Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

"Thở Dài Rất Nhẹ"/ Cao MỴ Nhân -- https://haingoaiphiemdam.com/

  Thở Dài Rất Nhẹ – Cao Mỵ Nhân

Chủ Nhật, 22 Tháng Mười 20177:39 CH
Thở Dài Rất Nhẹ – Cao Mỵ Nhân
                             Cao MỴ Nhân [ Sapa 1939-  ] --  (ảnh: Internet)
Năm 2003, tôi có những việc gì chung, riêng, mà tôi phải lên miền Bắc Cali tới cả chục lần.

Nhưng không thể quên được mấy việc ” quan trọng” với tôi, như thăm viếng, chia buồn đám tang cựu thượng nghị sĩ Trần Ngọc Nhuận, tức nhà văn, nhà báo Niên Dư, tác giả cuốn Đời Quân Ngũ. Rồi Kỷ niệm ngày thành lập tuần báo Tiếng Vang, của cựu thiếu tá Trần Văn Ngà.

Và nhất là  ra mắt tập Thơ Mỵ/ Sau Cuộc Chiến của tôi, có sự hiện diện của 2 nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu miền nam VN trước 30-4-1975, là nghệ sĩ cải lương, kịch sĩ, diễn viên điện ảnh Bích Thuận, và minh tinh ca sĩ Khánh Ngọc trong Ban hợp ca Thăng Long. [Khánh Ngọc tên thật là Lan Nam.]

Vì quá lâu không nghe tin tức của danh ca, diễn viên điện ảnh Khánh Ngọc, nên tôi có vẻ nôn nóng đợi gặp chị.

Trong lúc nghệ sĩ cải lương, dân ca Bắc phần Bích Thuận, thì hầu  như mấy năm đầu thiên niên kỷ mới này, chị hay từ Pháp qua Mỹ thăm con  gái chị ở  San Jose, nên tôi thường được hạnh ngộ chị nơi các hội thơ, hội nhạc vv…

Mùa đã vào thu…

Buổi đó, chương trình phát thanh của người Việt tị nạn ở Sacto, tức thành phố Sacramento, mở cuộc phỏng vấn bàn tròn về cuộc hạnh ngộ mấy văn nghệ sĩ, tưởng đã về hưu lâu rồi, nên khá vui.

Ca sĩ Khánh Ngọc bị kẹt xe, nên đến chậm nhất, nhưng chị rất từ tốn, vui vẻ, hiếu khách …

Chúng tôi ai cũng mến quý chị cao niên, theo tuổi tác, chứ nhị vị thì thật xuân sắc, lịch thiệp lắm.

Riêng tôi, tôi cứ nhớ lại giai đoạn ca sĩ Khánh Ngọc vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Một sơ xuất tình cảm, đã khiến chị phải rời xa VN, trong lúc có cháu bé thì phải.

Tôi cứ bâng khuâng tưởng tượng bước đường gian truân, hồi đó, chị tới USA một mình …

Mới đó mà hơn 40 năm (1960- 2000) , chị Khánh Ngọc, ca sĩ trong ban hợp ca Thăng Long trước kia, chị đang rất lạc quan, sao tôi lại rưng rưng nước mắt, rồi tràn lệ luôn…

Hình như người nghệ sĩ nào cũng dễ xúc động, nhất là biết được điều người ta khóc vì thông cảm, mến thương mình…

Chị xiết tay tôi thật chặt, thấy thoáng nỗi buồn trong đôi mắt vốn hồn nhiên của chị.

Dẫu chúng tôi chưa hề gặp nhau bao giờ, chị thở dài rất nhẹ, lại tiếp tục cười vui vẻ.

Tất nhiên chị hỏi thăm tôi, chị nói chị sẽ hiện diện trong buổi tôi ra mắt Thơ Mỵ/ Sau Cuộc Chiến  ở San Jose vào tháng cuối năm 12/2003.

Vì cuốn thơ mang tựa đề Sau Cuộc Chiến, và tôi lại là một nữ ” Chiến sĩ HO”, nên quả là thu hút quý huynh đệ chi binh và độc giả thân hữu .

Buổi đó nhị vị nữ lưu Bích Thuận và Khánh Ngọc cũng đã thân mến hiện diện, nghệ sĩ Bích Thuận hát chèo cổ Bắc phần, còn ca sĩ Khánh Ngọc trình bầy bài Đôi Mắt Người Sơn Tây / Quang Dũng..

Trong lòng tôi vẫn vấn vương cái điều buồn bã, tôi hỏi chị :

” Hay là chị hát bài Nửa Hồn Thương Đau, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thơ Thanh Tâm Tuyền …”

Chị nhìn tôi sâu lắng, rồi lại mỉm cười :

“Bài Nghìn Trùng Xa Cách” của Phạm Duy cũng được, chị còn gật gật cái đầu.

Tôi biết chị Khánh Ngọc rất thật thà, nhiệt tình trong ca hát , nhạc hay thì hát thôi, không vướng bận chi cả .

Sự thực là thế, ” Nghìn Trùng Xa Cách ” đã được nhiều ca sĩ tên tuổi trình bầy như Thái Thanh, Ý Lan, và cả Thái Hiền, ái nữ của nhạc sĩ Phạm Duy trong đại hợp xướng Ngàn Khơi biểu diễn rất thành công …đó toàn là thành viên trong đại gia đình ban hợp ca Thăng Long.

Vài tuần sau, nữ ca sĩ, mình tinh màn ảnh Khánh Ngọc mời tôi đến nhà dự một bữa cơm hảo hạng, như tiệc lớn ngoài tiệm sang trọng. Vì chị có một bà chị nuôi gốc Trung Hoa, thạo tiệc tùng khách khứa .

Chị bảo là chị chỉ có mấy người bạn gái thân, toàn đến Mỹ từ những năm 65-68 . Quý vị ấy đi du học, rồi ở lại, như chị đã đi năm 60 rồi ở lại vậy.

Có điều 2 trong số 4 bà bạn thân của chị hiện nay, lại là bạn tôi thời trung học Trưng Vương Saigon, nên chị nghĩ tôi cũng sẽ là bạn thân của chị .

Nhà chị ở trên xa hướng Bắc Los Angeles , là một khuôn viên đúng nghĩa, diện tích lớn đã đành, lại chỉ có chị và bà chị nuôi đó cư ngụ, vì các con chị ai nấy đều thành tựu, nên danh, nên phận, hết 3/6 người trai, gái, dâu, rể là …đại phu đấy .

Tôi không dám hỏi thêm. Điều tôi thích nhất ở gia trang biệt thự Khánh Ngọc, là hồ cá coi đẹp như trong truyện thần thoại, rất nhiều cá đủ mầu bơi lượn, và một bàn đào mà tôi tự đặt.

Đó là một thân cây to, có chu vi khoảng 10 vòng tay nối lại, đã được cưa ngang ngọn lâu rồi . Nay mặt bằng của thân cây có thể trải chiếu hoa trên đó ngắm trăng, vịnh nguyệt …

Cuộc sống quả là thần tiên, nếu tình cảm không bị xáo trộn bởi trăm thứ lý do phức tạp …

Sao tôi vẫn chưa hết được cái cảm giác băn khoăn, là hồi đó, đầu thập niên 60 thế kỷ trước, làm sao có thể xuất ngoại, nếu không phải quân đội VNCH đi tu nghiệp, các công cán ủy viên đi du hành quan sát, thậm chí công chức chuyên biệt, sinh viên tài giỏi  vv…thì chị, nữ ca sĩ Khánh Ngọc, phu nhân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đã lên đường bằng hộ chiếu nào ?

Như trên tôi đã trình bầy, là chị Khánh Ngọc rất thành thật hồn nhiên, chị trả lời:

” Bác sĩ Trần Kim Tuyến lo cho mình đó, đi du học 4 năm ngành ca nhạc. Sau 4 năm có thể về bình thường, nhưng chị đã lập gia đình và ở  luôn Hoa Kỳ ” .

Là người dưng mà tôi vẫn … bâng khuâng. Chị đã kể thêm về chị, và khẳng định chị đã và đang rất sung sướng , hạnh phúc về con cháu…

…Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù… ”  
( Phạm Duy )

Anh định nói gì vậy ?

” …Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta, buồn ít hơn vui…” 
 ( Phạm Duy )

Thế là thế nào ?

“… Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu…”  
( Phạm Duy )

Mình không chịu được nữa, lại sắp sửa khóc như lúc gặp chị Khánh Ngọc…

Nhưng sự việc … mật thiết hơn, anh muốn mời mình đem theo toàn vẹn thương yêu của anh sao ?

Người ta chỉ chia tay khi phải hy sinh, hay bị rơi vào thù hận . Anh với mình có cần gì phải hy sinh, lại càng tránh xa thù hận .

Chỉ có thương yêu và thương yêu mãi mãi … vì thực tế chỉ có những cành xương hoa được ép trong thơ …

Nhưng ” anh thân kính, anh vô cùng huyễn hoặc “, mặc dầu vẫn ở xa anh , nhưng mình lại cảm thấy lúc nào cũng đứng bên anh rất gần .

Thế mới biết trên cõi đời này, không có mẫu mã, hình thức nào giống nhau …

Điều hay là … đưa ra nguyên tắc, như anh đã từng không giao kết, mà mình cứ vanh vách thi hành …kỷ luật nhà binh  của anh, để lúc nào chuyện cũng đẹp ngời, chỉ có vui tươi tràn ngập ngày tháng thôi .

Cao MỴ Nhân (*)
---------
*   gia đình ông bà Cao văn Phương đặt tên cho các con," tên chính  ở giữa
--  Thí dụ chị  ruột của Cao MỴ Nhân là Cao MỸ Nhân  v.v... .(Bt)



- trích từ https://haingoaiphiemdam.com/  .../tho-dai-rat-nho-cao-my-nhan 



    
ban hợp ca Thăng Long  (Saigon cũ)
hàng sau: trái qua:
 Phạm Duy-- Hoài Bắc [Phạm Đình Chương] -- Hoài Trung
hàng trước:
Thái  Hằng (vợ Phạm Duy) -- KHÁNH NGỌC [ i.e. LAN NAM ] -- Thái Thanh
 (ảnh: Internet)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ