'GIỌT LỆ XÉ HAI / Nguyễn Thị Thanh Bình' / Nhã Ca [ i.e. Trần Thị Thu Vân 1939- ] -- blog Phạm Cao Hoàng
THURSDAY, JUNE 7, 2018
619. NHÃ CA đọc “Giọt Lệ Xé Hai”
Chị em gặp nhau, được tin cậy và cho đọc tác phẩm này khi còn là bản thảo, tôi chỉ xin ghi lại đôi chút cảm tưởng với tư cách người đọc.
Nguyễn Du thấy vầng trăng bị xẻ đôi: Nửa soi gối chiếc, nửa soi dặm trường. Rõ ràng là đẹp.
Đoàn Phú Tứ thấy tóc mây bị cắt đôi: Tóc mây một món chiêc dao vàng. Con dao văng, không chỉ đẹp mà còn sang trọng, kiểu cách. Sư chia cắt, trong chữ nghĩa người xưa, có nhiều phần êm ái.
Với bút pháp của Nguyễn Thị Thanh Bình, ngay trong bốn tiếng “Giọt Lệ Xé Hai”, hình như vẻ dịu dàng êm ái cổ xưa đã lùi bước. Giọt lệ bị “xé”, không có vẻ gi bằng dao vàng , kéo bạc. Nhiều phần bằng giận dữ, tuyệt vọng. Nhiều phần khác, có vẻ như bằng một tiếng… chửi thề từ đời sống trớ trêu, thô bạo.
Đó là cảm tưởng của tôi khi đọc đoạn văn này:
“ Tôi đổi thế nằm thật nhẹ, cố làm ra vẻ mình đang ngủ thật say với giấc mộng vàng, mộng tím gì đó. Mộng tím thì có chớ mộng vàng gì nổi. Nhất là khi đêm đã gần tàn và trí óc không thể phỉnh phờ nổi với những vùng da thịt trở mình. Bích, tên tôi đẹp xanh mướt như vậy, sao gọi nghe như "Bitch"? Gọi tôi là "đồ chó cái" nghe nhột quá, ông Mỹ Lion ơi.” (Trang 70-71).
Lion là tên một chàng da đen, hành nghề “male stripper”. Công việc của anh ta là biểu diễn vũ “sexy” trong một hộp đêm dành cho các bà các cô tới rửa mắt. Tuyết, cô gái lai, bạn chung phòng với Bích, đã tới đó rửa mắt và chọn anh ta để yêu. Mối tình sẽ tới chỗ bi thảm: Tuyết mất tích, có thể cũng giống như “một cô Mễ bị ném xuống bờ rừng của xa lộ”, và khi tìm thấy xác, sẽ phải “giảo nghiệm bộ răng để tìm ra lý lịch” như được mô tả ở trang 283.
Lion và Tuyết mới chỉ là những nhân vật phụ. “Giọt Lệ Xé Hai”, hình như chưa tới phần họ được hưởng. Bích, cái tên đẹp xanh mướt theo nghĩa tiếng Việt, được phát âm kiểu Mỹ thành “Bitch”, mới thực sự là chủ nhân của giọt lệ bị xé hai.
Ngay trong bốn dòng mở truyện, nhân vật Bích đã bị người tạo ra cô ta treo cổ lơ lửng giữa dĩ vãng và hiện tại, bằng cách cho nhận một điện tín vô danh: Bạn của Sơn Ma Xó hẹn gặp để giao kỷ vật. Sơn Ma Xó là biệt danh “người tình Việt Cộng nằm vùng” của Bích từ thời học trò ở Việt Nam.
Trong khi chờ ngày giờ hẹn gặp, suốt hơn 300 trang sách tiếp theo, tha hồ cho cô Bích dãy dụa, vùng vẫy giữa hồi tưởng và thực tế. Ngày hẹn nhận kỷ vật tới. Sơn, người yêu Việt Cộng nằm vùng thời học trò, sau khi đã tỉnh ngộ vì tù đày, được thu xếp cho theo phái đoàn vận động đầu tư của nhà nước Cộng Sản sang Mỹ tìm gặp người xưa, sẵn sàng ở lại. Tình yêu của họ vẫn nguyên vẹn. Nhưng thay vì tới với người yêu xưa. Bích rẽ sang ngã khác, và thấy mình thẫn thờ trước biển…
Với hơn 300 trang sách, đủ thời, đủ thế, đủ thứ ngổn ngang, hiện ra qua hồi ức của Bích: từ xóm nhỏ sông An Cựu nắng đục mưa trong tới phố biển Nha Trang, từ lớp học tới chiến trường , từ những cảnh chết chóc tới thảm họa tháng Tư 1975, từ những cuộc vượt biển tới việc mua bán xác Mỹ, rồi từ một cô gái Việt tị nạn đi xin việc làm tới một nhân vật trong phái đoàn Cộng Sản sang Mỹ vận động đầu tư…
Gom được tất cả những chi tiết phức tạp ấy vào một cuốn truyện dài hơn 300 trang, thật không phải dễ. Vậy mà mọi tình huống gay gắt nhất của thời thế, in hệt những mảnh vỡ tạp sắc, qua ngòi bút Nguyễn Thị Thanh Bình, như được nối kết bằng sợi dây mang tên tình yêu, làm thành một xâu chuỗi lấp lánh.
“Giọt Lệ Xé Hai” ngoài phần dữ dội thô bạo của những đổi đời mà cuốn sách muốn đề cập hay mô tả, vẫn còn không ít những trang sách thơ mộng về tuổi trẻ, tình yêu, nỗi nhớ những thành phố quê hương… làm dịu lòng người đọc.
Không phải tự nhiên mà ngày từ cuốn sách đầu tay, tác giả tập truyện “Ở Đời Sống Này” đã được đông đảo bạn đọc thầm lặng chấp nhận.
Với sức viết mạnh mẽ và sự có mặt liên tục trong sinh hoạt sách báo văn chương hải ngoại, từ nhiều năm qua, Nguyễn Thị Thanh Bình đã không còn là một bút hiệu xa lạ với người đọc.
Nguyễn Thị Thanh Bình , thơ
Nguyễn Thị Thanh Bình, truyện ngắn.
Bây giờ, với “Giọt Lệ Xé Hai”, là Nguyễn Thị Thanh Bình truyện dài. Thêm một bước mới.
Chỉ có tác phẩm mới làm nên giá trị đích thực cho nhà văn. Mọi lời giới thiệu hoa mỹ đều là thừa.
Xin mừng nhà văn nữ duyên dáng của Văn Học Việt Nam Miền Đông Hoa Kỳ có thêm tác phẩm mới. ./.
NHÃ CA
[i.e. Trần Thị Thu Vân 1939- ]
Sweden, 1991
trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG
-------------------------------------------------------------------------------------