Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

' thơ+ văn: Hà Thúc Sinh+ Ambrose Bierce+ Phạm Văn Nhàn+ Phạm Cao Hoàng+ Lê Phương Nguyên -- blog Phạm Cao Hoàng (usa.)



SATURDAY, MARCH 3, 2018

456. thơ HÀ THÚC SINH/ Phà sông

-phà Vàm Cống - ảnh: Google image


Mênh mông trời nước Cửu Long Giang
Vàm Cống phà sông tuổi đã trăm
Biết mấy hoa trôi bèo giạt nhỉ
Cổ Chiên ra biển hay Hàm Luông

Bến nước này xưa vẫn ghé đây
An Giang Đồng Tháp ở hai vai
Lấp Vò nắng tắt chân đi vội
Xuống phố Long Xuyên mưa lại bay

Miệt dưới ngày xưa chàng bảo nghèo
Lúa ngô cá rắn biết bao nhiêu
Sài Gòn lạc xuống anh công tử
Chỉ ít ngày sau chết bởi yêu

Cầu đã mọc lên phà chẳng còn
Vơi dần khu xóm ở bên đường
Tình cồn nghĩa lạch trôi đi hết
Ơi hỡi về đâu đám súng sông

HÀ THÚC SINH
3-2018

455. THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu: CỬA SỔ BỊT KÍN/ truyện ngắn nhà văn Hoa Kỳ AMBROSE BIERCE (1842-1914)


Năm 1830, chỉ một vài dặm cách nơi hiện nay là thành phố lớn Cincinnati, là cánh rừng rộng mênh mông và hầu như chưa ai khai phá. Cả vùng chỉ thưa thớt dân vùng biên giới, những người làm việc không hề ngơi nghỉ, chẳng mấy chốc đã đục đẽo làm những căn nhà có thể ở được từ vùng đất hoang vu này,  và vươn tới mức phát đạt, tuy sự phát đạt ấy nay ta chỉ có thể gọi là nghèo khổ.

Sau đó, bị thúc đẩy bởi một động lực khó hiểu từ bản tính, họ từ bỏ tất cả và tiến xa hơn về phía tây, đương đầu với những hiểm nguy, thiếu thốn mới, với nỗ lực tìm lại những tiện nghi sơ sài mà họ đã tự ý dứt bỏ. Nhiều người trong số họ đã rời vùng này đi định cư ở những nơi xa hơn, nhưng trong số những người ở lại có một người từng ở trong nhóm người đến đầu tiên. Ông ta sống một mình trong  một căn nhà gỗ, bốn bề đều là rừng âm u, vắng lặng , mà ông cũng dự phần vào sự im vắng đó , bởi chưa ai thấy ông nở nụ cười hay nói điều gì thừa thãi. Nhu cầu đơn giản của ông được thoả mãn bằng việc bán hay đổi chác da thú rừng nơi thành phố ven sông, bởi không có thứ gì ông canh tác mà khi cần ông có thể yêu cầu xác nhận quyền sở hữu không tranh chấp được.

Có dấu hiệu của sự “cải tiến” - vài mẫu đất bao quanh căn nhà có lần bị chặt trụi cây, những gốc mục nát bị che khuất một phần bởi những thứ mới mọc, cố tồn tại để bù đắp sự tàn phá của những nhát rìu. Có vẻ như nhiệt tình canh tác của ông đã cháy theo ngọn lửa tàn, tắt ngúm dần thành bụi tro bất lực.

Căn nhà gỗ nhỏ bé, với ống khói bằng cây, mái bằng những tấm ván ghép cong cong, đè nặng bởi những cây sào bắc ngang, và khe hở trét đất sét, chỉ có một cửa lớn duy nhất, và đối diện là một cửa sổ. Tuy nhiên, cửa sổ lại bị bịt kín, và không ai nhớ có lúc nào nó được mở ra không. Và cũng không ai biết vì sao nó bị đóng như thế; chắc hẳn không phải vì chủ nhà ghét ánh sáng hay không khí, vì có những dịp hiếm hoi khi có anh thợ săn đi ngang qua nơi vắng vẻ này, vẫn thường thấy con người ẩn dật đó hong nắng nơi bậc cửa nếu trời có nắng hôm đó. Tôi nghĩ là ít người còn sống hôm nay biết được bí mật của chiếc cửa sổ này, nhưng tôi là người biết, như các bạn sẽ thấy.

Ông ta tên là Murlock. Trông ông như đã bảy mươi tuổi, thực ra chỉ khoảng năm mươi. Có cái gì đấy ngoài tuổi tác đã tác động đến việc ông già đi. Mái tóc và chòm râu dài, rậm đều bạc phơ, đôi mắt xám trũng sâu, khuôn mặt chằng chịt lạ lùng những nếp nhăn tưởng như thuộc hai tuyến giao nhau. Trông dáng dấp, ông cao và gầy, người khom lại, kiểu người khuân vác nặng. Tôi chưa bao giờ gặp ông, những chi tiết này tôi biết là do ông tôi, ngoài ra tôi còn biết chuyện đời ông nữa từ khi tôi còn nhỏ. Ông tôi biết chuyện vì ngày trước sống gần đó.

Một hôm, người ta tìm thấy ông già Murlock nằm chết trong lều. Thời đó không phải là thời của bác sĩ pháp y và báo chí và tôi nghĩ là mọi người đều tin ông chết vì nguyên nhân tự nhiên, hoặc là tôi nghe kể vậy, và nhớ vậy. Tôichỉ biết rằng, theo lệ thường, thi thể ông được chôn gần túp lều, cạnh bên mộ của người vợ đã chết trước đó nhiều năm và người địa phương chỉ lưu giữ chút chi tiết về cuộc đời của bà. Điều này khép lại chương cuối cùng của câu chuyện có thật này - ngoại trừ việc mấy năm sau đó, với tinh thần táo bạo, tôi đã thâm nhập nơi này, mạo hiểm đến gần túp lều ném một viên đá rồi bỏ chạy để khỏi gặp hồn ma lãng vãng nơi đây mà đứa trẻ nào quanh đây cũng biết. Thế nhưng, còn một chương trước đó nữa - được ông tôi kể lại.

Khi ông Murlock dựng túp lều và bắt đầu hăng say khai phá để lập nông trại - lúc ấy, với khẩu súng như phương tiện bảo vệ, ông còn trẻ, khoẻ mạnh và nhiều hoài bão. Tại vùng đất miền đông nơi ông ra đi, ông đã kết hôn, như kiểu mọi người, với một phụ nữ trẻ hoàn toàn xứng đáng với sự tận tuỵ chân thành của ông, người sẵn sàng chia sẻ mọi hiểm nguy, thiếu thốn của số phận ông với tinh thần tự nguyện và tâm hồn thư thái. Không thấy ghi chép danh tính của bà, vẻ đẹp tinh thần và hình dáng cũng không được nhắc đến, và người đa nghi tha hồ ấp ủ những mối hoài nghi, nhưng lạy Trời đừng để tôi phải chia sẻ điều đó. Về tình cảm và hạnh phúc của hai người thì có nhiều bằng chứng trong những ngày còn lại của người đàn ông goá bụa, nếu không là sự quyến rũ của hồi ức đầy yêu thương thì cái gì có thể gắn kết tinh thần dám nghĩ dám làm với một số phận như thế?

Một hôm, Murlock đi săn ở cánh rừng xa trở về thì phát hiện vợ nằm sóng soài dưới đất, nóng sốt, mê sảng. Trong vòng mấy dặm, không có bác sĩ nào, cũng không có láng giềng, bà lại không ở trong tình trạng có thể bỏ đó để đi tìm cứu giúp. Bởi thế, ông đành làm nhiệm vụ giúp bà hồi phục , nhưng sau ngày thứ ba, bà rơi vào tình trạng bất tỉnh nhân sự, rồi qua đời, không chút hy vọng hồi sinh.

Từ những gì ta biết về một tính cách như của ông ta, có thể thử phác hoạ vài chi tiết của bức tranh tổng thể của ông tôi. Khi tin chắc là bà đã chết, Murlock còn đủ tỉnh táo để nhớ rằng người chết cần phải được sửa soạn để đem chôn. Để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đó, ông vấp váp nhiều lần, có việc làm sai, có việc làm đúng nhưng phải làm đi làm lại nhiều lần. Ông ngạc nhiên thấy mình thất bại khi thực hiện vài động tác đơn giản và thông thường, như thể người say rượu hoang mang về sự ngưng nghỉ những quy luật tự nhiên quen thuộc. Ông cũng ngạc nhiên sao mình không khóc, ngạc nhiên và đôi chút xấu hổ, thật tình là không phải chút nào khi có người chết mà không khóc. “ Ngày mai, “ ông nói lớn, “ ta sẽ làm cái hòm và đào huyệt, và rồi ta sẽ nhớ nàng, khi không nhìn thấy nàng nữa, nhưng giờ đây, nàng đã chết, tất nhiên rồi, mọi chuyện sẽ ổn thôi - dù sao, mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi. Sự việc đâu có tồi tệ như vẻ bên ngoài của nó.”

Ông đứng cạnh thi hài bà trong ánh sáng mờ nhạt, vuốt tóc bà và hoàn tất việc rửa ráy, trang điểm, làm những việc này một cách máy móc, không chú tâm đến. Và rồi trong ý thức ông vẫn tin chắc rằng mọi việc sẽ ổn thoả, ông lại sẽ có bà như trước, và mọi điều dễ hiểu thôi. Ông chưa hề có kinh nghiệm đau buồn, khả năng của ông chưa hề cạn kiệt. Trái tim ông không thể chứa đựng nó, trí tưởng tượng của ông cũng không thể nghĩ ra điều đó. Ông không biết mình bị tổn thương đến vậy, nhận thức của ông sẽ đến hơi muộn một chút, nhưng sẽ không bao giờ rời đi. Sự đau buồn là một nghệ sĩ đầy quyền uy, cũng đa dạng như những nhạc cụ ông dùng để tấu lên những bài truy điệu dành cho người đã khuất, gợi lên từ vài bài những âm thanh cao vút, từ những bài khác những hợp âm trầm lắng, đập đều đặn giống như tiếng trống vọng từ xa. Có bản nhạc làm giật mình, có bản làm sửng sốt. Đối với người này, nhạc như mũi tên bay, làm đau nhói mọi cảm giác sắc bén trong cuộc sống, đối với người khác, nhạc như cú đấm của dùi cui, làm cho tê liệt hẳn. Chúng ta có thể thừa nhận Murlock bị ảnh hưởng theo cách đó, bởi vì ( bây giờ ta có thể tin chắc hơn là phỏng đoán ), ông vừa mới làm xong công việc đạo nghĩa đó, thì đến gieo mình nơi chiếc ghế để cạnh cái bàn đặt thi hài, nhận thấy khuôn mặt bà trông trắng bệch trong ánh sáng mờ mờ, ông đặt tay lên cạnh bàn, gục mặt vào tay, mắt ráo hoảnh và tỏ ra mệt mỏi vô cùng. Ngay lúc này, một tiếng kêu dài giống như tiếng khóc của một đứa trẻ đi lạc trong rừng thẳm vang lên qua cánh cửa sổ mở. Nhưng ông vẫn không nhúc nhích. Và rồi, nghe gần hơn trước, vẫn tiếng kêu bí hiểm ông không hiểu được. Có lẽ đó là một con thú hoang, cũng có thể chỉ là giấc mơ. VìMurlock đã thiếp ngủ.

Vài tiếng đồng hồ sau, như việc diễn ra sau đó, người canh giữ không chu đáo thức giấc, nhấc đầu ra khỏi tay và chú ý lắng tai nghe - mà vẫn không hiểu tại sao. Và trong bóng tối bên cạnh xác chết, cố bình tĩnh nhớ lại mọi chuyện, ông căng mắt ra nhìn - mà không hiểu là cái gì. Tất cả giác quan của ông đều được báo động, hơi thở như ngưng lại, máu ngừng chảy trong huyết quản, như phụ thêm sự im lặng kia. Ai? Cái gì đã đánh thức ông? Nó đâu rồi?

Bất thình lình, cái bàn lắc mạnh dưới tay ông.  Cùng lúc này, ông nghe, hoặc tưởng là đã nghe, tiếng chân bước nhẹ, rồi thêm tiếng nữa, nghe chừng như tiếng chân trần bước trên sàn nhà.

Ông kinh hoàng đến nỗi không thể la lên hoặc cử động. Bất đắc dĩ ông phải chờ đợi, chờ đợi ở đó trong bóng tối, trong thời gian dài như thế kỷ, với nỗi hoảng sợ có thể biết được tuy khó sống để kể lại. Ông cố gắng vô vọng để gọi tên người chết, cố gắng vô vọng vươn tay ra trên bàn, trước mặt, để xem bà có đấy không. Cổ họng ông bất lực, tay chân thì loạng quạng. Rồi chuyện khủng khiếp nhất xảy ra. Hình như có vật gì nặng va vào cái bàn và đẩy mạnh khiến bàn xô vào ngực ông dữ dội đến suýt làm ông ngã lăn ra. Cùng lúc đó, ông nghe và cảm thấy có vật rơi trên sàn nhà mạnh đến nổi làm rung chuyển cả căn nhà. Cuộc hỗn chiến xảy ra ngay sau đó và những âm thanh hỗn độn không phân biệt được. Murlock đứng thẳng dậy. Nhưng nỗi sợ hãi khiến ông không kiểm soát được mọi khả năng. Ông quơ tay trên bàn. Không còn gì ở đó.

Có một giới hạn sự sợ hãi sẽ biến thành điên loạn và điên loạn biến thành hành động. Với một ý định không rõ ràng, không có động cơ nào khác sự thôi thúc không cưỡng được của người điên loạn, ông nhảy lên tường, mò mẫm chộp lấy khẩu súng đã nạp đạn và nổ súng không đích nhắm.  Trong ánh sáng chói loà của gian phòng, ông nhìn thấy một con báo khổng lồ ngoạm cổ người phụ nữ kéo lê ra cửa sổ. Thế rồi bóng tối dày đặc hơn trước, mọi vật im lặng, khi ông tỉnh lại, mặt trời đã lên cao, khu rừng vang tiếng chim hót.

Thi hài nằm cạnh cửa sổ, nơi con thú thả lại do hoảng sợ vì ánh lửa và tiếng súng nổ bỏ chạy. Y phục xộc xệch, tóc tai rối tung, tay chân chẳng ngay ngắn. Từ cổ họng bà, một cảnh tượng thật kinh hoàng, một vũng máu chưa đông hoàn toàn. Dải nơ ông buộc nơi cổ tay bà bị giật đứt, đôi tay nắm chặt lại. Giữa hai hàm răng là một mẩu tai con thú.

AMBROSE BIERCE
  
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh 

454./ PHẠM VĂN NHÀN/ Tình bạn với LÊ VĂN TRUNG

ảnh: nhà thơ Lê Văn Trung


Vào trung tuần tháng 7 năm 2017. anh bạn Trần Hoài Thư có ra một thi tập:Vịn Vào Lục Bát. Trong thi tập này, phần sau anh Trần Hoài Thư dành riêng viết về những người bạn trong căn nhà ở Khu Sáu Qui Nhơn với những dòng lục bát, cùng với những người bạn văn nghệ của anh một thời khốn khó. Trong những bài lục bát ấy, có Lê Văn Trung...với những câu thơ lục bát rất chân tình. Dù đã trải qua gần 50 năm nhưng, như một kỷ niệm khó quên, mỗi lần nhắc đến. Căn nhà thuê, chật chội,  không ngăn nắp nhưng đầy ắp tình bạn. Đoạn lục bát trong thi tập mà Trần Hoài Thư viết về Lê Văn Trung như sau: Em nào hiểu giữa cơn say/ Ta chiêm bao thấy một ngày rất xa/ Khỏi cần khắc đá lời thơ/ câu thơ Khu Sáu cũng là thiên thu. Hai câu đầu trong bài lục bát này Lê văn Trung viết trên vách tường trong căn nhà tôi thuê bằng những cục than hầm từ ngôi quán của ông Ba chủ nhà.

Nói đến Qui Nhơn trong thời chiến (khoảng năm 1968) tôi với Trần Hoài Thư là hai người lính. Anh em cầm bút đổi về Qui Nhơn nhiều cho nên bạn bè cũng khá đông. Không phải những người lính chúng tôi quen nhau (hầu hết cầm bút) mà, còn có những người không phải là lính. Như Hoàng Ngọc Châu. Lê văn Ngăn. Nguyễn Thị Thùy Mỵ (Đặng Hòa)...Nhưng không hiểu tại sao giữa tôi với Trần Hoài Thư là hai người lính bụi lại quen và thân với hai anh chàng văn nghệ: Phạm Cao Hoàng và Lê Văn Trung. Khi đó Hoàng và Trung là hai sinh viên của trường Sư Phạm Qui Nhơn đạo mạo, nghiêm chỉnh, vóc dáng của một người thầy trong tương lai. Không phải chỉ quen qua loa, mà quen thật tình như anh em trong một nhà. Cái tình thân ấy ngày càng gắn bó, cho dù hôm nay, đã trải qua gần 50 năm. Tuổi đời chồng chất. Tóc trên đầu đã bạc. Mà, mỗi lần nhắc đến căn nhà trong Khu Sáu ở Quy Nhơn là phải nói đến những người bạn một thời khốn khó ấy.  Ngay cả hôm nay. Thi tập "Vịn Vào Lục Bát" của Trần Hoài Thư đã phát hành, anh cũng không thể nào quên 4 anh em trong căn nhà thuê ấy. Cùng với những người bạn văn nghệ ghé đến rồi đi.

Nói đến nhà thơ Lê Văn Trung, theo tôi thì phải nói đến nhà thơ Phạm Cao Hoàng; Vì Trung và Hoàng là hai người đồng môn. Học một khóa Sư Phạm. Khi nói đến Hoàng và Trung không thể nào không nói đến Trần Hoài Thư. Tôi đã bụi mà Trần Hoài Thư còn bụi hơn tôi. Hai người lính bụi gặp hai anh chàng sinh viên Sư Phạm này có lẽ hạp nhãn hay sao mà gắn bó như  keo cho đến hôm nay. Dù người ở bờ Đông. Kẻ ở bờ Tây. Sau năm 1969, tôi xa ba người bạn của tôi. Phạm Cao Hoàng tôi còn gặp ở Phan Thiết, mỗi lần về phép. Lê Văn Trung đổi ra Quảng Ngãi. Trần Hoài Thư đổi vô Miền Tây Nam Bộ. Dù xa nhau. Nhưng mỗi khi gặp nhau là nói đến nhau. Nói đến căn nhà trong Khu Sáu Qui Nhơn năm nào.

Năm 1971 Lê Văn Trung đổi về Huế. Khi đó Trung đã lập gia đình. Chị Hiệp. Hai người đã có một cháu gái còn nằm nôi, trên dãy lầu thuê ở Phú Cam. Tôi đến thăm. Và Trung là người tham dự ngày vui của tôi ở Huế.

Sau này đã trải qua 47 năm (1970-2017) Trần Hoài Thư tìm thấy bài thơ: Lời cám Ơn Bạn Bè của Lê Văn Trung đi trên Bách Khoa năm 1970 thay mặt tôi để viết nên bài thơ khi Trung đến dự ngày vui của tôi. Xin trích hai đoạn: Xin cảm ơn bạn bè ta đã tới. Uống chút rượu mừng trong ngày cưới ta. Dù lũ mày về từ rừng cao núi thm. Dù đứa què chân, dù đứa mù lòa...Xin cám ơn bạn bè ta lần nữa. Đứa trên đồi cao, đứa dưới chân đèo. Có đứa nào ngày mai làm đám cưới. Không biết bạn bè còn được bao nhiêu.

Tôi chưa bao giờ đọc bài thơ này của Trung trong thời gian còn trong quân ngũ. Những người lính như tôi không có nhiều thời giờ thả rong ở phố thị. Nhận được bài thơ từ anh Trần Hoài Thư tìm kiếm trên tạp chí Bách Khoa cũ, lòng tôi rất cảm động và nhớ rất nhiều về tình bạn trong căn nhà Khu Sáu Qui Nhơn năm nào. Cùng với bài thơ của Trung, anh Trần Hoài Thư còn gởi cho tôi một tin vui của bạn bè chúc mừng tôi trên một tạp chí phát hành ở Sài Gòn: kể từ hôm nay, tôi (PVN) không còn phải ngủ bụi. Tôi vui biết mấy khi có những người bạn văn nghệ hiểu tôi.

Tháng 9 năm 2001 Thư Quán Bản Thảo phát hành. Ba số sau, chúng tôi liên lạc lại được với các bạn bè cầm bút trong nước viết bài gởi ra cho TQBT. Trong đó có anh Từ Thế Mộng. Bạn bè ai cũng có máy vi tính riêng anh TTM thì không. Anh viết thư tay và gởi bài qua cho tôi (gởi qua đường bưu điện). Nhiều khi cả tháng tôi mới nhận được thư của anh. Trong những lá thư anh gởi qua, có nói đến Lê Văn Trung đi làm phụ hồ cho một công ty xậy dựng đang công tác tại Phan Thiết. Trung có đến nhà tôi, hỏi thăm tôi. Năm ấy là năm 2004. Anh Từ Thế Mộng cho Trung biết gia đình tôi đã đến Mỹ năm 1991.

Thế  rồi, vào năm 2010, lần thứ hai tôi về VN sau đó một năm. Tại nhà Nguyên Minh được tổ chức ra mắt sách cho ba người: Nguyên Minh, Lê Văn Trung và tôi (PVN). Hai tập truyện và một tập thơ được Nguyên Minh trình bày trang trọng. Và cũng chính Nguyên Minh là người thuyết minh trong buổi ra mắt sách hôm đó. Buổi ra mắt sách gồm khoảng 20 người bạn cầm bút là bạn bè trước 1975.

Lần đầu tiên, sau năm 1971, tôi gặp Lê Văn Trung cùng với những anh em khác trong đó có Lê Ký Thương. Chúng tôi ôm nhau từng người. Ứa nuc mắt trong ngày gặp lại.

Vào năm 2014. Tháng 5. Tôi về thăm nhà và cũng để tham dự ngày giỗ của anh Từ Thế Mộng. Một niềm vui khó tả là ngày đó Thư Ấn Quán in lại tập thơ: Tiếng Thơ Miền Trung phát hành vào năm 1959, gồm 5 nhà thơ trẻ: Cao Hoàng Nhân. Thanh Nhung. Thương Nguyệt. Từ Thế Mộng. Võ Thùy Lam. Tập thơ này tìm được từ một nơi bán giấy vụn mà nhà thơ Lê Ký Thương tìm và mua lại, gởi qua cho Thư Ấn Quán để tái bản. Ngày giỗ anh Từ Thế Mộng tôi mang về gồm bản gốc và gần 20 tập mới in lại để trên bàn thờ của anh.

Riêng tôi rất vui vì trong ngày giỗ anh Từ Thế Mộng. bạn bè của tôi nghe tôi về, dù ở xa cũng đến. Như vợ chồng nhà thơ Nguyễn Dương Quang từ Đà Lạt lái xe xuống. Nhà thơ Tô Duy Thạch đón xe đò từ Phan Rí vào trước một ngày. Vợ chồng nhà thơ Lê Văn Trung đi xe gắn máy từ Đồng Nai ra. Ngoài ra còn có bạn bè tại thành phố biển Phan Thiết: như nhà thơ Nguyễn Như Mây, Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm....

Buổi sáng, anh chị em ngồi chờ Lê Văn Trung tại ngôi quán cà phê rất nên thơ. Tôi dám nói ở thành phố tôi ở Houston chẳng hạn, chưa có quán cà phê nào đẹp và nên thơ như những quán cà phê ở quê nhà. Trên đường đi, Trung báo cho tôi hằng phút, hằng giây. Đi tới đâu. Cây số mấy. Đoạn đường từ Đồng Nai ra Phan Thiết chắc cũng gần 200 cây số. Anh em ngồi chờ. Riêng tôi thì rất háo hức chờ người bạn lâu năm. Hôm nay phải nói chuyện nhiều với Trung.

Chuyện nói thì nhiều lắm. Ngồi trước mái hiên nhà xưa cũ, nơi tôi đã lớn lên. Chuyện xưa nói làm sao cho hết. Nhìn Trung, tôi thấy có một cái gì đó buồn buồntrên gương mặt khắc khổ của anh. Nỗi buồn đó như thởi gian làm xói mòn trên từng viên gạch trong ngôi nhà cổ của tôi. Mỗi lần tôi nhìn lên những vách tường loang lổ. Trung ơi! Sao hôm đó chỉ có tôi với Trung. Sao hôm đó không có đủ bốn người, như dạo nào ở trong căn nhà thuê Khu Sáu Qui Nhơn. Trung nhắc lại tên từng người, từng người. Trí nhớ bỗng trở về trên từng gương mặt. Trần Hoài Thư ơi! Phạm Cao Hoàng ơi!

Tháng 10 năm 2017. Tôi nhận tập thơ Thu Hoang Đường gồm 92 bài của Lê Văn Trung. 92 bài thơ Trung viết về mùa Thu. Mỗi bài mỗi vẻ. Buồn man mác. Nỗi buồn ấy như còn vấn vương trên gương mặt của Trung mà năm 2014 tôi nhìn thấy. Tập thơ của Lê văn Trung phải hình thành nói như lời nói của hai người bạn của tôi: anh Trần Hoài Thư và anh Tô Thẩm Huy. Cám ơn. Cảm ơn Đất Trời Vô Lượng đã cho tôi có những người bạn tốt hôm nay.

PHẠM VĂN NHÀN 
Houston. Ngày 3 tháng 12 năm 2017

FRIDAY, MARCH 2, 2018

453. thơ PHẠM CAO HOÀNG /Hành phương đông

ảnh: Google image


Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà
Nguyễn Bính – Hành phương Nam

bạn ta, áo ngươi sao bạc thếch
chiều nay còn một ngươi với ta 
ngươi nhớ gì dưới trời mây trắng 
ta nhớ màu hoàng hôn năm xưa

ngươi phong trần ta cũng giang hồ
vó ngựa qua nhịp khua lóc cóc
buổi ra đi đâu mơ ngày về
nhưng chiều nay ngươi ơi ta muốn khóc

ngươi ba mươi ta cũng ba mươi
kể cũng đã mười năm rồi, xa lắc
thì vui đi cho hết một đời
rằng ta kẻ trời cho sống sót

đôi khi ta mơ một căn nhà trống
dù thu sang hay lồng lộng buổi mưa về
gõ trên quãng đời xưa mà hát
rằng ngàn năm mây trắng đời ta

bạn ta, còn đây lưng chén rượu
ta mời ngươi cạn nốt cùng ta
dẫu lòng ta bạc hay ngươi bạc
cũng cầm bằng như bóng mây qua

cũng như là những giọt máu hồng
đã nhỏ xuống trong mùa xương máu
bên trời kia, ngươi nghe gì không
tiếng ai vọng đau mấy chiều cố xứ

trong lòng ta có một dòng sông
dòng sông xưa đục mù bến nước
lau lách khuya sương lạnh hàng hàng
bạn ta hỡi, làm sao quên được

ta chợt thấy trong đôi mắt ngươi
có điều gì ngươi chưa thể nói
mây vẫn còn giăng trắng một trời
hồn ta cũng giăng đầy sương khói

có nỗi buồn nào đang len trong từng mạch máu
có mũi nhọn nào đâm trong tim ta từng cơn
cạn chén rượu thấy trời đất sụp
ta cũng như ngươi, có vui gì hơn

bạn ta, ngươi sống có bao năm
mà sương gió đầy trên mái tóc
ta cùng ngươi đi giữa phương đông
đất rộng quá nên ngàn năm còn cô độc

mây trắng quá và chiều tê tái lắm
biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai
ta cùng ngươi những bóng đời lếch thếch
chiều tan mau rồi vẫn bóng đêm dài

sống nửa đời chẳng có một quê nhà
buổi lận đận thân gửi nhờ đất khách
chẳng lẽ ta ôm lòng mà chờ
chờ một thuở huy hoàng trên mặt đất

chẳng lẽ ta bắt chước người xưa
ôm chí lớn đi cùng trời đất
trăm năm rồi như bóng mây qua
chí đã cùn nên thiên thu đành chôn chặt

chẳng lẽ ta học người thất thế
mượn dăm chén rượu lãng quên đời
hay ngửa mặt ngâm câu khí khái
giữa chợ đời lê gót rong chơi

bạn ta, vui chi mà cười ngất
buồn chi đập chén vỡ tan tành
mây phương nam có khi mù phương bắc
có khi là mây chia cắt ngàn năm

ta có khi đứng bên tuyệt lộ
thấy một màu nắng úa dưới nhân gian
lớp lớp những mồ xanh bóng cỏ
huyệt sâu kia ta đã có phần

thời xuân thu chẳng thấy ngọn ngô đồng
chim phượng bay dưới trời tan tác
th
ời hoàng kim của mưa đổ máu hồng
kẻ thất chí nhìn trời rơi nước mắt

ta với ngươi đứng giữa vực tử sinh
vẫn thấy bay một trời mây trắng
nghe quanh đây trời đất quá điêu tàn
không còn ai giữa chiều thoi thóp nắng

trong mắt ngươi có bóng đời ta tan vỡ
có mùa đông quê cũ rét mưa phùn
có đầu thu rụng đầy bông khế
có bông cúc vàng nở rộ chớm sang xuân

có chuyến tàu đi trong chiều sương lạnh
nhả khói buồn tan với hoàng hôn
có chiếc khăn tay vẫy ngang mắt lệ
bánh sắt lăn như nghiến nát cả lòng

chiều nay đèn nhà ai thắp sáng
nghe rộn ràng bên lớp khói đùn quanh
mười năm, ta hay ngươi người viễn khách
rét về chưa mà hồn lạnh căm căm

ta cùng ngươi đi giữa phương đông
giày đã rách nhưng chân chưa thấy mỏi
vỗ trên lưng ngày tháng mà ca rằng
giữa trần gian ta như hạt bụi

bụi dẫu có ngàn năm chờ đợi
cũng ngậm ngùi tan với hư không
ngươi dẫu cạn bao nhiêu hồ rựou
cũng dễ chi đã ấm được lòng

cũng không bằng một sớm mùa đông
quàng khăn rét ngồi bên cửa sổ
hay co ro bên bếp lửa hồng
ấm đời nhau dăm câu chuyện kể

thời bây giờ ta như chim bị đạn
kêu đau thương nay đã suốt bao chiều
bay lảo đảo dưới trời hiu quạnh
đợi tan tành cùng mặt đất buồn thiu

thời bây giờ, của những giọt nước mắt
ướt đẫm khăn hồng người con gái năm xưa
thời của những khăn tang chít vội
thời ruột đau như cắt nỗi chia lìa

thời huy hoàng của những bầy quạ đen
bay phơi phới giữa phương đông hực lửa
thời của những người đã đánh mất trái tim
chỉ còn bóng hận thù vây mọi phía

cắn trong răng một trái bồ hòn
không thể nói những điều muốn nói
ta cùng ngươi những bóng đời thầm
nhìn mây trắng lòng đau vời vợi

đã bao năm dòng máu ta sắp cạn
mà nơi đây không một bóng ai về
rụng tan tác những mùa hoa rụng
mà mây thì mây trắng lê thê

ta cùng ngươi vẽ bóng mà ch
cùng mặt đất quay theo thời chiến quốc
chiều nay còn một ngươi với ta
bước khập khiểng dưới trời cô độc

có tiếng tù và vang vang trong gió
âm thanh buồn xé vỡ không gian
cũng là lúc nụ cười ta héo hắt
chiều thê lương trời đất quá điêu tàn

có tiếng ai vọng từ muôn kiếp trước
bông hồng nào vừa rụng giữa lòng ta
trong mắt ngươi có chút gì u uất
soi long lanh bóng dáng một quê nhà

kể cũng đã mười năm rồi ngươi hỡi
ngửa nghiêng cùng lịch sử thăng trầm
vui có khi cười ra nước mắt
có khi là rượu say khướt hoàng hôn

ruột có khi tưởng lìa chín khúc
máu có khi ứ giữa buồng tim
cũng đành sống cho qua thời mạt kiếp
dù tháng ngày chụp xuống những oan khiên

bạn ta, bên kia sông là núi
núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi
núi tiếp sông và sông tiếp biển
sông tiễn người qua bến phân ly

sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu
mùa bão tới gầm lên hồi bi thiết
gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
bởi máu đã nhuộm hồng sông nước

bấc đã lụn nên đèn leo lét
gót ai qua rờm rợp khắp non sông
trên mặt đất người người rơi nước mắt
và nơi đây ta ngậm nỗi căm hờn

ta cùng ngươi đi giữa phương đông
thương vườn ai đìu hiu dăm xác lá
mái rêu phong cửa khép im lìm
nhà ai đó giống quê nhà ta quá

giậu ai đó đỏ hàng dâm bụt
ngỡ như màu mực tím thuở mười ba
nghe thoang thoảng mùi hương sách mới
có chút gì nghèn nghẹn giữa tim ta

bóng chim nào lạc cánh cuối trời xa
đất rộng quá biết đâu là cố lý
và nơi đây hiu hắt những đời người
dài râu tóc ngồi mơ thời thịnh trị

lúc tuổi trẻ đã tan rồi chí khí
sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương
nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp
ta cùng ngươi quay với bóng tang thương

Phạm Cao Hoàng
1 9 7 1

452. thơ HÀ THÚC SINH/ Quê hương




Giọt nước bung lơi ở giữa trời
Tràn ra lan mãi để thành khơi
Thổ ngơi sâu lấn trườn trăm ngả
Từ đó nương nằm với ruộng phơi 

Chim lạc từng mây chim vẫn bay
Kêu nhau rơi xuống chỗ này đây
Vàng tươi một hạt nào ai biết
Dào dạt về sau lúa đợi người

Rồi tụm vào nhau người với người
Một dòng trăm họ lúc đầy vơi
Lúc bình lúc biến chia nhau đến
Giọt lệ hoà chung với tiếng cười

Quê hương từ đó đã ra đời
Ai biết non sông lắm đổi dời
Để đến chiều nay thương nhớ quá
Cúi đầu khẽ gọi cố hương ơi

HÀ THÚC SINH
3-2018

451. LÊ PHƯƠNG NGUYÊN/10 bài lục bát

nhà thơ Lê Phương Nguyên - photo by Phạm Cao Hoàng (2017)



HOÀI CẢM
TRÊN DÒNG SÔNG CỬU LONG

Bến sông vẫn bến sông này,
Vẫn trời xanh thắm, vẫn mây trắng bờ,
Vẫn còn bên đợi bên chờ,
Trường giang, lữ khách đã ngờ mất nhau…

                                         
HOA LAU
                                    
Chờ ai chờ đến bạc đầu,                                   
Vẫy tay gọi núi gửi sầu theo sông;
Ráng chiều, máu nhuộm hoàng hôn,                             
Và không gian đã trắng hồn hoa lau…


ĐI QUA MỘT LÀNG QUÊ
                                   
Nghiêng nghiêng cát trắng bãi dài,                                    
Hòn Đao núi dựng u hoài đợi ai?                                    
Nghe chừng đá nát vàng phai.
Người xa mỗi bước một dài nỗi đau…

                                             
NĂM NĂM DÒNG SÔNG THƠ (*)
                                                              
Tặng Anh Trần Huiền Ân
                                   
Năm năm một giấc mơ dài,
Dòng xuân thu đã sương cài tóc ta;
Sông xanh với núi là nhà,                                  
Thơ là bằng hữu, rượu là tri âm….
                                                     
(*) Năm Năm Dòng Sông Thơ, tên một tập thơ Trần Huiền Ân


HƯƠNG ĐÊM

Dưới trăng gối cỏ nhìn trời,
Ngàn sao ai rắc trên đồi như hoa;
Lập lòe đom đóm bay qua,
Mùi hương đâu tự trời xa theo về…

                                        
GỬI HAI CON Ở XA
                                               
Hai con nương náu bên trời,                                    
Chiều quê năm hết cha ngồi đăm đăm;                                      
Không buồn vì chuyện cách ngăn,                                     
Sợ đau vì nỗi xa xăm tấc lòng…

                                      
BUỔI TRƯA                                  
NGẮM HOA HỒNG QUA SONG SẮT
                                   
Đóa hồng trong nắng bâng khuâng,                                  
Nụ cười Em bỗng hóa thân đây rồi !                                  
Từ trong sương, gió, đất, trời,                                   
Là Em, là đóa hoa đời trao anh….
                                              

MỘT THUỞ CÒN VƯƠNG
                              
Em nghiêng nón của một thời,                                    
Ngập ngừng  che nửa nụ cười trao anh,                                   
Xa rồi…thuở tóc còn xanh;                                   
Quê người vạn dặm đã thành chiêm bao…

                                          
BÊN NGOÀI
NGÔI GIÁO ĐƯỜNG ĐỔ NÁT
                                                               
Giữa trời Chúa đứng dang tay,
Đợi đàn con mãi ra đi không về;                                   
Thời gian từng giọt nặng nề,
Xa xăm đôi mắt bốn bề quạnh hiu….


MỚI HAY MÌNH VẪN LÀ NGƯỜI…
                                   
Bỏ kinh tế mới về thành,                                    
Lang thang đói khát áo manh nón cời…                                   
Mới hay mình vẫn là người,                                   
Nên từ đây sổ bụi đời có tên…

LÊ PHƯƠNG NGUYÊN

- chân dung nhà thơ Lê Phương Nguyên
(photo by Nguyễn Hữu / 2017.)


--------------------------------------------------------------------------------------------
trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG
=====================================================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ