Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

'Thời Đại này Rất Khó Kiếm một Nhà Lập Thuyết Cuối Cùng như LÝ ĐẠI NGUYÊN'/ Ngô Nhân Dụng -- nguoi-viet-com/


Lý Đại Nguyên: Nhà lập thuyết cuối cùng

Ngô Nhân Dụng
Nếu cầm đọc quyển “Tổng Thức Vận” của Lý Đại Nguyên, những người ở lớp tuổi 50 trở xuống bây giờ có thể tự hỏi: Tại sao phải viết một cuốn sách như vầy?
Họ ngạc nhiên. Vì cuốn sách muốn tổng kết kiến thức của cả nhân loại để vạch ra một cách sống cho mỗi con người và xã hội, có thể mở rộng cho cả thế giới. Trong nửa thế kỷ vừa qua, chắc không một người Việt nào nuôi trong lòng mối quan tâm như vậy khi lớn lên. Và chắc chắn không ai muốn làm công việc truy cứu, suy tư đó, rồi viết thành sách.

Lý Đại Nguyên, Nhà Lập Thuyết Cuối Cùng: [1930 30/12/ 2017 usa.]
Đó là lý do chúng ta tưởng nhớ Lý Đại Nguyên; người đại biểu cuối cùng của một thế hệ những nhà “lập thuyết” Việt Nam trong thế kỷ 20.
Tám mươi năm trước, rất nhiều người Việt đã ôm hoài bão “lập thuyết.” Họ muốn trình bày một lý thuyết tổng quát về cả xã hội loài người, từ đó sẽ tìm một tổ chức xã hội tốt đẹp nhất cho dân Việt. Họ là các nhà cách mạng, làm chính trị, viết văn, viết báo, từ năm 1930 cho đến sau này, tới năm 1975 vẫn còn nhiều người. Lý Đại Nguyên có lẽ là người cuối cùng, ông sống đến ngày áp chót năm 2017. Trước khi nhắm mắt, chắc ông vẫn hài lòng nếu nghĩ lại công trình lập thuyết độc đáo của mình.
Khi nói Lý Đại Nguyên “là người cuối cùng của một thế hệ những nhà ‘lập thuyết’ thì chúng ta lại phải bỏ qua chuyện tuổi tác. Những nhà ‘lập thuyết’ hay ‘sáng thuyết’ ở nước ta hoạt động từ thời 1930, mà năm đó Lý Đại Nguyên chỉ mới ra đời. Nhưng quả thật, khi đến tuổi bắt đầu học hỏi và suy nghĩ, có lẽ Lý Đại Nguyên tự đặt mình vào cùng thời với các nhà lập thuyết trước mình – không phân biệt tuổi tác nữa!
Năm 1930 đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử, với cuộc khởi nghĩa bất thành của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Mười ba liệt sĩ bị tử hình hô lớn khẩu hiệu “Việt Nam Muôn Năm!” Tiếng hô vang dội, đánh thức cả dân tộc. Một thế hệ thanh thiếu niên sôi sục lòng yêu nước đứng lên với chí nguyện cứu quốc.
Nhưng năm 1930 cũng là năm mấy nhóm người Việt theo chủ nghĩa cộng sản rải rác nhiều nơi họp lại lập thành một đảng, đặt dưới sự điều khiển của Stalin và Đệ Tam Quốc Tế.
Những thanh niên yêu nước tự xác định là những người thuộc phái “quốc gia,” trái với phe “quốc tế.” Nhưng họ thấy mình thiếu một thứ mà các đảng viên Cộng Sản được Stalin cung cấp. Đó là một “chủ nghĩa” dùng để biện minh tất cả các chính sách và hành động. Quan trọng nhất, chủ nghĩa đó tạo cho các đảng viên một thứ niềm tin giống như tôn giáo. Nghĩa là tin tưởng tuyệt đối, và do đó, trung thành tuyệt đối, vâng lời cấp trên tuyệt đối. “Chủ nghĩa” là một khí cụ rất mạnh khi tranh đấu. Cho nên rất cần thiết!
Phan Bội Châu và Việt Nam Quốc Dân Đảng theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn. Nhưng đó chỉ là một chương trình chính trị, không phải một “chủ thuyết toàn diện.” Quốc Dân Đảng phải dùng văn hóa Á Đông làm chỗ dựa tinh thần. Truyền thống đó cũ quá, không hấp dẫn, quyến rũ như “giấc mộng lớn,” được tự quảng cáo là “chủ nghĩa xã hội khoa học,” của Karl Marx.
Đó là lý do nhiều người ưu tú nhất trong cùng thế hệ sau năm 1930 đã theo đuổi một công trình lớn: Tìm kiếm và sáng tạo một “chủ thuyết” có vai trò tương đương như chủ nghĩa Marx, dành cho dân Việt Nam. Cuộc hành trình bắt đầu, nhộn nhịp từ 1940. Lý Đông Á lập thuyết Duy Dân. Trương Tử Anh nêu cao Dân Tộc Sinh Tồn. Huỳnh Giáo Chủ ở miền Nam áp dụng chủ nghĩa Dân chủ Xã hội với màu sắc Phật Giáo. Đó là chưa kể nhiều người khác không nổi tiếng, họ thuộc thế hệ thứ nhất các nhà lập thuyết.
Từ những năm 1950 tới 1954, thế hệ lập thuyết thứ nhì xuất hiện khi một phong trào bùng lên trong giới trí thức miền Nam. Nhiều người hô hào: Vượt Karl Marx! Những nhà trí thức như Lê Văn Siêu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, vân vân, vẽ sơ đồ các lý thuyết Vượt Marx! Ông Ngô Đình Nhu cổ võ thuyết Nhân Vị, lập Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Trong số những nhà sáng thuyết trẻ hơn, có Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Mạnh Côn, vân vân, và người trẻ nhất là Lý Đại Nguyên. Thế hệ lập thuyết gia thứ nhì tiến xa hơn thế hệ đầu một bước, vì họ có cơ hội thâu lượm thêm các kiến thức khoa học, xã hội học, kinh tế học, và tham khảo đạo học Đông phương cũng như triết học Tây phương.
Lý Đại Nguyên thuộc thế hệ của các nhà lập thuyết thứ nhì và ông là người cuối cùng của thế hệ đó. Công trình của ông, cuốn “Tổng Thức Vận,” viết xong năm 1962, in “ronéo” lần đầu tại Sài Gòn năm 1965, bao gồm từ vũ trụ tới nhân sinh, toàn diện hơn, đồ sộ hơn tác phẩm rải rác của người đi trước và người cùng thời. Ông là một người “sinh nhi tri,” dựa trên trí suy luận của mình hơn là các kiến thức thâu lượm bên ngoài. Nhà báo Việt Dương thuật lại lời Lý Đại Nguyên tâm sự: “Anh không học trường nào, nhưng đọc những sách căn bản, rồi rút ra những phần cốt tủy để đưa vào nhận thức của mình.”
Những người dưới 50 tuổi không thể hiểu động cơ và lối suy nghĩ của các thế hệ của những nhà lập thuyết trên. Trước hết vì thế hệ sau không có nhu cầu sáng tạo thêm một chủ thuyết. Chủ nghĩa Cộng Sản đã bị phủ nhận từ căn bản khi Friedrich von Hayek xuất bản cuốn “The Road to Serfdom” (Con Đường Tới Chế Độ Nô Lệ, 1944) và Karl Popper viết “The Open Society and Its Enemies” (Xã Hội Mở và Những Kẻ Thù Địch, 1945). Không ai cần đạp thêm trên bức tường đã đổ rồi! Sau khi bức Tường Berlin sập năm 1989, không một ai ở Nga hay Đông Âu cất nhắc một ngón tay để biện hộ, bào chữa cho chủ nghĩa Marx và chế độ Lê Nin. Cả thế giới biết rằng chủ nghĩa Marx là một mớ những suy nghĩ vá víu, phản khoa học.
Nhu cầu “lập thuyết” chấm dứt. Giấc mơ khép cả xã hội loài người vào một “chủ nghĩa” không còn nữa. Người ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy của nhân loại, không cần một thứ chủ nghĩa toàn diện nào “chỉ đạo.”
Thế hệ trẻ bây giờ không còn mang mối thao thức như các nhà lập thuyết thế kỷ 20. Họ được tiếp cận với hiểu biết khoa học nhiều hơn. Mà căn bản của tinh thần khoa học là đặt câu hỏi. Câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời, vì nó mở óc con người. Bất cứ ai đề nghị một thứ “lý thuyết tổng quát về tất cả mọi thứ” sẽ bị nhìn bằng con mắt nghi hoặc. Einstein suốt đời đi tìm một lý thuyết như vậy, vẫn chưa tìm ra, mà ai  dámcoi thường trí thông minh của Einstein?
Cho nên Lý Đại Nguyên đúng là người cuối cùng của thế hệ những nhà lập thuyết ở Việt Nam. Ông suốt đời theo đuổi con đường gian khó đó, mải miết không ngừng. Bị Việt Cộng bỏ tù 10 năm dù ông chưa bao giờ ở trong quân đội hoặc tham dự vào chính quyền miền Nam. Chỉ vì ông vẫn nhất định tin rằng mình đã “Vượt Marx” trong khi cộng sản vẫn tôn thờ Marx. Qua Mỹ năm 1995, ông tiếp tục viết sách, viết báo, lên đài ti vi và phát thanh để trình bày ý kiến về các vấn đề Việt Nam và thế giới.
Những người quen biết Lý Đại Nguyên từ hơn 60 năm qua đều nhận thấy một điều: Ông không quan tâm đến chính cá nhân mình. Không bao giờ nghe ông nói đến nhu cầu bình thường của một con người, gọi là “cơm, áo, gạo, tiền” cho đến lợi, danh, quyền thế! Lý Đại Nguyên hoàn toàn sống với lý tưởng. Một người quen biết Lý Đại Nguyên từ trước năm 1960, ông Việt Dương đã nhận xét: “Ông sống bình dị, an nhiên, khi ra đi cũng nhẹ nhàng, an nhiên.”
Thời nay rất khó kiếm được một người như Lý Đại Nguyên. (Ngô Nhân Dụng)


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ