Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Nhà văn NGUYỄN THị THỤY VŨ [ i.e. Nguyễn thị Băng Lĩnh 1937- ] Kim Cúc phỏng vấn -- nguồn ;vanhocsaigon

Nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ:

 'Xin cảm ơn cuộc đời và bè bạn…'

VHSG- Là một trong năm nhà văn nữ có tiếng ở miền Nam trước 1975, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ là người duy nhất chỉ viết về những nhân vật và bối cảnh rặt chất Nam Kỳ, bằng tất cả vốn sống của một công dân Vĩnh Long thứ thiệt. “Phần lớn cuộc đời tôi kiếm tiền nuôi con bằng việc viết feuilleton trên các nhật báo. Mỗi sáng tôi tới toà soạn, viết tay trên mấy tờ giấy có kẻ ô, đưa nộp cho họ rồi chạy ù sang toà soạn khác, viết tiếp cái feuilleton khác.” – nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ

Mười tác phẩm đã công bố trước 1975 của bà vừa được NXB Hội Nhà văn và Phuong Nam Books tái bản làm hai đợt. Nhà văn Thuỵ Vũ là con gái của một người có cái nhìn phóng khoáng về mọi chuyện – nhà văn Mặc Khải – bà thừa hưởng từ ông thói quen không áp đặt bất cứ điều gì lên người khác, kể cả với con cái trong gia đình.

– Bà từ bỏ nghề giáo, lên Sài Gòn bắt đầu viết feuilleton trên tạp chí nào?

– Tôi bắt đầu bằng những truyện ngắn được đăng trên tạp chí Bách Khoa. Đó là những truyện viết cẩn thận ý tứ nhất của tôi, so với các feuilleton (truyện in nhiều kỳ) sau này. Những truyện feuilleton đó đều được in thành sách nhưng tôi phải chỉnh sửa rất nhiều. Bởi trong đó ngoài vô số lỗi chính tả còn có chuyện lẫn lộn các nhân vật trong các feuilleton khác nhau. Tôi vẫn coi truyện ngắn in trên Bách Khoa là mẫu mực, giống như người chồng chính thức trong gia đình, còn các feuilleton khác thì giống như chuyện ngoại tình, khó mà so sánh chúng cùng nhau.

– Cuộc sống của một phụ nữ viết văn có nhiều khó khăn không, khi bà phải một mình nuôi con?

– Phần lớn cuộc đời tôi kiếm tiền nuôi con bằng việc viết feuilleton trên các nhật báo. Mỗi sáng tôi tới toà soạn, viết tay trên mấy tờ giấy có kẻ ô, đưa nộp cho họ rồi chạy ù sang toà soạn khác, viết tiếp cái feuilleton khác. Ba chỗ như vậy. Nhuận bút rất cao, đủ cho tôi nuôi mỗi bà vú cho mỗi đứa con. Nhiều bạn thân vẫn chê tôi không biết quản lý và giữ tiền. Nếu không, có thể tôi đã không quá khốn đốn sau năm 75, khi xã hội thay đổi và tôi không thể tiếp tục viết báo kiếm cơm.

– Bà có thể kể đôi chút về đời sống của mấy mẹ con bà sau năm 75…

– Các con tôi, mỗi đứa từng có một bà vú chăm sóc, sau năm 75 phải tự chăm sóc lẫn nhau, đứa lớn chăm đứa nhỏ, chỉ cách nhau mấy tuổi. Trong khi đó, tôi phải ra đường bươn chải kiếm sống, khó khăn cực khổ gấp trăm lần việc viết báo trước đây. Ai cần việc gì tôi làm việc đó, đủ các loại việc mà tiền kiếm được chẳng bao nhiêu. Những buổi chiều kiệt sức trở về nhà, thấy cả bốn đứa con nhỏ đói khát, dơ hầy, mũi dãi lòng thòng nằm lăn lóc bên nhau, nhiều khi tôi chỉ muốn chết… Cuối cùng, không thể tiếp tục cuộc sống kinh khủng đó, tôi đành bỏ Sài Gòn về quê mẹ ở Lộc Ninh, để ăn ké vào nhà mẹ.

– Lúc đó, ở quê, gia đình bà sinh sống bằng cách nào?

– Mẹ tôi làm ruộng. Tôi thì không hề biết lao động chân tay. Còn mẹ tôi, tuy là vợ nhà văn thuộc gia đình khá giả nhưng bà có thể làm ruộng, làm vườn vì ở quê ai cũng biết. Buổi sáng bà cầm liềm đi ra ruộng, lúc nào cũng vừa đi vừa quăng cái liềm ra phía trước xa, và nói: “Vũ khí đi trước nè”. Khi mới về Lộc Ninh, tôi cũng cố làm nghề chụp ảnh để kiếm sống nhưng không thành công. Rồi thì, do tôi tự dạy tiếng Anh cho các con mình, bạn bè của con và con nít hàng xóm liền xúm vô học ké, cuối cùng lại thành một lớp tiếng Anh. Mọi người không trả công tôi bằng tiền, nhưng trong vườn nhà họ có cái gì thì họ mang  tới cái đó làm quà cho cô giáo.

– Vậy còn cha của các con bà, nhà thơ Tô Thuỳ Yên thì sao?

– Ổng đi học tập cải tạo. 13 năm ổng đi học tập, tôi có đi thăm ông một lần duy nhứt. Sau đó ổng đi Mỹ với gia đình…

– Bà cảm thấy thế nào khi tất cả tác phẩm trước năm 75 đều đã được tái bản?

– Tôi rất vui. Sách in đẹp, tất cả lỗi chính tả đều được sửa rất kỹ. Tôi thấy mình thật may mắn khi nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều bè bạn, cả bạn cũ và bạn mới. Tôi xin cảm ơn cuộc đời và bè bạn…

– Với cuộc đời rất nhiều biến động của mình và vốn sống của một nhà văn từng trải qua hai thời kỳ xã hội khác nhau, bà sẽ viết tự truyện?

– Nhiều người cũng gợi ý với tôi chuyện đó. Nhưng giờ chỉ nghe tới chuyện viết là tôi đã thấy sợ. Có lẽ việc viết lách của tôi coi như đã xong rồi, chấm dứt rồi. Và tôi sẽ không viết thêm gì nữa.

– Mỗi ngày bây giờ, bà dùng thời gian vào những việc gì?

– Tôi ăn chay trường đã nhiều năm, có lẽ nhờ vậy mà không bị bệnh, ngoài việc nặng tai cũng như những thứ khó chịu thông thường mà tuổi già ai cũng phải có. Tôi tập Dịch cân kinh mỗi ngày, đọc báo Giác Ngộ và kinh sách Phật giáo. Tôi sống với vợ chồng con trai và cháu nội, và đứa con gái đã nằm liệt hơn 40 năm của tôi. Con trai tôi có viết lách chút ít, chắc được thừa hưởng từ cha. Cháu cũng là phật tử, chuyên đi hộ niệm cho các gia đình quen biết. Tôi cũng rất may mắn có cô con dâu hiếu đễ, nhân từ. Cháu đã thay mẹ chăm sóc em chồng nhiều năm, không hề nề hà.

– Bà có mơ ước điều gì trong cuộc sống hiện nay?
– Tôi ước nếu có nhiều tiền, tôi sẽ đi làm từ thiện.

– Xin chúc bà sức khoẻ và sự thảnh thơi tâm trí…
KIM CÚC
Theo TGTT 6.2017
______________________________
Bốn đầu sách của nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ đã được NXB Hội Nhà văn và Phuong Nam Books tái bản đợt đầu gồm: ba truyện dài Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang; và một tập truyện ngắn: Lao vào lửa.
Sáu đầu sách tái bản đợt sau gồm bốn truyện dài: Cho trận gió kinh thiên, Chiều xuống êm đềm, Ngọn pháo bông, Như thiên đường lạnh; và hai tập truyện ngắn: Mèo đêm, Chiều mênh mông.


                                                              ==============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ