'Song Tử"/ thơ của như quỳnh de prelle là một tập thơ khá lạ '/ bài viết: Tạ Anh Thư (VN) -- du tử lê' s blog
Đầu tiên, nó làm bạn mất cảnh giác.
Khi bạn cầm trên tay một ấn phẩm trang nhã, bìa xanh da trời dịu mắt, tên sách lại được ôm ấp bởi một một đường lượn trắng muốt mềm mại, nom rõ yểu điệu, bạn dễ hình dung những con chữ trong đó du dương và ngọt ngào (ý tôi muốn nói là đẹp kiểu nhà lành, nếu bạn thích ví chữ với một cô gái). Và rồi khi bạn bắt đầu giở sách ra với tâm thế vừa đọc vừa thả hồn treo ngược cành cây thì bỗng dưng cô gái e ấp nọ biến mất và một cô nàng (tạm thời không biết gọi là gì) hiện ra, lôi thốc bạn vào thế giới của cô ta: thế giới của những khuôn hình cine.
Tiếp đến, khi bạn đang ngơ ngáo xem xét đường đi lối lại, thì cái bảng chỉ đường suýt làm bạn "Vỡ ngực" vì tưởng nó là một bài thơ, thực ra nó là mục lục của phần 1 (có tất cả 3 phần: Vỡ ngực, Thơ viết cho người yêu, Song Tử và thi ca).
Tôi chưa từng đọc cái mục lục nào mà đám tựa đề đứng cùng nhau lại giống một bài thơ đến như vậy:
Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng Nỗi buồn tháng 4 Tuyệt vọng tháng 5 Thư tháng 6 Niệm sinh tháng 7 Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng Vỡ ngực ... Nếu sau này Quỳnh viết thơ giống như cái mục lục này - mỗi câu thơ là một tựa đề - thì chắc tôi sẽ vỡ ngực thật vì thán phục (Quỳnh, lỡ có ngày đó xin đừng quên tôi).
Trở lại với ý lúc nãy, vì sao tôi gọi thế giới của thơ Quỳnh là thế giới của những khuôn hình cine. Đọc Song Tử, cảm giác đầu tiên ùa tới đó là đọc thơ mà như đang được xem phim. Mỗi ý thơ là một khuôn hình sống động. Quỳnh có năng lực kể chuyện bằng hình ảnh. Có lẽ công việc biên kịch/ sản xuất phim trước đây đã góp phần bồi đắp khả năng đặc biệt này của cô.
Hãy thử đọc vài bài trong phần 1:
"Trong cái lạnh lẽo của mùa hè tháng 7/nàng bước ra dưới cái nắng hiếm hoi của xứ sở ôn đới hiền hoà để làm cháy đi làn da châu Á/để cạo hết nỗi buồn trên gương mặt, trên cơ thể, trên tóc và răng của nàng" (Nàng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng).
Và đây nữa:
"Những dòng xe thẳng tắp nối nhau/những hàng cây/những con đường chia rẽ khác/những cây cầu/những vòng xoay" (Kính chiếu hậu).
Ngôn ngữ thơ Song Tử là ngôn ngữ hình ảnh - một đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh. Tức là dùng hình ảnh để bộc lộ nội dung. Chẳng hạn: chàng đau khổ vì yêu, nếu chỉ hô lên "đau khổ!" thì không ra phim. Phải là "một người đàn bà đã chạm vào tĩnh mạch của anh/làm cho anh nghẹt thở/sự xuất hiện của cô ấy/chập chờn, thất thường/như một bóng ma yêu (Nỗi buồn trên cây 16). Hàng loạt những hình ảnh sắc nhọn, cô đọng, co lại rồi giãn nở, đậm tính ẩn dụ, biểu tượng đủ sức khuấy động mọi ngóc ngách sâu thẳm bên trong người đọc: người đàn bà đi trên dây giữa 2 trái tim của 2 người đàn ông (Tuyệt vọng tháng 5), những bàn chông siết chặt vào cái cổ (Lâu đài xuân một buổi chiều), mặt trời trên đầu lưỡi trong cái nóng nực (Mặt trời và người đàn bà điên), những đôi mắt quặn trên gương mặt đẹp đầy nghi hoặc (Ký ức), chiếc cầu vồng - những tinh trùng - hầm mộ (Tôi. Đi. Đến. Nằm xuống)...
Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng Nỗi buồn tháng 4 Tuyệt vọng tháng 5 Thư tháng 6 Niệm sinh tháng 7 Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng Vỡ ngực ... Nếu sau này Quỳnh viết thơ giống như cái mục lục này - mỗi câu thơ là một tựa đề - thì chắc tôi sẽ vỡ ngực thật vì thán phục (Quỳnh, lỡ có ngày đó xin đừng quên tôi).
Trở lại với ý lúc nãy, vì sao tôi gọi thế giới của thơ Quỳnh là thế giới của những khuôn hình cine. Đọc Song Tử, cảm giác đầu tiên ùa tới đó là đọc thơ mà như đang được xem phim. Mỗi ý thơ là một khuôn hình sống động. Quỳnh có năng lực kể chuyện bằng hình ảnh. Có lẽ công việc biên kịch/ sản xuất phim trước đây đã góp phần bồi đắp khả năng đặc biệt này của cô.
Hãy thử đọc vài bài trong phần 1:
"Trong cái lạnh lẽo của mùa hè tháng 7/nàng bước ra dưới cái nắng hiếm hoi của xứ sở ôn đới hiền hoà để làm cháy đi làn da châu Á/để cạo hết nỗi buồn trên gương mặt, trên cơ thể, trên tóc và răng của nàng" (Nàng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng).
Và đây nữa:
"Những dòng xe thẳng tắp nối nhau/những hàng cây/những con đường chia rẽ khác/những cây cầu/những vòng xoay" (Kính chiếu hậu).
Ngôn ngữ thơ Song Tử là ngôn ngữ hình ảnh - một đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh. Tức là dùng hình ảnh để bộc lộ nội dung. Chẳng hạn: chàng đau khổ vì yêu, nếu chỉ hô lên "đau khổ!" thì không ra phim. Phải là "một người đàn bà đã chạm vào tĩnh mạch của anh/làm cho anh nghẹt thở/sự xuất hiện của cô ấy/chập chờn, thất thường/như một bóng ma yêu (Nỗi buồn trên cây 16). Hàng loạt những hình ảnh sắc nhọn, cô đọng, co lại rồi giãn nở, đậm tính ẩn dụ, biểu tượng đủ sức khuấy động mọi ngóc ngách sâu thẳm bên trong người đọc: người đàn bà đi trên dây giữa 2 trái tim của 2 người đàn ông (Tuyệt vọng tháng 5), những bàn chông siết chặt vào cái cổ (Lâu đài xuân một buổi chiều), mặt trời trên đầu lưỡi trong cái nóng nực (Mặt trời và người đàn bà điên), những đôi mắt quặn trên gương mặt đẹp đầy nghi hoặc (Ký ức), chiếc cầu vồng - những tinh trùng - hầm mộ (Tôi. Đi. Đến. Nằm xuống)...
Một điều nữa, theo tôi, rất đặc biệt ở Như Quỳnh de Prelle trong tập thơ Song Tử là khả năng viết dài mà không...dây dưa. Đây là điểm yếu của nhiều nhà thơ khi viết dài. Một hai đoạn đầu hay, kéo ra một hồi thành ra lê thê, ngán ngẩm. Thơ Quỳnh không vậy. Đa số các bài đều khá dài (phần 1) nhưng vẫn giữ được sự cuốn hút như lúc đầu. Được thế, có lẽ bên cạnh sự sống động của hình ảnh còn bởi thể thơ tự do mà Quỳnh chọn để biểu đạt và cách ngắt câu rất khoáng đạt, phóng túng.
À có lẽ phải lưu ý một chút đến cô gái lúc nãy. Cô gái lúc đầu nhìn cái bìa ta tưởng là đơn giản, đẹp kiểu hiền hiền ấy mà. Bỗng dưng cô ta biến hình khi ta trót bước chân vào lãnh địa của Song Tử. Trong thế giới tưởng tượng của thi ca, đó là Nàng. Nàng trong Song Tử vừa thuần khiết vừa quỷ quyệt, vừa khao khát vừa chối bỏ, vừa nhẹ dạ vừa đầy nghi hoặc, đôi khi tự nhận mình là idiot nhưng bởi quá thông minh nên chẳng ai tin. Nàng, người đàn bà mang trong mình dòng máu An Nam "chạy trốn hương thơm hoa hồng chờ mùa hè đang đến", người đàn bà "tóc đen mềm như lụa". Không cái vỏ nào chứa vừa nàng. Không khuôn hình nào là trọn vẹn cho một tính cách. Điều gì tạo nên bản thể đó, bản thể chứa đựng sự hỗn độn và đầy mâu thuẫn? Cuộc gặp gỡ tám trăm năm trước ở một bảo tàng kiêm bệnh viện? Một buổi chiều tháng sáu nơi cửa chùa? Nỗi buồn triệu năm của một dân tộc số phận lắm đắng cay hay là ả mèo cái đi hoang bao đêm trăng? Những ẩn ức từ bao kiếp nào bây giờ trở lại hiện sinh nơi nàng. Bởi thế, nàng vừa là nguồn năng lượng dữ dội chực bùng nổ nhưng lại luôn đói khát "muốn được ăn cả vạn vật trên thế giới".
Chính vì luôn luôn quyết liệt, luôn khao khát nên nàng trong Song Tử thường xuyên ngự trên một động từ nào đó. Có rất nhiều động từ ở đây: cạo, cắn, bẻ, giết, đi, chảy, rao bán, siết, chôn, gào thét...tạo nên một thế giới giằng xé, thách thức nhưng không kém phần ma mị, quyến rũ.
Thơ Quỳnh giàu tính triết lý. Triết lý về sự tồn tại của bản thể ngay ở khoảnh khắc đang sống. Hiện sinh, theo tôi là từ khoá trong thơ Quỳnh. Cảm thức hiện sinh thôi thúc cô sắp xếp những từ ngữ sống động, gọn, sắc để lưu giữ, để níu kéo hết sức có thể "một ngày của mùa hè", "mùa đông còn lại", "cuống cuồng yêu", "24h một ngày và 24 hình/s", "mùa yêu"... Đây đều là những tựa đề của các bài thơ trong phần 2. Điều này gây cảm giác rằng, càng yêu Quỳnh càng hiện sinh. Nếu như bản thể của nàng ở phần một hiện sinh theo cách tìm tòi, quẫy đạp để cái tôi được trồi lên, được công nhận thì ở phần này nàng hiện sinh trong sự tuyệt vọng níu kéo thời gian:
"Chả biết có nhìn thấy nhau trong 1 tích tắc 1s hay không mà hẹn gặp một linh hồn xa xôi
một người dưng xa lạ một khoảng trời như những lỗ đen
bí mật".
(Chôn hoa trong xuân anh đào) Hay "Em chạy trốn để tìm anh tìm anh hết cuộc đời ngắn ngủi còn lại của em
để yêu thương trọn vẹn đong đầy cho anh
trong 1 phút giây 1 khoảnh khắc
một mùa
một năm nhiều năm
đến năm ngừng thời gian đứng lại".
(Chăm chỉ yêu anh từng ngày từng ngày một)
Vẫn là những dằn vặt về bản thể, về những nghịch lý trong sự tồn tại nhưng nàng trong phần "Thư viết cho người yêu" đằm thắm hơn. Có lẽ "vòm ngực che chở của anh" đã làm dịu bớt những cơn đau chấn động, cuộn lên từ sâu trong "bản năng gốc" hay là sự bất an trước những tàn lụi của cái đẹp, của cuộc đời làm cho nàng yếu đuối, mong manh hơn. Mà cũng có thể là cả hai hay nhiều hơn nữa. Trước văn bản, mọi thứ đều là phỏng đoán.
Vẫn là những dằn vặt về bản thể, về những nghịch lý trong sự tồn tại nhưng nàng trong phần "Thư viết cho người yêu" đằm thắm hơn. Có lẽ "vòm ngực che chở của anh" đã làm dịu bớt những cơn đau chấn động, cuộn lên từ sâu trong "bản năng gốc" hay là sự bất an trước những tàn lụi của cái đẹp, của cuộc đời làm cho nàng yếu đuối, mong manh hơn. Mà cũng có thể là cả hai hay nhiều hơn nữa. Trước văn bản, mọi thứ đều là phỏng đoán.
Phần 3 của tập thơ - Song Tử và thi ca - giới thiệu với độc giả một lối thơ - văn xuôi. Ở đây, người đàn bà thơ xuất hiện trong khung cảnh quen thuộc với nàng, làm những việc nàng thường làm hàng ngày. Đó là "những ô cửa gỗ mở ra yên tĩnh bên trong những ngôi nhà gỗ cũ kĩ mà ấm áp ánh đèn đỏ rực như đom đóm chụm lại rạng trong tối của mùa hè quá dài (Ngôi làng giữa rừng), "những cành củi khô cong ngả rạp sang lối đi, nàng cắt chúng trong tiếng kêu tách tách, có lúc rì rào rì rào giòn tan vỡ oà dưới bóng mát của buổi chiều đổ xuống mảnh tường gạch đỏ" (Làm vườn 2) hay là "vết son khô mùa hè trên những hàng cây xanh, những mùi hương của hoa hồng trong thành phố" (Vết son môi mùa hè). Nàng ở phần 3 có phần lặng lẽ, thu mình lại nhưng thẳm sâu bên trong vẫn là những giằng xé và mâu thuẫn. Có điều bây giờ nàng không cần hét lên, xé toạc lồng ngực ra để người ra nhìn thấy tim mình. Trước những băn khoăn, hồ nghi, nàng chỉ quan sát và lắng nghe. Nàng nhìn thấy "màu ánh trăng", "mây chiều thu", "những đốt ngón tay rời nhau" nhưng nàng không làm gì cả. Nàng đợi.
"em chờ anh
một ngày trở lại
và anh bắt đầu yêu em như một người khác".
(Một lá thư)
Các bài thơ trong Song Tử không phải là kiểu thơ đọc rồi sẽ thuộc (mà chắc cũng ít ai muốn thử thách trí não bằng cách học thuộc) nhưng sẽ lưu lại trong tâm trí người đọc dưới dạng những file hình ảnh. Đọng lại trong lòng độc giả không phải như là một thứ thanh âm du dương, êm ái, da diết - một cảm giác quen thuộc khi đọc thơ - mà dư vị của nó là khi gấp trang sách lại, nhắm mắt, người ta vẫn thấy những khuôn hình chuyển động liên tục, hỗn độn những quẫy đạp của bản thể. Và, từ trong những khuôn hình đang lướt qua ấy, không biết từ đâu, bản thể của Quỳnh hay bản thể của ta, cất lên một giọng nói vừa thúc giục, khiêu khích lại rất gọi mời: "Nào, nhảy đi!".
TDM, 21/12/2017
Tạ Anh Thư / giảng viên Văn, đại học Bình Dương
trích từ du từ lê' s blog
------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ