Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

'đối thoại với họa sĩ nguyễn trọng khôi ...' / hồ thị hải âu -- vangheboston

ĐỐI THOẠI VỚI HỌA SĨ NGUYỄN TRỌNG KHÔI

BÌNH YÊN MỘT THOÁNG CHO TIM MỀM


hồ thị hải âu

TranhNgTrKhoi (1)

 Tôi thuộc nhóm những người thưởng lãm mỹ thuật hội họa bằng linh cảm và nhạy cảm thiện căn, chứ không sành sỏi và am hiểu nhiều về kỹ thuật hội họa. Tôi thú nhận với anh điều này không dưới một lần, và lần nào anh cũng cười rất vui “thưởng lãm mà như vậy là rất tuyệt!” Tôi biết rằng đó là lời khích lệ rất ân cần, giúp tôi tự tin trôi dạt, phiêu linh cùng những cung bậc cảm xúc, gam màu và nét cọ trong thế giới hội họa đồ sộ của anh.
Từ những tác phẩm được sáng tác theo trường phái hiện thực qua những tác phẩm được ngẫu hứng xuất thần theo trường phái trừu tượng được trung bày trong một triển lãm cực kỳ sang trọng, yên tĩnh tại Gallery Eight – 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, dịp cuối năm 2017 vừa qua, tôi là một thị giả được anh tận tình chỉ dẫn, giải thích căn kẽ cho tôi hiểu thêm về những bí ẩn của sáng tạo mỹ thuật.
Anh nói “Hầu hết giới thưởng lãm đều tò mò muốn biết về cách thức thể hiện một tác phẩm của họa sĩ. Một không gian hiện thực nó có thể được diễn giải qua mỹ quan của mỗi người, và người họa sĩ luôn phải có rung động để nắm bắt được hồn vật thể, nghĩa là cảm nhận được vẻ đẹp của những gì mình muốn vẽ. Những ngẫu nhiên xuất hiện trên tác phẩm mà chính họa sĩ đã không ngờ trước được; sự xuất hiện ngẫu nhiên của những mảng màu sắc, đường nét đôi khi đóng góp cho sự thành công của tác phẩm rất nhiều. Tác phẩm là cả cuộc phiêu du với màu sắc bằng tất cả đam mê. Trong quá trình hình thành tác phẩm  nó biến đổi liên tục cho đến khi họa sĩ quyết định dừng lại với thích thú nào đó. Hội họa khác với văn chương, không đặt vấn đề để lý giải hiện thực, tự bản thân tác phẩm sẽ toát ra những tiếng nói trong không gian của chúng”
Khác với vẻ ngoài vạm vỡ phong sương mà thời gian chưa thể làm phai bạc của mình, các tác phẩm hội họa của Nguyễn Trọng Khôi mang lại cho tôi một cảm giác thanh thoát, bình yên quá đỗi, dù đó là những bức tranh mang nhiều trăn trở, thao thiết với đời, hay những bức tranh trong veo trong trẻo như chưng cất từ một tâm hồn thuần thiết đôn hậu đến kinh ngạc.
Tôi  bị hút mắt và tâm trí rất lâu tranh sơn dầu “Bạn của người già”. Tôi ngắm rất lâu, rất chậm để uống từng chút cảm xúc cứ thấm dần vào tôi. Một không gian thân thuộc của đồng bằng bắc bộ, một cụ già ngồi bên hiên sưởi nắng, cái nắng mùa đông vẫn không tan loãng được hết cảm giác rét giá châm vào da thịt, cạnh cụ là chú cún đang nằm bên, bình an, trung thành, nhẫn nại, thủy chung.


Đứng cạnh tôi và anh nói về cảm xúc điều sâu kín bật ra khiến anh vẽ tác phẩm “Bạn của người già”: Người ta khi càng lớn tuổi càng trở nên đơn độc, trong thời đại này, điều đó càng rõ. Không phải vì họ bị bỏ rơi mà vì hoàn cảnh xã hội ngày càng trở nên bận rộn với nhịp sống chóng mặt, sự quan tâm đến nhau dần trở nên lỏng lẻo… Nhu cầu cần cho người già về mặt tinh thần là bạn bè để chia sẻ, trao đổi với nhau những cái vặt vãnh nhất; song le cũng gặp phải trở ngại vì sức khỏe, phương tiện đi lại….Sự có mặt của con chó như là một người bạn là một cần thiết bù đắp vào nỗi cô đơn. Một con vật vừa thân thiện , có nghĩa và không bao giờ phản bội. Nó vừa là niềm vui đồng thời cũng là người bảo vệ , giúp đỡ chuyên cần và chịu đựng làm vừa lòng bất cứ thời gian nào… Đây là lý do mà tôi rất quý loài chó.
Thưởng lãm tranh là chìm đắm vào một không gian vô ngôn mà tràn đầy tâm tưởng. Cái mong manh, thăm thẳm của vẻ già nua đơn độc, của ngọn nến sắp cạn chợt ấm áp, tin cậy và thân thuộc với hình ảnh chú cho nằm bên cạnh… Loài chó vốn là bạn của con người, nó trở nên đáng trân quý bởi người bạn ấy không bao giờ phán xét, không kén chủ giàu nghèo, già trẻ, không từ bỏ ngay cả khi bị ruồng rẫy… thế nên, bức tranh dẫu tĩnh lặng, kiệm lời mà mang đến dòng cảm xúc bình tâm bao la trong lòng người thưởng lãm.
Tôi cũng đặc biệt yêu thích dòng tranh mô –tip sáng tác của anh trên cảm hứng vẻ đẹp nội tâm của người phụ nữ. Nhiều bức rất giản dị, tiết chế chi tiết, trong veo đến độ tôi nhận ra anh có một tình cảm rất nâng niu, trân quý vẻ đẹp nữ giới – anh mô tả vẻ đẹp ấy trong thứ ánh sáng thuần khiết, tinh khôi, đến độ thiêng liêng, mong manh… mà đem lại sự bình an đến ngỡ ngàng như khi chiêm ngắm giấc ngủ bình yên của cô gái cuộn trong chiếc chăn xanh. Cả một không gian tranh mang lại vẻ bình yên ngọt ngào, êm dịu như cách mà họa sĩ chuyển giao đến người thưởng lãm về sự trân quý vẻ đẹp phái nữ “em là phấn thơm cho rừng chút hương/ Là lời hát ca cho trần gian”  

Như đọc được điều tôi đang nghĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cởi mở “Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm giá của người phụ nữ cũng giống như vẻ đẹp thiên nhiên, mang tới một một không gian yên bình, không có những bất trắc, đố kỵ, hận thù, phân chia đẳng cấp… Ở họ, mọi nỗi buồn vui của đời người đều theo mạch của thiên nhiên, và chính họ là phần tinh tế, tinh túy của cuộc đời”
Cái làm tôi mê mẩn những tác phẩm  hội họa Nguyễn trọng Khôi chính là sự tiết giản các chi tiết, phá bỏ sự nắn nót cầu kỳ như trong những bức tranh vẽ theo trường phái siêu thực. Trong một dòng chảy cuộc sống quá bộn bề chi tiết sự việc, một dòng chảy với tốc độ thác lũ cộng với sự hỗ trợ của kỹ thuật tiên tiến thì nhiếp ảnh đang thực sự soán ngôi khi muốn phô bày vẻ đẹp chi tiết ngổn ngang sinh động.
Tranh của Nguyễn Trọng Khôi vì thế vô cùng cuốn hút người thưởng lãm bởi sự chắt lọc chi tiết, với kỹ thuật sắc màu trong veo như pha lê trong từng nét cọ, khiến cho người xem có cảm giác đạt tới sự thanh thoát, thanh lọc tâm hồn, đạt tới cảnh giới của trạng thái thiền, giao cảm, thẩm thấu trọn vẹn với nhân vật và nội hàm tác phẩm.   
Anh nói tiếp: “Tôi muốn trở lại với tính bổn thiện của vạn vật, với sự bình an đầy màu nhiệm của vạn vật. Trở lại với thiên nhiên và hòa nhập vào không gian đó, chiêm ngưỡng, khám phá những bí ẩn của một không gian đầy tính ẩn dụ”.
“Tôi là một họa sĩ luôn cố gắng tìm một mẫu số chung để hòa hợp với chung quanh. luôn tìm những trăn trở, những góc sâu thẳm trong tâm hồn, sự cô đơn và thân phận”.  Vẽ những đường nét đơn giản mà thực ra vô cùng tinh tế, kể những câu chuyện đời thường mà thực ra mang lại nhiều suy ngẫm, đó chính là cách mà họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cống hiến cho nghệ thuật mỹ thuật nước nhà: thấp thoáng trừu tượng trong hiện thực, dù chỉ là viên sỏi hòn đá vô tri trong tác phẩm, nó cũng làm người thưởng lãm rung động dài lâu.
Bất chợt tôi nhớ tới một lời ca bất hủ của Trịnh Công Sơn “Làm sao em biết bia đá không đau? Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” Chúng ta cần có nhau để bình an hoan hỷ, và người họa sĩ luôn nỗ lực kết nối mọi tâm hồn bằng tác phẩm kiệm lời và mênh mông của anh.  ./.
HỒ THỊ HẢI ÂU

                                               họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi [vĩnh phú/ bắc bộ 1947-    ]
                                                                   (ảnh: báo Thể Thao & Văn Hóa/ VN. ) 
                                                                                      (Bt)

                                                 -----------------------------------------------------------
                                                 trích từ VĂN NGHỆ BOSTON/ giới thiệu vhnt việt nam
                                                =================================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ