Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

related article: "tôi và nữ sĩ tuệ mai "/ hoàng hữu phước -- source: emotino.com/

Tôi Và Nữ Sĩ Tuệ Mai

(bài đã đăng trên mạng emotino.com ngày 03-03-2012)

HOÀNG HỮU PHƯỚC, MIB


Nữ sĩ Tuệ Mai là người tôi ngưỡng mộ, dù tôi chỉ đọc có mỗi một bài thơ của Bà và quyết định sẽ không đọc bất kỳ tác phẩm nào khác của Bà, không vì nghi ngờ những bài thơ khác không tuyệt vời tương tự, mà chỉ vì muốn bài thơ ấy trong tôi sẽ không đảo chao khỏi ngai vàng muôn thuở.

Thủa ấy tôi còn là cậu học trò Tú Tài, yêu thơ tiếng Anh và chỉ sáng tác thơ tiếng Anh. Thơ tiếng Việt thì tôi chỉ yêu thích nếu viết theo thể Đường Luật, đặc biệt các bài thơ cổ như của Nguyễn Công Trứ hay Lê Thánh Tôn hoặc dịch từ thơ Tàu. Khi học Thơ Mới ở lớp Đệ Nhất (tức lớp 12), tôi khổ sở với thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, v.v., vì đọc chẳng thấy thú vị gì, may mà thời ấy còn có thơ của Thế Lữ, TTKH, Lưu Trọng Lư, và mới hơn cả là thơ Phùng Quán, Tạ K‎ý, cùng nhiều nhà thơ Saigon khác. Cũng thật là may mắn cho tôi vì trước 1975 chế độ Việt Nam Cộng Hòa không cho học Truyện Kiều ở trung học, và tôi đến bây giờ cũng còn rất đồng tình với quan niệm của giáo dục thời ấy là Truyện Kiều quá thâm thuý quá sâu sắc quá mỹ miều quá vĩ đại nên sẽ thích hợp cho nghiên cứu chuyên ngành Văn học ở cấp từ Đại Học trở lên.

Mỗi khi đọc thấy bài thơ kiệt tác, tôi đều chép lại vào sổ tay, dù đó là thơ tiếng Anh hay tiếng Việt, mà đa số là tiếng Anh, với đặc điểm là tôi rất độc lập, ghét “nhơi lại”, chẳng bao giờ chép thơ tiếng Anh của các “poet laureate” tức những ai được Âu Mỹ ngợi ca tôn vinh là “thi bá” như Byron, Shelley, v.v. mà tôi không phục do họ không trọn hai chữ đức-tài; còn thơ tiếng Việt thì có in sẵn trong sách giáo khoa các cấp nên chép làm gì phí thời gian. Tôi chỉ ghi chép những bài thơ nào tôi cảm nhận được sự thâm thúy, thán phục sự cao siêu, và thấy chính mình đổi thay nhân sinh quan theo lối hướng thượng để trở nên tốt hơn. Đặc biệt với thơ tiếng Việt (hay tiếng Việt dịch từ tiếng Tàu như Thạch Hào Lại của Đỗ Phủ chẳng hạn) tuyệt tác như thế, tôi đều cố dành thời gian để chuyển tải sang tiếng Anh, không để giới thiệu cho ngoại bang, không để gởi đăng báo kiếm tiền nhuận bút, mà cũng chẳng để vinh danh bản thân, mà chỉ để chứng minh tim lòng mình thực sự đã hơn một lần thổn thức theo tiết tấu lời ca của bài thơ tiếng Việt ấy. Bài Theo Giòng Năm Tháng của Tuệ Mai nằm trong số ít những bài tôi chép lại và dịch sang tiếng Anh. Thủa ấy, bài Theo Giòng Năm Tháng đến với tôi một cách tình cờ khi tôi táy máy mở đọc một trang bất kỳ quyển tuyển tập thơ ca trên kệ sách bụi thời gian phủ đầy nơi gác nhỏ ở nhà một cô bạn học, và Theo Giòng Năm Tháng trở thành bài duy nhất tôi đọc trong quyển ấy, chép tháo ngay vào tờ giấy nháp, không đọc tiếp bài nào của các tác giả khác trong cùng quyển sách ấy. Rất nhiều năm tháng trôi qua, tôi không sao biết được nữ sĩ Tuệ Mai là ai, ngoài ghi chú nhỏ của nhà xuất bản về tên của tác giả là Trần Thị Tuệ Mai. Và chỉ khi công nghệ thông tin tiến bộ của gần 30 năm sau, tôi mới nhờ công cụ Google mà biết Bà tên Trần Thị Gia Minh, ái nữ của Á Nam Trần Tuấn Khải, người tôi có nhắc đến trong một bài viết trên Emotino trước đây. Người ta ghi rằng Bà sinh năm 1928 tại Hà Nội và mất năm 1983 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng các trang web nói về Bà lại không có trang nào đăng hay viết gì về bài Theo Giòng Năm Tháng. Do không tìm ra được tờ giấy đã ghi chép bài Theo Giòng Năm Tháng nên tôi phải dựa theo bản dịch tiếng Anh của tôi trong thi tập viết tay của tôi mang tên Regina-Rex Epithalamia Fantasias để cố nhớ lại nguyên tác tiếng Việt để làm tư liệu cho bài viết hôm nay. (Không biết có phải do tôi hơn nửa năm nay miệt mài kiếm tìm các cụm từ “nữ sĩ Tuệ Mai” và “Theo Giòng Năm Tháng” trên Google hay không mà đột nhiên mới đây có trang web nọ đăng chỉ mỗi một bài thơ Trên Giòng Năm Tháng (“trên”, không phải “theo”) của Tuệ Mai mà không có bất kỳ bài nào khác, không có bất kỳ dòng chữ nào khác, không có bất kỳ trang nào khác ngay cả để giới thiệu về chủ nhân trang web hay chủ nhân của bài thơ. Nhưng do bài thơ trên trang web mới xuất hiện vội vàng này lại có nhiều từ rất khác so với trí nhớ của tôi, và do trang web cũng không phải của gia đình nữ sĩ Tuệ Mai, nên tôi vẫn tin hơn vào sự chính xác chính thức chính danh của từ ngữ bài thơ tôi gần như đã thuộc nằm lòng.

Trong khi chờ đợi thông tin về địa chỉ của con cháu nữ sĩ Tuệ Mai ở thành phố Hồ Chí Minh để đến viếng Bà, tỏ lòng thành kính đối với một nữ sĩ tài hoa tôi ái mộ từ trước 1975, và để xin được đọc lại bài thơ nguyên tác của Bà mà tôi tin chắc gia đình Bà còn lưu giữ, tôi xin ghi lại bài thơ trên theo cách khác thường: dịch ngược từ bản dịch tiếng Anh của tôi ra nguyên tác của Bà theo trí nhớ có hạn của tôi, như một sẻ chia của một người đã từng có một lúc trong cuộc đời cảm nhận được ánh sáng thông tuệ từ một bài thơ để mãi ngâm nga nhẩm đọc trong hành trình dấn bước một đời người.

                                           Tuệ Mai [ i.e. Trần Thị Gia Minh 1928- 1983 saigon.]
                                                                     (ảnh: newvietart.com)
                                                                               (Bt)

 Tue Mai (6)Tue Mai (7)

Còn nhiều bài thơ của các nhà thơ khác, có người là chiến sĩ giải phóng như Trần Quang Long, có người là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa như Hữu Phương hay Kim Tuấn, hoặc có người là nhà thơ hiện đại như nữ sĩ Từ Nguyễn của xứ Huế, v.v., mà tôi xem như kiệt tác để trong những lúc thư nhàn thầm ngâm cảm nhận cảm xúc lăn tăn sóng của ngôn từ.

Doanh nhân nào phải kẻ mặn nồng duy chỉ với kim ngân.  ./.

HOÀNG HỮU PHƯỚC
 Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế


-------------------------------------------------------------------------
trích từ https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/
==========================================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ