Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

'nhìn lại một thời -- source: báo văn số 113 x 114

DOÃN QUỐC SỸ - Nhìn lại một thời Sáng Tạo

17 Tháng Tư 201812:19 CH(Xem: 18)
DOÃN QUỐC SỸ - Nhìn lại một thời Sáng Tạo

Năm 1954 hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái đầu lòng và cô em gái – năm người cả thảy – ra phi trường di cư vô Nam. Danh từ thời thượng mệnh danh là Bắc Cờ Năm Mươi Tư.
Thuở đó tôi còn là sinh viên, gặp Trần Thanh Hiệp – sinh viên Luật Khoa – chúng tôi bèn thành lập đoàn thể Đoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư (ĐSVHNDC), Trần Thanh Hiệp đứng ra làm chủ tịch.
Để giới thiệu ĐSVHNDC nhân dịp chào mừng mùa Xuân năm đó, chúng tôi cho in tập Xuân Chuyển Hướng. Tôi còn nhớ trước 1954 - thuở còn ở ngoài Bắc – tôi sớm có khuynh hướng viết văn, hoàn tất được một truyện ngắn đầu tay dưới dạng một truyện cổ tích mang tên là “Sợ Lửa”. Di cư vô Nam năm 1954, may sao tôi có mang theo bản thảo Sợ Lửa và cho đăng vào tập Xuân Chuyển Hướng này! Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục... tiếp tục sáng tác để chính thức đi vào nghiệp cầm bút của nhà văn bên cạnh sự nghiệp cầm phấn của nhà giáo sau này.
NSTe, DQSi, TTT, TTHiep
từ trái: Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp -- (tư liệu ảnh:  nhà văn Doãn Quốc Sỹ)


Sau tập Xuân Chuyển Hướng tôi đứng ra làm chủ nhiệm tờ tuần báo Người Việt nhưng cũng chỉ được vài số là đình bản. Sau đó gặp thêm Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng nữa, thế là chúng tôi xúm lại chủ trương nguyệt san SÁNG TẠO – vào năm 1956 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm! Tòa soạn Sáng Tạo ở đường Ký Con. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh của tôi đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách.

Sáng Tạo ra được tới số 30 hay 31 thì đình bản. Các văn hữu từ đó vẫn gọi nhóm chúng tôi – Mai Thảo - Nguyễn Sỹ Tế - Ngọc Dũng – Duy Thanh là nhóm Sáng Tạo – Tòa soạn ở đường Ký Con!
Thuở đó anh em chúng tôi ai muốn đem bài đến tòa soạn, hay đến tòa soạn để sửa bài thì ít nhất cũng phải đợi đến 9 giờ sáng hãy tới, vì tới giờ đó Mai Thảo mới ngủ dậy để ra ngồi trước bàn làm việc.
Từ tám chin giờ tối trở đi đó là giờ Mai Thảo có mặt ở vũ trường để khiêu vũ. Thuở đó đám sinh viên Hà Nội di cư chúng tôi đã có nơi cư trú đàng hoàng, đó là khu Đại Học Xá gần nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn. Thỉnh thoảng khoảng 8 giờ tối Mai Thảo lái xe đến đón tôi cùng đi khiêu vũ, khoảng 12 giờ khuya thì về, bao giờ cũng rủ theo một em vũ nữ lên xe để cùng tới một tiệm ăn nào đó, vừa ăn uống vừa nói chuyện vui, rồi đưa em vũ nữ về nơi hẻm em ở.
Cùng là nhà giáo kiêm viết văn, chúng tôi có ba người: tôi, anh Nguyễn Sỹ Tế (hiệu trưởng trường Trường Sơn) và anh Nguyên Sa (hiệu trưởng trường Văn Học).
Nhắc đến Nguyên Sa thì hầu hết chúng ta đều biết bài thơ nổi tiếng của anh “Áo Lụa Hà Đông”:

"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?
Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại..."
"Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
... Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi"

Sau này khi sang tới xứ Cờ Hoa này chúng tôi ở cách mấy tiểu bang – tôi ở Houston, Texas, anh ở Quận Cam Cali - mỗi khi có dịp gặp nhau, tôi vẫn hỏi đùa anh:
Chị vẫn mặc áo lụa Hà Đông, phải không anh?
Nhớ lại kỷ niệm với anh Nguyễn Sỹ Tế, khi Cộng Sản chiếm nốt miền Nam, chúng tôi cùng bị đi tù chung và cùng bị đày lên tận miền Gia Trung thuộc núi rừng cao nguyên Pleiku, Kontum. Vùng này sở dĩ mang tên Gia Trung vì có dòng suối YA YUNG chảy qua. Tiếng địa phương là Ya Yung được chuyển sang tiếng Việt là Gia Trung!
Anh Nguyễn Sỹ Tế có 4 câu thơ bằng tiếng Pháp trong tập thơ Chant d’Ya (Tiếng Hát Gia Trung) của anh như sau:

Sur un fond de ciel balayé
Un engourdi crossant de lune
Parait las et comme épuisé
De sa lumineuse fortune…

Và tôi dịch thoát nghĩa thành 4 câu thơ Việt như sau:

Đỉnh trời gió quét mây tan tác
Trăng lưỡi liềm ngơ ngác lạnh căm
Trăng sao đượm vẻ u trầm
Trăng sao quá đỗi âm thầm hỡi trăng

Vào năm 1956 – cách đây đúng nửa thế kỷ - khi tập truyện cổ tích Sợ Lửa của tôi ấn hành lần đầu, ông bạn Nguyễn Sỹ Tế của tôi viết TỰA và Thanh Tâm Tuyền viết BẠT. Với tinh thần tri âm tri kỷ, ông bạn Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ mang tên “NHỊP BA” đã nêu lên lòng ước muốn thường xuyên nóng bỏng trong tâm tư thầm kín của tôi: đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do!
Xin quý vị hãy cùng tôi thưởng thức bài thơ “NHỊP BA” của Thanh Tâm Tuyền viết thay lời Bạt cho “Sợ Lửa”

NHỊP BA

(Tặng Doãn Quốc Sỹ)
Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
Anh về ngồi dưới vườn nhà
Cây liền kết trái
Hoa rụng tơi tơi ủ xác
Anh chạy nhịp hai qua cách trở
Mắt bừng
Thống nhất, tự do
Ngoài xa thành phố
Bánh xe lăn nhịp ba
Áo màu xanh hớn hở
Nhát búa gõ
Long máy quay
Cửa nhà thi nhau lớn
Nhịp ba, nhịp ba, nhịp ba
Tình yêu, tự do, mãi mãi
Sóng bồi phù sa
Ruộng lúa trổ hoa
Núi cao uốn cây rừng
Nhịp ba, nhịp ba, nhip ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Đất nước ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội, Huế, Sàigòn
Ôm nhau nức nở
Có người cầm súng bắn vào đầu
Đạn nổ nhịp ba
Không chết
Anh ngồi nhỏm dậy
khoẻ mạnh lạ thường
Bước ai thánh thót
Nhịp ba
Tình yêu
Tự do
mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tư do mãi mãi anh ơi
Thanh Tâm Tuyền
* * *
Thấm thoát tính tới nay - Năm 2005 – đã vừa một nửa thế kỷ qua rồi. Anh em Sáng Tạo chúng tôi nay chỉ còn: Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền và họa sĩ Duy Thanh.
Mai Thảo và họa sĩ Ngọc Dũng cũng đã ra người thiên cổ!.  ./.

DOÃN QUỐC SỸ

(đăng lại trong Văn số 113&114
Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền tháng 5 &6 /2006)

---------------------------------
trích lại từ Du Tử Lẽ 's blog
===================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ