Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

NHỚ VỀ MẸ HIỀN / tâm bút : Trần Thị Bông Giấy ( nhân Lễ Vu Lan 2017) -- blog chinhkhiviet/

NH V M HIN 
(nhân Lễ Vu Lan 2017)
 tâm bút: Trần Thị Bông Giấy


                                                   thân  mẫu TRẦN THỊ BÔNG GIẤY  khi 27 tuổi
                                                                               (ảnh: TTBG )

)




KHI M CÒN SNG
tháng 10 đầu thu, 1992. San Jose.


Những cơn ho rũ làm đau rát cả vùng ngực tôi thì ít, nhưng bóp thắt tâm tư mẹ tôi lại rất nhiều. Thực mà viết, tôi không chịu được phải nhìn bà tự ý đi bổ những thang thuốc Bắc, đem về cặm cụi nấu cả ngày, xong bưng lên đưa cho tôi uống. Tình thương lai láng của bà khiến tôi sợ hãi khi phải chìm sâu trong một thức mặc cảm càng nhiều hơn nữa. Cái "mặc cảm bất hiếu", đến từng này tuổi vẫn còn làm cho mẹ phải lo âu.
Một lần tôi nói với bà: "Nếu mẹ để yên đừng săn sóc cho con, có lẽ con sẽ mau khỏi bệnh." Bà không hiểu. Nhưng tôi thì rất hiểu những gì mình nói.
Mẹ tôi đôi mắt đã mờ, mái đầu bạc trắng, mình hạc xương mai gầy mòn yếu đuối... Vóc dáng này, như một nỗi đau vẫn nằm khắng khít trong lòng, tôi rất thương. Nhưng cũng chính bà là niềm hối hận triền miên đeo đuổi tôi nhiều đêm không ngủ. Gần bảy mươi năm trôi qua, một đời người cuốn nhanh như gió thổi! Tôi không còn nhiều cơ hội để báo đáp mẹ tôi cái công sanh dưỡng. Cũng không được bao nhiêu ngày đền tạ với bà những tội lỗi đã làm.
Có đêm bị dày vò đến không ngủ được, tôi hối tiếc những gì gây ra đau khổ cho mẹ tôi trong nhiều năm dài đăng đẵng. Hối tiếc những bước chân phiêu bạt suốt thời tuổi trẻ đã làm tâm tư bà héo hắt khôn nguôi.
Giờ đây có lúc nhìn thấy hình hài mẹ tôi rũ xuống như cây khô chờ rụng, tôi nghe dậy lên trong lòng một mối cảm thương vô hạn. Niềm vui nào mang lại cũng đều là muộn màng vô ích. Nỗi hạnh phúc nào cố gắng tạo ra cũng không thể lấp đầy những lỗ trống đau thương trong trái tim khô héo của bà. Cớ sao tôi lại muốn làm cho bà lo phiền hơn nữa? Cớ sao lại muốn đày đọa bà hơn trong những cơn ho rũ phát ra từ lồng ngực của tôi?
[]


KHI M VA
CHT CHIU NAY
San Jose, Thứ bảy Nov. 29/2014


Lúc 5:45 PM, một vị bác sĩ khác đến bắt tay tôi và lập lại câu hỏi "Có muốn rút ống thở khỏi miệng bà?"
Tôi hỏi lại ông:
"Có chút hy vọng nào không?"
Ông lắc đầu:
"Hoàn toàn không, chỉ có thể kéo dài từng quãng sau khi bơm oxy vào người."
Ông nói thêm:
"Nếu rút ống thì bà sẽ ra đi thanh thản hơn."
Tôi biết là tuyệt vọng, cái gì chờ đợi trong lo sợ bấy lâu, nay đã thành sự thật. Nên bằng lòng rút ống thở. Nhìn lên đồng hồ thấy đúng 6 giờ kém 5 phút chiều. Bất thần khi ấy cậu Bảo từ ngoài bước vào phòng Mẹ.
(Về sau ngẫm lại mới biết chính là Mẹ muốn chờ cậu Bảo đến).
Ống thở được rút, khuôn mặt Mẹ trở lại thanh thản y như lúc đang ngủ. Cậu Bảo nhìn Mẹ, bật khóc nho nhỏ. Các nhân viên bệnh viện tế nhị rút đi hết, để lại bốn chúng tôi (tôi, cậu Bảo, Âu Cơ và chú Trúc thuê nhà) đứng quây bên giường Mẹ.
Tôi áp bàn chân Mẹ trong tay mình, xoa cho ấm lại. Rồi đến bàn tay. Xong lại đổi vị trí qua phía bên kia tiếp tục làm điều đó hồi lâu. Lòng đau đớn với ý nghĩ:
"Khi còn sống, Mẹ muốn được xoa bóp mà tôi lại nhiều lần làm cho có lệ trong tâm trạng mệt mỏi... Giờ đây..."
Tôi không dám đằm mình tiếp trong niềm hối hận.
Khi vuốt tóc Mẹ, mái tóc bạc phau mà Mẹ bị tôi nhiều lần cản ngăn không cho cắt, tôi lại lẩn quẩn không ngừng với nỗi buồn sâu sắc:
"Mái tóc này đã nhiều lần và chỉ một tuần trước thôi, tôi còn được đặt tay lên vò gội, bây giờ vĩnh viễn điều đó không còn nữa..."
Nước mắt chỉ chực ứa ra theo ý nghĩ này, tôi bật bảo Âu Cơ đi mượn cô y tá cái kéo. Ai cũng ngạc nhiên, nhưng cái kéo vẫn được đưa tới.
Thế là tôi cắt hai lọn tóc của Mẹ, định bụng di vật cuối cùng này của thân xác Mẹ sẽ từ đây theo trọn bên tôi trên mọi bước hành trình đơn độc trong suốt cuộc đời về sau.
Thế rồi, từ 6 giờ kém năm đến 8 giờ tối, tôi đứng bên xác Mẹ và chỉ làm những điều như vậy, trái tim tê dại và không một giọt nước mắt ứa ra khỏi khóe mi.
Cho đến lúc các nhân viên bệnh viện đến với cái băng ca và một túi nhựa màu đen thì tôi biết rằng đã đến hồi Mẹ vĩnh viễn rời xa chúng tôi...

*
* *

Về đến nhà thì đã gần 9 giờ tối. Căn nhà hoang lạnh hơn bao giờ. Tôi đi vào phòng ngủ Mẹ, nhìn từng vật dụng thân thuộc, từng cái áo cái quần, cái chăn cái mền, cái chén cái bát... Tất cả đều ghi đậm hình ảnh Mẹ trong suốt 20 năm tại nơi đây.
Thế là giấu mình trong phòng tắm, tôi bật khóc nho nhỏ.
Ngồi vào bàn viết, hồi tưởng lại từng chi tiết sự việc diễn biến từ 2:30 chiều hôm nay, nhớ lại thái độ của viên cấp cứu ghi giấy tờ, nhớ lại cái lúc Mẹ tiểu ra trong quần thấm ướt cả đùi tôi, nhớ lại, nhớ lại, tôi bỗng thấy một nỗi an ủi kỳ quái tràn ngập tâm tư.
Chính lúc Mẹ mặt gục vào ngực tôi là lúc Mẹ ra đi. Ra đi ngay trong căn nhà Mẹ từng sống, từng thở, từng sinh hoạt trong suốt nhiều năm.
Xen lẫn cùng sự đau khổ lớn lao chính là niềm hạnh phúc mới mẻ theo điều khám phá bất ngờ trỗi dậy làm trái tim tôi ấm lại chút ít.
Cho dẫu đã nhiều lần bực bội theo những cơn trở chứng trong tánh tình mẹ thì ít ra tôi đã làm trọn ước nguyện nhiều lần nói với Mẹ:
"Con sẽ không bao giờ bỏ Mẹ lại một mình trên nước Mỹ để tìm về sống tại VN".
Cho dẫu sống với tôi, Mẹ không được hài lòng cho bằng với các người con khác (như nhiều lần than phiền của Mẹ) thì ít ra tôi được là người cuối cùng cho Mẹ gọi tên cầu cứu khi nhìn thấy lưỡi hái của Thần Chết đang dữ tợn đưa ra.
Những điều "cho dẫu..." và "Ít ra..." này đã quay cuồng trong óc tôi suốt một đêm không thể nào chợp mắt. Nỗi đau mất Mẹ còn mới mẻ và bất ngờ quá khiến tôi chưa kịp suy nghĩ. Tôi chưa thấy thấm, chưa thấy quen, mà đâu đó vẫn nghĩ như mọi lần cũ:
"Ngày mai sẽ vào bệnh viện với Mẹ và ít hôm lại cũng đưa Mẹ về nhà."
Đêm đầu tiên trôi qua như thế.
[]


Chủ nhật Nov. 30/2014

Buổi sáng nhìn ra ngoài trời thấy mây đen nghịt. Nhớ lại lần mới đây, chỉ một tuần trước, trời đổ cơn mưa bất chợt sau nhiều tháng dài hạn hán, tôi đã thầm sung sướng với ý nghĩ:
"Trời mưa làm ấm cúng thêm căn nhà khi đang có sự hiện hữu của Mẹ già và Âu Cơ."
Bây giờ, trời cũng sắp đổ mưa nhưng niềm hạnh phúc cũ lại bị choáng ngợp bởi nỗi hối tiếc mới rằng:
"Tại sao tuần lễ trước không nói cho Mẹ nghe cảm nghĩ hạnh phúc này?"
*
* *
Thiếp đi một giấc ngắn buổi trưa, tỉnh dậy trong tiếng mưa rơi, chợt nhớ rằng vĩnh viễn đã mất Mẹ, trái tim bỗng dưng oằn xuống trong tâm trạng cực kỳ tuyệt vọng...
Tôi nằm úp mặt vào gối, nghiền nát con người và tâm tư mình trong một nỗi thống khổ sắc nhọn. 
Quả thật, trong cuộc đời lao đao giông gió, tôi đã nhiều lần bị mất người thân, từ Cha tôi, các người tình, hai đứa em, những người bạn.... nhưng so với lần mất Mẹ này, thấy các lần kia vẫn còn QUÁ NHỎ...
Ý tưởng cứ vậy mà lan man trong thế nằm trùm chăn úp mặt, tôi chợt nhận ra điều (y hệt đứa con nít lần đầu khám phá ra một sự bí mật nào đó của cuộc sống) rằng:
"Trên đời KHÔNG BẤT CỨ AI có được CHO TÔI tình thương chan hòa vô điều kiện như tình thương tôi đã nhận từ Mẹ suốt hơn 60 năm cũ. Ngay cả hai đứa con, chắc chắn rồi chúng cũng không thể nào dành cho tôi trọn vẹn tình thương được như tình thương của Mẹ đã ban cho."
Bấy giờ mới thấy mình THẬT SỰ ĐÃ MẤT TẤT CẢ theo sự ra đi của Mẹ, bấy giờ mới cảm nhận nỗi đau ghê gớm không gì có thể so sánh theo cái chết của người mẹ thân yêu.

*
* *

Cứ thế, nằm vùi trong chăn suốt buổi chiều mưa lạnh, tôi cảm tưởng như trọn thân xác mình rời ra từng mảnh; trọn luồng nghị lực trong cơ thể người đàn bà từng được bạn bè mệnh danh là "thép" bất ngờ tan loãng dưới cái khối nóng hừng hực không tên đang đè nặng trái tim tôi suốt từ chiều tối hôm qua.
Âm thầm như một lời cầu nguyện, tôi tự nói với Mẹ (mà tôi tin linh hồn Mẹ đang còn quanh quẩn theo chân tôi về căn nhà cũ):
"Ngày nào bên xác Cha, mẹ đã hứa rằng sẽ đến với đứa con nào trong cơn hoạn nạn. Suốt cuộc đời Mẹ đã thực hiện được lời hứa thiêng liêng đó. Thì bây giờ con xin lập lại những lời từng nói với Mẹ khi Mẹ còn sống:
'Mẹ hãy yên lòng ra đi. Con thề rằng sẽ không bỏ anh em nào của con bất cứ lúc nào họ gặp hoạn nạn dù họ có kêu gọi đến con hay không."
Trần Thị Bông Giấy
San Jose, Dec. 26/2014).




Trần Thị Bông Giấy
qua nét phác họa  điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu


----------------------------------
trích từ blog chinhkhiviet/
====================


                           

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ