Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

"về "dịch giả (sắp) thành nhà văn, nhà thơ" (tự ghi) -- blog phan nguyên

Thursday, 22 September 2016


Nguyễn Đăng Thường 

(1938-   )

















Nguyễn Đăng Thường

(1938 Battambang - .......) 
dịch giả, (sắp) thành nhà văn, nhà thơ (tự ghi)










Tin… văn… gừng… cuối… tuần…

MAI THẢO & TÂY ĐUI

Hồi đầu tháng Tư năm nay, bà mợ Bảy của tui ở New York, trong lúc điện đàm, có nhắc lại một câu chiện cũ. Mợ nói ông Nguyễn Đăng Hùng, hay Hưng, tui hổng nhớ, có nói ông tuy lớn tuổi hơn Nguyễn Đăng Thường - mợ nói quên hỏi ổng sao ổng biết cái tên "NĐT" - ổng tuy lớn tuổi nhưng là vai em. Ông Hùng/Hưng hiện ở San Diego, bị điếc tai do tuổi tác. Ông ta là em nhà văn Mai Thảo-Nguyễn Đăng Quý. Mợ Bảy là vợ của cậu Bảy Phạm Văn Hạnh - má tui thứ năm - trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập, bạn thân với Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân… Nguyễn Tuân khi vào Nam có ghė thăm cậu tui ở Cần Thơ tại nhà ông bà ngoại. Sau 45 cậu lấy thêm bút hiệu Thê Húc (vì cậu yêu Hà Nội của thời thanh xuân) lập/thuộc nhóm Gió Bốn Phương (Góp gió bốn phương- Tung ra khắp bốn phương) của tiệm sách Yiểm Yiểm Thư Trang của nữ sĩ Mộng Tuyết (cặp Đông Hồ-Mộng Tuyết). Bạn của cậu Hạnh lúc đó là Tam Ích, Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Cô Hợp Phố…

Câu chuyện vòng vo lẩm cẩm như sau.

Ông ngoại tui người miệt Chợ Lớn có vợ Tàu. Ông làm tham tá dưới thời Pháp bị thuyên chuyển ra Hà Nội, sanh con đẻ cái sống ngoài đó cho tới khi nghỉ hưu. Ba tui, Nguyễn Đăng Lâm, thuộc giòng họ Nguyễn Đăng đã có mặt từ thời Bà Chúa Chè. Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử này (Nguyễn Triệu Luật) có một nhân vật (quan chức?) tên Nguyễn Đăng Đạo. Người anh thứ năm của tui - con thứ tư trong gia đình - cũng tên NĐĐ. Gia đình ông nội khá rân rác thời đó. Trong cơn sốt tìm mỏ than, ông có thuê người đào và tìm được, ăn mừng cả tuần hay cả tháng vì nghĩ sẽ giàu to. Nhưng than ôi cái mỏ than đó chỉ có một lớp than mỏng trên mặt. Gia đình khánh tận dần dần nhưng trong nhà còn vài món đồ cổ quý báu, chị Ba nghe nói và kể lại cho tụi nhỏ nghe. Có một cái bình sứ cổ khá to một viên chức Pháp rất yêu. Trước khi qua đời, ông nội dặn ba tui đem cái bình đến nhà biếu cho ông Tây nọ và xin ông ta nhận làm bảo hộ (tuteur) như ông đã hứa. Ba tui muốn trở thành bác sĩ (5 năm) nhưng cha mất sớm nên phải chọn nghề thú y (3 năm). Ba ở trọ nhà ông bà ngoại (bà ngoại nuôi học trò Nam Bắc kiếm thêm tiền vì ngôi nhà chánh phủ cấp gần Hồ Gươm khá to). Ra trường ba xin cưới má. Má tui đẹp nhứt nhà nên lấy chồng sớm, năm lên mười sáu trăng tròn đắm say. Sanh được hai gái, do cải cọ với Phạm Quỳnh (thân Pháp) ba tui (chống Pháp) bị thuyển chuyển sang Cam Bốt ở hai tỉnh lỵ Kratiė rồi Battambang. Công việc của thú y thời đó là mỗi sáng đi khám các khâu thịt bò, thịt heo rồi đóng mộc cho phėp bán. Việc nhà có vợ hiền người giúp việc lo. Ba giết thời giờ với nàng Tiên Nâu - nha phiến rất rẻ, có thể đã nhập lậu từ Lào. Ba chắc cũng đã có thử nghiệm hút sách thời trẻ ở Hà Nội với các công tử, cô đầu.

Rồi thời gian… êm trôi… xa cách buồn… vời vợi… khi ánh trăng vàng… lên khơi. Tỉnh lợi, nhìn đám con bảy đứa thấy chúng có cơ may Miên.. hóa nên ba xin thuyên chuyển về Nam. Hôm đáo quốc, mấy đứa con nhỏ theo người giúp việc (anh Tích và chị Tiệc trai gái bần nông Bắc Kỳ bà ngoại "mua" cho theo má khi má lấy chồng) đi tàu về Sài Gòn. Ba lái xe mui trần với vợ và hai con gái lớn. Nửa đường gặp trân mưa to, cơ thể đã suy yếu nên về tới Sài Gòn ba bị sưng phổi đột tử. Chôn cất xong má dắt đám con về Cần Thơ ở với ông bà ngoại đã về hưu có ngôi biệt thự cạnh lẩm lúa và nhà thương tư của dì dượng Hai - dì Hai có chồng bác sĩ khá giàu. Đó là năm 1939, thi sĩ NĐT mới vừa ăn… thôi nôi. Liên lạc với bên nội có thể đã đứt khoảng từ khi sang Cam Bốt chắc đã cắt đứt luôn … dây chuông từ khi về ở với ông bà ngoại. Ba hút nằm một chỗ. Mơ ước của ba lúc sanh thời là có cái radio để nghe tin tức, nhạc, kịch, nhưng mộng ước chưa được toại nguyện. Sau 45 VN mới có đài phát thanh.

Khi trả lời phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ cho Gió O (bạn nào tò mò có thể vào nėm một cái nhìn… ngơ ngáp, phỏng vấn gồm 5 phần khá dài) và được biết tên thiệt của Mai Thảo là Nguyễn Đăng Quý tui có nói đùa rằng Mai Thảo và Tây Đui biết đâu dám có thể là bà con… xa. Giờ đây, he he, tė ra hổng những chả xa mà lại còn quá gần, anh em chú bác, ha ha, ba tui là anh ruột của bố ông Mai Thảo. Văn chương Mai Thảo? Nói thiệt, tui chỉ đọc có hai cái truyện ngắn. Truyện thứ nhứt kể lại ngày Mai Thảo di tản vào Nam sau 54. Hôm đó Mai Thảo mặc cái áo len dày, cổ cao (col marin) của dân chài Normandie có hoa văn là hai sợi dây "lòi tói", tui chỉ còn nhớ cái đó. Truyện sau tên là "Chuyến mėtro về Belleville", nếu tôi nhớ đúng. Đại khái nhà văn ở Mỹ sang Paris gặp một cô gái VN bị chọc ghẹo trên chuyển tầu ngầm. Nhà văn ra tay nghĩa hiệp tới xua đuổi bọn du côn (An-giê-ri) đi chỗ khác… đứng chơi, rồi nhà văn mời cô gái vào quán xơi bậy bạ vài ba cái… đùi gà (hổng nhớ họ đã xơi cái chi chi, hi hi). Cái truyện này hao hao giống truyện "Người bạn quê hương " của tui. Chuyến mėtro… và Người bạn… xuất hiện trên tờ Thế Kỷ 21 của Nguyễn Xuân Hoàng. Cái truyện của tui vô phėp ra mắt trước. Ngoài ra tui cũng có mua tập thơ của Mai Thảo. Thơ triết lý hổng hợp gu, tui đọc lướt tới câu "ta thấy hình ta những miếu đền" tui sợ hổng được cho dô xả rác tè bậy chỗ linh thiêng nên tui tức tốc rút lui có… hộ vệ.

Tóm lợi: cả hai phía, nội cũng như ngoại, tui đây đều có danh nhơn.

Hy vọng họ sẽ được "thôm" lây.







Tiểu sử (tự ghi)

Nguyễn Ðăng Thường sinh tại Battambang, Cambodge (Campuchia) vì thân phụ chống Pháp tranh cãi với Phạm Quỳnh ở Hà Nội nên bị thuyên chuyển.

Tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Sài Gòn khóa thứ nhất (1961) ban Pháp văn. Chọn nghề giáo vì khóa học ngắn (3 năm) và chỉ phải dạy 16 giờ mỗi tuần. Ra trường được bổ về Chu Văn An (hậu thân của Trường Bưởi) và chỉ dạy ở đây cho tới khi ra hải ngoại. Không dạy trường tư. Như vậy có thể coi như đã làm nghề "gõ đầu trẻ" nhiều hơn là "bán cháo phổi".

Thích viết nhưng viết khó và lười và nên không có ươc vọng trở thành nhà văn nhà thơ. Nhưng sau khi mãn lính chín tuần (1969) đã được anh Hoàng Ngọc Biên, bạn học ở trung học và anh Diễm Châu, bạn của anh Hoàng Ngọc Biên "rủ rê" nên viết thử chơi. Có một bài thơ hay một bài “Nhật ký tập thể” đăng trên số thứ ba của tờ Trình Bày ra ngày 1 tháng Chín 1970. Tiếp tục đóng góp cho Trình Bày cho tới khi rời Việt Nam sang Campuchia (1973) rồi sang Pháp (1974). Ra hải ngoại có văn thơ đăng trên Nhịp Cầu, Vietnam Culture, Thế Kỷ 21, Văn, Ngày Mới... và gần đây trên các trang báo mạng. 
Lao động trí thức khá nhiều nhưng may thay tới nay vẫn chưa thành nhà văn nhà thơ.














Nguyễn Đăng Thường lúc trẻ
















Tác phẩm







Nguyễn Ðăng Thường
Thơ
(Thơ & Thơ dịch, Trình Bày 1971).










Dịch phẩm





Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng
Pablo Neruda,
(Trình Bày, 1989)



Văn xuôi của chuyến xe lửa xuyên Tây-bá-lợi-á và của cô bé Jehanne de France
Blaise Cendrars
(sau đổi thành Văn xuôi đường tàu xuyên Tây-bá-lợi-á và cô bé Jehanne de France, Trình Bày, 1989)



Paroles
Jacques Prévert
(dịch chung với Diễm Châu, Trình Bày, 1993)



Tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng
Samuel Beckett
(Trình Bày 1996)



Tiếng nói
Linda Lê
(nxb Văn, 2003)







Và nhiều bản dịch Samuel Beckett, Marguerite Duras, Marcelin Pleynet, Francois Auriégas, Jean Genet...


và thơ truyện Nguyễn Ðăng Thường do nhà Giọt Sương Hoa in vi tính theo dạng thủ công nghệ.


















Thơ Nguyễn Đăng Thường sử dụng nhiều yếu tố thời sự như chất liệu và chủ đề. Từ cuối những năm 90, anh là một trong những người mở đường của lối thơ mới, hài hước, giễu nhại, có thể xem thuộc khuynh hướng hậu hiện đại. Trong thơ người đọc nhìn thấy mối quan tâm đối với đời sống bên trong đất nước, tình cảnh cơ cực của người dân.



Tính chất lưỡng đôi, vừa hài kịch vừa bi kịch, của một xã hội mất tự do và, xét về phương diện văn học, chưa hề ra khỏi chiến tranh, là nguyên cớ của thơ Nguyễn Đăng Thường.

Giọng điệu trong thơ có thể của tác giả, nhưng phần nhiều của một nhân vật, mang mặt nạ. Tiếng nói mà chúng ta nghe được có thể là tiếng nói cá nhân, riêng tư, nhưng cũng có thể chỉ là một phần của nhân cách. Sự hóa trang của tác giả, của nhân vật, là khái niệm quan trọng khi đọc các nhà thơ có khuynh hướng giễu nhại và hậu hiện đại. Ngôn ngữ có tính trực tiếp và tường thuật, mặc dù vậy vẫn chịu ảnh hưởng của những tác giả mà nó bắt chước hay giễu theo, như một phương pháp sáng tác, với ngôn ngữ sắc bén, bình dân, có tính ngẫu nhiên hoặc trong những quy ước tân hình thức mà anh sử dụng khá rộng rãi.

Đó là một loại thơ thế sự, và trong khi phát triển, nó tự đánh mất dần các yếu tố trữ tình. Để ngỏ khả năng phát triển kiểu gián đoạn, anh có thể trở lại lập tức với một thứ thơ khác, cá nhân hơn, như của anh thời kỳ ban đầu.

Trường hợp nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, với bút pháp độc đáo, bổ sung một chiều kích mới trong việc khám phá các khía cạnh khác nhau của hoàn cảnh đất nước hiện nay, và của đời sống nội tâm, hoặc văn hóa, của người Việt hải ngoại, từ sau năm 1975. Thơ anh là sự phê phán và phản kháng, là tiếng nói hài hước và thức tỉnh, và, trong một số trường hợp, là khả năng tự làm mới của ngôn ngữ.



(Theo Văn Việt)













NGÀY TRỞ 'DÌA' [VỀ]

Ngày trở dìa anh bước lia
Trên quãng đường kia tới bên quán bia
Nắng vài tia đàn tiên vú chìa mời đón người dìa
Vợ tò mò ra trước hiên
Đứng ngó người xưa ngỡ trông thấy ma
Tiếc rằng ta không có chổi chà vì muốn tặng quà
Ngày trở dìa trong quán bia
Anh kể chiện nghe chiện đời sống mĩ
Rất mê li ngày đi chém thuê đêm nằm nhìn quê
Chiều ngại ngần rơi xuống chân
Ngoài sân tối mù đường phố âm u
Luống nghẹn ngào hẹn sớm hôm sau anh vào vườn hú
Ngày trở dìa có tên công an tới gọi thằng này
Tiền bạc đưa ra không thì liệu hồn
Khó yên thân nghe nếu cần giúp đỡ
Ngày trở dìa giấy đô tuôn mau nhét vào túi mũ
Gái vú mông to ôm chàng nựng cằm
Rót thêm ly bia kéo chàng vào lòng

Ngày trở dìa những cái mông
Thấm thoát mười năm nhớ anh tưới bông
Có nhiều khi đời mông chóng già vì thiếu thịt gà
Đàn trẻ ngồi tay gãi râu
Chiếc xế về đâu lướt qua lỗ trâu
Bước vào trong còn nghe tiếng thằng ngọng khóc rầu rầu
Nàng bảo rằng anh hỡi anh
Anh nhớ gọi em gọi người em gái
Tới bên anh mời thêm cốc bia ôm chàng hun ria
Đừng ngại ngùng thương tiếc ai
Vì anh đã dìa thăm gái liêu trai
Chớ thẹn thùng vì nếu em ôm anh ngoài đường nắng
Ngày trở dìa có anh tha hương tới chợ ngồi chờ
Người đẹp mua bia ta cùng dìa nhà
Những khi tan ca hết việc bán quán
Ngày lại ngày có em bia ôm đếm bạc tiếp khách
Có vú mông thơm như mùi thịt gà
Có đôi cua đinh sống đời hoà bình.




MỘNG BAN ĐẦU

Quê anh miền cà mau
Đất bạc màu mưa nắng
Gió đen mùa xuân trắng
Trên liếp dừa mo cau
Mưa tuôn tràn như máu

Quê anh cạnh rừng xanh
Vắng cọp rùa trâu nghé
Quán tranh chiều ai ghé
Bia đắng nuốt lòng nghe
Tan nát mộng duyên lành

Chớ về thăm anh nhé
Đường xa nỗi sầu lo
Đâu tiếng hát câu hò
Ai đang ngóng trông đò
Em chớ về em nhé

Hôm qua buồn rờ chim
Thoáng cụ hồ nom thấy
Hỏi mi mần chi đấy
Anh nói lấy lồng chim
Đem cất sợ mưa chìm

Hôm nay đợi thằng cu
Tới tặng chàng con cú
Giấu trong cầu tiêu lá
Thơm ngát mùi thơ ca
Thay cho mùi tôm cá

Nương dâu sình bùn sâu
Đất ruộng vườn ai cướp
Gái trai làng như mướp
Quang gánh vứt từ lâu
Đau đớn mộng ban đầu

Chớ về thăm anh nhé
Đừng mơ mái lầu xinh
Hai đứa ấm tâm tình
Trăng soi sáng sân đình
Em chớ về em nhé

Anh mong còn hòn xôi
Gấc mập tròn hai gói
Bỗng nghe lời ai nói
Con cú lớn đợi coi
Ai muốn được xơi dồi

Ai cưỡi được chàng trâu
Ai cưỡi được… chàng… ơ… trâu!




CHÌM DƯỚI LÔNG CHIM

1
Chìm dưới lông chim
Và chìm dưới con chim
Ngàn cái lông chim
Còn chìm đắm trong chim
Một cái lông chim
Nằm chìm dưới con chim
Bờ bến thiên chim
Nằm chìm dưới lông chim

Chìm dưới lông chim
Một ngàn chim trước
Bay qua bay qua
Chim anh hồng nhạt
Chìm dưới lông chim
Một ngàn chim nữa
Bay đi bay đi
Chim anh hồng vừa

Chìm dưới mưa chim
Một chàng chết không chim
Chìm dưới mưa chim
Một chàng sống trong chim
Chìm khuất trong chim
Một nàng ôm chim
Chìm dưới lông chim
Là một đoá thơm tho


2

Chìm dưới lông chim
Và chìm dưới con chim
Ngàn cánh bao la
Còn chìm dưới chim ta
Một cái lông chim
Nằm chìm dưới chân chim
Bờ bến thiên chim
Nằm chìm dưới lông chim

Chìm dưới lông chim
Một ngàn chim trước
Bay qua bay qua
Chim anh hồng nhạt
Chìm dưới lông chim
Một ngàn chim nữa
Bay đi bay đi
Chim anh hồng vừa

Chìm dưới mưa chim
Nhiều chim nhỏ bé
Năm xưa năm xưa
Cũng vui bạn bè
Chìm dưới mưa chim
Nhiều chim nhỏ bé
Năm nay năm nay
Cũng vui lè phè



HỀ THI SĨ

lý đợi cho biết thơ
mỗi cuốn bán bốn triệu
là biếu trọn thì ờ
cũng hay và dễ hiểu

và xin thưa truyện kiều
bản nôm và chinh phụ
và cung oán không biếu
mà chép tay cất tủ

một chiều nửa sương mù
phố luân đôn một mụ
điếm già đứng đội mũ
chìa tay xin tiền xu

ngó tôi với ánh mắt
van lơn và trâng tráo
nhọn hoắt như mũi dao
khiến tôi thẹn cúi mặt

như trong bài khúc ca
bị tình phụ của a
pô li ne đó mà
quý vị nhớ không ạ

nhưng tôi đâu phải là
du côn hay thi sĩ
mà cũng chẳng là đĩ
đực dạ nói thiệt mà

buồn coi hài hoài linh
muốn cười mà mần thinh
sợ mình lại đồng tình
với bọn người vui tính

muốn viết thử 1 trang
hay chỉ vài ba câu
về nụ cười dân gian
coi mòi hổng dễ đâu

coi cọp trên youtube
toàn kịch cũ lâu rùi
từ ba bốn năm trước
cũ người nhưng mới tui

cách sử dụng ngôn ngữ
đời thường của nam bộ
giễu nhại và chơi chữ
rất đáng được ngưỡng mộ

hoài linh là tên hề
kịch tác gia nghệ sĩ
siêu sao hay thi sĩ
thế nào cũng ô kê

hoài linh tôi chỉ kể
như nghệ sĩ tiêu biểu
bởi lẽ còn rất nhiều
siêu hề khác thiện nghệ

dò dẫm để tìm đường
tôi bước trong bóng tối
đụng phải cái thanh giường
gần muốn bể đầu gối

tôi bước trong bóng đêm
hổng phải để mần thơ
mà bởi vì lo sợ
tiền điện phải chi thêm

tôi đi vô phòng tắm
để tiểu bốn năm bận
mỗi đêm do cái thận
già nó luôn chơi khăm

cô hô người ta la
sợ muốn chết đêm qua
ra đường em gặp ma
cà rồng đứng trước nhà

ngó kỹ thì té ra
chỉ là bác chúng ta
tự chưn đạp xe ba
bánh đi ăn bún chả

bác mặc bi doa moa
em khen áo đẹp oá
rất hợp với loàn doa
ướp khô của cá troa




BA CHỮ

Nghĩa đời trong ba chữ
Tự do giục gầm gừ
Bác ái hát vô tư
Công bằng khua gắt gỏng
Mỗi chữ riêng một giọng
Mỗi giọng riêng một lời

Tự do đòi thắng lợi
Vung nắm tay tiến tới
Tả tơi đời sá chi
Đòi nữa hãy đòi đi
Không một giây ngừng nghỉ

Bác ái đòi thực thi
Cơm áo cho trẻ lão
Trường học phải miễn phí
Bịnh viện thay nhà lao
Thiên đường không bánh vẽ
Hạnh phúc không cần tìm

Công bằng không nằm im
Và cúi đầu khuất phục
Trong đồn bót ngục tù
Trước mũi súng làn gươm
Sống nếu bây bắt chết

Nghĩa đời trong ba chữ
Tự do giục gầm gừ
Bác ái hát vô tư
Công bằng khua gắt gỏng
Mỗi chữ riêng một giọng
Mỗi giọng riêng một lời




THU HỒI

Ngày hôm qua công an vô làng
Kề vai súng và bắn dân oan
Chiều hôm qua đời tôi sang trang
Chúng về thu hồi thôn làng tan hoang

Một mình tôi băng ngang qua đồng
Hoàng hôn xuống đồng vắng mênh mông
Làng xa xôi nhìn dòng sông trôi
Lắng nghe tiếng cười não nề trong tôi

Ngày thu hồi tới là ngày xác người rơi
Và xác người rơi như là rác người ơi
Lật xác người lên xem màu máu còn tươi
Trên đồng hoang vu người dân tưới

Chiều hôm nay lang thang trên đường
Đói đói buồn buồn tới góc đường
Lòng nôn nao chào đời tha phương
Mấy mùa thu hồi bao nhiêu sầu vương




DÒNG AN GIANG

Dòng An Giang sông khô nước rút
Dòng An Giang cây thưa lá trút
Ngơ ngẩn kìa ai đứng trông
Châu Đốc dòng không uốn quanh
Soi bóng Tiền Giang Cửu Long

Dòng An Giang trăng lên lấp ló
Dòng An Giang tim ta gắn bó
Đêm đến vài con ễnh ương
Trên bến bờ kêu hắt hiu
Tưởng tiếng người than oán sầu

Dòng An Giang đáy mắt in sâu
Nhịp cầu tre thấp thoáng nơi đâu
Nắng vẫn chiếu trên cành lá cây khô
Nắng vẫn đốt đôi bờ vắng trơ trơ điêu tàn hoang sơ
Cô thôn quê thôi giặt yếm trên sông
Tiếng gió hú trên thành phố mênh mông
Ta lang thang đôi tà áo tung bay ngại ngùng

Dòng An Giang ai qua sẽ nhớ
Dòng An Giang năm xưa múa hát
Đâu những thuyền trăng sáng soi
Đôi mái chèo ai lướt qua
Vơ vẩn lòng ta vỡ tan

Dòng An Giang lao đao khóm trúc
Dòng An Giang bơ vơ bến nước
Đâu những nàng thôn nữ xưa
Duyên dáng chuyền tay tiếp nhau
Múc mấy chàng si đổ đi…

Dòng An Giang đáy mắt in sâu
Nhịp cầu tre thấp thoáng nơi đâu
Nắng vẫn chiếu trên cành lá cây khô
Nắng vẫn đốt đôi bờ vắng trơ trơ điêu tàn hoang sơ
Cô thôn quê thôi giặt yếm trên sông
Tiếng gió hú trên thành phố mênh mông
Ta lang thang đôi tà áo tung bay sượng sùng

Dòng An Giang ai qua sẽ nhớ
Dòng An Giang năm xưa múa hát
Đâu những thuyền trăng sáng soi
Đôi mái chèo ai lướt qua
Than thở tình ta dở dang

Dòng An Giang lao đao khóm trúc
Dòng An Giang bơ vơ bến nước
Đâu những nàng thôn nữ xưa
Duyên dáng chuyền tay nối nhau
Múc khối tình si đổ đi

Đâu những nàng thôn nữ xưa
Duyên dáng chuyền tay nối nhau
Múc khối tình si đổ đi…




SÔNG TRĂNG

Sông trăng rộng và dài
Êm ái và mơ màng
Chờ nhé một sớm mai
Ta sẽ bước sang ngang

Trên đường xem thế giới
Đôi ta cùng lang thang
Nơi mi đến ta tới
Thế giới một ngôi làng

Cùng đuổi bắt cầu vồng
Ngũ sắc như hy vọng
Nơi phía sau khúc quành
Chúng mình sẽ bước quanh

Êm xuôi dòng nước chảy
Ôi sông trăng đốt cháy
Tim em hay tim chàng
Trên một chuyến đò ngang




DỄ ỢT

cách mạng để đổi đời
kiến tạo thời mách qué
lãnh cán thành ông trời
dân quê hoá dân què

bạc tiền có nhờ bác
nếu vậy thì rất sướng
các ông tây hốt bạc
nhờ bán xúc-xích nướng

lạ kì tuy bình thường
mỗi ngày thêm một chuyện
trên dải đất nhiễu nhương
nên về thăm một chuyến

coi thiệt hư thế nào
coi phố đỏ cờ sao
coi cuộc đời nhốn nháo
coi đất nước lộn nhào

con số người giàu siêu
ở việt nam tăng nhiều
còn số người nghèo siêu
đã thêm được bao nhiêu

tô hồng chúng ra sao
chiêng trống gióng thế nào
có lắm chuyện tào lao
sao chưa nghe báo cáo

ruộng vườn chiếm xây nhà
khách sạn biệt thự sang
bỏ hoang thành phố ma
đảng phá xóm phá làng

khua chiêng và gõ mõ
loa đảng ngày càng to
ta chỉ nghe tiếng ho
của vợ con lũ chó

tội ác và trừng phạt
sao trời chưa diệt đảng
dân nghèo thì bị tát
phải bỏ xóm bỏ làng

sinh người trời sinh bịnh
si-đa ê-bô-la
dịch hạch và dịch tả
chiến tranh và hoà bình

nếu trời không có mặt
thì trời ắt có mắt
mắt nhỏ hay mắt to
mắt khép hay mắt ngó

nhân loại đừng có lo
cứ ngủ kỹ ăn no
ợ to ngáy khò khò
dễ ợt đâu có khó




MỘT NGÀY THƯỜNG TRÊN QUÊ HƯƠNG


1.

Một người nghèo trông dưa leo
Một người treo trông thần chết
Một thằng chệt trông nham nhở
Một thằng khờ mơ tô phở

Một người chờ bao nhiêu phen
Nhìn đảng đen thêm đểu cáng
Đàn trẻ nhỏ quen tai nạn
Người Việt nằm đếm tháng năm

Một người mù đi trên mây
Một người ngu tin lời bác
Một thằng khạc ra trăm bãi
Một thằng dài hơn biên ải

2.

Một ngày dài mong tin ai
Rồi từng đêm sao vàng chói
Người Việt thầm trao câu hỏi
Người Việt nhìn nhau kêu gọi

Một ngày thường trên quê hương
Ngày Việt Nam đương chuyển hướng
Một ngục tù đông blogger
Một ngục tù nuôi da vàng

Một ngày nào không bao xa
Ngày Việt Nam ta toả sáng
Một ngục tù không lãnh tụ
Một ngục tù quên căm thù




THỜI SỰ

một phụ nữ việt nam
thụi bé trai bảy tuối
hình như để đuổi ruồi
trên má thằng bé bám

tin đăng báo người việt
sớm tối tôi vào coi
nhờ đọc tôi mới biết
bé mĩ được ăn thoi

tôn giáo của hoà bình
khủng bố cứ sát hại
người vô tội dài dài
để nhận thưởng gái trinh

thiên thần của sài gòn
đã cứu trẻ mồ côi
betty tisdale
qua đời tuổi chín hai

ted osius đại sứ
mĩ gay ở hà nội
được tôn vinh là xừ
đồng tính không nói dối

sợ mất toi nhiệm sở
khi trở về hà lội
ông sứ này tránh cờ
vàng đỏ của tội lỗi

chúc ông và bạn đời
được ăn nhiều đấm xôi
ở nơi quê hương mới
khi trở về hà nội

bọn công an tưởng bở
không xin phép treo cờ
cộng gian trước nhà dân
được nghe chửi một trận

điện biên phủ tơi bời
dưới đất và trên trời
cộng sản đã hết thời
rồi đó bà con ơi

một cây viết tên tuổi
ở thủ đô thịt cầy
ca tụng chuyện chặt cây
và đề nghị trồng chuối

trồng chuối sẽ hữu ích
hơn trồng me trồng ổi
lá chuối để gói xôi
trái chuối ai cũng thích

hà nội thủ đô chuối
lá xanh hồn chơi vơi
hai hàng cây xâu chuỗi
cảnh trí thêm tuyệt vời

tổ chức trưng bày tranh
hàng năm báo người việt
mới đây tôi được biết
vừa khai mạc phòng tranh

triển lãm hội hoạ người
phụ nữ và sen trần
đàn bà và hoa tươi
khách tới xem nhìn trân

tinh khiết như sen trần
tâm hồn người phụ nữ
và hoạ sĩ thúy vân
khiến tôi thêm tư lự

tui hổng ưa bông sen
ngoài đời hay trong tranh
nhưng rất khoái chè sen
để dành trong tủ lạnh

biên soạn sách giáo khoa
soạn giả gà mái mờ
kiểm cắt thơ tú mỡ
học sinh muốn đồng hoá

cái đảng quạ đình ba
muốn đần hoá dân ta
nhưng đã không hiệu quả
dân ngu khôn hơn quạ

xế khủng cho đại gia
xe chưn cho bà già
hàng hiệu cho siêu mẫu
hàng lậu cho xà mâu

cổ phiếu của trung quấc
ngày càng thêm mất giá
thì mua vàng đô la
đào lỗ chôn xuống đất

đồng bạc ta hạ giá
thì hãy đón tàu lạ
nhanh chưn ra hoàng sa
mua đất để cất nhà

đất thì có hoa lạ
biển thì có tàu lạ
đường thì có phố lạ
đảng ta ưa của lạ

hà nội đang thiếu nước
sài gòn đang ngập nước
trong khi đó nhà nước
vì dân lo bán nước

đứng vững một ngàn năm
việt nam anh hùng sẽ
đứng vững thêm ngàn năm
tàu khựa đừng hăm he

tre cầm tay ngựa cỡi
thánh gióng sẽ xuất hiện
mần một trận điện biên
tin đi bà con ơi

trời ơi trời ơi ới
trời ơi trời ơi ới
trời ơi trời ơi gió
trời ơi trời ơi gió

trời ơi con cụt giò
vì ham ăn chả giò
xin cán bộ không cho
phải giành ăn với chó




NHỊN ĐÓI

những người trẻ hăng say
trong ngoài nối vòng tay
sức mạnh cùng chuyển tải
chống chế độ độc tài

vượt qua các chướng ngại
tranh đấu cho ngày mai
chống bè lũ tay sai
đất nước dâng hán đại

mặc áo we are one
bị đánh đập dã man
bởi lũ chó công an
của chế độ bạo tàn

tuyệt thực dù một ngày
chiến thắng chưa thấy ngay
nhưng cánh bướm hệ quả
sẽ diệt trừ đảng quạ




TRÒ CHƠI LỚN

nơi đây anh cô đơn
nơi đây em cô đơn
quanh ta chỉ có cát
nơi đây là sa mạc

hãy nói lời âu yếm
trước khi bước qua thềm
nếu như em muốn thế
cám ơn tách cà-phê

nhìn kìa một con ngựa
con ngựa của hắn đó
tên nó là tango
hắn nhắc tới con ngựa

con ngựa tên tango
tên một người đàn bà
không bao giờ thổ lộ
khi tâm sự với ta

lúc thức hắn ngậm miệng
khi ngủ có khi mớ
ú ớ được vài tiếng
rồi chìm vào giấc mơ

nếu yêu hãy cố thử
đóng vai người mộng tưởng
cho vui lòng đối tượng
đóng vai sylvia ư

nàng không hề có thật
nàng chỉ là ảo tưởng
sylvia chỉ là cát
ảo giác trong sa mạc

khi đăng lính lê-dương
là xoá sạch dĩ vãng
địa ngục là thiên đường
quá khứ không âm vang

tình yêu thường một chiều
ta yêu người không yêu
người yêu ta không yêu
tình yêu thường khó hiểu

tình yêu là sa mạc
quanh ta chỉ có cát
nơi đây em cô đơn

nơi đây anh cô đơn

N.Đ.T.












Nguyễn Đăng Thường
tranh digital Hoàng Ngọc Biên






(...)

-----------------------
trích một phần từ blog Phan Nguyên
----------------------------------------------






0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ