà Hạc Tuyền cũng nhắc đến văn hào Nhất Linh đã ngạc nhiên một cách vui sướng khi đọc tập truyện này. Cuối năm 1942 khi đang cùng lánh nạn tại Quảng Châu, Nhất Linh đã viết lời giới thiệu “Hoa Vông Vang” với những lời khen ngợi nhiệt thành, so sánh thân phụ bà với nhà văn Thạch Lam khi nói: “Tôi thấy hai nhà văn này có nhiều chỗ giống nhau, và tôi tin Đỗ Tốn sẽ là một Thạch Lam thứ hai trong văn giới nước ta.”
Nhà văn Trúc Chi Tôn Thất Kỳ giới thiệu về tác giả và tác phẩm “Hoa Vông Vang.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Mục đích của buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang,” bà Hạc Tuyền cho biết là vì muốn đóng góp trong việc bảo tồn văn chương Việt Nam, không muốn mất đi trong quên lãng một tác phẩm văn chương có giá trị. Bà cũng nói thêm rằng việc tái bản tập truyện cũng là cách mà các chị em trong gia đình bày tỏ lòng biết ơn và kính yêu đến bậc sinh thành.
Giáo Sư Tiến Sĩ Võ Kim Sơn kể về kỷ niệm vui khi đọc tác phẩm “Hoa Vông Vang” lúc 14 tuổi rưỡi. Trong trường Providence của các bà soeur ở Sóc Trăng, nữ sinh không được đọc bất cứ quyển tiểu thuyết nào, kể cả tiếng Pháp, vì các soeur sợ đọc xong đâm ra lãng mạn, lôi kéo các anh học trường Tabert gần đó không ai học được. Vậy mà chị bạn của bà ở tận Châu Đốc làm sao có được quyển “Hoa Vông Vang” đem lọt vô trường được.
“Chín giờ tối, hai chị em trùm chăn kín mít trên giường, dùng đèn bấm đọc ngấu nghiến truyện ‘Hoa Vông Vang,’ vừa đến câu ‘thì hoa đã cụp lại’ thì mền bị vén lên, soeur nghiêm trang ra lệnh hai đứa xuống giường quỳ gối, lần hạt chuỗi đọc kinh mới được lên giường ngủ lại,” giáo sư kể.
Anh Hiền Nguyễn, một người ái mộ nhà văn Đỗ Tốn, đến dự buổi ra mắt sách, chia sẻ: “Tôi đọc ‘Hoa Vông Vang’ đã hơn 50 năm rồi, thời của chúng tôi ai mà chẳng mê và đọc truyện này, nhưng tôi chưa từng đọc bao giờ, cũng có lúc mở ra xem vài trang rồi gấp lại cất, thú thật rằng tôi thấy chán lối yêu của anh chàng Đẩu quá, nó yếu ớt làm sao ấy! Ai đời con trai gì mà quá nhút nhát, yếu đuối.”
Ca sĩ Kim Tước (bìa phải) cùng các thân hữu hát trong buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Nhưng sau này đọc kỹ lại mới cảm nhận được cái lối yêu ấy thật đáng yêu vô cùng, từng chữ từng câu tác giả dùng để diễn tả sự rung động tình yêu của chàng trai mới lớn thật tuyệt vời, tuổi thanh niên thời ấy sao mà thánh thiện quá, lại càng thấy bái phục văn tài ông cụ sát đất!,” anh biện bạch.
Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm cùng suy nghĩ ấy khi nhận xét: “Chúng tôi đọc ‘Hoa Vông Vang’ có lẽ đã hơn 60 năm rồi. Các anh thời nay phải mang tâm thế của một người con trai như Đẩu, với trái tim yêu như Đẩu mới thấy thấm thía cái tình yêu thời ấy, nó không giống như thời đại bây giờ, ‘yêu cuồng sống vội,’ yêu như cuồng phong bão táp, rồi ly dị với tốc độ càng ghê hơn nữa! Nhân đó mới thấy lại cái nền tảng phong hóa ngày xưa trong tình yêu lãng mạn như thế nào, trong cái thầm kín rụt rè ấy lại sâu đậm da diết biết bao! Nhất là các anh phải đọc bằng tâm hồn của người nghệ sĩ mới đồng cảm được những tài hoa ẩn chứa trong tác phẩm này. ”
Bà Cao Phượng, một người “mê hơi văn Đỗ Tốn,” đến để nhớ lại những hương xưa ngày cũ bà đã từng thao thức trong những đêm Đà Lạt năm nào, chia sẻ: “Buổi ra mắt sách hôm nay để những người yêu dòng văn học ngày trước có dịp trở về một thời quá khứ đầy thơ mộng, với những tâm tình mãnh liệt khép kín, chỉ chực chờ nổ tung. Lâu lắm rồi mới thấy một buổi ra mắt sách ‘thịnh soạn’ như thế này! Tôi mong được chào đón những tác phẩm văn học của các tác giả ngày trước, một món ăn tinh thần tao nhã trong khu vườn văn học nghệ thuật sẽ tiếp tục ra mắt tại Little Saigon.”
Quang cảnh buổi ra mắt sách “Hoa Vông Vang” của nhà văn Đỗ Tốn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Nhà văn Trúc Chi Tôn Thất Kỳ lại cảm nhận Đỗ Tốn với một nét khác, ấy là tính “Hương” và “Sắc” trong “Hoa Vông Vang.”
Ông nói rằng đã được xem “Hoa Vông Vang” lần đầu ở Huế khoảng năm 1947-1948 gì đó. Từ bấy, ông vẫn nghĩ rằng “Hoa Vông Vang” là “một đóa hoa mãn khai đã ngoài 70 năm mà cho đến bây giờ, hương và sắc của nó vẫn không phai!”
Nói về “Hương” trong văn Đỗ Tốn, nhà văn Trúc Chi  nhận xét: “Điều gây xúc động trong lòng người đọc, cũng chính là văn tài của Đỗ Tốn là những câu trong đó ông đưa tình vào cảnh một cách hết sức tự nhiên. Những câu như thế nhan nhản trong ‘Hoa Vông Vang’ và giúp tạo ra điều mà tôi gọi là ‘Hương’ của tác phẩm.”
Thật vậy, khi ngắm cảnh trong khu vườn nhà cũ thì “Nước vẫn mát, gió qua vừa và những cây cổ thụ in hình năm tháng vẫn rì rào than thầm trong cằn cỗi mặc đàn sáo bay về ríu rít.” Rung cảm sâu sắc của tác giả hiện rõ khi ông nhân cách hóa mấy cây cổ thụ để cho chúng “than thầm trong cằn cỗi,” chính là linh hồn của câu văn.
Và “Sắc” như thế nào? Nhà văn Trúc Chi nói: “Sắc đây là thơ, là chất thơ trong văn Đỗ Tốn. Cái mạch thơ trong tâm hồn ông cứ nhẹ nhàng tuôn ra, không gượng ép, không gò bó, không trau chuốt, giản dị và đầy nhạc tính, gợi cảm vô cùng. Xin dẫn chứng: ‘Nhưng ngày tháng qua, biết mấy lần trăng rằm đã mọc sau đồi cỏ, mà cũng chỉ rọi thêm choáng váng vào cõi lòng tỉnh thức bâng khuâng,’ đây là nỗi buồn ray rứt của Đẩu khi Phượng Trinh đi lấy chồng.”
“‘Hoa Vông Vang’ là một cung đàn, một khúc nhạc. Cung đàn của say sưa rung động buổi đầu. Nhạc của tình ban sơ si dại. Cũng đừng quên rằng Đỗ Tốn viết xong ‘Hoa Vông Vang’ khi ông vừa mới ngoài hai mươi tuổi,” nhà văn Trúc Chi kết luận.
Buổi ra mắt sách “Hoa Vông Vang” trong không khí văn học nghệ thuật, với sự diễn thuyết của các diễn giả, gồm nhà văn Trịnh Y Thư, nhà văn Trúc Chi, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Võ Kim Sơn, Giáo Sư Nguyễn Đình Cường cùng các ca sĩ thân hữu, đã làm nên một chiều cuối tuần đầy thi vị.
Tập truyện “Hoa Vông Vang” do Việt Tide ấn hành năm 2019 tại California, Hoa Kỳ. Ấn phí ghi ở bìa sau là $12. (Văn Lan)

                                                                           ***


                                              -----------------------------------------------

                                                                    tưởng nh


                                                      cựu sĩ quan  [VNCH ] nhà văn
                                                                 ĐỖ TỐN
                                                           [ 1921 -- 1973 Saigon]



                                                       blog Virgil Gheorghiu
                                                       Saigon  MAY 23, 2020

                                          ------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ