về nhà văn nữ lệ hằng [ 1948- ] -- blog phan nguyên
Friday, 31 March 2017
Lệ Hằng
Lệ Hằng
sinh năm 1948 tại Hải Dương
vào Nam năm 1954
khởi viết năm 1967
hiện định cư tại Blue Mountain, Sydney, Australia từ 1989
vào Nam năm 1954
khởi viết năm 1967
hiện định cư tại Blue Mountain, Sydney, Australia từ 1989
Tác phẩm đã xuất bản:
1
Thung Lũng Tình Yêu
2
3
4
Ngựa Hồng
5
6
7
8
Kinh Tình Yêu
9
Sóc Nâu
10
Chiều Gío
11
Màu Xanh Ðang Lên
12
Như Sương Long Lanh
13
Sa tăng Dịu Dàng
(1992)
(1992)
14
Nghề Làm Vua
(truyện dài 1992)
(truyện dài 1992)
15
Hạnh Phúc Quanh Ðây
(truyện phim, Sài Gòn 1981)
(truyện phim, Sài Gòn 1981)
16
Bình Nguyên Xanh
(truyện phim, Sàigòn 1982)
(truyện phim, Sàigòn 1982)
17
Năm 2100
18
Bên Kia Là Núi
19
Nói Thầm Với Ðá
(1998)
(1998)
Truyện ngắn
Cơn Mưa Muộn Màng
Lệ Hằng
Ông đến với bà lúc mười giờ sáng. Tắt máy chui ra khỏi xe, gió bốn bề ào tới dàn chào, mạnh tới nỗi ông lao đao suýt ngã phải vội vã trụ người lại kéo cổ áo lên. Nhìn quanh, không có ai ông vẫn cảm thấy ngượng. Đến thăm bà, lần nào ông cũng thấy lọng ngọng, không hiểu tại sao.
Mưa suốt đêm qua, lê thê dài tới tận hôm nay. Tưởng như chỉ có khu vườn của bà là hơi tạnh, dòng nắng mỏng như tơ lấp loáng trên những ngọn cây, chưa đủ để khô vườn. Bốn bề toàn người da trắng khoảng vườn của bà vẫn phảng phất mùi hương khác hẳn vườn lớn vườn nhỏ xanh um trong vùng. Cỏ cây cùng bụi bông giấy phủ kín cội cây làm tím ngắt một góc vườn dường như vẫn chắt chiu chút hương dư của Sài gòn. Mùi chanh, mùi sả, mùi ngò? Hay chính mùi da thịt chan hòa từ bao năm trước còn luấn quấn suốt đời trong tiềm thức của ông?
Bà mở cửa cho ông, nhìn lướt qua gương mặt trầm uất của ông, bà lùi lại né đường cho ông bước vào. Ông đi theo hành lang treo chùm đèn pha lê hắt những tia sáng mỏng như lân tinh trên bức tranh thuỷ mặc. Phòng khách mở rộng ra vườn sau, đổ xuống một triền đồi xanh ngắt. Mưa và sương và nắng đang dành nhau sắc hình lóng lánh. Bà cũng vậy, nhan sắc, thời gian, danh tiếng thăng trầm đang giành giật nhau cật lực trên gương mặt của bà. Người ta có một thời để yêu, một thời để chết, trên gương mặt bà, một thời bão nổi, một thời giằng co và một thời đầu hàng. May quá, sắc đẹp của bà vẫn là kẻ thắng trận. Da cổ da mặt không phản bội son phấn, môi vẫn ngọt như mật hoa, cánh tay để trần, thịt da chưa rung rinh nhão nhề chảy xuống.
Bà đem tới cho ông tách trà nóng, đĩa bánh ngọt rồi lặng lẽ ngồi xuống một chiếc ghế khác, cách xa ông khoảng hai mét thảm màu đất, đôi mắt bà nhìn xuyên vào ông thăm thẳm. Ông thực sự bối rối:
"Sao cô không đến nghe anh nói chuyện?"
"Em chưa đủ già để bám vào trò chơi rắc rối sự đời đó."
"Cô ghê gớm nhỉ. Dám nói với anh như vậy há? Cô có biết anh của cô là ai không?"
"Anh nhiều chức tước quá trời, làm sao biết nổi."
Nhắm nói không lại bà, ông đành hỏi lảng sang chuyện khác:
"Hôm nay cô không đi làm à?"
Bà lắc đầu, cười. Thấy ông có vẻ ngượng sau câu hỏi, bà lại tỉnh bơ cười kiểu khác, trong một chớp mắt đôi môi quyến rũ của bà đổi qua đổi lại ba dạng cười. Bà quá quắt hay tại ông nghĩ bà quá quắt.
"Thứ Hai em cho nhân viên nghỉ. Cũng sắp Tết rồi. "
"Tết này cô có định đi đâu không?"
"Ớn quá rồi, người ta holiday mình cũng cũng phải holiday không thì sợ quê một cục. Kỳ này em tính đóng cửa nghỉ holiday... trong nhà."
"Chắc anh cũng vậy thôi. Mỗi lần tết đến anh thấy hoảng hốt. Càng ngày anh càng bị đẩy xa bầy con của anh. Biết làm gì bây giờ, anh phải bám vào bất cứ cái gì khác có thể bám được thôi."
Bà cười tủm tỉm:
"Coi bộ cũng quyết liệt lắm phải không? Đọc báo thấy ba bốn chính phủ lưu vong... hết hậu cộng sản, cương lĩnh cứu nguy tổ quốc đến xách động biểu tình... chỗ nào cũng có anh. Ai nặng nợ làm vợ anh coi bộ cũng chua chát lắm."
Ông hạ giọng:
"Đừng châm chọc anh. Không có ba mớ lẩm cẩm đó anh sống bằng cái gì bây giờ. Nghĩ lại hồi đó, anh ngu quá, yêu em đứt ruột đứt gan anh vẫn chọn vợ chọn con. Nghĩ lại, cả đời chẳng được sống cho mình, toàn sống cho kẻ khác, thương mẹ, anh cũng chỉ làm bà rầu lòng, thương vợ thương con vẫn bị vợ con oán trách từ đầu tới cuối, nghĩ ngao ngán quá."
"Em lu bu chẳng có thì giờ nghĩ ngợi lăng quăng như vậy đâu. "
"Đừng nói như vậy. Không phải cô đã cay đắng với tôi cả đời đó sao?"
"Cay đắng hay không là quyền của em, anh hy sinh tình yêu của em cho vợ cho con, hợp đạo đức quá trời còn ăn năn gì nữa. Vợ anh vừa đẹp vừa có bằng cấp, vẫn lặng thinh cho anh quậy từ Sàigòn quậy sang đây còn đòi gì nữa. Cũng lạ, đàn ông càng lớn tuổi càng rên rỉ tợn. Thế là bọn đàn bà tụi em thảm thiết theo, mở miệng cằn nhằn toàn nghe những chuyện mồ mả trối trăn đáp lại. Khiếp quá."
Ông kêu lên:
"Trời đất cô học ở đâu vậy? Hồi xưa cô ngọt như mía lùi."
Bà cười khúc khích:
"Không đúng sao? Từ lúc biết tô son đánh phấn, có thấy các anh lành mạnh bao giờ đâu. Dính vào ông nào bọn em cũng tàn đời như nhau... Hú hồn hú vía hồi đó em không lấy anh... sống với em chưa chừng anh còn vùng vằng khủng khiếp hơn vợ con anh nữa kìa. Bà xã anh là dưa em là dừa, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh dừa gặp dưa... Anh không bao giờ được sống như anh muốn đâu. Anh là người... "
Bà nhoẻn cười cúp ngang câu nói sửa lưng của bà. Ông xốn xang ngồi không yên bụng. Bà đứng lên, kéo rộng thêm màn cửa bên phải. Ông cũng đứng lên, ông muốn gần bà thêm một chút. Ông muốn ôm lấy vai bà, hai tay ông lóng cóng vuốt dọc tấm màn cửa dệt những đường hoa văn rất lạ mắt.
"Cô chọn màn cửa ở đâu đẹp quá... anh ngu thật, nếu như hồi đó anh bỏ hết sống với em, chắc đời anh không tệ hại như bây giờ. Anh ân hận lắm em biết không? "
Giọng ông nói khao khao, từng lời tưởng như chẳng dính dấp gì nhau, đang sờ màn cửa ông bày đặt ân hận. Ông sờ màn cửa hay sờ da sờ thịt? Giọng ông ngậm ngùi vậy mà bà có vẻ chới với, bà giả ngộ dang xa, nhìn ông chăm chú hơn, giơ hai tay lên đầu:
"Ba đầu sáu tay vừa vừa cho em nhờ với. Đóng kịch thương hại nước non, yêu vợ yêu con đã đời, giờ mò tới đây cho em vào xiếc nữa. Chờ tới lúc anh ân hận, mồ mả nhà em xanh cỏ rồi."
"Năm hết Tết tới cô đừng nói nhảm, hồi tết 75 cũng tại cô nói nhảm, mình mất nhau..."
Bà buông người xuống ghế, cười ngất:
"Ngon chưa. Vác vợ con dông một lèo giờ lại đổ hô cho người ta, không biết xấu hổ!"
Câu nói tưng tửng của bà không hàm ý trách móc vậy mà ông rúng động hết cả người. Ông cầm tách trà lên, bỏ tách trà xuống... Người đàn bà này... ông muốn làu nhàu một câu cho đỡ tức. Thay vào đó ông lẩm bẩm chủ ý cho bà nghe thấy.
"Đúng rồi! Mấy chục năm, ờ há hai muơi năm ngoài không nghe ai nhắc tới chữ xấu hổ này bao giờ."
"Thì qua tới đây, người mình đâu có biết xấu hổ là gì nữa. Xấu hổ làm sao sống nổi."
"Mỗi lần bứt rứt chịu không nổi lò dò tới thăm cô, anh vẫn cảm thấy bồn chồn rất khó tả. Té ra anh xấu hổ, cô coi ngần này tuổi, sắp sửa già lọm khọm, bỗng dưng anh tìm được cảm giác thẹn thùng đã mất từ mấy chục năm trước. Cũng may nhờ cô anh không già nữa. Người già đâu có biết xấu hổ nó méo tròn ra làm sao. "
"Anh thiệt tức cười, đã xấu hổ còn méo với tròn trong đó nữa. "
Đứng xớ rớ coi cũng kỳ, ông lại ngồi xuống ghế:
"Có thể anh quên, cô nhớ giỏi hơn anh, cô thấy sách truyện, tiểu thuyết tả con gái mắc cở, con trai đỏ mặt. Có tả ông già bà lão đỏ mặt tía tai bao giờ đâu. "
"Thôi đi ông, người già ai dám chạm nọc họ, lỡ họ lăn đùng ra đó, mặt mày tím lịm, có mà mang họa..."
"Cô ăn nói cũng bạt mạng quá nhỉ."
Bà ngửa cổ lên, vuốt tóc cười. Ông nhìn bà say đắm, thấy bà lạnh tanh, điện pin, điện bình, điện cao thế đều bơ đi không giật, ngượng quá ông nhìn quanh, bàn ghế loại chiến đấu, màn cửa bằng gấm. Khác với ông ba chân bốn cẳng chạy trước 30 tháng Tư. Hơn hai mươi năm nhìn lui nhìn tới công danh tiền của vợ con nhì nhằng. Bà chậm chân bỏ nước trễ hơn ông nhiều. Vậy mà, quay đi quay lại bà làm chủ chợ, chủ shop mua phòng mạch mở thẩm mỹ viện. Hồi bà mới sang ông lén vợ tới thăm, âm mưu gỡ gạc chút ái tình thiu thừa ngày cũ... Loay hoay mãi ân thừa nghĩa vụn mọc gai trong cột sống, lúng túng không xoay xở nổi vài ghim giúp bà làm vốn. Môi miệng xuông tình, môi miệng cứng đờ ra.
Lằng nhằng mấy năm, phòng khách nhà giàu rộng mênh mông. Nhìn quanh chẳng thấy ghế nào cận kề nhau. Không đến thăm bà, ông xốn xang mất ngủ, cảm giác bần thần giống như người bị mất trộm. Ngôi nhà của bà bực bội cách gì đi nữa vẫn có hơi hướm của Sài gòn. Chưa Tết bà đã chưng cây mai, mai kiếm ở đâu ra ông không tiện hỏi. Tới thăm bà ông ngượng, tay vụng chân thừa. Lần nào ra về cũng thở ra.
Bây giờ ông không thở ra nữa, ông thở dồn lên cổ, ruột đau dần như đứt từng khúc nhỏ. Lôi thôi gì đây nữa? Nước non trong bụng, máu thịt trong da. Ông ngồi im tay chân tê nặng, lắng nghe cơ thể mình rục rịch những âm thanh đầy ám muội.
Như chiếc xe già tuổi, xác phàm của ông dạo này bắt đầu giở quẻ, hết phổi đến gan, chữa xong bệnh gan mò ra sạn thận. Ông gồng cứng bụng lên chịu trận. Bối rối quá, ông ngồi im phăng phắc. Bà lại tuởng ông ngây ngất vì mình... ít ra bà cũng phải trả một chút hận lòng... leo lét cũ. Ngày xưa ông nổi tiếng Don Juan, trêu cợt không biết bao nhiêu mảnh tình. Ông đẹp trai, chủ hãng thầu sở Mỹ. Đêm Sài gòn xập xình, ông cũng xập xình lên xe xuống đường rước tình nhăng nhện vào chiếc Mustang bóng lộn của ông. Bà lúc đó vừa mới lớn, choáng váng vì vẻ khinh mạn sành đời của ông, thêm giọng nói trầm mềm âu yếm nữa. Hình như cô nào cũng được nghe giọng nói chứa chan này, nhưng lúc đó còn trẻ dại bà cứ nhắm mắt tin bừa ông chỉ âu yếm một mình bà thôi... Sa ơi! Cát Vàng yêu quí của anh ơi. Bà tên Hoàng Kim Sa... ông kêu như vậy tim gan nào chịu nổi. Có vợ con đàng hoàng, ông cứ tỉnh bơ thả dê đầy đường, cô nhỏ ngu khờ lao vào mê trận của ông... Sài gòn có những trận mưa trộm, mới đó nóng như đổ lửa, đường phố đen nghẹt người, chiều vừa chập choạng mưa thình lình ập xuống, ào ào như trút nước. Kim Sa ngày đó ôm quần áo trốn sang nhà cô bạn đầu ngõ, thay áo đẹp lẻn ra đường lớn nép sát bờ tường của khu phố lầu chờ ông trờ xe tới hớt lên.
Đếm không biết bao nhiêu trận mưa. Hột cát vàng ngơ ngẩn nhìn bong bóng dồn nhau chảy vào cống lớn. Có cuộc tình nào của Sài gòn không phập phồng như mưa bong bóng? Chưa đủ hai mùa mưa... Sài gòn ì ùng... xe nhà binh, áo trận đầy đường. Sài gòn tiệc tùng để hấp hối, Sài gòn nhảy nhót để quằn quại. Chết chóc bom đạn chạy quanh ngoài ven rừng. Bà nhớ ông chặt lòng chắc dạ, dù oán hận bời bời, ông cũng là người tình đầu đời. Bà biết chắc ông chưa chui vào lính một ngày nào, ai ngờ nổi ông lại là người yêu nước thương dân cuồng nộ như bây giờ. Lúc mới qua, bà cũng háo hức đi nghe ông nói chuyện, nghe ông lập thuyết này thuyết nọ. Nghe ông diễn thuyết tình tự nước non bà muốn chổng chân lên trời đi bằng đầu. Thật ra phải nói ông đang trồng chuối đi hia bảy dặm bằng chính cái đầu già câng câng của ông mới đúng. Ông là tay nhà thầu hạng gộc. Ông chơi quần vợt ở Cercle, ông ăn cơm Tàu ở Bát Đạt, ông thầu câu lạc bộ Mỹ, thầu giặt quần áo Mỹ thầu luôn súng đạn phế thải và rác Mỹ... Vậy mà, bẵng đi một thời, bà chậm chân kẹt lại, gặp lại ông ở xứ người, bà tưởng mình nhìn lầm người khác. Ông biến thành một đại gia cực kỳ yêu nước.
Giờ ông ngồi đó, mắt như lạc thần... chẳng lẽ ba chục mạng đàn bà, những tình thừa tình thẹo tình giả tình thật đang quần nhau trong trái tim ứ máu huê tình làm mặt ông xám ngoét đi như vậy? Lỡ ông yêu mình chân thật thì sao? Không phải suốt đời mình quay quắt đi tìm một chút tình sâu nặng đó sao? Dù sao ông cũng là một phần đời của mình. Nói mỉa nói mai, lời qua lời tiếng lại đay nghiến gì đi nữa, nửa lời nửa tiếng cũng hiểu nhau hơn những người khác.
Chịu không nổi, ông bám thành ghế đứng lên, miệng nói lúm búm:
"Toilet...xin lỗi... anh phải vào toilet..."
Không đợi bà trả lời ông đi thẳng một mạch. Ác đức thì thôi, nhà sang như thế này, toilet làm xa lắc xa lơ tận góc cùng bên phải. Bà ái ngại nhìn theo ông, chắc ông bị lạnh bụng rồi, bà đi vào quầy rượu, tìm chiếc ly bầu rót cho ông một ly cognac.
Chuông cửa ngân lên một điệu nhạc. Vô tình cầm luôn ly rượu trên tay bà đi vội ra cửa. Nhìn soi vào chấm gương giữa cửa, gương mặt Dân bị ống kính khúc xạ hai mắt tròn quay đầy chấm hỏi. Bà đành mở cửa, không thể để anh đứng mãi ngoài hiên nhà. Động đất hay dịch bệnh? Điềm xấu hay điềm lành? Hai kẻ thề không đội trời chung lù lù dẫn xác đến nội trong một giờ. Dĩa nhạc cổ điển xoay vòng rơi đúng vào cơn lốc, violon rít lên, kèn đồng nghe như gió thổi vào loa thành hình trôn ốc.
Anh nhìn như găm kim vào người bà. Anh không dám hỏi, chiếc xe màu mắm ruốc của ông nằm lù lù giữa driveway. Anh chờ bà lên tiếng, nhưng bà chỉ nhìn phớt qua mặt anh đủ để cho anh thấy bà không muốn anh hỏi tới nữa. Nửa lời phân trần cũng không luôn. Đúng ra, bà không muốn gì nữa hết. Lựng khựng ngay giữa lối vào bà rủa thầm... cả hai người.
Nắng lên dọi vào khoảng hành lang rộng, mặt hai người vẫn tối xầm như đêm ba mươi, những câu hỏi bốc khói không bốc lời ngời ngời phóng ra những điện cực chạy rần rần trong người bà.
" Ông ta mò đến đây làm gì? "
"Còn anh, giờ đi làm ai khiến anh dẫn xác tới đây rình mò tôi?" "Bộ ông ta ở đây cả đêm qua?"
"Đêm hay ngày cũng vậy thôi, anh cướp nghề công an khu vực hồi nào nhanh vậy? "
Cả hai giương mắt hỏi qua đáp lại bằng loại nhạc không lời. Nhạc cổ điển đang hắt ra từ một góc nhà. Anh chúa ghét nhạc cổ điển, không hiểu mô tê gì cũng bày đặt hít hà khen ngợi. Ông cũng đi ra từ một góc nhà luôn.
Anh nổi cộc, không thèm lịch sự nữa, lần này anh gằn giọng hỏi bà:
"Ông ta bầy trò gì ở đây vậy?"
Bà sững sờ hết nhìn tình cũ lại quay sang tình mới. Tiến thối đều lưỡng nan. Không hiểu ông áp dụng chiến thuật gì lại sầm sầm đi ra, bụng quấn chiếc khăn tắm trắng phau của bà nữa chứ? Oan gia thiệt. Bà giơ ly rượu lên muốn xáng vào mặt ông cho bõ ghét. Mửng trây trúa này của ông bà rành quá mạng rồi. Mới sáng bảnh mắt, ông dẫn xác tới tắm táp trong nhà bà như thế này làm sao Dân chịu nổi.
Bà nhìn ông, muốn rách cả mắt, ly rượu màu hổ phách sóng sánh trên tay. Cả ba người tình cờ đứng hàng dọc trong khoảng hall. Màn cửa gió bay... bà thấy tay chân mình như co rút lại, táo ông táo bà, biến thành ba tên học trò đứng dưới cột cờ buổi sáng... này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi. Bà mong mình có thể hát lên bài ca xương máu đó. Dân là vừng hồng chói chang nhức mắt nhưng đầy ắp hy vọng, ông là dĩ vãng mù mịt nhưng thân cận như thịt với da... Bà cứ thế đứng ngây người ra. Bà chờ Dân bỏ đi. Chắc chắn Dân sẽ bỏ đi. Dân sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ông lão lớ quớ kia rồi sẽ thắng trọn cuộc cờ này. Dân đi thẳng ra cửa thật. Ông vẫn đứng như trời trồng, khăn tắm quấn chặt ngang bụng.
Dân lách người đi qua như không muốn chạm vào người bà. Choang... ly rượu bể tan trên nền nhà lót marble. Bà ngửng mặt lên nhìn ông, không muốn nhìn giòng rượu màu hổ phách chảy loang trên mặt đá hồng. Rượu bầm chóng mặt nhìn như máu.
Hai tuần nằm bệnh viện, vợ con vào thăm ông cứ ngóng hột cát vàng lóng lánh. Tin vui nho nhỏ lúc nằm bệnh viện vợ con mang vào làm ông bình phục nhanh hơn những lần nhập viện trước... Cabramatta sẽ được phép họp chợ ì xèo mua bán suốt đêm như Chợ Lớn của Việt Nam ngày nào... Quán cóc, xe đẩy, hàng rong, xôi mặn, xúc xích, vịt lộn, thịt nướng, cháo lòng, cháo cá, bánh khọt, giò chá quẩy, nghêu luộc, sò nướng, ốc xào dừa... Thấy vợ hào hứng kể, ruột gan ông cứ cồn lên vì ân hận. Ăn ở với vợ gần bốn chục năm, bao giờ ông cũng chân trong chân ngoài. Quen cẳng quen đùi nhau, ra vô cả đời, đụng da đụng thịt ê càng như đụng bàn đụng ghế. Mấy chục năm diễn mãi một vai tuồng, làm sao hào hứng nổi. Tội nghiệp mặt hoa da phấn của vợ nhìn mãi lổn nhổn như da gà turkey... vợ trét phấn chê dầy như vôi tường, vợ để mặt trần chê mặt mày tái mét. Nói cho cùng, vợ ông có bao giờ xát muối đâm kim tua tủa vào gan ruột của ông như Kim Sa đâu.
Rời bệnh viện về nhà. Nằm mãi tay chân nặng như bị cùm, ông chỗi dậy lết xuống nhà bếp tự pha cà phê uống cho tỉnh người. Tết qua từ lúc nào không ai nhớ. Từng năm từng tháng cứ lừ đừ qua đi như bóng đè. Ông không biết phải đi đâu nhưng theo quán tính vẫn lái xe ra đường. Gần đến nhà bà, ngang qua công viên, cỏ và cây cùng xanh ngắt, ông tắp xe vào sát lề nhìn sửng vài cô gái mặc áo chẽn chạy bộ dọc theo công viên băng về phía đồng cỏ của sân gôn. Lâu rồi ông không dám đến thăm bà nữa. Tia nhìn lạnh tanh của bà khiến ông nản lòng hơn bất cứ lời xua đuổi nào.
Mùa nào của người kệ thây thiên hạ, sau Tết người mình cứ gọi là xuân thì năm mới. Xuân thì của ông bây giờ coi như tiêu diêu miền tiên cảnh. Ông còn nhúc nhích thế này là may mắn lắm rồi, vợ ông hôm chạy dốc vào bệnh viện, thấy chồng còn sống đã vừa cười vừa khóc... trời ngó lại cho ông sống thêm ngày nào mẹ con tôi ơn trời ngày đó. Ông ôm đồm quá, lúc nào cũng sống gấp bốn lần thiên hạ người ta một vợ năm con đủ sụm bánh chè, ông sáu bảy nhân tình, chưa kể đầu đường xó chợ đếm không nổi. Chưa gãy cột sống là may lắm rồi...
Đang miên man ông giật mình nhảy nhổm người trên ghế.. Kim Sa và Dân đang chạy bộ băng ngang công viên. Giờ này muôn nghìn ngọn đèn giăng chi chít trên hai hàng cây chưa được thắp sáng, vậy mà hai kẻ chạy bộ cứ chấp chới như muôn triệu bóng đèn, vàng chói trong mắt ông. Dân mặc quần sọc, áo thun xanh đậmbó chặt vồng ngực u nần cuồn cuộn. Hột cát sông Hằng của ông lộng lẫy hơn bụi hướng dương vàng hực bên kia bồn cỏ. Bà mặc T shirt vàng, lao người chạy ù tới qua mặt Dân rồi đứng lại múa hai tay lên trời cười như nắc nẻ. Ông muốn bóp còi xe phá đám, tiếng cười của bà chắc ông nghe bằng âm hưởng!? Còi xe Sydney hay còi xe Sài gòn? Cầu trời khấn phật họ đừng trông thấy ông. Ông nghẹt thở quá, không phải cái nghẹt thở bình thường của kẻ bị phụ tình. Trái tim ông rền lên những âm động nguy kịch hơn nhiều. Ông muốn mở máy xe vọt đi cho khuất mắt. Nhưng tay ông run bần bật, đút mãi chìa khóa không chịu khớp vào khe máy. Ông giơ chùm chìa khóa lên nhìn, khóa xe, khoá cửa, khoá gara... Khóa cái gì nữa bây giờ? Hồi đó, thấy quân đội bỏ dân chạy tán loạn... mất Ban mê Thuột, Pleiku, Kontum, bỏ rơi Huế, bỏ luôn Đà Nẵng... Lúc hốt hoảng bỏ nhà ra đi, ông cũng tự tay khoá chặt cửa trước cửa sau của ngôi nhà đồ sộ đường Công Lý. Sài gòn có bao nhiêu ngôi nhà khoá chặt cửa, mất vẫn hoàn mất. Ông để lại bao nhiêu mối tình. Không khóa nổi tình yêu đừng già đừng trẻ. Tình yêu! Từ nay đừng nhắc tới danh từ ôn dịch này nữa. Ông nhìn xuống cánh tay nhão nhừ của ông đặt trên bánh lái, rồi vội vàng nhắm mắt lại. Già rồi, già thật mất rồi. Mãi đến hôm nay ông mới chịu nhìn xuống thịt xương của mình.
Thời gian như nén chặt trong sâu thẳm bùi ngùi. Lúc ông ngửng lên, xanh trời xanh đất đều biến mất. Mây giông từ biển ùa vào. Gió ào lên, hột cát vàng lóng lánh của ông chạy vun vút, biến khỏi tầm nhìn. Ông thót người nhớ những cơn mưa thịnh nộ của Sài gòn. Té tát ra với ai ông cũng là người tệ bạc hết. Kim Sa mười chín tuổi, áo mưa chùm đầu chạy lúp súp ra xe... ông ngồi yên vị trong xe, giầy không chịu ướt chỉ với tay mở sẵn cửa, hột cát vàng ướt át nép sát vào ông cho đỡ lạnh. Bao nhiêu năm trời ông không bao giờ tự hỏi... vừa mới lớn lên yêu nhằm người có vợ như ông, Cát Vàng khóc bao nhiêu hồ nước mắt?
Ông kẹt dưới mưa, trận mưa cuồng nộ của Sài gòn năm 75 bò sang tận đây để hỏi tội. Mặt không ướt, chỉ có kính xe dòng dòng đổ nước, ông vẫn quơ tay lên chùi mắt. Cơn mưa thịnh nộ càng lúc càng hung dữ.
DAO CẮT TRONG LÒNG
Lệ Hằng
Vợ ông Hàn tên Thục An . Cô ấy là một trong những người đẹp nổi tiếng của vùng này . Hục hặc với gia đình anh chị sao đó, cô ấy đem chồng con qua Hawaii lập nghiệp . Vài năm sau cô bỏ chồng Việt, lập gia đình với một người Mỹ . Vân quen Thục An ở Hawaii . Bẵng đi vài năm, Vân lại được mời đi dự tiệc cưới của cô ấy với ông Hàn .
Vân kể, hôm đó An từ Hawaii bay về, hối xe chạy dốc tới bệnh viện . Bà cụ nằm im lìm trên giường . Ảnh cụ đã để sẵn trên bàn rồi . Trong ảnh nụ cười của cụ quá đỗi hiền lành, môi thoáng một chút son, gương mặt cụ như rực rỡ hẳn lên .
An hết nhìn ảnh lại nhìn đăm đắm vào vầng trán lạnh trơ của mẹ . Sau đó An đi ra, tránh không nhìn gương mặt nặng chình chịch của chị dâu . Tránh luôn đôi mắt sưng húp của chị Thúy . Không một lời dù nặng, dù nhẹ hé ra từ đội môi mím chặt của cô ấy . Chẳng cần nhiều lời, An biết, bốn ông con trai sẽ bày ra đủ trò lễ nghi cho một đám tang rình rang để trấn an lòng lành, hiếu thảo . Cháu nội, cháu ngoại, khách khứa, bạn bè, thân sơ sẽ kéo tới nghìn nghịt sân chùa .
An tìm một hàng ghế khuất kê dưới lùm cây trong khuôn viên bệnh viện ngồi suốt buổi chiều . Hai mắt An đỏ ké lên, nhưng cô ấy nhất định không khóc .
Lúc mẹ còn khỏe, còn viết được thư than thở với cô, cô đã không có thì giờ để trả lời cho mẹ, dù chỉ một hai hàng chữ nhỏ cũng lờ luôn . Cô bận lắm . Cô túi bụi với việc nhà, việc công ty . Lòng dạ cô ở đâu ? Lưu lạc ở phương nào ? Buồn hay vui cô còn không có thì giờ nhỏ to với nó . Huống gì nhỏ to với người khác, dù người khác đó là mẹ ruột của cô . Cho nên bây giờ, cô nhất định không cho mình được quyền khóc mẹ . Cô không xứng đáng để khóc mẹ .
Mẹ thọ 83 tuổi, ở góa 49 năm . Cô lẩm bẩm một mình :
- Thọ 83 tuổi . Góa - lạnh - không - chồng - bốn - mươi chín - năm .
Cô rùng mình . Một cái đau nhói lên, buốt từ trong óc buốt vào quả tim . Cô phải dướn người lên để thở, tay chặn lên ngực, mặt cô tái ngắt .
- Tội ngiệp mẹ ! Tội nghiệp mẹ !
Cô tiếp tục làu bàu :
- Đừng khóc ! Mày không đủ nhân cách để khóc một người mẹ như thế .
Cô thấy mình buốt từ trong hồn buốt ra . Buốt trong tủy sống, buốt lên đỉnh đầu . Cô mỏi quá, cột xương cô chết xụm . Suốt đêm qua không ngủ, 4 giờ sáng hộc tốc phóng ra phi trường . Vật vã ở phi trường, bồn chồn trên máy bay, rồi hụt hơi chạy đến bệnh viện . Bây giờ cô thấy mình vữa dần từng mảnh như một cái xác không hồn . Cô ngả oặt người ra sau, cố dựa hẳn đầu lên thành ghế . Ngửa mặt nư vậy, cô nhìn thẳng được lên trời . Mây hôm đó không có hình thù . Mây như bị trời nén chặt . Lòng cô cũng bị nén như là dưa khú . Đá tảng xù xì từng khối đè nghiến trong đầu cô . Thấy cổ mình đau, muốn đứt lìa, cô ôm đầu gục xuống .
Thế rồi, người ta thấy cô đứng lên bỏ ra đường . Cứ như thế cô đi hoài . Đường rộng thênh thang . Xe vùn vụt chạy . Những con đường nước Mỹ chạy xa tít tắp, xa tít tắp ...
Sáng hôm sau, An gọi Taxi ra phi trường, bay thẳng một lèo về Hawaii . Tang lễ trọng thể của mẹ có đủ mặt con trai, con gái, dâu rể, cháu họ, cháu ruột . Ai cũng khen bà cụ Trương có phúc, dâu hiền rể thảo, con cháu thành đạt . Chồng của An lúc đó cũng đội mũ mấn, dắt hai con đi sau quan tài mẹ vợ . Người ta xầm xì sự vắng mặt của cô út Trương Thục An . Chị dâu của cô cứ phải mỏi miệng phân trần rằng cô út nghe tin mẹ qua đời, ngã lăn ra bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện, bác sĩ cấm không cho đi máy bay nên cô út không thể nào về kịp .
An về Hawaii, gia đình chồng một rề ỏ vây quanh nhà . Thấy cô về một mình, đầu không quấn khăn tang, hai con mắt lạnh tanh thấy sợ . Họ sững sờ nhìn cô . Có một cái gì cực kỳ băng giá đã bọc chặt cô mất rồi . Đến nổi cả nhà không ai dám lên tiếng hỏi cô một lời .
- Thọ 83 tuổi, không chồng 49 năm .
Cô nghe mình lảm nhảm suốt đêm câu nói cụt đầu cụt đuôi này mãi không biết chán .
Cô biết rõ mẹ cô đa cảm và yếu ớt hơn cô nhiều . An nhớ lúc nhỏ đi học về, cô hay chạy vào bếp lục chạn thức ăn tìm bánh ngọt hay chè mẹ thường nấu sẵn để ăn vụng . Rất nhiều lần An thấy mẹ dấm dúi chùi nước mắt . Lần nào mẹ cũng vội vàng cười gượng với cô . Nụ cười của mẹ không bút mực nào tả xiết :
- Mẹ ham rẻ mua nhằm than sống, khói làm mắt mẹ xót quá .
Cô vô tâm, hay tại cô giống cha ? Thừa hưởng ở cha cái bộ ruột nguội ngơ của bên nội . Cha quá đổi vô tình, lòng cha phải lạnh lẽo lắm, nên mới dụt đại cho mẹ một bầy con, bốn trai hai gái rồi lăn quay ra như thế .
Dì Tư vẫn nói cha An mê mẩn ba cái trò chính trị nên làm khổ mẹ . Cả đời cha cứ hục hặc với chuyện vá trời lấp biển của người khác, cứ xớn xác như Don Quixote vác kiếm cùn đánh nhau với cái cối xay gió . Lâu lâu buồn đời lại về tặng cho mẹ An cái bầu rồi hiên ngang vác bị gậy đi nữa . Cho tới ngày mẹ nhận hung tin cha chết ở một xó rừng, mẹ khóc hết nước mắt lặn lội đi tìm mộ cha . Ba lần đi tìm như vậy, hai năm sau mẹ mới mang về được một hũ tro . Người ta bảo đó là xác của cha . Mẹ cũng gắng tin đó là tro cốt của cha .
An cứ thế lớn lên theo các anh, các chị . Mẹ xoay đủ nghề, buôn ngược bán xuôi . Mua vùng quốc gia bán cho vùng xôi đậu . Những năm tháng lẽ ra là thanh xuân tươi đẹp nhất của một người đàn bà bình thường và khỏe mạnh, mẹ ôm sáu đứa con chạy hết loạn này đến giặc kia . Phải chi mẹ xấu xí vô duyên cho đành . Đàng này, da mẹ mịn hồng, môi tươi ngọt như cánh hoa, mắt lung linh sâu thẳm, chân tay đài các hơn người . Vậy mà mẹ đành lòng xoa bụng, răng nghiến vào răng, đêm đêm chong đèn, nghe da thịt, lông tóc mình than thở với nhau .
Bốn mươi chín năm ròng, không một bàn tay đàn ông đụng vào xương thịt . Không một lời thầm thì an ủi . Làm sao mẹ lại có thể sống được một đời đòi đoạn đến như vậy . Rồi ngày chồng lên tháng, tháng chồng lên năm . Bầy con sáu đứa nghiến hết tuổi thanh xuân của mẹ lúc nào cũng không hay .
Đã nói An thừa hưởng máu vô tâm của bố . Lúc nhỏ xíu thấy mẹ khóc hoài, An cũng nhắm mắt tin bừa khói làm cay mắt mẹ . Lớn lên chạy được ra nước ngoài sớm . Lúc thấy tóc mẹ bạc rồi, đời đã hành cho bầm dập trăm bề, khóc như vậy chắc hẳn mẹ phải cay cực lắm . Chắc trong lòng mẹ phải đau lắm, nước mắt già mới ứa ra như vậy . Nhưng khổ quá, An làm gì cho mẹ được bây giờ . An bận chồng, bận con, bận làm tiền, bận trả nợ, bận mua sắm, bận nghỉ hè, bận tiệc tùng ...
Đêm hôm sau chồng An gọi điện thoại về trách :
- Em có giận gì cũng vừa vừa phải phải cho anh vuốt mặt ngó người ta chứ . Ai lại bỏ về ngang như vậy bao giờ . Anh không biết ăn nói làm sao với anh chị Hai . Nghĩa tử là nghĩa tận, em phải biết mình là phận em ...
An điên lên :
- Dẹp cái nghĩa tử nghĩa tận của anh đi . Mẹ tôi chắc chắn không cần cái nghĩa tử của anh đâu . Hồi mẹ tôi bị vợ anh Hai đuổi khéo, tôi bàn với anh sửa sân sau thành cái granny flat đón mẹ sang ở . Tôi còn hứa với anh, sẽ nói mẹ tôi ở riêng nhà sau . Không héo lánh lên nhà trên, không ăn chung mâm, không xài chung toilet .Không mó máy đụng vào túi tiền của mình . Mỗi tối đi làm về tôi sẽ xuống thăm mẹ tôi một lần ... Chính anh đã cản tôi . Trời ơi ! Tôi nể chồng, sợ con nên bây giờ không dám khóc mẹ .
- Em à ! Hãy nhớ lại đi, anh không hề từ chối nhé ...
- Đúng rồi . Cái mặt nghĩa tử nghĩa tận của anh dại gì từ chối . Anh chỉ nhỏ nhẹ thốt ra thành lời, rằng anh sợ mẹ vợ, mẹ chồng ở chung rồi ra thế nào cũng có chuyện . Thằng nào nói câu đó ? Anh giỏi chối đi .
- An à, em có điên không ? Anh gọi cho em để nói anh Hai giận em lắm . Tại sao em lại quàng xiên nhắc chuyện mẹ chồng mẹ vợ vào đây làm gì .
- Dẹp anh Hai đi . Tôi không muốn ngó cái mặt họ nữa . Thư từ của mẹ tôi còn cả hộp đây . Tôi sẽ ném cả xấp vào mặt, cho họ hết dài cái giọng nghĩa tử nghĩa tận ra với tôi .
Chồng An năn nỉ :
- Đừng có nóng, từ từ đâu còn có đó .Mẹ già thì mẹ chết . Bộ em muốn mẹ lột da sống mãi chịu chi nổi . Già quá sống chỉ thêm khổ cho mẹ .
- Anh khỏi cần dạy tôi . Còn mẹ anh thì sao ? Mẹ anh bộ trẻ hơn mẹ tôi chắc ?
- Này, đừng có vác mẹ anh, mẹ tôi ra mà kiếm chuyện nữa . Anh chỉ muốn em làm hòa với các anh chị của em . Mẹ vừa mới mất, em không thắp cho mẹ được cây hương, làm như vậy không sợ mẹ buồn sao ?
- Đời mẹ có vui bao giờ đâu mà anh sợ mẹ buồn . Anh nghĩ coi, mẹ làm vú em, làm con ở cho họ mấy chục năm . Xoay vần nuôi hết cháu nội đến cháu ngoại . Đến lúc mẹ bị ngã gãy xương, không nuôi được cháu nội cháu ngoại, không nấu cơm, lau chùi được nữa . Anh Hai, chị Thúy, anh Tư tìm cách đùn mẹ đi . Cuối cùng cả bọn hè nhau tống mẹ vào viện dưỡng lão . Anh coi, họ gan thật, còn dám tổ chức lễ tang . Dám mời thầy tụng kinh . Dám đội khăn tang xì xụp lạy quan tài của mẹ . Tôi không thể làm như vậy được . Anh biết quá mà, tôi lo bốc cả gia đình nhà anh từ Việt Nam sang đây . Tôi là con đàn bà ngu nhất trên đời này . Tôi nói với mẹ tôi, mẹ ơi con sợ mất chồng . Hạnh phúc của con là chồng, là bầy con của con . Hạnh phúc của con không phải là mẹ . Con khốn nạn này nó nói với mẹ nó như vậy đó . Cho nên tôi phải bỏ về ngay lập tức . Cho nên tôi tự thấy mình không xứng đáng đi sau quan tài của mẹ . Anh nghe thủng ra chưa ?
Cô cứ thế nổi điên trong điện thoại . Cuối cùng cô cũng không nhớ chồng cô, hay chính cô hét lên một tiếng rồi cúp máy .
Sau tang lễ, chồng cô đem hai con về lại Hawaii cho vợ . Anh chạm mặt một người đàn bà hoàn toàn xa lạ ngay trong ngôi nhà bề thế của anh . Bà mẹ lọm khọm gọi con trai ra một góc vườn thì thào :
- Mày lấy phải một con điên rồi . Từ hôm đó tới chừ nó câm như mụ hến . Đêm tới cứ ngồi một đống như bị thịt, lảm nhảm một mình . Hỏi không thưa, gọi không đáp .
Anh xua tay chào mẹ rồi bước thẳng vào nhà . Anh tiếp tục đưa con tới trường, đón con về nhà ngày hai bận . Năm ngày sau, chẳng hiểu nghĩ sao, cô đùng đùng mua vé máy bay, gọi tài xế của công ty đưa thẳng ra phi trường .
Từ phi trường Los Angeles cô kêu xe chạy một mạch vào bệnh viện . Cô biết hôm nay người ta sẽ thông báo rành mạch mọi chi tiết bệnh lý về cái chết của mẹ cô . Đúng là một đại gia bề thế, hai con gái, bốn mụ dâu, bốn con trai, một ông rể, chồng cô rể út vắng mặt, lý do chánh đáng phải ở nhà lo việc công ty .
Đến trể nhất, cô ngồi phịch xuống ghế không buồn chào hỏi ai hết . Mọi con mắt sầu nặng đều nhìn chăm bẳm vào cô . An rùng mình . Đúng là những con mắt đóng hộp mất mẹ, trao tráo, tanh lạnh, rập khuôn nhau . Thế là tay cô mở bóp tách một cái, lôi ra xấp thư cũ của mẹ, cô đứng dựng lên phóng hai đồng tử chiếu thẳng vào mặt anh Hai, anh Tư, rồi anh Minh, anh Kỷ .
- Có phải chúng ta là bầy con lớn lên không có cha, đúng không ?
Không ai trả lời .
- Có đúng mẹ ở góa nuôi hết sáu đứa con no đủ hơn người khác không ?
- Chị Hai, một mẹ già bằng ba con ở . Chị cho tôi biết ai nuôi bầy con của chị lúc còn đỏ hỏn để vợ chồng chị đi học . Chồng bác sĩ mổ, vợ nhổ răng, ai nuôi con hầu hạ cơm nước lúc chị đi học ?
Máy lạnh chạy ù ù . Giọng cô cũng ù ù khàn khàn như bị cái máy lạnh làm cho cảm :
- Anh Tư ! Tại sao anh để vợ anh thò tay lấy tiền nhà của mẹ ? Bộ anh cho mẹ già share phòng hả ? Bộ anh nghèo tới mức phải ăn xén vài trăm tiền già của mẹ ? Ai đem vòng vàng cưới vợ cho anh ? Ai nuôi anh từ nhỏ tới lớn ? Ai bị mìn lúc buôn hàng chuyến nuôi anh ? Ai nhường thịt nhường cá cho anh ăn chóng lớn, đi học, còn mẹ chan nước rau luộc hả ? Trả lời cho tôi ? Trả lời cho tôi đi ?
Cô vẫn nói một mình, phòng bệnh viện không khí bị ép nặng hơn bên ngoài . Cô phải vươn cổ lên để lấy hơi :
- Chị Thúy, hồi mới qua, chị mượn tiền mẹ deposit mua nhà . Bây giờ chị giàu quá mà . Tại sao chị cứ lơ đi không trả tiền cho mẹ ?
Thúy đứng phắt lên, xỉa tay về phía em :
- Cô khôn hồn thì im ngay đi . Tiền của mẹ còn nguyên đây, không mất đi đâu hết . Tôi không đưa cho mẹ, vì hở ra đồng nào, mẹ cúng chùa đồng đó . Ở đây chùa đông lắm . Cô bỏ mẹ dông tuốt qua Hawaii cun cút cơm bưng nước rót hầu bố mẹ chồng . Cô nấu cho mẹ được bửa cơm nào chưa ? Cô là con út, mẹ nhớ cô khóc hoài . Cô có đoái hoài gì tới mẹ không ? Con nào nói với mẹ hạnh phúc của nó là chồng là con nó ? Hạnh phúc của nó không phải là mẹ . Con nào nói với mẹ câu đó ? Nãy giờ ai cũng biết cô điên diên tàng tàng nên mặc cho cô nói xỏ nói xiên . Tôi nói cho mà biết, cô vác thân cô đi Hawaii như thế, có lý gì đến mẹ già . Lẽ ra cô nên câm đi thì hơn
An tím tái măt, cô ngồi phịch xuống ghế . Xấp thư của mẹ cô rơi xuống sàn nhà, cô nhặt lên, thở không ra hơi . Ơn trời, đúng lúc đó hai nhân viên hành chánh của bệnh viện đi vào ngồi sau bàn lớn . Mọi người đều im phăng phắc . Bà Mỹ, tóc ngắn ép sát đầu, mở hồ sơ kêu sột soạt . Cô y tá ngồi bên cạnh cũng mở ra một xấp phim khổ lớn .
- Đây là tất cả hồ sơ bệnh lý của bà Trương . Còn đây là chứng nhận của pháp y sau khi xét nghệm người chết . Bà Trương không chết vì gảy xương hông . Bà chết vì uống quá nhiều thuốc ngủ và thuốc chống đau đã để dành từ mấy tháng trong viện dưỡng lão . She killed herself .
(Phật Giáo Việt Nam số 122 tháng 1/2003)
Tham khảo thêm về tác giả Lệ Hằng
NHÀ VĂN NỮ LỆ HẰNG
ANH HỒ
Nhà văn nữ Lệ Hằng sinh năm 1948 tại Hải Dương, miền Bắc. Vào Nam năm 1954. Rời VN đến Úc vào năm 1989, Lệ Hằng đã chọn vùng Blue Mountains sống một cuộc sống lặng lẽ cách thành phố Sydney hoa lệ (bang New South Wales) khoảng 100 km! Blue Mountains là một vùng núi non trùng điệp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Sau đó, nhà văn chuyển về vùng Cabramatta để... được gần gũi với những người Việt đồng hương... mà theo bà là: "Lá rụng về cội, mình cũng phải tìm về với cộng đồng của mình thôi. Về đây, mình được thưởng thức mùi mắm ruốc, mùi bún bò, mùi phở, vậy là vui lắm rồi! (.....) Tôi xem Cabramatta như nhà của mình. Về đó, tôi cảm thấy như về Chợ Lớn. Tôi có thể nói tiếng Việt được chứ không phải múa miệng múa tay để nói tiếng Úc!".
Nhà văn Lệ Hằng
Bắt đầu sáng tác từ năm 1967, nhà văn nữ Lệ Hằng đã từng nổi tiếng ở Sài Gòn với các tác phẩm trước 30.4.1975: Thung Lũng Tình Yêu, Tóc Mây, Bản Tango Cuối Cùng, Ngựa Hồng, Mắt Tím, Tình Yêu Như Băng Sơn, Chết Cho Tình Yêu, Kinh Tình Yêu... Từ sau 1975 bà tiếp tục sáng tác ở hải ngoại, đi đi về về VN, một số tác phẩm chính trong giai đoạn này: Sa tăng Dịu Dàng (1992), Nghề Làm Vua (truyện dài1992), Hạnh Phúc Quanh Ðây (truyện phim, Sài Gòn 1981), Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn 1982), Năm 2100, Bên Kia Là Núi, Nói Thầm Với Ðá (1998)...
Trả lời trên tạp chí Văn Học (số 119 tháng 3- 1996), nhà văn nữ này tự nhìn lại "Lệ Hằng thời kỳ trước 1975 ở Sài Gòn": "Trước năm 1975 hả ? Trời ơi, tức cười lắm, tôi đúng là chiếc xe mới ra lò phóng vun vút trên xa lộ Biên Hòa, văng cả khói vào mặt người khác, chắc nhiều người bực lắm. Tránh sao nổi cái màn vượt tốc độ, rồi lạng quạng sang lane ẩu. May quá, nhờ phước đức ông bà để lại, tôi không húc ai toi mạng. Tôi cũng ân hận, đã viết nhanh, viết ào ào nhưng vẫn không nói hết được những điều mình muốn nói. Bây giờ nhờ ơn thời gian, nhờ uống quá nhiều chén đắng ở bên nhà cũng như ở xứ người, tôi cảm thấy mình người lớn hơn, tự thưởng cho mình một chút thong dong tự tại để viết một cách...chà tôi thuộc loại gà tồ ăn nói không khéo lắm, thôi nói đại...viết một cách vừa nghiêm chỉnh vừa ngông đời!".
Đối với bà, cũng như hầu hết văn nghệ sĩ định cư ở hải ngoại, thì chỗ dựa của nhà văn là độc giả. Lệ Hằng cũng nhìn nhận rằng tương lai của văn học hải ngoại tùy thuộc vào hai việc:
- Ở hải ngoại, trong vòng hai mươi năm tới nữa liệu còn có ai thưởng thức tiếng Việt nữa không? Cộng đồng người Việt ở các nước đã, đang và sẽ làm gì để nuôi dưỡng, phát triển nhu cầu thưởng thức văn học tiếng Việt?
- Một lúc nào đó hoàn cảnh đất nuớc cởi mở, văn học hải ngoại có thể "nhập khẩu" trở vào trong nước, liệu các nhà văn hải ngoại có đủ tác phẩm xứng đáng để xuất bản về nước?
Hai câu hỏi thẳng thắn, ray rứt không riêng của một văn thi sĩ hải ngoại nào.
Quả thật đáng lo ngại, khi mà nhà văn Lệ Hằng nêu trường hợp chính bản bà: lúc mới sang Úc "tưởng bở lắm", bà lao vào viết nào là truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết, rồi bà cũng in được một số cuốn. Nhưng càng ngày bà càng thắm thía rằng chỉ nên viết cái gì dễ đọc hơn, vì vậy, bà đã xoay qua phụ trách mục "tâm tình bạn đọc". Bà nói: "Nó dễ viết hơn, người ta thắc mắc cái gì thì mình viết cái đó. Người ta yêu quí cái gì mình viết cái đó!".
Mới đây, trả lời phỏng vấn của đài ABC (Úc), trước câu hỏi: Là một nhà văn đã cho ra đời nhiều tác phẩm lãng mạn (.....) thế mà nay, bà không thể tiếp tục sáng tác những chuyện ngắn chuyện dài như thế? Nhà văn Lệ Hằng cho rằng: "Tôi không thể nào viết nhiều được. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi thấy rằng, số lượng người đọc văn chương tiếng Việt ngày càng ít đi. Các em lớn lên thì đọc tiếng Anh. Còn người lớn tuổi thì đâu có thời giờ đọc nhiều. Nhiều khi viết rất là khổ cực. Phải can đảm mới viết được. Mà viết xong in ra lại càng khủng khiếp hơn nữa. Mà in xong rồi lại phải bắt bạn bè tổ chức ra mắt sách cho mình. Tổ chức ra mắt sách xong thì ê chề lắm, bởi vì, cuối cùng chỉ có bạn bè đến với mình thôi. Thành ra tôi cần lắng nghe tiếng động hay âm thanh cuồng nộ của người đọc đáp ứng lại, thì may ra lửa tình hay lửa tiểu thuyết trong tôi mới sống lại, chứ không có lửa thì không viết tiểu thuyết được. Hồi xưa, tôi nhớ ở Sài Gòn, mỗi ngày tôi đến tòa soạn hay đến tòa báo, tôi nhận được cả cọc thơ. Nghĩa là một lời mình nói ra, nó vang vọng lại mình. Còn bây giờ, giỏi lắm tôi nhận được 5, 6 lá thư của độc giả!".
"Lệ Hằng không phải là nhà văn VN duy nhất tại Úc bày tỏ nỗi ưu tư về tình trạng xuống dốc của văn chương VN ở nước ngoài", phóng viên đài Úc ABC nhận định như vậy sau cuộc trò chuyện với nhà văn Lệ Hằng. Nhà văn nữ Lệ Hằng cũng nói lên thực trạng: "Vô tiệm sách thì tôi không biết mua cuốn nào. Có nghĩa là, số lượng sách và ngay cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng quá nhiều. Bằng chứng là, hội trung tâm văn bút của người Việt mình nhiều không đếm được, không biết bao nhiêu là trung tâm văn bút nữa! Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng quá nhiều. Chính sự kiện này làm cho tâm cảm của tôi bị "shock" khiến tôi không viết được, thì đúng hơn là vì vấn đề sở hụi. Các nhà xuất bản vẫn sẵn lòng bỏ tiền ra in sách cho mình. Tôi đã đi một vòng thăm hỏi các bạn bè nhà văn của tôi, nhà văn lớn, nhà văn nhỏ. Tôi thấy sách in xong để trong garage nhiều lắm, và vợ con họ cứ ca cẩm rằng, in sách không có chỗ mà để!".
Một năm vừa đi qua, mong rằng những khó khăn trên đây của nhà văn Lệ Hằng nói riêng, của các văn nhân thi sĩ hải ngoại nói chung, sẽ được giải toả phần nào trong năm mới. Quả thật, khi mà Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa thì việc "hội nhập trở về" của các cây bút Việt định cư ở nước ngoài chỉ còn là vấn đề thời gian...
lệ hằng : người đàn bà nổi loạn
bài viết: trần áng sơn
tác phẩm đã xuất bản:
-THUNG LŨNG TÌNH YÊU
-TÓC MÂY
- KINH TÌNH YÊU
- TÌNH YÊU NHƯ BĂNG SƠN
- SÓC NÂU
- BẢN TĂNG-GÔ CUỐI CÙNG
-NGỰA HỒNG
-MẮT TÍM
V. V. ...
- ... vẻ đẹp của lệ hằng, vẻ đẹp của mỹ: lộng lẫy, gợi cảm, khiêu khích, lại thực dụng ...
- ... giá mà các anh giải phóng miền nam, trước khi lệ hằng cầm bút, thì lệ hằng đâu có lún sâu vào ...
- ... lệ hằng hiện đang định cư ở nước ngoài, cô nghĩ gi về ...
Trong số những nhà văn nổi tiếng ở Sài gòn trước 1975, Lệ Hằng xuất hiện muộn hơn cả. Mãi tới 1971, người ta mới biết đến cô như 1 nhà văn. Sự xuất hiện của Lệ Hằng như 1 trận cuồng phong ập đến, trận cuồng phong nhục cảm, cuồng loạn; chẳng mang 1 chút màu sắc triết lý nào cả; cũng chẳng theo học thuyết nào. Sự yêu vội , sống vội, sẵn sàng chết vội, dễ bị ngô nhận là thuộc trường phái hiện sinh.
Nhưng ở vào thời điểm Lệ Hằng xuất hiện, cơn sốt hiện sinh đã lắng xuống, cũng vừa mới lướt qua - hậu quả của nó đang bị cơn sóng thần nền văn hoá Mỹ trùm lấp. Có thể nói, trường hợp Lệ Hằng là kết quả của nền văn hoá Mỹ thực dụng đang tràn vào nước ta, từ khi người Mỹ ồ ạt xuất hiện ở miền Nam . ( 1965) . Chẳng ai trong chúng ta có tinh thần bài ngoại, nhưng đối với nền văn hoá Mỹ, chúng ta cần phải hấp thụ 1 cách tỉnh táo, có chọn lọc. Lệ Hằng không thế, không những cố hấp thụ, mà còn phổ biến nền văn hóa ấy , qua từng trang viết, trong tất cả tác phẩm của cô, xuất bản từ 1971 cho đến ngày cuối cùng của Sài Gòn ( 1975) .
Nói về những nhà văn nữ của Sài Gòn, mỗi người có 1 văn phong, điều này rất dễ nhận thấy ở các nhà văn nữ Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thy Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và sau cùng là Lệ Hằng.
Về nhan sắc, cô là người không may mắn , tuy NHÃ CA rất đằm thắm, rất đàn bà, nhưng tài, sắc đố kỵ. THỤY VŨ cũng thế, TÚY HỒNG có khá hơn.
Ưu thế về ngoại hình thuộc về 2 nhà văn Nguyễn Thị Hoàng ( ...) và LỆ HẰNG . Vẻ đẹp của Lệ Hằng khác hẳn, có thể nói vẻ đẹp của cô là vẻ đẹp Mỹ: lộng lẫy, gợi cảm , khiêu khích, thực dụng.
Nói về văn nghiệp của Lệ Hằng, chỉ trong, 3, 4 năm, hàng chục tác phẩm xuất bản, mỗi một tác phẩm như đem đến 1 cơn địa chấn , đắm say, dữ dội, rã rời !
Đôi lúc, tôi phân vân tự hỏi, nếu lịch sử không sang trang. cùng với cây viết - không biết Lệ Hằng sẽ còn đi tới đâu ? Chồng Lệ Hằng, một phi công * trong quân đội chế độ cũ , mẫu đàn ông rất hợp với típ phụ nữ như Lệ Hằng. Có lẽ, họ rất hạnh phúc trong 1 ngôi nhà trong khuôn viên rất rộng, ở Cổng xe lửa số 6, có những người hàng xóm nổi tiếng, như vợ chồng nhà giáo-nhà văn Nhật Tiến + Phương Khanh.
Khi tôi viết tập đầu bộ Những trang khép mở, tôi nhớ ngay đến Lệ Hằng - về danh tiếng- cô rất xứng đáng để tôi viết về cô. Nhưng rồi, tôi gạt bỏ ngay ý định trên, vì những gì tôi biết về Lệ Hằng - sau khi Sài Gòn trở thành tp. HCM, vả lại được gặp cô nhiều lần. Tôi tự nhủ, đây la típ phụ nữ mà những người đàn ông như tôi, không thể mon men tới gần. Và, tôi cũng biết Lệ Hằng cũng nghĩ như tôi, về mẫu đàn ông chỉ thích hợp sống ở đầu thế kỷ đã qua.
Sau 1975, tôi thường gặp Lệ Hằng ở Hội văn nghệ thành phố, cách trang phục của Lệ Hằng như Sài Gòn vẫn không thay đổi Vẻ mặt rạng rỡ, áo dài thướt tha, đỏm hơn, với chiếc dù sặc sỡ. Đặc biệt hơn nữa, mỗi bước đi của Lệ Hằng, như có tiếng chuông rung, càng gây sự chú ý cho mọi người . Tôi có cảm giác, như Lệ Hằng đi lại như ngòi bút cả trên mặt giấy ... Những hồi chuông rung ấy phát ra từ những chiếc vòng có gắn những chiếc chuông nhỏ đeo nơi chân Lệ Hằng.
Lệ Hằng đến Hội văn nghệ tp. HCM không phải để gặp các bạn văn nghệ cũ . Cô ta chỉ reo lên, khi Trần Quang xuất hiện, sẵn sàng cùng Trần Quang biểu diễn vài động tác gây chú ý ngay trong khuôn viên Hội. Cùng với những bước chân như thế, Lệ Hằng bước lên từng bực thềm vào văn phòng Hội, gặp vài vị lãnh đạo, với nụ cười tươi như hoa nở trên môi.
Chuyện muôn thuở đàn ông và đàn bà mãi mãi vẫn là 2 cực khác nhau, luôn luôn thu hút lẫn nhau. Lệ Hằng hiểu rõ ưu thế của mình, cô đã tận dụng và đã thành công nhanh hơn những người cùng cảnh ngộ rất nhiều ! Tiếng nhạc rung lên từ cổ chân Lệ Hằng đã có tác dụng, chuyện này ở trong nước chưa rõ, nhưng ở nước ngoài đã rất thông. Từ 1 cây bút lúc đầu bị đánh giá lá đồi trụy, năm 1984, Lệ Hằng trở thành biên tập viên trong 1 xưởng phim mang tính cách giáo dục rất cao. Phải chăng, đó là kết quả học tập tốt, trong Khóa bồi dưỡng chính trị khoá 1 , tổ chức tại Hội văn nghệ tp. HCM ?
Chúng ta hãy xcùng đọcc 1 đoạn trong bài tự kiểm của Lệ Hằng :
" ...ở lứa tuổi của Hằng, lớn lên ở miền Nam, đâu có hiểu gì về cách mạng, đâu có biết mình bị họ đầu độc tinh vi ... Giá các anh giải phóng miền Nam trước khi tụi Hằng cầm bút, tụi Hằng đâu có lún sâu vào tội lỗi như vậy ...".
Một bài tự kiểm chân thành, có tố cáo, có ân hận, Lệ Hằng được chiếu cố là đúng. Tôi chợt nhớ năm xưa, mẹ tôi thường bảo :
"... Ở đời khôn chết, dại chết, biết thi sống !"
Cổ nhân dạy cho người ta chữ thời đó sao ?
Bây giờ Lệ Hằng đang định cư ở nước ngoài. Cô nghĩ gì về những điều cô viết trong bài tự kiểm? hay cũng đổ cho tại, bị - nên mới viết như thế !
Tóm lại, Lệ Hằng như thế nào, là bởi xã hội ấy như thế - đâu phải lỗi của Lệ Hằng ? hẳn cô đã nghĩ thế và sẵn sàng trút hết rác rưởi vào nơi cô đã từ bỏ, ra đi.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé Hội văn nghệ tp. HCM, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nhìn những gương mặt cũ - có người đang đi về phía nấm mồ của mình.
Tôi lại nhớ đến tiếng lục lặc ở cổ chân Lê Hằng.
Tiếc cho 1 tài năng. một nhân cách ( như Lệ Hằng ) . Và , tôi cũng tiếc cho chính mình, đã viết những dòng này, về 1 người mà không còn muốn nhắc đến nữa * * !
Sự im lặng mới đẹp làm sao ! []
TRẦN ÁNG SƠN
( Sài Gòn 2002 )
Nhà văn Lệ Hằng và Phùng Nhân
(phát lại từ Radio Australia)
Wednesday, 5 April 2006
Nguyên Nam
Nguyên Nam và Quỳnh Liên kính chào quí vị. Thưa quí vị, văn sĩ VN ở nước Úc đang gặp phải khó khăn khi sáng tác?
Người Việt hải ngoại có đọc tiểu thuyết nhiều như trước hay không? Và văn chương VN hải ngoại sẽ đi về đâu một khi những người thuộc thế hệ cha, anh không còn nữa?
Sau khi rời VN đến Úc vào năm 1989, nữ văn sĩ Lệ Hằng đã chọn cuộc sống lặng lẽ trên vùng Blue Mountains cách thủ phủ Sydney bang New South Wales khoảng 100 km về hướng tây.
Đây là vùng núi non trùng điệp với những thắng cảnh nổi tiếng như Three Sisters cùng với khu động thạch nhũ Jenolan đẹp tuyệt vời.
Thế nhưng, sau một thời gian bầu bạn với núi đồi, cây cỏ, Lệ Hằng đă dọn về vùng Cabramatta để được gần gũi với người đồng hương cũng như để tìm lại hương vị mắm ruốc đầy thân thương thuở nào.
Lệ Hằng: Ở bên kia lâu quá cuối cùng "lá rụng về cội", mình cũng phải tìm về với cộng đồng của mình thôi. Về đây, mình được thưởng thức mùi mắm ruốc, mùi bún bò, mùi phở, vậy là vui lắm rồi thưa anh.
Tôi xem Cabramatta như nhà của mình. Về đó, tôi cảm thấy như về Chợ Lớn. Tôi có thể nói tiếng Việt được chứ không phải múa miệng múa tay để nói tiếng Úc.
Nguyên Nam: Thế bây giờ chị làm gì ?
Lệ Hằng: Giờ thì tôi cũng viết. Tôi cộng tác với hầu hết với các báo văn học ở bên Mỹ như là Văn Học, Hợp Lưu, Văn. Một số nhật báo ở đây (Úc) như Nhân Quyền, Người Việt, Việt Luận..v..v.. Hiện thời tôi viết cho Chiêu Dương và Văn Nghệ.
Nguyên Nam: Thưa chị, chị viết về những đề tài gì ?
Lệ Hằng: Hồi tôi mới qua thì tưởng bở lắm. Tôi nhào vô tôi viết chuyện dài, chuyện ngắn, tiểu thuyết và tôi in được nhiều cuốn lắm. Nhưng mà sau này càng ngày càng thắm thiết, và bây giờ tôi phụ trách cái mục như là tâm tình trao đổi giữa tờ báo và bạn đọc. Nó dễ viết hơn, người ta thắc mắc cái gì thì mình viết cái đó.
Lời Dẫn: Lệ Hằng là một nhà văn đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm lăng mạn, như Thung Lũng Tình Yêu, Tóc Mây, Bản Tango cuối cùng, Ngựa Hồng, Mắt Tím, Tình Yêu Như Băng Sơn, Chết Cho Tình Yêu, Kinh Tình Yêu, Sóc Nâu, Chiều Gió, Màu Xanh Đang Lên, Như Sương Long Lanh, Sa Tăng Dịu Dàng, Hạnh Phúc Quanh Đây, Bình Nguyên Xanh..v..v..
Thế mà nay, nữ văn sĩ này không thể tiếp tục sáng tác những chuyện ngắn chuyện dài như thế?
Lệ Hằng: Tôi không thể nào viết nhiều được. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi thấy rằng, số lượng người đọc văn chương tiếng Việt ngày càng ít đi. Các em lớn lên thì đọc tiếng Anh. Còn người lớn tuổi thì đâu có thời giờ đọc nhiều. Nhiều khi viết rất là khổ cực. Phải can đảm mới viết được. Mà viết xong in ra lại càng khủng khiếp hơn nữa. Mà in xong rồi lại phải bắt bạn bè tổ chức ra mắt sách cho mình. Tổ chức ra mắt sách xong thì ê chề lắm, bởi vì, cuối cùng chỉ có bạn bè đến với mình thôi. Thành ra tôi cần lắng nghe tiếng động vì âm thanh cuồng nộ của người đọc đáp ứng lại, thì may ra lửa tình hay lửa tiểu thuyết trong tôi mới sống lại, chứ không có lửa thì không viết tiểu thuyết được.
Hồi xưa, tôi nhớ ở Sài G̣n, mỗi ngày tôi đến toà soạn, tôi nhận được cả cọc thơ. Nghĩa là một lời mình nói ra, nó vang vọng lại mình. Còn bây giờ, giỏi lắm tôi nhận được 5, 6 lá thư của độc giả.
Lời Dẫn: Thư viện giữ vai trò thỏa mãn nhu cầu đọc sách cũng như giáo dục. Thế nhưng, có khi, thư viện lại vô tình giết chết sức sáng tạo của văn sĩ.
Lệ Hằng: Theo tôi tìm hiểu, nhu cầu đọc tiếng Việt của người Việt rất là lớn, chỉ thua người Hoa thôi. Thư viện là một cái gì rất tốt đẹp cho người đọc, nhưng cũng là một con dao hai lưỡi. Bởi vì thư viện giết cả nhà văn, vì dân chúng có thể đến thư viện để mượn sách. Họ không cần mua sách nữa. Không ai mua sách thì nhà văn đâu thể viết được, đâu thể in sách được. Nhà xuất bản đâu chịu in sách khi không có người mua sách.
Lời Dẫn: Đối với Lệ Hằng, văn chương không nên bị chính trị chi phối. Văn chương không thể bị lệ thuộc vào phe đảng.
Lệ Hằng: Đối với một số nhà văn bây giờ thì tôi cũng hơi rầu trong bụng, bởi vì phe này phe kia. Tôi không thích như vậy. Tôi cho rằng, giống như tôn giáo, văn chương phải vượt lên phe phái. Tôi không muốn vấn đề phe phái hay vai mặc áo thụng ca tụng lẫn nhau. Nhiều khi tác phẩm không có gì hết, mà lại viết bài lăng xê lên.
Lời Dẫn: Theo Lệ Hằng nhận xét, cho dù gặp nhiều khó khăn về vấn đề xuất bản, tác phẩm cũng như nhà văn VN ở hải ngoại vẫn nhiều vô kể. Thế nhưng, LH vẫn không biết chọn quyển nào.
Lệ Hằng: Vô tiệm sách thì tôi không biết mua cuốn nào. Có nghĩa là, số lượng sách và ngay cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng quá nhiều. Bằng chứng là, hội trung tâm văn bút của người Việt mình nhiều không đếm được, không biết bao nhiêu là trung tâm văn bút nữa. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng quá nhiều. Chính sự kiện này làm cho tâm cảm của tôi bị "shock" khiến tôi không viết được, thì đúng hơn là vì vấn đề sở hụi (in sách). Các nhà xuất bản vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra in sách cho mình. Tôi đã đi một vòng thăm hỏi các bạn bè nhà văn của tôi, nhà văn lớn, nhà văn nhỏ. Tôi thấy sách in xong để trong garage nhiều lắm, và vợ con họ cứ ca cẩm rằng, in sách không có chỗ mà để.
Lời Dẫn: Lệ Hằng không phải là nhà văn VN duy nhất tại Úc bày tỏ nỗi ưu tư về tình trạng xuống dốc của văn chương VN ở nước ngoài. Thật vậy, nhà văn Phùng Nhân cũng có thái độ bi quan không kém.
Phùng Nhân: Thật ra, trong giới cầm viết ở hải ngoại hiện giờ đang gặp khó khăn, bởi vì độc giả không còn như xưa nữa. Số độc giả nay tỉ lệ nghịch với người cầm viết. Có nghĩa là, số người đọc sách được lần hồi già cả hay đă chết hết rồi. Những người trẻ thì chỉ có thể đọc báo hay đọc sách tiếng Anh. Cho nên tôi nghĩ, số phận của những người cầm viết hay những nhà xuất bản trong tương lai gần đây chắc không còn đâu, có thể sẽ phải đóng cửa, giải thể.
Lời Dẫn: Nhà văn Phùng Nhân rời VN vào năm 1984. Sau khi sống tá túc tại Hàn Quốc hơn một năm, ông được thân nhân bảo lănh qua Úc. Ông hiện đang cư ngụ tại Cabramatta.
Khi còn ở VN, nhà văn Phùng Nhân có thời làm ký giả cho tờ Tin Sáng và đă xuất bản tập thơ nhan đề là "Tương lai treo sợ chỉ mành".
Sau khi tới Úc, ông đă cho xuất bản một số tập truyện nữa như: Vết Thương Vẫn Mở, Xóm Nhị Tỳ, Vàm Đất Cả Cao; Nghệ Thuật O Mèo và Cai Đẻ, Lần Theo Khói Súng..v..v..
Hầu hết các tác phẩm của nhà văn Phùng Nhân đều nói về cuộc sống nơi thôn dã.
Phùng Nhân: Thật ra tôi là người sống ở đồng quê. Thành ra tiểu thuyết của tôi thường được xây dựng ở đồng quê. Sở trường của tôi là viết chuyện về đồng quê cũng như tập quán nơi thôn quê.
Khi viết về những chủ đề như vậy, tôi phải nhớ rơ những ǵ nơi đồng quê tôi đă sống, cũng như có những nhân vật tôi phải gọi điện thoại hỏi lại những cô bác lớn tuổi bên đó, hoặc tôi phải đích thân về bên đó để xem xét lại, để làm thế nào cho nó thật chính xác khi tôi đưa vào câu chuyện.
Lời Dẫn: Đối với nhà văn Phùng Nhân, tiểu thuyết phải phản ánh cuộc đời chứ không thể đề cập đến những chuyện hư ảo.
Phùng Nhân: Tiểu thuyết phải phản diện cuộc sống của con người ngoài đời, bởi vì chính cuộc đời và xă hội làm lên tiểu thuyết. Tiểu thuyết chỉ phỏng theo đó mà xây dựng lại thôi.
Lời Dẫn: Nhà văn Phùng Nhân cũng không quên những câu chuyện đáng chú ý hay đáng thương giữa những người Việt trên đất Úc.
Phùng Nhân: Tôi cũng viết rất nhiều chuyện ngắn cũng như chuyện dài trên đất Úc, chẳng hạn như cuốn chuyện dài tôi đã viết xong và Làng Văn chuẩn bị xuất bản. Cuốn chuyện này có tựa đề là "Những Kẻ Lạc Loài", và đề cập đến những hiện tượng trong cộng đồng ở đây, chẳng hạn như casio, bài bạc, dật hội, rồi về VN làm ăn rốt cuộc rồi cũng trở thành tay trắng, và quay trở lại. Đó là những điều tôi đã quan sát....Và cuốn sách "Lần Theo Khói Súng" được xây dựng quanh vụ án Ngô cảnh Phương.
Có nhiều người thắc mắc là tại sao tôi phải viết Lần Theo Khói Súng. Thật sự ra đây là một vấn đề rất tình cờ. Vụ án xảy ra vào năm 1994. Măi đến năm 1998 thì tòa án mới làm việc trở lại vụ án này. Khi đó tôi thấy báo chí cũng như TV nói là toà án đã tìm ra 100 nhân chứng. Chính điều này đã làm cho tôi thắc mắc. Đây là một vụ án rất lớn. Đây là vụ án chính trị đầu tiên của nước Úc, cho nên tôi có ư định thu thập tất cả các bằng chứng và dữ kiện để viết một cuốn tiểu thuyết.
Cuốn sách thứ hai tôi vừa viết xong là "Gà Trống Nuôi Con". Đây là cuốn sách nói về những chuyện đổ vỡ trong gia đình, để rồi đưa đến cảnh gà trống nuôi con.
Kết: Thưa quí vị, vừa rồi là lời tâm sự của nhà văn Phùng Nhân, Tạp Chí Nước Úc Người Úc của Đài Úc Châu tới đây xin tạm ngưng, NN và QL xin thân ái chào tạm biệt quí vị.
Nguồn:Radio Australia - Nước Úc Người Úc
Trở về
Danh sách Tác giả
Chân dung Văn nghệ sĩ
Emprunt Empreinte
MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.
[]
-------------------------------------
trích từ blog phan nguyên
--------------------------------------
ừ
ư
í
í
ê
ừ
ư
í
í
ê
ừ
ư
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ