Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Mầu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt ... / bài viết: Đường Bá Bổn -- Newvietart.com (fr.)

MẦU TÍM HOA SIM,
TÍM CẢ CHIỀU HOANG BIỀN BIỆT...


                                          Hữu Loan [i.e. Nguyễn Hữu Loan 1916-2010 Thanh Hóa.]


Mở máy vi tính.. đọc báo  mạng - tin Hữu Loan (H.L.)  qua đời ở tuổi 95, đập vào mắt tôi trên V.N. Express khiến  tôi hơi choáng váng.   Một thi sĩ  có tư cách sống, sau vụ "Nhân Văn",  tự xin trở về quê làm ruộng, bỏ hẳn  viết lách, chữ và nghĩa  suýt  làm  toi mạng. 

Khoảng  đầu  thập niên 90, ông vào tp HCM, trụ lại nhà  Lữ Quốc  Văn một thời gian ngắn - có một tấm ảnh chụp chung với  nhiều  văn nghệ sĩ   Saigon ở đây.  Bữa ấy, còn có mặt Lý Đại Nguyên, Thanh Thương Hoàng,  Uyên Thao,  Hoàng  Hải Thủy....vv,  chưa xuất cảnh - tôi nhớ khi chụp hình chung, HHT nhất định tự chen vào giữa, được ngồi cạnh tác giả "Mầu tím hoa sim." 

  Cho đăng lại "Thư viết ở Saigon"  Văn Uyển  xuất bản, San José 2000 ), anh Từ Vũ cho in lại tấm ảnh này, và tôi không còn nhớ nằm ở chương nào. Vừa rồi, Lữ Quốc Văn  cho biết, anh có một bản tác giả  chép tay   bài  "Mầu tím hoa sim" , có thể  coi là  chính xác nhất. Bởi từ khi "Mầu tím hoa sim" ra đời  thời kháng chiến chống Pháp,  các chàng  Vệ quốc quân chỉ được đọc  thơ  truyền từ "báo mồm" mà thôi. Đến năm 1956, báo "Trăm hoa"  xuất bản ở Hà Nội, Nguyễn Bính đăng bài thơ "Mầu tím hoa sim" lần đầu đầy đủ, trọn vẹn trên báo này - tác giả được nhận  nhuận bút cao nhất, 15 VNĐ, so với lương công nhân  27 đồng / tháng.

Hữu Loan vào Saigon chơi, thời kỳ bao cấp còn lắm cái nhiêu khê, ngoài việc gặp gỡ với anh em văn nghệ Saigon - với H.L thì không sao, còn với D.N.M., nhà văn Saigon cũ, thì anh chỉ uống  cà phê với bàn có hai người (anh và H.L.) , mà không có người thứ  ba- một cách đề phong  an ninh bản thân an toàn.  Anh bạn  này mới đây vừa  cho  tái bản một lúc 4 cuốn truyện, do  PNC in ấn, phát hành ; gây một dư luận sôi nổi- phe  bảo thủ "bảo hòang hơn vua" , moi từ đâu đó chi tiết "địa ngục có thật"  lên án  tác giả  rất cay cú -  và,  một P.X.N,  nhà phê bình văn học Hà Nội có bài  viết tuyên dương  đầu, nhận lãnh "ngay mũi tên tẩm độc" từ Saigon bắn ra ào ào. Tay này vốn là  dân   bộ đội  biệt động, biết  vận một lúc  nhiều áo giáp chống đạn,  anh  đã  thoát hiểm ngon lành ! 

Tin mới  đây tôi đọc về Hữu Loan -  bài báo do Xuân Ba (?)  viết tường thuật- có một vị bộ trưởng  đương chức rất yêu thơ H.L. - đùng đùng ra lệnh  vô Nga Sơn , đến tận  nhà  tác giả "Mầu tím hoa sim" diện kiến, không báo trước. Gặp rồi, vị nọ, thưa với bác Loan: "... cháu  thuộc lòng thơ bác từ khi còn  hành quân trên chiến trường Quảng  Trị, bây giờ cháu đọc cho bác  xem cháu thuộc thơ cỡ nào".  H.L  hỏi, "anh  là ai?, từ đâu đến đây?" Đáp: .. Cháu là bộ trưởng XXX.... H.L. gật đầu "đọc đi xem nào.." . Rồi lắng nghe, dù hơi nặng tai, lại  vẫn đính chính được đôi ba chữ  vị chức sắc kia  đọc sai (độc giả  tìm đọc  báo Tiền Phong, sẽ  biết tường tận hơn).
 Với tôi, thái độ đi thăm nhà thơ mà vị kia yêu thích, đó là một cử chỉ rất đáng tuyên dương; bởi ít vị "thượng thư đương chức nào"  có thể làm được việc này -  một cách không mảy may vụ lợi  !

  Câu chuyện thứ hai , mới đây thôi, tôi được nghe từ Lữ Quốc Văn (anh mới  đi xuyên Việt vào năm 2009, có  tạt qua Nga Sơn thăm H.L. ). Bà Phạm thị Nhu  (vợ kế )  của Hữu Loan  kể:
" ...Nhạc sĩ Phạm Duy cùng Đài Truyền hình TW mới đem máy vào quay phim, phỏng vấn ông ấy (H.L) .  Ông bạn Việt kiều Mỹ  này  gặp , ôm thắm thiết, tôi sợ  quá tưởng   nhà tôi có thể bị  nghẹt thở - "... nào anh em ta  có đến gần 60 chục năm  mới gặp ,tình bạn văn nghệ chúng ta  thắm thiết chừng nào!" .
Vẫn bà vợ  H.L. kể  :" ...anh ta  thắm thiết ôm hôn, mà không có  lấy  một cái kẹo làm quà!(không còn răng vẫn mút kẹo được) .
   Trước khi ra về, một vị trong  Đài Truyền hình  đưa phong bì  tặng ; mở  ra  thấy 1 triệu đồng, họ  làm quà cho nhà tôi đấy!".
 Tôi chợt nhớ câu ngạn ngữ tây , học từ lớp Enfantin : "đồng tiền  (được coi như) tên thầy xấu, nhưng  lại là tên đầy tớ  tốt (cúc cung tận tụy) !".

           Hữu Loan ( trái) + nhạc sĩ Phạm Duy
                                                   (ảnh: blog Phan Nguyên)

   Câu chuyện thứ ba được nhớ lại,  cuối thập niên 80, Hà Thượng Nhân (khi ở Thanh hóa, Khu IV, quen thân với Hữu Loan, với tên  cúng cơm, cha mẹ đặt cho: Hoàng Sỹ Trinh. Sau bỏ  vào Thành (Hà Nội)  sớm, gặp  Giám đốc Nha Học  chánh Phạm Xuân Độ, bèn kết nghĩa  vườn đào, thay tên đổi họ-  từ Hoàng Sỹ Trinh thành Phạm Xuân Ninh- rồi  viết báo, làm  "thơ chua"  đăng đàn trên mục "Đàn ngang cung" (báo Tự Do); thì Hà Thượng  Nhân bỗng được anh em xưng tụng  là  Hà Chưởng môn) .
Trở lại  Phạm Xuân Ninh, lần đầu sau 1975 gặp lại anh,(sau khi đi cải tạo)  -  buổi  tiệc tại  207/... đường 3 tháng 2- do nữ sĩ Thư Linh khỏan đãi  , trước khi  bà  xuất cảnh-  và, tôi được nghe  Phạm Xuân Ninh  ngâm  một bài thơ thật dài làm tặng Hữu Loan, chừng 400 câu.   Nghe nửa chừng thôi, tôi nói  đùa  Hà Thượng Nhân: "..  hơi  của anh  thật  dài, ngâm  thơ cũng tuyệt, hay  hơn cả nữ sĩ Cao Mỵ Nhân  vừa rồi  ngâm bài thơ  Nghiêm Phái-Thư  Linh."

   Xin  tác giả Hữu Loan (1918-2010) của "Màu tím hoa sim" - hãy yên giấc ngủ, và, ... mơ thấy  trên  triền đồi  đất miền Trung, mọc  đầy cây sim tím nở hoa, ngút ngàn "một màu tím  hoa sim/ tím cả chiều hoang biền biệt"!


Và,  cũng  có một  tay  chuẩn úy Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Bá Chính đã phổ thơ " Màu Tím Hoa Sim/ Hữu Loan " *, trở thành ca khúc

                                                                              nhạc sĩ Dzũng Chinh 
                                                                    [i.e. Nguyễn Bá Chính 19 xx - 1969 .]
                                                                                              
       

ca khúc' Những đồi hoa sim'/ do nhạc sĩ Dzũng Chinh
phổ thơ 'Màu tím hoa sim" / Hữu Loan trở thành ca khúc " tuyệt vời hay."
(ảnh+ bìa nhạc: Internet.)

"Những đồi hoa "sim " tuyệt vời hay " --  cuối cùng, thì nhạc sĩ Dzũng Chính cũng  đã "tử trận  trên  một đồi hoa sim" thuộc Tiểu khu Ninh Thuận.( đầu tháng 3/ 1969.) ./.
                            -------
                                * - có  tới  7, 8 nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này , theo tôi thì nhạc                                          sĩ Dzũng  Chính là người phổ  nhạc" Những đồi hoa sim"
                                                        hay nhất. (Đ.B.B. )





Saigon , 19/3/2010.

© tác giả giữ bản quyền.
. đăng tải ngày 19.03.2010 theo nguyên bản của tác giả .
. Xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com khi trích đăng lại.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ