Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

bài liên quan: 'mai trung tĩnh, nhà thơ + người tình/ văn quang' -- dutule's blog

VĂN QUANG / Mai Trung Tĩnh, nhà thơ và người lính

07 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 1247)


 Mai Trung Tĩnh [i.e. Nguyễn Thiệu Hùng 1937- 2002 usa.]
                                                           (ký họa: Tạ Tỵ /1969)



Mai Trung Tĩnh tên thật: Nguyễn Thiệu Hùng
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, làm thơ từ khi 15 tuổi và đã có thơ đăng báo từ 1953. Nhưng phải đợi đến khi ông cùng nhà thơ Vương Đức Lệ được trao giải thưởng Văn chương toàn quốc 1960-1961 với tập thơ "40 bài thơ của Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ", Bông Lau xuất bản, thì làng văn hóa miền Nam mới thức giấc choàng dậy như vừa tìm thấy ngôi sao lạ.
Sang Mỹ định cư ở thủ phủ tiểu bang Maryland, thành phố Annapolis năm 1995. 


Hồi còn làm việc chung với Mai Trung Tĩnh, tôi đã nghe anh trả lời một người bạn: “Ở đây không có ai là đại úy Mai Trung Tĩnh cả, chỉ có Nguyễn Thiệu Hùng thôi”. Anh nói thật chứ không phải đùa. Và trong cuộc sống, dường như Mai Trung Tĩnh phân biệt rất rõ ràng hai chuyện này khác hẳn với nhau. Cho nên trong thơ anh dường như ít đề cập đến nhân vật lính và vì thế người ta không gọi anh là “nhà thơ quân đội” như những nhà thơ xuất thân từ trong đời sống quân ngũ khác như trong thơ Thế Hòai không thiếu gì “những cánh dù bay” và “trên những nẻo đường hành quân”. Nhưng trong thơ MTT tôi không gặp những từ đại loại như thế. Tôi không nói là điều đó đúng hay sai, hay hoặc dở. Thơ hay thì đề tài gì cũng hay, thơ dở thì vẽ đến Thiên Thai cũng là dở. Người lính của Mai Trung Tĩnh là một thứ bổn phận phải làm của người công dân. Đó là cảm nghĩ của tôi khi còn làm chung với anh một khoảng thời gian khá dài ở đài PT QĐ. Khi tôi về Đài này thì MTT đã làm từ vài năm trước với Phạm Hậu (tức thi sĩ Nhất Tuấn). Anh làm trưởng ban Chương trình đặc biệt. Ít ai biết rằng chương trình Dạ Lan do chính anh phụ trách và nó đã gây được một tiếng vang không nhỏ. Anh mới chính là linh hồn của chương trình đặc biệt này, hàng ngày công việc của anh là soạn bài, soạn nhạc và nhận chỉ thị đưa vào cách nào đó cho tinh tế và có thể nói không ngoa rằng cần phải có “nghệ thuật”, chứ không thể “dộng” vào một mớ những lời khô cứng thô thiển như ném cục gạch vào chương trình. MTT là người chắt lọc món ăn tinh thần ấy. Tôi cho rằng anh rất thích hợp với công việc tế nhị này.
Chúng tôi cùng làm việc với nhau, trải qua rất nhiều thời kỳ khó khăn về đủ mọi mặt, vượt qua nhiều ngày tháng khá căng thẳng nhưng chưa hề có một va chạm nào trong công việc. Vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp, vừa là cấp trên cấp dưới nhưng giữa tôi và anh luôn có sự thông cảm sâu sắc. Anh nhìn tôi bằng con mắt thân thiện, tôi nhìn anh bằng thái độ của một người cộng tác đứng đắn. Chúng tôi không đòi hỏi ở nhau những gì gọi là sự “hy sinh, dũng cảm” cho một danh từ nào vĩ đại. Tôi vẫn nghĩ, sự hy sinh dũng cảm nằm trong thái độ làm việc chứ không phải ở cái bề ngoài. Anh hãy làm hết việc của anh rồi anh muốn gì bên ngoài không phải việc của tôi. Đó là cách tôi vẫn thực hiện khi làm chung với bất cứ ai. Với MTT, ngoài cái nhìn bè bạn ra tôi còn nể anh vì thái độ đàng hoàng, bản tính ít nói, thực hiện rất sát mọi yêu cầu, không cần “bảo hoàng hơn vua” như những người khác. Trong những cuộc họp hàng ngày, MTT chỉ nói những gì cần, chưa bao giờ phô trương việc mình làm, ai hiểu sao thì hiểu. Cái cấp bậc đại úy anh mang trên vai rất tự nhiên như một ông công chức nào đó trong ngạch trật của mình. Chắc anh sẽ rất buồn cười khi có ai gọi anh là “chiến sĩ”, trong khi tôi vẫn nhìn anh như một chiến sĩ và tôi cho rằng chính MTT cũng ít khi nghĩ rằng mình là một chiến sĩ.
Rồi có một ngày anh vào phòng nói với tôi, anh muốn giải ngũ trở về với cuộc đời làm thầy giáo của mình. Đây là dịp, theo quyết định của quân đội, những nhà giáo như anh hết thời hạn động viên được rời khỏi quân ngũ theo đơn xin. Đó là quyền lợi và sự lựa chọn của anh, tôi hoàn toàn đồng ý, lập tức chuyển đơn. Ít lâu sau anh giải ngũ, trở về với cuộc sống xưa kia của mình. Những người bạn cùng làm chung với anh như Dương Phục, Dương Ngọc Hoán, Phan Thế Hùng và những nhạc sĩ như Ngọc Bích, Trần Trịnh, Nhật Bằng, … đều rất luyến tiếc và tìm được người thay thế anh không phải là dễ. Nhìn bề ngoài thì công việc chẳng có gì khó khăn, nhưng nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng đủ “mang họa”, chưa biết từ anh đầu đài đến anh cuối đài sẽ đi về đâu. Suốt một thời gian dài sau, mọi người mới yên tâm về người thay Nguyễn Thiệu Hùng. Đó là điều có lẽ cho đến nay ông Nguyễn Thiệu Hùng tức nhà thơ MTT mới biết (?).
Suốt một thời gian dài, tôi ít có dịp được gặp lại Mai Trung Tĩnh, đó cũng là chuyện thường tình trong cái sinh hoạt xô bồ của thành phố Sài Gòn. Anh lại là người không hay đi chơi, dù là phòng trà ca nhạc hay những thú vui khác.
Rồi bất ngờ, chúng tôi gặp lại nhau trong trại cải tạo Tân Lập miền “chín suối mười đèo” Vĩnh Phú. Anh yếu hơn xưa. Cái hình ảnh MTT vận chiếc áo “cảnh sát dã chiến” rộng thùng thình bạc phếch, rách tả tơi đi trên cánh đồng giữa khung trời rừng núi mưa bụi mịt mờ tôi chưa thể quên được. Trông anh giống hệt như con gà mái xù lông, rã cánh vì mệt mỏi. Nhưng anh vẫn lầm lũi, cất bước nặng nề trong công việc lúc nào cũng như quá sức của mình. Anh không bao giờ kêu ca, phàn nàn có lẽ anh cho rằng có kêu ca phàn nàn cũng chẳng ích lợi gì. Gặp tôi anh vẫn thản nhiên thăm hỏi và chắc cũng như nhiều người khác cứ tưởng rằng với cai vóc dáng còm nhom của tôi không tài nào chịu đựng nổi vài năm trong trại. Anh nhìn tôi đầy vẻ ái ngại, trong khi tôi cũng nhìn anh như thế. Vậy mà vẫn cứ phải thản nhiên thăm hỏi nhau về hết người bạn này đến người bạn khác. Anh nói đến những người ở nước ngoài như những người từ một hành tinh khác và chắc anh cũng có ý nghĩ như tôi là chẳng bao giờ còn có cơ hội đặt chân lên cái hành tinh xa lạ kia.
Vài hôm sau, vào một buổi sáng chủ nhật, MTT gọi tôi sang “nhà” anh “chiêu đãi” một bữa sáng. “Nhà anh” sát bên “nhà tôi” nhưng trong cùng một khu nên việc đi lại dễ dàng hơn, nhất là chúng tôi lại cùng có chung một cái bếp tập thể. Ở trại này, người ta gọi những phòng giam tù là nhà chứ không gọi là lán vì nó được xây dựng “bán kiên cố” nửa gạch nửa tre tranh. Ở nhà nào thì gọi là “nhà tôi” đó. Những bữa “chiêu đãi” thường là sau một chuyến thăm nuôi hoặc nhận quà của gia đình. Tôi với anh như đã thành tiền lệ, cứ có thăm nuôi, có nhận quà là hẹn nhau ăn một bữa. Ở chung một nhà thì bữa “chiêu đãi” được tổ chức vào buổi tối, ở khác nhà thì tổ chức vào buổi sáng chủ nhật, một công đôi việc. Sáng chủ nhật nghỉ lao động thì cũng nghỉ ăn sáng, nên ăn với nhau là rất đúng lúc. Bữa ăn bao giờ cũng giản dị, một tô mì, một ly cà phê sữa hoặc sang hơn thì một đĩa xôi lạp xưởng, vài cái bánh ngọt. Bữa ăn như thế trong tù là một bữa tiệc thật sự, bù lại những bữa điểm tâm với sắn H34 và khoai lang rồi lao ra đồng giữa cái giá buốt của những ngày mùa đông.
Trong cuộc sống vô cùng thiếu thốn khổ cực đó, MTT vẫn giữ được vẻ thản nhiên, lầm lũi, bình thản như cuộc đời sinh ra là như thế. Anh chiụ đựng trước mọi hoàn cảnh, chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng than van. Trong hoàn cảnh ấy, rất nhiều người, nhiều trường hợp người ta dễ nổi nóng, dễ thay đổi tính tình. Nhưng với MTT thì ngay từ khi còn làm chung với nhau, tôi chưa bao giờ anh biết anh nổi sùng, cáu gắt với bất kỳ ai. Thái độ của anh cứ như thờ ơ trước mọi biến chuyển. Chỉ có điều khác là tôi cũng khó nhận thấy ở anh một nụ cười vào thời gian này. Trước kia thỉnh thoảng anh còn hóm hỉnh hoặc cất tiếng cười rất hồn nhiên vô tư với bạn bè và đôi khi anh cũng rất hóm hỉnh với những cô xướng ngôn viên, những người đẹp luôn luôn xuất hiện trong đài phát thanh. Dù vậy tôi cũng chưa từng nghe điều tiếng nào về anh. Mọi thứ dành cho anh như nếp gấp lâu ngày đã thành thói quen đông cứng lại, anh không muốn từ bỏ nó, không muốn làm xáo trộn nó, nhưng nếu tự nó xáo trộn, anh cũng chấp nhận như việc hết sức tự nhiên.
Cái nhìn của tôi về phía Mai Trung Tĩnh là như thế. Anh ra khỏi trại trước tôi vài năm. Về đến Sài Gòn tôi lại rất ít gặp anh, nhưng được nghe tin tức anh sống khá vất vả. Cho đến khi anh đi định cư, tôi lại cũng chỉ nhận được tin tức anh qua bạn bè. Có người nói anh vào nhà dưỡng lão, sống cuộc sống rất cô đơn. Có người nói mắt anh kém lắm rồi. Nỗi bùi ngùi của tôi đành chất chứa, chẳng biết chia sẻ cách nào đó với người bạn hiền lành nhân hậu mà tôi hằng quý mến. Cho đến khi anh còn một tập thơ để lại Sài Gòn cùng với Vương Đức Lệ, thuê thợ đánh máy chẳng mất bao nhiêu tiền, nhưng tôi nhận lời đánh máy lại cho anh để có dịp đọc lại thơ anh cho sâu hơn thấm hơn. Và đó là kỷ niệm gần nhất của tôi với Mai Trung Tĩnh.
Vâng, đúng thế, bây giờ còn lại là nhà thơ Mai Trung Tĩnh chứ không phải đại úy Nguyễn Thiệu Hùng. Người ta quên ông ấy rồi, chỉ có những năm tháng tù đày còn nhớ.

Sài Gòn tháng 4-2001
VĂN QUANG

Văn Quang, (trái)tác giả bài 'Mai Trung Tĩnh, nhà thơ, người tình'
(ảnh: TP chụp / Saigon, tháng 12  2017.)



-------------------------
trích từ dutửê's blog.
 --------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ