về cái chết bất ngờ của nhà văn DƯƠNG HÙNG CƯỜNG -- Du Tử Lê' s blog
ề cái chết bất ngờ của nhà văn Dương Hùng Cường. (kỳ cuối 04)
11 Tháng Tư 201810:23 SA(Xem: 21)
DƯƠNG HÙNG CƯỜNG [hanoi 1934- 1987 saigon]
(" Sinh ngày 1/ 10/ 1934 tại Hà Nội, gia nhập Không Quân [Quốc gia Việt Nam, thời Pháp); thụ huấn cơ khí tại Pháp 1953; trở thành Hạ sĩ quan Cơ khí, phục vụ tại nhiều đơn vị, từ 1955. Từ thập niên 1960, phục vụ tại Bộ Tư lệnh Không quân VNCH (Phòng Tâm lý chiến) và, cộng tác với nhiều tờ báo ở Sài gòn. Là một cây bút nổi tiếng trong văn nghệ, báo chí; đã có 3 tác phẩm xuất bản: Lính Thành Phố+ Buồn Vui Phu Trường+ Vĩnh Biệt Phượng. Sau 30/ 04/ 1975; bị tù cải tạo tới năm 1979. Đến năm 1984, lại bị bắt giam với tội danh" gián điệp", do viết báo gửi ra nước ngoài . Và, tác giả qua đời tại nhà tù Phan Đăng Lưu ( quận Bình Thạnh, tp. HCM.) vào năm 1987. " ) -- ( theo Newvietart.com (Fr.)
(Bt)
(tiếp theo và hết)
Viết về những năm tháng cuối cùng của nhà văn Dương Hùng Cường, cố nhà báo Hồ Nam, trong tác phẩm “100 văn nghệ sĩ” (viết chung với nhà văn Vũ Uyên Giang), ghi nhận rằng: Khi biến cố 30 tháng 4 -1975 xẩy ra, DHC không di tản vì thời gian này, vợ ông, bà Vương Thị Oanh, cựu nữ sinh Trưng Vương, mang thai đứa con thứ 6; và lại là con trai: Niềm mong ước trong bao nhiêu năm của họ Dương. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng không được thấy mặt con lúc ra đời vì đã sớm bị tập trung cải tạo!
Về lý do họ Dương bị bắt lần thứ hai, sau 3 năm tù cải tạo lần thứ nhất, theo nhà báo Hồ Nam, vì ông viết bài gửi ra hải ngoại, cho Trần Tam Tiệp, qua đường dây của cô Nguyễn Thị Nhạn, nhân viên bưu điện thành phố Saigon. Ký giả Hồ Nam kể, DHC từng khẳng khái nói với Trần Ngọc Tự (bạn thân của nhà văn Trần Tam Tiệp) rằng, họ Dương không cần thùng quà 2 “pao” của Trần Tam Tiệp mà chỉ cần bài viết tố cáo chế độ CS của ông, được phổ biến ở nước ngoài mà thôi. Hồ Nam cho rằng DHC chết vì bị rắn độc cắn trong phòng biệt giam tháng 11 năm 1987.
Cũng viết về những ngày cuối cùng của tác giả “Buồn Vui Phi Trường”, nhưng với tư cách bạn đồng tù, nhà văn Hoàng Hải Thủy, trong bài “Cái chết của nhà văn Dương Hùng Cường” (7) có nhiều ghi nhận cụ thể, chi tiết hơn. Ông kể:
-Một buổi sáng tháng 5 năm 1984, khi ông ở biệt giam 10 và bạn tù Trần Ngọc Tự ở biệt giam 9, nhà tù Phan Đăng Lưu, Gia định, chưa kịp nói gì nhiều với nhau thì, khi ghé mắt nhìn ra đầu hành lang hai ông thấy tác giả “Buồn Vui Phi Trường” bị CA áp tải vào phòng giam. Khi đó, DHC bận áo pull xanh, quần kaki - cái áo pull này chắc là của Trần Tam Tiệp mới gởi về. Sau thủ tục gia nhập sổ hộ khẩu thường trú: khám quần áo, hỏi tên tuổi, tội trạng, ghi vào sổ, Cường được đưa vào Biệt Giam 15 hay 16 bên dưới xà lim của họ Hoàng. DHC không thấy hai người bạn của mình! Mặc dù họ thấy họ Dương rất rõ.
Trong buổi sáng đó, nhà văn Hoàng Hải Thủy nói, ông được biết Khuất Duy Trác bị giam ở biệt giam 1. Biệt giam này ở ngay đầu hành lang, cạnh bàn làm việc của cai tù gác khu C1, nên Khuất Duy Trác không thể nói năng, hỏi han, trao đổi tin tức gì được với những bạn tù phòng bên. Họ Hoàng nhấn mạnh:
“Như vậy là anh em tôi 4 người : Dương Hùng Cường, Trần Ngọc Tự, Khuất Duy Trác và tôi - được công an thành Hồ đem xe bông đến nhà rước đi. Trong cùng một đêm. Vài ngày sau chúng tôi được tin anh Doãn Quốc Sỹ cũng bị bắt, đang nằm biệt giam khu C2 đâu lưng với khu C1 của chúng tôi.” (Nđd)
Vì xà lim của DHC xa phòng biệt giam của Hoàng Hải Thủy và Trần Ngọc Tự, nên họ chỉ có thể chuyện với nhau qua “vệ tinh”… Nghĩa là nhờ người tập thể trước mặt, chuyển tin tức cho DHC và, ngược lại…
Khi DHC nghe Hoàng Hải Thủy và Trần Ngọc Tự nói qua “vệ tinh” rằng CA thành phố Saigon, đã bắt được Nguyễn Thị Nhạn, liên lạc viên can đảm, duy nhất đáng ca ngợi của Trần Tam Tiệp ở Paris thì, DHC đã nhắn lại là:
“Phải giữ an ninh cho Dì Út…”
“Dì Út” là tên các văn nghệ sĩ ở Saigon dùng để gọi Nguyễn Thị Nhạn, nhân viên Bưu điện Trung ương thành phố Saigon, người trung gian nhận thư từ, sách báo, thuốc men do Trần Tam Tiệp gởi về cho anh em. Ngược lại, Nguyễn Thị Nhạn cũng nhận chuyển bài vở, bản thảo của anh em gửi ra ngoại quốc. Điều trớ trêu theo nhà văn Hoàng Hải Thủy là, khi các nhà văn dặn dò nhau phải giữ an ninh cho Nguyễn Thị Nhạn, thì họ đâu biết rằng cô Nhạn đã bị bắt rồi thả, rồi lại bắt lại trước anh em văn nghệ cả tháng trời! (Nđd)
Về tình trạng tù đầy của số văn nghệ sĩ bị bắt lần thứ hai, kể từ sáng ngày 2/5/1984, nhà văn Hoàng Hải Thủy ghi nhận rằng, sau thời gian bị nhốt ở biệt giam, gọi là thời gian cách ly, dài ngắn, lâu mau tùy theo từng người tù thì, Khuất Duy Trác được di chuyển về phòng Tập thể 2, Dương Hùng Cường ở phòng Tập thể 3, Hoàng Hải Thủy ở phòng Tập thể 6… Mười hai tháng sau (tháng 5/1985) nhóm văn nghệ sĩ bị gọi là “Những tên biệt kích cầm bút” – lại bị di chuyển qua khám Chí Hòa”. Họ Hoàng viết:
“… Đây là lần thứ nhất anh em tôi được ‘đoàn tụ’ trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Xe chở chúng tôi từ số 4 Phan Đăng Lưu sang Nhà giam Chí Hòa là loại xe vận tải. Công an TP dùng loại xe này vừa chở hàng, chở gạo, chở heo và chở tù. Bọn ‘Biệt Kích’ lếch thếch xách giỏ, chiếu lên xe tù sáng ấy gồm 6 mạng: Doãn Quốc Sỹ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, Hoàng Hải Thủy và 2 nữ là Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn. Trên xe anh em văn nghệ sĩ cười nói râm ran, tưởng như đang cùng đi trên một chuyến xe dự đám cưới chứ không phải là xe chở tù! (...) Đây là lần thứ nhất 6 anh em chúng tôi đặt chân vào ‘đất thánh Chí Hoà’. Chỉ có cô Nguyễn Thị Nhạn là người bị bắt lần đầu, còn chúng tôi - kể cả Lý Thụy Ý - đều đã bị bắt một lần rồi, nhưng chưa ai ‘được’ vào Chí Hòa (…) Sau 2 giờ ‘đoàn tụ’ thân mật, vui vẻ trên xe chở tù, chúng tôi lại được ‘ưu ái’ chia ra mỗi tên ở một phòng.” (Nđd)
Ở khám lớn Chí Hòa, tác giả bài “Cái chết của nhà văn Dương Hùng Cường” thấy có nữ tu Thích Trí Hải - bị bắt trong nhóm Già Lam, gồm Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Lê Mạnh Thát, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận...
Ông nói:
“… Khi vào phòng 10 khu ED Chí Hòa, tôi mới biết anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt đã từ Phan Đăng Lưu sang đây trước tôi đang ở phòng 11 cạnh phòng tôi...”
Nhà văn Hiếu Chân bị bắt sau Hoàng Hải Thủy chừng 2 tháng. Và:
“… Hiếu Chân bị chứng huyết áp cao, qua đời vì cơn bịnh này trong một đêm đầu năm 1986…” Hoàng Hải Thủy cho biết.
Riêng về cái chết của nhà văn DHC, họ Hoàng kể:
“Giữa, hay cuối năm 1987, tôi bàng hoàng khi được tin Dương Hùng Cường đã chết ở số 4 Phan Đăng Lưu (…) Anh em nói tối hôm trước ở những phòng tập thể, họ còn nghe tiếng Cường hát ở cửa gió biệt giam. Nhưng 8 giờ sáng hôm sau, Cai Tù đi 1 vòng điểm số. Không thấy Dương Hùng Cường đứng đưa mặt ra ô cửa gió. Mở cửa vào phòng biệt giam, cai tù mới thấy người tù nằm ngửa, đã chết trên sàn xi-măng…
Thi thể Dương Hùng Cường được đưa từ số 4 Phan Đăng Lưu về nhà xác Chí Hòa. Vợ con anh được gọi đến nhà xác Chí Hòa nhìn mặt anh, chứng kiến tẩm liệm anh. Công an CS tối kỵ việc cho thân nhân lãnh xác tù về nhà làm đám ma. Chúng cung cấp cho Dương Hùng Cường quan tài, xe chở lên chôn ở một nghĩa trang bên Lái Thiêu…” (Nđd)
Ra khỏi bài viết về cái chết của bạn, nhà văn Hoàng Hải Thủy viết:
“… Hôm nay ngồi bình yên trên đất Virginia - Virginia đất của tình yêu, đất dành cho những người yêu nhau - Virginia is for Lovers - tôi nhớ lại hình ảnh Cường trong chiếc áo pull xanh, quần kaki, túi quần áo đặt dưới chân, đứng trong hành lang C1, chờ Cai Tù mở cửa phòng biệt giam.
“Dương Hùng Cường…Tôi đã gọi tên Cường một lần ở giữa lòng Saigon bị chiếm đóng của chúng ta.” ./.
Du Tử Lê
(Apr. 2018)
______
Chú thích:
(7) Theo nhà văn Ngộ Không ở trang mạng T. Vấn thì:' Nhà văn Dương Hùng Cường bút hiệu Dê Húc Càn, Lão Dương…. sinh ngày 1.10.1934 tại Hà Nội. Ông qua đời ngày 21.11.1987 tại nhà tù Phan Đăng Lưu, Gia Định.'
trích từ DU TỪ LÊ' s blog
=================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ