về nhà văn tạ duy anh [ i.e. tạ viết đãng 1959- ] -- blog phan nguyên
Thursday, 28 September 2017
Tạ Duy Anh (1959- )
Tạ Duy Anh
- tên khai sinh: Tạ Việt Dũng
Tạ Viết Đãng
(1959 - ......)
-bút danh khác: Lão Tạ--Chu Quý-- Quý Anh-- Bình Tâm.
- tên khai sinh: Tạ Việt Dũng
Tạ Viết Đãng
(1959 - ......)
-bút danh khác: Lão Tạ--Chu Quý-- Quý Anh-- Bình Tâm.
- nhà văn
Tiểu sử
Nguyên tên khai sinh của ông là Tạ Việt Dũng, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1959. Quê ông ở thôn Cổ Hiền, xã Hoàng Việt, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bê tông ở Nhà máy thủy điện Hòa Bình, trung sĩ bộ binh ở Lào Cai. Sau đó Tạ Duy Anh tham gia học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Trải qua 4 năm học, ông đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên. Hiện ông là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tạ Duy Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1993.
Tác phẩm mới nhất
Đình chỉ phát hành sách mới của Tạ Duy Anh
Mối Chúa
(với bút danh Đãng Khấu)
Đình chỉ phát hành sách mới của Tạ Duy Anh vì đen tối, u ám
Cục Xuất bản, In và Phát hành đánh giá tiểu thuyết "Mối chúa" của Tạ Duy Anh (bút danh Đãng Khấu) có nội dung tiêu cực.
Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa yêu cầu Nhà xuất bản Hội Nhà văn đình chỉ phát hành cuốn sách để thẩm định nội dung, có ý kiến của cơ quan chủ quản. Văn bản báo cáo kết quả thẩm định gửi về Cục trước ngày 29/9.
Trước đó, trong công văn do Cục Xuất bản, In và Phát hành ban hành ngày 13/9, Cục nhận xét cuốn Mối chúa đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, sách miêu tả một xã hội hầu như chỉ được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn....
Ngoài ra, Cục cũng cho rằng một số chi tiết trong sách được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực, có phần tô đậm khiến cho hiện thực trở nên u ám.
Mối chúa do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty cổ phần Văn hóa Truyền thông Nhã Nam thực hiện. Theo Công ty cổ phần Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, sách tái hiện những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời: công nghiệp hóa và sự tan vỡ của nông thôn, hình ảnh những bố già quyền lực, thế lực bóng tối, lòng tham và sự bất chấp pháp luật, đạo lý, thân phận của những người nông dân thấp cổ bé họng…
Tạ Duy Anh [ i.e.Tạ Viết Đãng 1959- ]
Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Viết Đãng, sinh năm 1959 ở Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông từng xuất bản nhiều tác phẩm như Lão Khổ, Bước qua lời nguyền, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối... Hiện ông là biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Tác phẩm đã in
1
Bến Thời Gian
Gã và Nàng
3
Bố Cục Hoàn Hảo
4
Ngày Hội Cuối Cùng
5
Quả Trứng Vàng
6
7
Truyện Ngắn Chọn Lọc Tạ Duy Anh
8
(tiểu thuyết)
Từng được cấp giấy phép xuất bản năm 2002 của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, nhưng sau đó vừa ra đã bị cấm phát hành vì bị nhiều ý kiến phê phán thái độ tiếp cận, mô tả đời sống xã hội của tác giả. Bây giờ, trong không khí đổi mới của 15 năm sau, cuốn sách lại được tái bản trở lại.[1]
http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=Zcz26iN2Yk2j17Lpa9DLc5GX02dv5phU
http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=Zcz26iN2Yk2j17Lpa9DLc5GX02dv5phU
9
Thiên Thần Sám Hối
(tiểu thuyết)
http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=jo1l0ZxZspbgGNkNZgpAWxCSHLGviXoI
(tiểu thuyết)
http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=jo1l0ZxZspbgGNkNZgpAWxCSHLGviXoI
10
Những Truyện Không Phải Trong Mơ
(truyện vừa)
(truyện vừa)
11
12
Dưới Bàn Tay Vô Hình
(tự truyện)
(tự truyện)
13
Vó Ngựa Trở Về
14
Con Dế Ma
15
17
Lão Khổ
18
Xưa kia chị đẹp nhất làng
19
Đối thủ còi cọc
20
Làng Quê Đang Biến Mất
Bình luận xã hội
21
Trò Đùa Của Số Phận
Kịch và tiểu thuyết
22
Giã Biệt Bóng Tối
23
Lãng Du
24
Chưa in
Sinh Ra Để Chết
Giải thưởng
- Giải truyện ngắn nông thôn báo Văn nghệ, báo Nông nghiệp và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức
-Giải C cuộc thi truyện ngắn năm 1989-1990 của tạp chí Văn nghệ Quân đội với tác phẩm Xưa kia chị đẹp nhất làng
-Giải nhì trong cuộc thi viết "Tương lai vẫy gọi" của báo Thiếu niên Tiền phong cho câu truyện ngắn "Bức tranh của em gái tôi"
- 2 giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng cho hai tập truyện: Quả trứng vàng và Vó ngựa trở về
-Giải thưởng văn học Thủ đô 2012 cho tập truyện ngắn Lãng du.
Tham khảo thêm về nhà văn Tạ Duy Anh
Tạ Duy Anh, người đi tìm nhân vật
Mười năm, kể từ truyện ngắn Bước qua lời nguyền viết tại Sông Ðà tháng 4 năm 1989, đến truyện dài Lão Khổ (1992) rồi tiểu thuyết Ði tìm nhân vật (hoàn tất năm 1999). Mười năm, Tạ Duy Anh đã phát triển hai luận đề chính trong tiểu thuyết của mình: lời nguyền và tội ác, qua những hướng khác nhau trong bút pháp cũng như trong cách biến thiên nhân vật. Từ lối viết hiện thực phê phán xã hội trong hai tác phẩm đầu, nhà văn đã đạt được lối viết đa âm trong tiểu thuyết mới nhất: Ði tìm nhân vật (Nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2002, Tiếng Quê Hương tái bản ại Hoa Kỳ, 2003), tác phẩm bị khai trừ khỏi dư luận báo chí và văn học ở Việt Nam, cùng với hồi ký Nhớ lại của Ðào Xuân Quý, khi vừa ra đời. Bước qua lời nguyền làm nổi danh tác giả ngay khi được đăng trên báo Văn Nghệ, tháng 11 năm 1989. Tác phẩm xác định một ngòi bút hiện thực sắc sảo, can đảm nhìn lại quá khứ đớn đau của mình, của một thế hệ lớn lên trong hai lớp hận thù: hận thù dòng họ và hận thù giai cấp. Một thằng bé muốn bước qua lời nguyền để bênh vực một con bé, lớn lên chúng muốn vượt qua thù hận để bảo vệ tình yêu. Bước qua lời nguyền đánh dấu giai đoạn cuối của thời kỳ đổi mới, nó nằm trong một toàn bộ rộng lớn hơn: khuynh hướng văn học đấu tranh phê phán xã hội, duyệt lại những sai lầm quá khứ, như Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Mảnh đất lắm người nhiều macủa Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng... Sau Bước qua lời nguyền, Tạ Duy Anh mở rộng chủ đề "thù hận" hơn nữa trong tiểu thuyết Lão Khổ. Lão Khổ tên thực là Tạ Khổ, bần cố nông chính hiệu, lão cũng sinh ở làng Ðồng như những nhân vật chính của Bước qua lời nguyền và Ði tìm nhân vật. Lão đã đắc lực xây dựng nên cái khổ của mình. Tên lão, là bản chất lão, là con đẻ cái guồng máy mà lão là nguyên nhân tạo dựng, để sau này nó nghiền nát lão. Chủ đề thứ hai trong tiểu thuyết Lão Khổ, cũng như trong Ði tìm nhân vật, là sự điều tra tội ác để tìm ra gốc gác những khổ đau của con người. Ðiều tra về những cái chết, những cách chết. Ðiều tra về những lời nguyền, nguyên do nào đã đưa đến những hận thù dòng họ, tiếp sức cho hận thù đấu tranh giai cấp? Căm thù đến từ đâu? Bắt rễ như thế nào? Dinh dưỡng ra sao? Tại sao nó bành trướng và tươi tốt trong khi con người, hết thế hệ này đến thế hệ khác đều tàn tạ gục ngã dưới những cái chết khác nhau, hệ quả của tội ác và trừng phạt.
*
Ảnh hưởng Dostoievski, Tạ Duy Anh ngày càng đào sâu những vực thẳm của tội lỗi, tìm hiểu những biến thể của tội ác, thăm dò từng nguồn phát sinh để thử trả lời câu hỏi: tại sao nó thế này mà không thế kia? Lão Khổ vẫn giữ bút pháp hiện thực cổ điển, Ði tìm nhân vật đã biến chuyển nhiều để tạo ra một hiện thực mới, mà ký ức, hồi ức không còn thụ động, không còn bất động trong mỗi trở về. Trong Ði tìm nhân vật, mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết đều đưa đến những nghi vấn: Ký ức ư? Có phải thế không? Hay chỉ là "lầm lẫn", hay chỉ là tin tức một chiều? Ký ức có trung thành không? Tại sao tôi nhớ cái này mà không nhớ cái kia? Ký ức có thể phản bội vì sự lựa lọc rất đáng ngờ trong "bộ nhớ" của nó. Sự nghi ngờ trở thành bạn đồng hành của tác giả, vì vậy độc giả luôn luôn bị đánh động: phải coi chừng, những điều tay ấy kể, có thể rất láo lếu. Tính chất đa âm đến từ đó: ai cũng nói và ai cũng có thể gian, cuộc điều tra sự thật không bao giờ chấm dứt. Tác giả muốn đưa ra một câu hỏi độc đáo, đảo ngược mọi vấn đề, mọi xác định: Tôi là ai? Ai là tôi? Bất cứ một sự kiện nào dù đã xẩy ra một cách nhỡn tiền, chỉ mấy phút sau nó sẽ bị trùm lên một đống hỏa mù của dư luận. Dư luận cộng đồng là thứ ám khí lợi hại nhất để xóa bỏ vết tích sự thật, nó là mẹ đẻ của thất thiệt, là máy chế tạo huyền thoại. Một vụ án mạng ư? Có một kẻ đi điều tra ư? Chỉ một vài khắc sau, trên miệng dư luận hàng phố: kẻ điều tra có thể biến thành kẻ gây án mạng. Tính chất lật lọng của đám đông, của cộng đồng đã được Tạ Duy Anh mổ xẻ triệt để. Những guồng máy dựa trên cộng đồng để triệt hạ cá nhân, đã gián tiếp được tác giả điểm chỉ tuy không nêu đích danh. Con người, với bản chất ích kỷ, thờ ơ, thường ngoảnh mặt quay đi, "không dính" vào những vụ việc lôi thôi, có thể gây phiền hà cho mình, nhưng vẫn hắn, con người còn vụ lợi, lèm bèm, ưa nói xấu, nên cũng sẵn sàng bôi nhọ, phết hồ vào những điều hắn biết hoặc không biết, vì sợ sệt, vì quyền lợi, vì vô tình, vì ác ý, ... vì tất cả những lý do có thể mường tượng được. Cho nên, anh có thể là anh, mà cũng có thể là người khác. Không ai nhận diện được ai, không ai tự nhận diện được mình, trong cái "cộng đồng" bát nháo mà dối trá, thành thực, đạo đức, tội lỗi... quay cuồng và tiêu diệt lẫn nhau. Tạ Duy Anh muốn kín đáo vạch mặt cái bản chất "cộng đồng" vô trách nhiệm, đầy ám hiệu và phản trắc ấy.
*
Ði tìm nhân vật mở đầu như một tiểu thuyết trinh thám: Một kẻ tình cờ vớ được mẩu báo, vỏn vẹn mấy hàng: "Nạn nhân là thằng bé đánh giầy, quãng 10-12 tuổi bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ. Hung thủ được tạm mô tả như kẻ mắc chứng thần kinh, ăn mặc sang trọng. Việc truy bắt đang được tiến hành ráo riết."(trang 6) Kẻ đang đọc những dòng chữ ấy là tôi, nhân vật chính trong truyện. Sau này, được biết tôi tên là Chu Quý. Cái tên Chu Quý chỉ được nhắc đến vài lần trong suốt hơn ba trăm trang truyện. Chu Quý tình cờ đọc được mẩu báo, bèn quyết định đi ? Nhập đề rơi ngay vào trường hợp: nhị trùng, tam trùng, tứ trùng... nhân cách mà kẻ đi tìm chính là kẻ bị tìm. Một sự tìm mình, tìm kiếm bản thân. Tôi lùng tôi: Tôi là ai? Tôi là hắn? Hắn "giết" tôi? Tôi đi tìm hắn? Những nghi vấn đầu tiên này đã là một bước ngoặt đặt ra cho tiểu thuyết: đi từ xác định đến hoài nghi, đẩy người đọc vào tình trạng: không thể có một sự đọc mà có nhiều sự đọc. Và đó là cái bẫy của tác giả: Tất cả những vấn đề mà "tôi" đặt ra ở đây, đều bất trắc, đều nhiều nghĩa, đều không có gì xác định cả, đến cả nhân vật "chính" cũng không chắc gì đã là một. Nếu bạn chấp nhận một sự "lập lờ" như vậy, thì hãy tiếp tục đi vào tác phẩm, tìm nhân vật. Con đường tìm kiếm này đầy dẫy những câu hỏi như: Hắn là ai? Tại sao hắn lại hành động như vậy? Chiến tranh là gì? Nguyên nhân nào đã dẫn đến những hậu quả như vậy? Cái ác ở đâu mà ra? Tại sao người ta chết? Tại sao người ta giết người? Cái mà Chu Quý gọi là hắn, được trình diện như sau: "Hồi đó hắn xuất hiện trước mắt tôi như một khối đen khổng lồ. Từ cái buổi tối định mệnh ấy, tuổi thơ của tôi vĩnh viễn bị chôn sống. Tôi thấy cha tôi bị cùm giải đi." (trang 41) "Tôi chưa bao giờ nhìn vào tận mắt hắn. Sau khi lập mưu đẩy cha tôi vào tù, sau khi biến cha tôi thành thân tàn ma dại, đêm nào hắn cũng lảng vảng quanh nhà tôi khiến cha tôi suy sụp rất nhanh và chết âm thầm trong bóng tối." (trang 161) "Có thể là hắn, dưới bộ mặt khác, đã hạ sát thằng bé đánh giầy." (trang 38)
*
Chân dung vô hình của hắn, như những mảnh puzzle trải dài trong tác phẩm, chỗ chìm, chỗ nổi, chúng mang những mặt nạ khác nhau. Ở trường hợp gã thợ săn, bắn chết người, bị bắt, bị kết án tử hình; khi nghe tuyên án, gã gào lên thê thảm, gã vạch mặt, chỉ tên hắn: "Tôi không có một chút ý muốn giết người. Hắn đã chọn tôi để trốn tội. Trong vụ này hắn đã thắng tất cả chúng ta" (trang 33). Gã nhận mình là thủ phạm, nhưng cố cãi: "Tôi không là thủ phạm duy nhất. Tôi hoàn toàn không có ý định giết người... Hắn, một kẻ vô hình, nhưng có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ chỗ nào con người có sự ganh ghét thù hận, đã biến tôi thành công cụ của hắn." (trang 34-35) Nhưng khi người ta cho phép gã "được dùng bằng chứng để gỡ tội thì gã chỉ còn biết câm lặng" (trang 34). Gã thợ săn không có bằng chứng. Gã biết gã được hiệp săn chỉ định việc giết người nhưng không biết ngón tay chỉ là ai. Của ai? Nó vô hình, nó là đêm tối. Người anh của Chu Quý, tiến sĩ N, cũng đã gặp ngón tay chỉ đạo ấy trong chiến tranh. Trong một hoàn cảnh cực kỳ tuyệt vọng, tiến sĩ N, nộp đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. "Không một ai hồi đó hiểu được động cơ nhập ngũ của tôi. Tôi quyết định tìm kiếm một cái chết." (trang 127). Trớ trêu của hoàn cảnh, N không chết. Nhưng qua những cái chết mà anh mục kích hoặc anh là tác giả, N khám phá được bản chất và thủ phạm chiến tranh: "Chiến tranh là cơ hội giết người tốt nhất. Khi đạn đã lên nòng rồi thì nó phải tìm ai đó để găm vào thì mới hợp logic. Mình phải tưởng tượng ra những kẻ mình sắp giết là bọn quỷ. Ngón tay trỏ của mình đã bắt đầu tê cứng và nó sẽ cho mình ảo giác là mình không điều khiển được nó. Mọi sự do nó quyết định [...] Ai đó từng bảo rằng, không có đàn ông sẽ không có chiến tranh. Mình sẽ cải chính chỉ cần bọn đàn ông đừng có ngón tay trỏ. Tại sao lại gọi là ngón tay trỏ. Nó dùng để trỏ đường cho ai đó. Nó là vật cụ thể hóa ý nghĩ, ý tưởng đầu tiên. Nhưng ở chiến trường phải gọi nó là ngón tay giết người mới đúng." (trang 134) Ngón tay trỏ ở đây, có hình mà không hồn; nó cũng là một loài đêm tối, nó cũng thay hình đổi dạng, nó luôn luôn thay đổi hành tung: Nay là hiệp săn, mai là tổ chức, mốt là guồng máy, có lúc nó là chính nghĩa, có nó nơi là tổ quốc, ... nó như con bạch tuộc nhiều đầu, nó là ... hắn: "Không phải vô cớ mà tôi chuyên đi điều tra về những cái chết. Thực ra vẫn là cuộc truy tìm hắn mà tôi lao vào một cách tuyệt vọng. Có lúc tưởng như tôi đã vẽ được chân dung hắn. Có lúc hắn đã ở trong tầm tay của tôi. Có lúc hắn bị tôi phù phép cho thất điên bát đảo để lộ nguyên hình. Nhưng có lúc hắn biến hóa khôn lường, trở lại ghế phán xét hoặc bảnh bao dưới một chân dung khả ái." (trang 33) Muốn theo dõi cuộc truy lùng này, phải lộn ngược về tuổi thơ của Chu Quý. "Tôi không thể nào quên ngày cha tôi bị dẫn đi. Cha tôi mảnh khảnh như một nho sinh, vì thế tôi có cảm giác cơ thể ông bị bẻ nát vụn dưới sức mạnh của mấy gã dân quân [...] sau khi cha quay đi, tôi gào lên hỏi mẹ vì sao cha chịu để người ta trói một cách dễ dàng rồi dắt đi như dắt trâu, liền bị mẹ tôi bịt miệng lại: "Thôi nào, mẹ xin con!" [...] Ðiệp khúc mẹ xin con! ăn sâu vào ký ức tôi đến nỗi nó thường vang lên như là "khúc dạo đầu bi tráng" mỗi khi tôi thử tìm cách giải mã những số bí mật của quá khứ." (trang 41)
*
Từ bi kịch này, Chu Quý bước vào đời. Ðó là một cuộc đời hai mặt, mặt hiện thực, va chạm với đời sống hàng ngày của kẻ mang nhiều căn cước: công an, nhà báo, thám tử, điều tra về những cái chết. Ở mặt này, Chu Quý luôn luôn bị lùa vào bẫy: chẳng ai cho hắn một tin tức gì khả dĩ có thể giúp hắn truy lùng được thủ phạm. Không những thế, "cộng đồng" còn trùm lấp lên sự thật -nếu có một cái được gọi là sự thật- bằng nhiều thứ hỏa mù cạm bẫy: của xác thịt, của tiền bạc, của mánh mung, của ham muốn, của đút lót, của đe dọa, của vô tình ..., những tội ác không để lại chứng từ, có thể giết người nhưng không thấy xác, những loại hung thủ vô hình và vô định, chúng cũng là những ... hắn. Ngoài cuộc sống nổi, Chu Quý còn cuộc sống chìm: nội tâm. Nội tâm khắt khe, khốc liệt với hắn. Bắt hắn triệt thoái về quá khứ để truy lùng tội ác của chính mình. Tại sao hắn lại hãm hiếp người con gái ấy? Tại sao hắn lại bị liệt dương? Tại sao hắn lại tàn phế, bệnh tật như ngày nay? Giữa hai cuộc bố ráp này lộ ra những bộ mặt, những con người đã xây dựng nên màng lưới xã hội: Từ trí thức, nhà văn, bộ đội đến gái điếm, ma cô ... mỗi nhân vật đều có những ẩn mật của đời mình. Tiến sĩ N, người anh sinh đôi của Chu Quý, đưa ra một thoại khác về người cha: Vì linh cảm trước thời thế và số mệnh của mình, cho nên ông đã tách rời hai đứa con, N và Chu Quý, từ lúc lọt lòng. Chu Quý được một gia đình khác nuôi nấng. Quả nhiên sau đó người cha bị mắc nạn, bị xử treo cổ hai lần, một lần còn sống và một lần đã chết: "Treo cổ lần thứ hai, sợi dây lút qua lớp thịt đã thối vào tận xương, để cha tôi biết rõ tội trạng mình, do một chị mắt toét vừa bịt mũi vừa đánh vần bản tuyên án." (trang 122) Chưa nói về hai anh em "sinh đôi" đã là một trường hợp nhị trùng nhân cách, ngay về người cha, cũng đã "nhân đôi": bố của N chết khác bố của Chu Quý. Vậy họ có một bố hay hai bố? Chu Quý có một bố nuôi và một bố ruột chăng? Cả hai đề bị xử tử? Hay chỉ là chuyện một người mà hai "bộ nhớ" của hai anh em khác nhau? Tiến sĩ N, có thể là bộ mặt thứ nhì của Chu Quý, vì cả hai "anh em" đều tiềm ẩn một chất "hắn", chất bóng tối, chất ma túy, đong đưa giữa giả và thật, giữa tội ác và trừng phạt. Chung quanh họ là những nhân vật đầy nghi vấn, vật vờ trên đường tìm mặt thật của chính mình, một hành trình không bao giờ tới đích: Ông Bân, nhà văn đi tìm nhân vật, là người duy nhất hình như đã tìm thấy: nhân vật của ông chính là Chu Quý, phản diện của bản thân ông. Ði tìm nhân vật gồm nhiều tiểu thuyết trong một tiểu thuyết, nhiều "tác giả" trong một tác giả, nhiều nhân vật trong một nhân vật. Trong những "nhân vậy" ấy, Thảo Miên bước ra từ giấc ngủ, một thứ Lolita ngơ ngác, thất lạc trong cuộc đời. Thảo Miên "thành người" từ khi được mục kích những thác loạn dục tình của mẹ. Nàng lao vào vùng cấm địa của "tội lỗi", với bề ngoài băng trinh; Thảo Miên như một tiên nữ sa lầy mà Chu Quý tìm cách giải thoát để xây dựng một tình yêu tuyệt vời, thánh thiện, để có thể tin rằng: ngoài tất cả những xấu xa tàn mạt, con người vẫn còn có tình yêu. Nhưng rồi đến cả Thảo Miên cũng chưa chắc là có thật, hay chỉ là giấc ngủ dài, giấc mộng triền miên của Chu Quý, kẻ lạc đường, kẻ vướng sa lầy chưa bao giờ tỉnh mộng?
*
Những nhân vật của Tạ Duy Anh qua ba tác phẩm, từ hơn mười năm nay, vẫn gắn bó mật thiết với nhau trong một tương quan chặt chẽ: họ hàng, làng nước. Họ xuất thân cùng ở làng Ðồng, họ cùng tiềm ẩn hận thù dòng họ, hận thù giai cấp. Nhưng mỗi tác phẩm có một thực tại khác, một lối viết khác. Những tác phẩm đến sau, dường như chỉ là để "viết lại" các "chuyện" trước một cách mới hơn, mở hơn, kỹ hơn, rốt ráo hơn, nghệ thuật hơn. Ở Tạ Duy Anh, tội ác và trừng phạt nhen nhúm từ căn nguyên: Các hình thức "tội ác" nếu không bắt nguồn từ văn hóa, chính trị, thì ít ra nó cũng được nuôi dưỡng bằng văn hóa chính trị. Chính những truyện cổ tích đã có mầm mống vinh thăng tội ác, ca tụng việc ác giả ác báo, mà Tấm Cám là một ví dụ. Trong những truyện Rùa chạy thi với thỏ hoặc Trí khôn của ta đây, sự lừa bịp được xưng tụng như một thứ "trí khôn" của người Việt. Ở Mỵ Châu Trọng Thủy, tình yêu bị chính nghĩa xử tử. Ðó là những yếu tố thuộc vào "kho tàng" được gọi là "bản sắc dân tộc" mà chúng ta giữ gìn, bảo vệ: chúng đã tố cáo bản sắc thật của người Việt, qua văn hóa. Về mặt chính trị, người ta không ngừng tích cực "hiện đại hóa" bộ mặt văn hóa cổ tích đáng sợ ấy trong các chính sách cai trị: Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Sửa sai, chiến tranh ... như con đường hành xử chính đáng duy nhất. Chuyên chính (vô sản) và Tấm Cám là một cặp bài trùng: báo thù và quả báo. Tạ Duy Anh muốn đề nghị một lối thoát: Con đường bước qua những lời nguyền, bước qua sự trừng phạt, bước qua tội ác để tạo một viễn cảnh sống mà tình yêu không bị đánh đập, chôn vùi, tình yêu được ương mầm, vun vén để sinh sản, để cha truyền con nối. Ở Bước qua lời nguyền, tình yêu biểu hiện dưới nét Quý Anh, người con gái địa chủ bị dập vùi trong tai biến gia đình. Lão Khổ là một nhân vật đối diện với tòa án lương tâm: xuất thân bần cố, lão đã bị địa chủ hành hạ vì tư thù dòng họ. Rồi khi cờ đến tay, lão phất, lão trả thù, lão giết người, lão lên đến đỉnh cao của quyền lực. Cuối cùng lão cũng bị đào thải. Luật tuần hoàn. Lão đã đi hết "kiếp" của mình, một hành trình tội ác và trừng phạt mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Lão Khổ là nhân vật không ý thức đươc trách nhiệm của mình, bởi lão không đủ khả năng để "ý thức". Lão Khổ là cái bi đát hiện thực được nhà văn nhìn từ bên ngoài. Ðến Ði tìm nhân vật, Tạ Duy Anh bước thêm bước nữa. Chu Quý là sự nhập đồng của nhiều nhân vật, hắn là con người, là cái bi đát được nhìn từ bên trong con người. Chu Quý phức tạp hơn lão Khổ, đa âm hơn lão Khổ. Chu Quý xuất thân từ một gia đình trí thức mà người cha đã bị xử tử. Thảm kịch gia đình đã tạo nên một Chu Quý què quặt, bệnh hoạn trong tâm hồn. Hắn muốn thoát ra khỏi bi kịch để thở, để sống, nhưng hắn bất lực. Hắn ý thức được bệnh hoạn của mình, cố tìm mình trong gương chiếu hậu, muốn chữa bệnh nan y cho mình, muốn tìm hiểu sự thực về mình, nhưng cuối cùng, gần tới đích, hắn sợ. Gần chạm tay đến sự thật hắn bỏ cuộc: Chu Quý bị dầy vò giữa hai lực cản: can đảm và hèn nhát. Trải qua những kinh nghiệm kinh hồn, hắn muốn bám víu vào tình yêu; nhưng rút cục tình yêu, hay Thảo Miên, cũng chưa chắc đã là một cái gì thật sự có, hay nàng chỉ là giấc mộng, là ảo tưởng mà Chu Quý tạo ra để tìm một an ủi cuối cùng? Thụy Khuê Paris, tháng 3/2003
© Copyright Thuy Khue 2003
|
lão Khổ, đa âm hơn lão Khổ. Chu Quý xuất thân từ một gia đình trí thức mà người cha đã bị xử tử. Thảm kịch gia đình đã tạo nên một Chu Quý què quặt, bệnh hoạn trong tâm hồn. Hắn muốn thoát ra khỏi bi kịch để thở, để sống, nhưng hắn bất lực. Hắn ý thức được bệnh hoạn của mình, cố tìm mình trong gương chiếu hậu, muốn chữa bệnh nan y cho mình, muốn tìm hiểu sự thực về mình, nhưng cuối cùng, gần tới đích, hắn sợ. Gần chạm tay đến sự thật hắn bỏ cuộc: Chu Quý bị dầy vò giữa hai lực cản: can đảm và hèn nhát. Trải qua những kinh nghiệm kinh hồn, hắn muốn bám víu vào tình yêu; nhưng rút cục tình yêu, hay Thảo Miên, cũng chưa chắc đã là một cái gì thật sự có, hay nàng chỉ là giấc mộng, là ảo tưởng mà Chu Quý tạo ra để tìm một an ủi cuối cùng?
Thụy Khuê
Paris, tháng 3/2003
Tạ Duy Anh - kẻ bước chưa qua lời nguyền
TP - Từ lâu gã không còn quan tâm đến thời sự văn chương. Mặc ai khen, ai chê, gã cứ sống và viết theo cách của gã. Gã không ghét người chê gã. “Chê người khác là quyền tối cao của công dân và phải để cho họ thực thi cái quyền ấy” - Gã thường bảo vậy. Và cười khẩy với mọi đố kỵ.
Tạ Duy Anh
ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nói chuyện về trẻ con hàng giờ không chán
Tiếng cười quen quen xả hết mọi xì-trét, kèm theo những cú vỗ đùi phành phạch. Phòng Biên tập Văn học trong nước chỉ có mình Tạ Duy Anh đang ngồi.
Hình như gã vừa tiễn ai ra khỏi phòng, mà cũng có thể vừa đọc được điều gì thú vị. Cả nhà xuất bản khả kính chỉ có gã và nhà văn Nguyễn Khắc Trường là có cái cười đặc sắc.
Nguyễn Khắc Trường cười thì người ta vẫn cảm thấy sự oai vệ của cây đa cây đề. Tạ Duy Anh cười thì thấy thoải mái của sự buông thả trắng phơ, tự do và không có gì phải giữ gìn.
Gã mặc áo chim cò hơi khác với ngày thường, ngồi sau chiếc bàn công vụ bình thường, máy vi tính bình thường, ghế xoay tròn, tủ tài liệu bình thường và chồng bản thảo đang làm… chắc cũng bình thường nốt.
Sạch sẽ và tự tin, gã giống như mọi công dân trong vai vị viên chức nhiều trách nhiệm và lương tâm. Gương mặt sáng sủa, mọi đường nét dường như xung đột thái quá. Sắc nét. Nhưng điềm tĩnh có được do sự rèn luyện chật vật nào đấy. Nhưng toát lên sự yên lòng và tin tưởng ở nơi gã. Dù có thể ai vô tình không đẹp, thì hẳn gã cũng không xấu chơi.
Vầng trán thông minh nhưng rộng quá. Tóc hơi ít quá. Mũi hơi thẳng quá, mày rậm, ánh mắt nhanh, sắc và trực diện quá. Ánh mắt như muốn cởi toang lớp lang che đậy của người ta ra rồi lại làm vẻ như chưa biết gì. Nhiều khi tôi cũng ngài ngại bị ánh mắt ấy chiếu trực diện.
- Ô, ông đấy à, ngồi đi.
Một câu đáp đượm tinh thần trung dung, bảo nồng nhiệt cũng được, nói nhạt nhẽo cũng có phần đúng. Gã ngáp dài, vươn vai, văng một bâng quơ vô nghĩa (nếu như ta là chỗ quen biết lâu lâu).
Gã loay hoay một vòng, xốc xốc quần, thao tác pha chè và trong khi vẫn tìm gói chè vứt ở chỗ nào đã vống lên:
- Mẹ khỉ, số ông may thế, vừa kiếm được mấy ấm chè ngon hôm qua.
Đẩy chén nước về phía tôi, ánh mắt gã sắc lẻm quan sát suốt lượt không thèm che đậy.
- Ông xuống đây có gì việc gì dạy dỗ anh em không ? Làm ăn ra sao? Viết lách thế nào ? Bọn trẻ con ngoan và học tốt chứ ?
Ý cuối của câu hỏi, được gã nhấn mạnh với chất giọng đặc biệt. Hình như gã hỏi thăm đến con người khác cũng như là đang nói về con mình. Lạ lùng Tạ Duy Anh, trong các câu chuyện, dù là chuyện phiếm mà có liên quan đến trẻ con thì bao giờ cũng khiến gã say sưa, thiên chân, mắt ngời veo veo trong.
Gã yêu trẻ con, yêu con gã khó mà tưởng tượng. Khi gã nói về các con gã, tôi luôn có cảm giác áy náy là mình không yêu các con mình được như là gã yêu các con gã. Tôi luôn luôn ghen tị với gã về thứ tình yêu này. Dường như là tôi yêu các con mình chưa đủ…
Nếu được lắng nghe, được kích thích, gã có thể nói hàng giờ về các con với tinh thần như đang được nhận thứ ánh sáng từ thiên đường chiếu rọi và tắm gội tự tâm hồn. Gã như rên lên, khi bắt đầu bằng những câu mở đầu: “Hôm qua, thằng Tôm nhà này, con Nhím nhà tôi…” hoặc bất kỳ một hình dung nào khác để chỉ đứa con: ông oắt, thằng lỏi, thằng nhóc, con trời. Và toàn bộ gương mặt gã bừng lên nụ cười rạng rỡ.
Tạ Duy Anh (thứ hai từ trái sang) và các kỹ sư dầu mỏ
trên giàn khai thác Đại Hùng,cách đất liền 250 km
trên giàn khai thác Đại Hùng,cách đất liền 250 km
Khi kết câu chuyện con trẻ, gã gằn giọng:
- Tôi không hiểu tại sao có những người lớn lại ghét trẻ con ông ạ. Không hiểu những con người đó họ cấu tạo bằng thứ vật chất gì mà lại quái đản như vậy. Người không quí yêu trẻ con chắc chỉ là quái vật…
Tôi biết một lão già thích viết hồi ký, nhà ở cuối ngõ nên có khoảng sân chung tương đối rộng, đủ chỗ cho trẻ con chơi bóng nhựa gôn tôm và đá cầu mỗi khi tan học. Có lẽ cần yên tĩnh, lão ta đã đổ nước đái ngâm bốn góc sân chưa đủ lại còn đập cả vỏ chai rượu Lúa Mới rải mảnh thủy tinh khắp sân.
Gã bỗng tái mặt, nghiến răng, tay nắm xiết, lập bập như muốn xông tới sống mái một phen.
- Thằng cha khốn nạn đó ở đâu?
- Ở đâu thì ông làm gì được lão ta nào? Chẳng lẽ ông định đánh lão ta. Lão vừa có tiền vừa có quyền. Lão chỉ ghét trẻ con chứ chẳng có lỗi nào hết…
- Thì cũng phải chơi lại chứ… ai lại để nó ác thế được. Lộn phải tay tôi mà bắt khi nó đang làm việc đó, thì sống chết tôi phải nhổ vào một bãi vào mặt hoặc tống cho một quả. Rồi muốn đi đâu thì đi…Chẳng qua là cái tiểu cộng đồng quanh đó nhu nhược…và cũng vô cảm nốt…Thế ông ở đâu? Làm gì ? Mà lại chỉ kêu ca suông…
Viết như là sợ không còn cơ hội
Tôi nghĩ thầm: Dào ôi, thì ông viết bao nhiêu trang sách lên án thói tật người đời đấy, liệu có giá trị thực tiễn nào không hay chỉ có giá trị với chính ông và một nhúm bạn nghề, bạn đọc. Thôi thì chẳng qua viết văn cũng là một cái nghề, mà chúng ta buộc phải chọn lựa khi số phận không cho chúng ta cách lao động khác. Đánh nhau tay chân với thiên hạ cũng thua. Đánh bằng chữ thì cũng thua nốt. Loại ấy có bổ đầu nó ra cũng không nhét được chữ vào.
Không, điều đó chắc chỉ đúng với tôi. Là người nổi tiếng, gã có cái quyền hành xử của người nổi tiếng, tôi bì sao được.
Hình như tôi nhớ không lầm, đã nghe gã thổ lộ, bút hiệu Tạ Duy Anh như rơi từ trên trời xuống. Gã viết xong cái truyện đầu tay năm 20 tuổi, trong một căn nhà gạch thủng tứ tung, lại tối om và cứ tự nhiên đề Tạ Duy Anh ở bên dưới. Gã tin vào thiên chức và sứ mệnh nhà văn của mình.
Tôi phục văn chương gã chứ không yêu. Đọc gã tôi bị căng thẳng. Bị hành hạ vì những điều quái đản của con người. Chỉ những con người hành hạ con người. Cảm xúc bị áp đặt và kéo căng ra. Y như tiếp xúc với các tác phẩm của Dostoevsky vậy. Bởi chưởng lực gã mạnh. Hầu hết các tác phẩm ấn tượng của gã đều thấy rõ ràng dấu vết nghiệm sinh từ đời sống thực của cả dòng họ đến sự trải nghiệm đau đớn của chính bản thân. Sự ác của con người.
Gã ngạc nhiên trước cái ác, trước người ác và đi cắt nghĩa lý do. Quyết liệt với cái ác. Văn của gã hừng hực, xoắn vặn ào ạt cuốn băng đi các sự kiện bởi cảm xúc sôi trào trong cơn lên đồng từ lúc mở đến kết cuốn sách. Một độc thoại khó nhọc vận hết khí lực mỗi câu chữ cứ triền miên cắn cấu. Viết như là sợ không còn cơ hội viết văn nữa.
Tôi biết gã lần đầu là do theo người bạn. Cũng đã hơn mười lăm năm. Dạo đó hình như gã bị xuất huyết dạ dày. Người bạn cùng học Viết văn Nguyễn Du đã đại diện một số bạn bè cùng lớp mang đồ vào thăm gã. Bạn gã và cũng là bạn tôi giới thiệu sơ sơ :
- Một tay chơi được mặc dù khó chơi, làm ở Sông Đà, cũng đi lính về, lắm lời đến mức kiêu ngạo, uống rượu giỏi, học giỏi cỡ thủ khoa, và cười thoải mái nhất trên đời. Chắc đang chán đời, xuất huyết dạ dày lần này là thứ tư…
Tôi ngày đó cũng chẳng hơn cọng đu đủ xanh, nhưng cái gã nằm dưỡng bệnh trên chiếc giường khung sắt lốm đốm chấm gỉ đen và drap ngả màu vàng vàng cũng lấm chấm lỗ thủng và những vệt cặn bẩn ố vàng nồng mùi thuốc tẩy thì đúng là cọng đu đủ già héo quắt, võ vàng. Gã nằm bẹp, thở dốc, thiêm thiếp, mong manh giữa những dây truyền dịch.
Không có câu chuyện nào cả. Người bạn ấy đã nắm bàn tay xương xẩu như đọt tre khô của gã như muốn truyền sự chia sẻ gánh đỡ chút ít của những người viết văn thuần tuý về mặt tinh thần nhiều hơn là chiếc phong bì mỏng xẹp.
Tôi đứng bên ái ngại và yên lặng chuẩn bị quay lui.
Thì chính lúc ấy gã cố gắng mở mắt, cái đầu nhúc nhích hướng về bạn tôi, tay chắp trước ngực run run, ánh mắt sáng rực, bạo liệt, ngoan cường đến nóng rẫy. Tôi thầm nghĩ cái tai nạn gã đang gánh chẳng là muỗi gì với những điều gã đã trải. Gã sẽ bình phục bởi tinh thần và nghị lực quyết sống chứ không phải thể chất ọp ẹp kia được bồi bổ dưỡng chất.
Và cái ánh mắt gã hôm ấy, còn ám ảnh tôi mỗi khi đi thăm một ai đó ốm đau. Ánh mắt của con bệnh hình như sẽ quyết định sự sống chết, sự lâu, mau trong điều trị. Chắc bây giờ khi tôi có cơ hội viết ra điều này thì gã mới biết, tôi đã từng theo bạn học của gã đến cái bệnh viện gã đã nằm cấp cứu…
Bẵng đi mấy năm, do những lí do trời ơi đất hỡi mà văn chương làm duyên cớ, tôi xui tôi đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn thì đụng gã ngồi lù lù ở chiếc bàn biên tập vô cùng quan trọng. Mà hình ảnh gã thì quý vị đã diện kiến phần đầu câu chuyện.
Nhưng tôi với gã không có duyên làm việc bản thảo với nhau. Một quan hệ song phương lúc đậm lúc nhạt. Tuỳ theo đề tài ngẫu nhiên nào đó. Thường là gã đưa ra những lời bàn sáng suốt và khôn ngoan. Nhưng là của riêng gã. Và không thiếu sự chân thành.
Tôi ngưỡng mộ và trọng thị tài năng, sự nổi tiếng của gã là đương nhiên rồi. Bởi gã đã có những cuốn sách gây tranh cãi trong hậu trường lẫn ngoài thị trường. Hầu như cuốn nào cũng bị cái gọi là “có vấn đề” nhưng rồi phần lớn vẫn ra được. Gã thuộc số ít nhà văn sống được bằng nhuận bút.
Thi thoảng tôi có dịp ghé Hà Nội ngồi với gã, trong không gian bữa trưa kiểu công chức mỗi suất năm mươi nghìn cùng với mọi người. Gọi một chai rượu. Uống đưa đà. Gã cầm trò nói những câu chuyện vui. Và văng tục lem lẻm, ráo như hành bóc. Nhưng lạ, sắc vẻ mặt gã cho thấy rõ ràng sự tục ấy chỉ diễn ra ở bên ngoài miệng gã chứ chẳng liên quan đến con người thực. Tục để cho vui, cho bớt xì-trét cái sự nhàm mòn đời công chức. Nói tục nhưng ngẫm nghĩ sâu xa thì lại thấy thanh, gã hoàn toàn tự chủ về ngôn ngữ.
Ngay cả trong những lúc tràn trề hoà đồng thì gã vẫn có khoảng cách tự tách mình khỏi đám đông ở phía bên trong, ngay cả lúc gã xả cái cười ha ha khơ khơ. Gã sợ đám đông. Dư luận của đám đông có thứ vị kỷ a dua tốt xấu lẫn lộn, gã thấm hơn bao giờ.
Nghề gì cũng đòi hỏi cái đạo của nghề ấy
Hơn một lần tôi thắc mắc, khi thấy gã vẩn vơ gác chân lên bàn. Lổn nhổn những tập sách bìa cứng, chữ nhũ sang trọng phía sau. Cuốn mỏng gió thổi bay, cuốn có thể rơi gãy chân. Và một chồng thư mời họp còn nguyên.
- Này ông, cái cuộc họp quan trọng thế sao không có ông nhỉ?
- Quan trọng với người ta nhưng không quan trọng với tôi.
- Nhưng hôm đó bàn về nghề hay lắm…
- Kính các bác. Nhà cháu không có chuyện gì ở đấy cả.
- Cái gì quan trọng với ông?
- Con. Và những việc mình thích…
- Ngay cả đại hội nhà văn ông được mời mà cũng không đi…
- Thì tôi thấy chẳng có lý do gì để tôi đi dự thêm nữa sau hai lần. Đi dự tôi viết văn hay hơn, sống có ích hơn thì hẳn là tôi sẽ đấu tranh để đi bằng được. Tôi đi chật chỗ người khác.
- Có cực đoan không…
- Ai muốn nghĩ gì thì mặc họ, tôi không quen thanh minh về bất cứ điều gì…
- Cà phê nhé.
- Không.
- Trưa, ngồi với nhau một tí chứ.
- Tôi bận đi đón con. Khỉ thế. Chiều tối ông còn ở lại thì qua nhà tôi lai rai…
- Thôi vậy, tôi ngược vậy.
Bận khác, gặp nhau chốc lát tôi lại phải về. Nhưng chưa kịp quay ra cửa thì gã đã níu lại ấn cho một lô những đống sách bìa cứng chữ nhũ.
- Này biếu ông …
Không chuẩn bị nhận quà, ôm rơi lụp bụp xuống sàn tôi nhặt lên đọc lướt bìa thì rặt là sách đặt hàng. Chẳng hiểu thế nào nữa, gã cho rằng tôi xứng đọc những cuốn sách dầy đặc thành tích sản xuất chiến đấu xây dựng hay là gã muốn dọn cho chỗ làm việc quang đãng hơn…
Không nhận thì phụ mà nhận thì thực tôi cũng không biết để làm gì với những cuốn sách nặng như đá kia. Nên một bên cố ấn, một bên cố từ. Cuối cùng thỏa hiệp là gửi lại tại chỗ, khi nào có điều kiện tôi sẽ rước đi.
Rồi bỗng nhiên gã sung sướng vỗ lên cái trán siêu thực của mình.
- A ha thật may, tôi có cuốn vừa ra ở nhà Kim Đồng, ông mang về cho bọn trẻ nhé.
Đề tặng nắn nót, chữ ký bác Tạ to đùng phóng khoáng. Hắn bảo chỉ có trẻ con là đáng để cho hắn kính trọng. Dĩ nhiên là tôi thích.Vì Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn mà các con tôi đọc cùng với Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều...Chúng cũng chẳng phải là những đứa trẻ đặc biệt nhưng say mê đọc các vị này từ năm bảy tám tuổi, một cách hồn nhiên…
Và đặc biệt gã khiến cho tôi tự hào phổng mũi trước vợ con, khi giới thiệu đây là nhà văn Tạ Duy Anh đã có văn tuyển trong giáo khoa thư. Những cuốn sách viết về trẻ con của gã thì ai cũng có thể đọc. Con tôi đọc vì câu chuyện và trực giác tin cậy vào gã, còn tôi đọc vì thấy trái tim nhạy cảm của gã phập phồng loạn nhịp.
Bỗng gã hứng lên rủ tôi đi đâu đó ngồi tào lao. Hết chuyện con cái, văn chương, thế sự rồi đàn bà. Dường như chuyện yêu đương gã chỉ thích thầy dùi người khác thực hiện để gã quan sát chơi chứ cũng chẳng cần để lấy tài liệu viết lách. Bởi gã không mặn mà với thứ văn chương cần đi thực tế. Gần 30 năm nay gã không tham gia bất cứ trại viết nào. Và tình ái thì cũng vậy. Chay tịnh. Gã thề sống chết thề chết, theo thói quen ngoa ngôn. Tôi tin vì đã nghe trực tiếp. Người khác thề tôi ngờ, nhưng không hiểu sao với gã tôi tin như là một lẽ tự nhiên.
từ trái qua: các nhà văn Nguyễn-Tham- Thiện- Kế -- Tạ Duy Anh
-- Sao Mai-- Nguyễn Khắc Trường
-- Sao Mai-- Nguyễn Khắc Trường
- Nếu ông về Hà Nội mà có khó khăn trong việc lái xe vào phố thì cứ a lô. Tôi sẽ giúp.
Tôi không hy vọng gã cũng như bất kỳ ông bà nhà văn nào lái xe giúp vào thành phố giờ cao điểm. Đầu giờ sáng điện thoại lôi được các vị ra khỏi giường thì thà thuê luôn taxi. Nhưng chính yếu là chúng tôi đều “ hờn căm” giá xe ô tô trên trời ở Việt Nam. Thi thoảng gã lại giãy lên:-“Ôi trời, mẹ khỉ hôm kia tôi thấy con X6 đẹp long lanh. Nhìn đã thấy sướng, chắc ôm vô lăng phải sướng lắm”. Có lần gã tâm sự rất thích lái xe trên đèo, một bên là núi bên kia là vực thẳm. Không thể tả được cái cảm giác sướng rợn người lúc ấy.
Ngỡ tưởng gã là người chỉ quan tâm những thứ cao siêu, thì ra cũng có lúc trần tục đam mê thói thường như tôi. Tôi cho rằng lùi là việc khó nhất. Bất kể việc gì, tiến xong rồi lùi đều khó. Còn gã, thi tay bo với máy vi tính ngay lần đầu đã vút kim điểm chuẩn, thì lại bàn hay hơn.
- Vấn đề không phải lùi hay tiến, mà ở cái đạo của người lái xe. Nghề gì cũng đòi hỏi cái đạo chuẩn mực của nghề ấy. Vì nghề nào thì cũng phải ngoặt trái, ngoặt phải, tiến, lùi, dừng từ từ, tăng tốc, đủng đỉnh… phanh gấp. Biết cái nhịp của mình…
Đúng là gã tự tin trong văn chương và cũng tự tin đến liều mạng trong sự lái xe. Người dạy gã kể, buổi sáng gã còn chưa biết vị trí các số, vậy mà chiều tan tầm gã đã lái vào một con ngõ cực đông của đường Thanh Xuân. Ngay cả “thầy dậy” ngồi bên cạnh cũng lắc đầu không còn biết nói gì.
Nhận bằng lái hôm trước thì hôm sau gã đã ôm vô lăng con Kia 1.3 đưa nhà văn Nguyễn Khắc Trường từ Hà Nội, qua Việt Trì vòng lên huyện núi Thanh Sơn, thăm nhà văn Sao Mai và tiện thể chuyển tuyển tập cho ông.
Ba trăm cây số đường đô thị, trung du và miền núi mà gã phóng veo veo như tay đua công thức I. Ngồi bên cạnh thấy gã bặm môi méo miệng, nhíu mày, trán lổn nhổn mồ hôi hạt, tôi chết cứng lo sợ. Trong khi Nguyễn Khắc Trường vẫn vô tư khà khà thưởng thức những câu chuyện vui dọc đường.
Nhưng giờ thì ô tô không còn là mối quan tâm của gã. Nhắc đến lái xe bây giờ gã sẽ uể oải như người ta vừa trải qua bữa trưa lỡ nhồi nhét quá nhiều chất đạm. Gã bảo, lái xe ở Hà Nội khiến người ta thiền nhanh hơn là ngồi kiết già! Muốn thấy gã sinh động thì tốt nhất là nói về trẻ con, đàn bà, những tật xấu của người Việt, thói vụ lợi, giả dối của một bộ phận trí thức Việt...
Với tư cách nhà văn trong người biên tập, gã đã hành xử một cách công bằng tinh tế, trong những hoàn cảnh khác nhau. Bài khen mình thì đặt ra ngoài, bài chê thì đàng hoàng để in, dù gã có quyền chủ động. Điều tưởng giản đơn này không phải ai cũng có gan đi tới cùng.
Tạ Duy Anh là ai nhỉ ? Thỉnh thoảng vẫn cợn lên trong tôi câu hỏi như vậy mỗi khi có cớ nghĩ về gã. Một nhà văn tài năng quyết liệt (gã quyết liệt với chính gã) một gã tử tế chơi được nhưng là người lãng mạn vừa phải. Bởi gã quá yêu con trẻ, và sự bình yên của một gia đình. Gã có những lời nguyền bước qua được trong văn chương đã lên án, cắt nghĩa, truy đuổi cái ác tận cùng mỗi trang sách. Nhưng hơn ai hết trong chúng ta, gã biết từ văn chương đến đời sống thực còn cần bao nhiêu là cây cầu bắc qua các dòng sông tăm tối. Mà gã cũng chỉ là một cây cầu...
Tôi gõ cửa bước vào phòng biên tập Văn học trong nước, thì đúng lúc Tạ Duy Anh đi ra. Tôi chưa kịp gì, gã đã xem đồng hồ:
- Bỏ mẹ, đến giờ đi đón bọn trẻ rồi. Hẹn chiều nhé… - Gã nắm tay giật giật - Ôi sao hôm nay bố cháu đẹp giai nhỉ. Ngon lắm! Ông không tin à, tôi thề đấy…
Tạ Duy Anh lại thề. Trong trường hợp này, dù gã không thề thì tôi cũng vẫn muốn tin.
Hồi gia đình Tạ Duy Anh còn ở Tân Mai, có tên trộm trèo tường vào tháo chiếc công-tơ-mét chiếc Cúp 81. Phát hiện tên trộm, gã hắng giọng. Kẻ cắp cuống cuồng nhảy qua tường hòng thoát thân, nhưng tường quá cao không thoát ra nổi, thì gã bỗng hài hước mách nước: “Ngốc ạ, phía sau có bậc đấy, cứ từ từ mà bước qua!”. Vợ gã chạy ra, trách sẵn đá đấy (đống đá to do bọn trẻ thu nhặt về chơi) sao không cho nó một phát. Ôm vai vợ gã cười ha ha:” Người ta đến có rượu thì mời, không thì thôi, sao lại đưa đá ra. Mà nhà mình rượu còn không ấy nhỉ?”.
NGUYỄN THAM THIỆN KẾ
Quyết liệt với chính mình
Nổi danh ngay từ truyện ngắn đầu tiên Bước qua lời nguyền, nhà văn Tạ Duy Anh thường mang lại cho đời sống văn chương không ít xôn xao mỗi khi tung ra tác phẩm mới. Đầu tháng 3-2008, Tạ Duy Anh trình làng tiểu thuyết Giã biệt bóng tối do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả về những gì phía sau Giã biệt bóng tối
. Phóng viên: Trước hết, xin chúc mừng anh trở lại văn đàn bằng Giã biệt bóng tối. Với tên tuổi của Tạ Duy Anh, chắc chắn tiểu thuyết này sẽ được đón nhận một cách hào hứng. Với cá nhân anh, Giã biệt bóng tối có ý nghĩa đánh dấu một chặng đường mới không?
- Nhà văn Tạ Duy Anh: Cảm ơn anh đã đọc và có ấn tượng tốt đẹp về tôi và sự nghiệp văn chương của tôi. Chẳng phải ai cũng yêu quý tôi như vậy đâu. Thế nên tôi đâm lo chả biết có được như anh kỳ vọng không? Khi đặt bút viết bất cứ một tác phẩm nào, tôi phải có đủ niềm tin rằng nó chưa hề được thể hiện như vậy ở đâu đó, kể cả của chính mình, thì tôi mới có thể duy trì được cảm hứng và sức lực để “kéo cày” nhiều ngày nhiều tháng liền. Vì vậy, sau Giã biệt bóng tối, nếu tôi còn viết tiếp thì các thủ pháp, cách thể hiện sẽ phải hoàn toàn khác. Tóm lại, với tôi, mỗi cuốn sách chưa viết đều là một chặng đường mới và khi viết xong rồi thì chặng đường đó đã ở phía sau.
. Khi anh vừa theo nghề cầm bút, đã có ngay một truyện ngắn Bước qua lời nguyền vang dội, đến mức giáo sư Hoàng Ngọc Hiến dùng tên gọi ấy để đặt cho cả một dòng văn chương sau đổi mới. Tuy ở hai thể loại khác nhau, nhưng tôi thấy rằng yếu tố quyết liệt trong Giã biệt bóng tối cao hơn Bước qua lời nguyền rất nhiều. Liệu anh đã đủ tự tin để “bước qua lời nguyền” của chính mình?
- Một câu hỏi thật thú vị và dồn tôi vào chỗ khó, nơi chân tường. Trong trường hợp đó, nếu là anh thì anh sẽ làm gì? Còn tôi thì đành liều mình thôi. Tường thì có bức cao, bức thấp. Bức thấp có thể nhún mình bước qua. Còn gặp bức cao, lại có hàng rào gai bao bọc, bên dưới lại nhan nhản cạm bẫy thì phải lấy đà xa để nhảy qua, mà phải nhảy sao cho không bị rơi trở lại. Tức là phải thật quyết liệt với chính mình. Tôi nghĩ là đã trả lời vào câu hỏi của anh cho trường hợp Giã biệt bóng tối.
. Nếu theo lời tự giới thiệu của “người dẫn chuyện” thì Giã biệt bóng tối có phẩm chất “có vẻ như nó là một câu chuyện hoang đường và không phải dành cho người yếu bóng vía”. Thế nhưng, khép lại cuốn sách chưa hẳn là một tiểu thuyết “kinh dị”. Anh có thấy vậy không?
- Vâng, tạng của tôi không hợp cho truyện kinh dị, theo như cách định nghĩa có trong từ điển văn học. Nhưng gây cho người khác sợ không cứ phải là truyện kinh dị. Tôi muốn nói đến khả năng chịu đựng. Anh đọc Bước qua lời nguyền rồi đấy, nó thật hiền lành, giàu tình cảm... vậy mà khi ra đời vẫn khiến có người... sợ? Sẽ lại có những người sợ Giã biệt bóng tối, đúng hơn là không chịu đựng được nó và đương nhiên với tôi, họ là những người yếu bóng vía. Tôi không muốn những người đó trách tôi là đã không ghi cảnh báo trên sản phẩm.
. Khi đặt cạnh hai tiểu thuyết trước đây của anh là Đi tìm nhân vật và Thiên thần sám hối thì Giã biệt bóng tối có bước chuyển biến về bút pháp khá rõ nét. Bên cạnh ưu điểm ấy, liệu anh có chút băn khoăn về tính khái quát và tính “nóng bỏng” giảm sút của Giã biệt bóng tối so với hai tác phẩm trước đó?
- Nghe anh hỏi nhẹ nhàng thế mà tôi cảm thấy bị đè nặng cả ngàn cân về trách nhiệm không phải chỉ với anh, mà còn với độc giả, với chính mình. Vậy là nặng, nhẹ, nóng bỏng hay điềm đạm, đâu chỉ ở mức độ quyết liệt trong ngôn từ mà là khả năng xoáy sâu vào tâm can người khác lời cật vấn về điều mà chúng ta muốn họ quan tâm. Nhưng mà được anh hiểu cho thế thật mừng. Tôi đang lo có người bảo tôi càng già càng cay nghiệt hơn đấy.
. Anh có dòng “tự quảng cáo” rằng: “Nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả của tiểu thuyết Sinh ra để chết (chưa công bố)! Thoạt nghe rất ấn tượng. Xin hỏi lại cho rõ, chưa công bố hay chưa chấp bút?
- Tôi sẽ không bao giờ khoe về một tác phẩm nào đó khi vẫn còn một vài dòng phải sửa chữa. Sinh ra để chết hoàn thành từ năm 2005, trước khi tôi bắt tay viết Giã biệt bóng tối một năm. Đó là cuốn tiểu thuyết mà tôi dành cho nhiều sự quan tâm nhất và tôi cũng muốn được nhiều người đọc nhất-so với những tác phẩm của tôi, trước hết vì nó sẽ cho họ sự sảng khoái. Tôi đã sửa đi sửa lại suốt mấy năm qua đến mức phải thề là không sửa nữa kẻo nát cả bản thảo.
. Nghe nói, ngày nào anh cũng viết. Vậy trung bình mỗi ngày anh “cày” được bao nhiêu trang?
- Không phải thế đâu. Ngày nào tôi cũng suy nghĩ về việc viết thì đúng hơn. Tôi nghĩ về tác phẩm nào đó thì lâu, nhưng thể hiện nó rất nhanh. Khi tôi bị cuốn vào bàn viết thì không có ngày, đêm, giờ giấc gì nữa. Có thời kỳ cả tuần tôi không ra khỏi ngõ. Nhiều phen, nửa đêm vợ tôi lên phòng làm việc của tôi nghiêm nghị yêu cầu tôi nghỉ. Nhưng chỉ một lát, thấy tôi cựa quậy trên giường thì lại bảo: Thôi, thà anh làm việc tiếp đi còn đỡ khổ hơn.
. Và thông thường, anh có phải chỉnh sửa lại bản thảo nhiều hay ít?
- Thời gian tôi sửa chữa một tác phẩm thường gấp 5-7 lần thời gian viết nó ra.
. Với thể loại tiểu thuyết mà anh đang theo đuổi, anh cho rằng tiểu thuyết Việt Nam có đáng đồng tiền bát gạo so với thực tế đời sống Việt Nam không?
- Tôi không biết khi độc giả bỏ ra vài chục ngàn đồng để mua một cuốn tiểu thuyết Việt Nam, trong đó có tiểu thuyết của tôi, thì họ có xót như khi bỏ ra ngần ấy tiền mua mấy cốc bia không? Tôi chỉ biết rằng sách ở Việt Nam rất rẻ căn cứ trên giá bìa. Đương nhiên, nếu họ mua xong để lại phải đem ném đi, thì một hào cũng là quá đắt. Vì vậy, phải căn cứ trên từng cuốn sách cụ thể anh ạ. Mà điều này thì tôi không thể biết được.
. Nếu so với tiểu thuyết các nước khác thì tiểu thuyết Việt Nam có đáng để tự hào chưa?
- Là một nhà văn nghiêm túc, cũng như một kinh tế gia nghiêm túc, hay một người bình thường nghiêm túc thì cũng nên thường xuyên nhìn ra bên ngoài để biết mình đang ở đâu. Và theo tôi, thái độ tự trọng sẽ giúp mỗi người cần phải làm gì. Tôi vẫn cho rằng đa phần người Việt đang quá lạm dụng lòng tự hào và tôi cố để không bị gộp chung vào số đó.
LÊ THIẾU NHƠN
thực hiện
Trở về
Chân dung Văn nghệ sĩ
Danh sách Tác giả
Emprunt Empreinte
MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.
[]
---------------------------
trích từ blog phan nguyên
=================
[]
---------------------------
trích từ blog phan nguyên
=================