Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

' lại chuyện "lùm xùm đạo thơ" LÍNH MÀ EM / Lý Thụy Ý ( Saigon 1967) trong THƠ PHẠM TIẾN DUẬT xuất bản ở Hà Nội năm 2007' -- https://kontumquetoi.com/


“CẦM NHẦM ” THƠ ? -- AI LÀ TÁC GIẢ “LÍNH MÀ EM “:  LÝ THỤY Ý hay là PHẠM TIẾN DUẬT ???


Mình trách anh hay hồi âm thư trễ
– Em đợi hoài! Em sẽ giận cho xem
Thư anh viết: – Bao giờ anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ – Lính mà em!
Anh gởi về em mấy cành hoa dại:
– Để làm quà không về được Noel
Không đi lễ nửa đêm cùng em gái
Thôi đừng buồn anh nhé – Lính mà em!
Anh kể chuyện hành quân nằm sương gối súng
Trăng tiền đồn không đủ viết thư đêm
Nên thư cho em nét mờ, chữ vụng
– Hãy hiểu dùm anh nhé – Lính mà Em!
Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
– Anh quen rồi, không lạnh – Lính mà em
Ngày về phép anh hẹn mình dạo phố
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Mình xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh cười buồn khẽ nói: – Lính mà em!
Ghét anh ghê! Chỉ được tài biện hộ
Làm “người ta” càng thương mến nhiều thêm
Nên xa lánh những cuộc vui thành phố
Để nhớ một người hay nói LÍNH MÀ EM!

1967
LÝ THỤY Ý
Bài thơ này trong một thời gian được cho là của Phạm Tiến Duật, và được in trong tuyển tập Thơ Phạm Tiến Duật.(Nguyễn Khắc Phục chủ biên, NXB Hội nhà văn, 2007). Tuy nhiên, sau khi tập thơ này được in, chính Phạm Tiến Duật đã khẳng định bài này không phải của mình mà của một nhà thơ nào đó ở Sài Gòn viết trước 1975.
Ngày 22-12-2012, nhà thơ Lý Thuỵ Ý đã lên tiếng khẳng định bài thơ này của mình bằng một email gửi nhà thơ Trần Mạnh Hảo, và nêu rằng bài thơ này đã từng in trên báo Văn nghệ tiền phong tại Sài Gòn năm 1967, sau đó in vào tập thơ Khói lửa 20 của bà in năm 1972 tại Sài Gòn, và in trong tuyển tập Thơ tình Nam 1975 của miền Nam.
Trình chơi Âm thanh

Trần Mạnh Hảo thảo luận về bài thơ LÍNH MÀ EM.


Chúng tôi (TMH) vừa nhận được email của nhà thơ, nhà văn Lý Thuỵ Ý nói về bài thơ “Lính mà em” của bà đã từng in trên báo “Văn nghệ tiền phong” tại Sài Gòn năm 1967, sau đó in vào tập thơ “Khói lửa” của bà in năm 1972 tại Sài Gòn. Bài thơ này còn in trong tuyển tập: “Thơ tình nam 1975” của miền Nam.
Nhưng, lạ lùng thay, bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ Lý Thuỵ Ý lại thấy nằm trong tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật do nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam xuất bản năm 2007, tất nhiên là bài thơ mang tên Phạm Tiến Duật (có sửa một số chữ màu xanh) dưới đây.
Còn đây là lá thư điện tử của nhà thơ Lý Thuỵ Ý gửi chúng tôi (TMH):
Kính gởi nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Tôi tình cờ đọc được trên trang mạng của Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Khắc Phục những luồng ý kiến về bài thơ “LÍNH MÀ EM” mà tôi là tác giả. Tôi, Lý Thuỵ Ý, viết báo và làm thơ tại Sài Gòn trước 1975, đã viết “Lính mà em” khoảng năm 1967-1968. Bài thơ sau đó đăng lên tuần báo Văn nghệ Tiền phong của Sài gòn, tạo được tiếng vang cho tên tuổi Lý Thụỵ Ý, và được đưa vào thi phẩm “Khói lửa 20″…
Đó là tâm tư của một người con gái thời chiến yêu lính, “đặc sệt” chất “Em gái hậu phương”, nói với người tình lính chiến hay dùng “Lính mà em” để biện hộ cho những lần thất hứa… Tôi tin rằng nhiều người Sài Gòn vẫn còn nhớ “Lính mà em” của Lý Thụỵ Ý, vì bài thơ được hai nhạc sĩ Y Vân và Anh Thy phổ nhạc, Hùng Cường hát và phát đi phát lại trên đài phát thanh nhiều lần…
Tôi gởi kèm cho ông 2 bài thơ, 1 được cho là của nhà thơ Phạm Tiến Duật (Ông Nguyễn Khắc Phục gần như khẳng định). Bài thơ có lẽ được chép qua những người không “thuộc” cho lắm nên lôm côm và mất ý, tôi tin nếu Phạm Tiến Duật làm, chắc chắn sẽ hay hơn nhiều! Và một “Lính mà Em” của chính tác giả, Lý Thuỵ Ý, để ông thấy rõ sự khác biệt giữa “thật” và “tam sao thất bổn”… Thật ra, tôi đã đọc nhiều “Lính mà em”… và thất vọng khi thấy câu chữ hầu như…chẳng còn gì ngoài ba từ “Lính mà em!”
Hy vọng với sự khách quan, ông cho vài ý kiến, và tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi khi mà bài thơ nầy giờ đây cũng đã nằm chễm chệ trong tập thơ cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật với những câu cú…đáng buồn!
Cũng xin nói thêm rằng, chỉ có “người ngoài cuộc” là nói Lính mà Em của Phạm Tiến Duật, còn bản thân ông thì không thừa nhận. Trên báo TUỔI TRẺ số ra ngày Chủ nhật – 4-11-2007, trong bài “Một người lính đặc biệt trên đường mòn huyền thoại” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về Phạm Tiến Duật có đoạn: (xin trích nguyên văn) “…Khi tôi đến, ông lấy tập thơ tặng tôi và mở tập thơ ra chỉ cho tôi xem một bài thơ và nói đó không phải là thơ của ông, nhưng vì yêu quí mà những người làm sách đã đưa bài thơ đó vào. Đó là bài “Lính mà Em”. Phạm Tiến Duật nói đây là bài thơ của một nhà thơ nào đó của Sài gòn viết trước 1975…” (Nguyễn Quang Thiều).
Thật ra, những dư luận cũng đã qua khá lâu, nhưng gần đây tôi mới tình cờ biết được nên nghĩ tác giả Lính Mà Em lên tiếng cũng không thừa, trước hết để tránh sự ngộ nhận không đáng có, thứ hai là đưa ra nguyên bản bài thơ để những người yêu Lính mà em có một bài thơ đúng nghĩa.
Hy vọng không làm phiền nhà thơ.
Chân thành cám ơn.

Lý Thụỵ Ý
Sài gòn 22- 12- 2012
Lính mà em!
Em trách Anh gửi thư sao chậm trễ
Em đợi hoài em sẽ giận cho xem
Thư Anh viết bao giờ Anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ,
Lính mà em!
Anh gửi cho Em mấy nhành hoa dại
Để làm quà không về được em ơi
Không dự lễ Nô-En cùng em được
Thôi đừng buồn em nhé,
Lính mà em!
Ngày nghỉ phép Anh cùng Em dạo phố
Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm
Em xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh mỉm cười rồi nói,
Lính mà em!
Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm
Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm
Anh che em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi không lạnh,
Lính mà em!
Anh kể em nghe chuyện trong này
Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu
Thư Anh viết chữ mờ nét vụng
Hãy hiểu dùm Anh nhé,
Lính mà em!
Ghét Anh ghê chỉ được tài biện hộ
Làm cho người ta thêm nhớ thương
Em xa lánh những ngày vui trên phố
Để nhớ người hay nói,
Lính mà em!

Phạm Tiến Duật khẳng định: 

' bài thơ này không phải của mình.'

Phạm Tiến Duật
Một người lính đặc biệt trên đường mòn huyền thoại 
trích)

04/11/2007 – Tuổi trẻ - Trong những ngày này bạn bè đến thăm ông rất nhiều. Mỗi khi có người đến là Phạm Tiến Duật lại vội vàng ngồi dậy và sai con trai mình chụp ảnh chung ông với bạn bè. Hai con trai Phạm Tiến Duật là cháu Hải và Lâm ngày đêm thay nhau chăm sóc bố. Chị Vân, vợ ông, bị tai nạn phải ngồi một chỗ trong thời gian ông bị bệnh. Khoảng nửa tháng trước đây, bạn bè nhà thơ ở Công ty Dầu khí Việt Xô đã in một tập thơ nhỏ cho ông. Họ là những bạn đọc mến mộ thơ ông từ thời chiến tranh.
Khi tôi đến, ông lấy tập thơ tặng tôi và mở tập thơ ra chỉ cho tôi xem một bài thơ và nói đó không phải là bài thơ của ông. Nhưng vì yêu quí mà những người làm sách đã đưa bài thơ đó vào. Đó là bài Lính mà em. Phạm Tiến Duật nói đây là bài thơ của một nhà thơ nào đó của Sài Gòn viết trước 1975. Nhưng ông rất hạnh phúc với tập thơ mà bạn bè hâm mộ thơ đã in cho mình.
Trong thời gian ông nằm viện có một nhà văn chiều nào cũng đến thăm ông. Và mỗi lần đến thăm đều mua cho ông một chiếc áo mới. Lần nào cũng vậy, khi nhận được áo mới đó Phạm Tiến Duật đều cởi chiếc áo đang mặc và thay vào đó là một chiếc áo còn nguyên mùi vải. Người đó chính là nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Không phải Phạm Tiến Duật thiếu áo và cũng không phải Nguyễn Khắc Phục không biết mua quà gì cho bạn. Họ là những người lính cùng một thời với nhau. Hơn ai hết cả hai đều thấu hiểu cái sống cái chết trong cuộc đời này. Họ đã viết những câu thơ, câu văn đầy khát vọng hoà bình trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy. Bây giờ họ lại thanh thản làm một việc thật lãng mạn và nhân văn trong một cuộc đấu tranh khác không kèm phần tàn khốc – cuộc đấu tranh với số phận mà cụ thể là cái chết.

trích từhttp://www.tuoitre.com.vn…D=227689&ChannelID=10
Bài thơ “Lính mà em” của ai?

(Đặng Văn Sinh, 11/01/2008)… Vậy thì rốt cuộc, bài thơ ” Lính mà em” là của ai? Của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà người lính Cộng hoà nào đó vô tình “nhặt được” bản thảo rơi trên đường hành quân …?”
Sau khi Phạm Tiến Duật qua đời, tình cờ, một lần vào trang web nguyenkhacphuc.com, tôi thấy nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho đăng bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ quá cố. Bài thơ đã gây ấn tượng mạnh trong tôi bởi yếu tố lãng mạn trữ tình được thể hiện qua những dòng cảm xúc thật chân thành của một người lính trong cuộc chiến đang ở vào thời kỳ vô cùng khốc liệt. Xét về mặt thi pháp, “Lính mà em” thuộc một “kênh” khác hẳn với những gì trước đó Phạm Tiến Duật đã viết. Nó thuộc vào “phần chìm” của tư tưởng nghệ thuật, thoát ra khỏi những ràng buộc của hệ ý thức, khẳng định tư cách cá nhân của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo. Với bài thơ này, tất nhiên, lúc ấy, tốt nhất là nên cất dưới đáy ba lô, còn nếu dại dột mà hở ra thì cái “vạ” có khi còn “đậm” hơn cả “Vòng trắng” sau này.
Đang định viết vài dòng bình thi phẩm lãng mạn khá hiếm hoi thời chiến chinh này gửi vào trannhuong.com để tưởng nhớ hương hồn nhà thơ Trường Sơn thì tôi lại đọc được một tư liệu khá bất ngờ trên
Blog abba.abba.abba của ông bạn Lưu Đình Tuân [*] về bài thơ trên.
Lưu Đình Tuân có một người anh họ là Vũ Quốc Chấm. Đầu năm 1975, Đà Nẵng thất thủ, ông Chấm khi ấy thuộc quân Giải phóng, nhân lúc lộn xộn ở phi trường, có lượm được cuốn sổ tay của người lính Việt nam cộng hoà nào đó để lại, trong đó chép bài thơ “Lính mà em”. Chuyện ấy cũng là lẽ thường, miễn bàn luận nếu không có một cô bé phát hiện ra, trong sổ tay chị gái mình cũng có bài thơ giống hệt như thế (chỉ khác vài ba chữ) mà tác giả lại là… một người lính Sài gòn. Chuyện thực hư như thế nào, mời bạn đọc đọc những dòng dưới đây, trích từ Blog abba.abba.abba của Lưu Đình Tuân:
…Riêng bài thứ ba dưới đây, anh Chấm nói với tôi đại khái:” Cái bọn lính Ngụy chúng nó cũng thích thơ chú ạ. Năm 75, lúc vào sân bay Đà Nẵng, giấy tờ ngổn ngang, anh vớ được quyển sổ tay, chép nhiều bài thơ hay ra phết, bài này anh nhớ nhất, anh đọc chú nghe; ấy, cái thời nào nó phải theo thời ấy, chú ạ; nó là bài thơ của người em gái động viên cái bọn lính tiền tuyến ấy mà! Bài ấy như thế này:
Lính mà em
Em trách anh sao gửi thư chậm thế,
Em đợi hoài sẽ giận cho xem.
Biên thư cho em bao giờ anh muốn thế,
Hành quân đường dài đấy chứ.
Lính mà em!
Anh gửi cho em mấy cành hoa dại,
Để làm quà, không về được em ơi,
Không dạo mát nửa đêm cùng em được,
Thôi đừng buồn em nhé.
Lính mà em!
Hẹn nghỉ phép, anh cùng em dạo phố,
Tay chiến binh đan đầu ngón tay mềm,
Em xót xa đời anh nhiều đau khổ,
Anh chỉ cười và nói:
Lính mà em!
Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm,
Trời mưa hai đứa đứng bên thềm,
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím,
Anh quen rồi, không lạnh.
Lính mà em!
Anh kể chuyện hành quân và gối súng,
Trăng đêm đầu không đủ viết thư đâu,
Biên thư cho em nét nhòe như vụng.
Hiểu giùm anh, em nhé!
Lính mà em.
Ghét anh ghê, chỉ có tài biện luận,
Làm người ta thêm nhớ thương nhiều.
Em xa lánh những ngày vui trên phố,
Để nhớ người hay nói
“Lính mà em”.
Sân bay Đà Nẵng 1975
Vũ Quốc Chấm
(sưu tầm)
Đương nhiên các dấu chấm, phẩy; do mình ghi thêm vào (ông Hải, ông Côn, ông Báu, xem lại hộ) và từ em ban đầu nay mình sửa lại là anh.
Trở lại bài thơ, cái li kì của bài thơ này không phải là ở chỗ “người em” của Thôi Hộ không biết bây giờ đi đâu, mà ở chỗ nó ngược lên nữa mình chắp nối lại theo kỹ thuật “truyện trinh thám An Nam” như sau:
Nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi ở Trường Sơn, làm bài thơ này nhưng giấu đơn vị vì nội dung ủy mị quá, không có lợi cho cách mạng. Nhưng có lẽ tiếc chiếc “áo gấm đi đêm” nên Phạm Tiến Duật đã ghi chép lại mà không đề tên tác giả, để anh em đồng đội tự lưu truyền.
Thế rồi, ngẫu nhiên của thời thế, hay vì lí do nào đó, bài thơ ghi chép trong một sỗ tay bộ đội tình cờ qua tay một anh lính trẻ cộng hoà, để rồi, khi tháo chạy/chết, quyển sổ tay rơi vào tay ông anh Chấm mình. Và cuối cùng, khi nhà thơ Phạm Tiến Duật chết rồi, nhà văn Nguyễn Khắc Phục mới công bố nó trên trang web của mình, mà 27-12-2007 mình tình cờ vào được, nay copy lại như sau:
LÍNH MÀ EM
Phạm Tiến Duật
Em trách Anh gửi thư sao chậm trễ
Em đợi hoài em sẽ giận cho xem
Thư Anh viết bao giờ Anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ,
Lính mà em!
Anh gửi cho Em mấy nhành hoa dại
Để làm quà không về được em ơi
Không dự lễ Nô- En cùng em được
Thôi đừng buồn em nhé,
Lính mà em!
Ngày nghỉ phép Anh cùng Em dạo phố
Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm
Em xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh mỉm cười rồi nói,
Lính mà em!
Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm
Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm
Anh che em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi không lạnh,
Lính mà em!
Anh kể em nghe chuyện trong này
Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu
Thư Anh viết chữ mờ nét vụng
Hãy hiểu dùm Anh nhé,
Lính mà em!
Ghét Anh ghê chỉ được tài biện hộ
Làm cho người ta thêm nhớ thương
Em xa lánh những ngày vui trên phố
Để nhớ người hay nói,
Lính mà em!
Như vậy là ông Duật cho tới lúc chết vẫn là thằng cáy và ông Phục là thằng tốt với bạn bè, chẳng quản đến thân.
Nhưng khoan, vẫn chưa hết truyện li kì.
Khi mình đang vào trang nguyenkhacphuc.com – canhcualieutrai@yahoo.com.vn, gọi cô phụ trách máy tới xem để in ra. Cô này liếc qua, nói “Ơ bác cũng thích thơ à?” – “Ừ, thế mày có thích không? Xem đi!”. Cô bé chăm chú một lúc, rồi nói: “Ơ, cháu cũng biết bài này, à không, nó có mấy chỗ khang khác. Giống cái bài trong sổ thơ của chị cháu. Để cháu về xem lại”.”
Vậy thì rốt cuộc, bài thơ ” Lính mà em” là của ai? Của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà người lính Cộng hoà nào đó vô tình “nhặt được” bản thảo rơi trên đường hành quân, chép vào sổ tay rồi đến khi thành phố thất thủ, anh ta “bỏ của chạy lấy người” di tản (hoặc tử thương) tại phi trường, hay là ngược lại? Rất mong có sự minh định từ những người lính của cả hai bên đã từng tham gia cuộc chiến và bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến văn chương .[**]
xuân Mậu Tý
Đặng Văn Sinh

----------

[*] Lưu Đình Tuân, vốn là giáo viên giảng dạy môn toán PTTH, đa tài, giỏi tiếng Pháp, tiếng Bồ, viết thư pháp chữ Hán có hạng, đã từng làm chuyên gia giáo dục Phi châu, dịch nhiều sách của Viễn Đông bác cổ sang tiếng Việt. Là một tay giang hồ lãng tử, Họ Lưu (Chắc không phải là hậu duệ Lưu Bị) đã nhiều lần “du hành” xuyên Việt bằng con xe “bố già” long song sọc, chiếc laptop và chiếc máy ảnh “lười” kỹ thuật số…).
[**] “Trường phái nhạc vàng” ở trong Nam cũng có một bài hát nhan đề “Lính mà em”, lời ca hao hao giống lời thơ này. Bài hát khá phổ biến từ khoảng đầu những năm 1970, và không phải là từ Đà Nẵng, năm 1975. Có lẽ đây là thời gian ông Chấm sưu tầm được mà thôi.(PĐ)



--------------------------------------------------
trích lại từ https://kontumquetoi.com/
=============================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ