đi ... thăm trần hoài thư+ nguyễn ngọc yến / bài viết: phạm cao hoàng -- Trang VHNT Phạm cao Hoàng
THURSDAY, AUGUST 3, 2017
63. ĐỌC LẠI MỘT BÀI VIẾT CÁCH ĐÂY HƠN 4 NĂM:: Đi New Jersey thăm Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến
ĐỌC LẠI MỘT BÀI VIẾT CÁCH ĐÂY HƠN 4 NĂM
Sau mấy lần trì hoãn, cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện được chuyến đi New Jersey thăm Nguyễn Ngọc Yến và Trần Hoài Thư. Thời tiết vùng đông bắc Hoa Kỳ vốn khắc nghiệt, mỗi lần thực hiện một chuyến đi xa bằng xe hơi chúng tôi phải ngó chừng thời tiết. Thật may mắn, sáng nay trời trong xanh, không nóng lắm để phải toát mồ hôi và không lạnh lắm để phải mặc jacket. Từ 6 giờ sáng Nguyễn Minh Nữu đã gọi, “Anh Đinh Cường, Kim Mai và tôi đang tới. Ông bà chuẩn bị để 7 giờ lên đường”. Hôm qua, Hoa dành cả buổi chiều và buổi tối để làm thức ăn cho bữa ăn trưa hôm nay tại “văn phòng” của tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Một bữa ăn trưa văn nghệ gọn nhẹ không có rượu. Làm sao có thể uống nổi một ly rượu khi mà đã gần 5 tháng rồi chị Yến vẫn chưa đi lại được, khi mà Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán đã hầu như ngưng hoạt động trong suốt khoảng thời gian ấy!
Hai “tay lái lụa” Kim Mai và Nguyễn Minh Nữu thay phiên nhau lái xe. Chuyến đi mất khoảng 5 tiếng. 12 giờ trưa, chúng tôi đến nơi. Nhà Trần Hoài Thư nằm ở một khu vực rất yên tĩnh và thơ mộng. Xe vừa dừng lại, chúng tôi đã thấy Trần Hoài Thư trước cửa nhà ra đón. Anh cười thật tươi. Vẫn nụ cười hiền lành nhưng khuôn mặt anh phờ phạc thấy rõ.
Chúng tôi vào nhà. Chị Yến ngồi trên xe lăn chờ sẵn nơi phòng khách. Chị khóc, “Mấy hôm rồi cứ đếm từng ngày để chờ gặp các bạn”. Tôi nhìn khuôn mặt chị: những vết chân chim của thời gian, của “thế hệ chiến tranh”, của những tháng năm đi tìm di sản văn chương miền nam giờ đây đã in rõ trên khuôn mặt phúc hậu của chị. Mọi người quây quần quanh chiếc xe lăn hỏi han mọi chuyện. Giọng nói chị bình thường và trí nhớ rất tốt. Chân trái đã cử động và nhích lên được, nhưng tay trái thì chưa. Chị đang tập đi bằng chiếc “gậy thần” mua trên eBay. Những bước đi đầy khó khăn. Có đôi chân là để đi, và với chị, là đi tìm di sản văn chương miền nam, vậy mà lúc này chị đành thúc thủ. Có rơi vào hoàn cảnh như thế này mới thấy đôi chân là quí, mới thấy đời sống nặng nề như thế nào.
Chúng tôi vào nhà. Chị Yến ngồi trên xe lăn chờ sẵn nơi phòng khách. Chị khóc, “Mấy hôm rồi cứ đếm từng ngày để chờ gặp các bạn”. Tôi nhìn khuôn mặt chị: những vết chân chim của thời gian, của “thế hệ chiến tranh”, của những tháng năm đi tìm di sản văn chương miền nam giờ đây đã in rõ trên khuôn mặt phúc hậu của chị. Mọi người quây quần quanh chiếc xe lăn hỏi han mọi chuyện. Giọng nói chị bình thường và trí nhớ rất tốt. Chân trái đã cử động và nhích lên được, nhưng tay trái thì chưa. Chị đang tập đi bằng chiếc “gậy thần” mua trên eBay. Những bước đi đầy khó khăn. Có đôi chân là để đi, và với chị, là đi tìm di sản văn chương miền nam, vậy mà lúc này chị đành thúc thủ. Có rơi vào hoàn cảnh như thế này mới thấy đôi chân là quí, mới thấy đời sống nặng nề như thế nào.
chị Yến (thứ ba từ trái) trong vòng tay yêu thương của [chồng] và bằng hữu
(ảnh chụp ở nhà Trần Hoài Thư – Plainfield (NJ), 12.5.2013)
Tôi nhìn quanh căn nhà: Trần Hoài Thư đã “độ” lại nhiều chỗ, đã thêm nhiều phần để thuận lợi cho chị Yến trong việc di chuyển quanh nhà.
Tôi tưởng tượng một ngày của Trần Hoài Thư: tập therapy cho chị Yến, giúp chị Yến các sinh hoạt cá nhân, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Và còn lại là những khoảng trống thời gian buồn bã. Cần có một cái gì đó để lấp vào khoảng trống này.
Anh đưa tay chỉ vào mấy chục ram giấy để trên kệ, “Giấy sale, mua để chuẩn bị in Thư Quán Bản Thảo số 56”. Như vậy là anh đã quyết định cho Thư Quán Bản Thảo tục bản. Thư Quán Bản Thảo sẽ giúp anh lấp cái khoảng trống thời gian buồn bã kia.
Sau bữa trưa rất văn nghệ, Trần Hoài Thư đưa chúng tôi xuống basement thăm cơ sở in ấn của anh. Gần 10 chiếc máy in, máy cắt, máy ép, máy laminator..., cái nào cũng nặng hàng trăm ký, kín hết basement, chỉ chừa một ít khoảng trống cho lối đi. Anh Đinh Cường hỏi Trần Hoài Thư công dụng của từng chiếc máy. Trần Hoài Thư vui vẻ giải thích, làm thử một số thao tác như ép nhựa, sấy sách, cắt sách…
Trong basement này, hơn 10 năm qua Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến đã cho ra đời hàng trăm đầu sách trong tủ sách di sản văn chương miền nam và 55 số báo Thư Quán Bản Thảo. Nơi đây, những ngón tay của Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến đã từng rỉ máu khi đóng những tuyển tập THƠ MIỀN NAM THỜI CHIẾN, VĂN MIỀN NAM THỜI CHIẾN dày hàng ngàn trang. Nơi đây, Trần Hoài Thư đã từng bổ nhào xuống cầu thang khi một mình chuyển cái máy cắt rất nặng xuống basement. Nơi đây hai tâm hồn xa xứ đã dâng tặng cho độc giả văn học miền nam những hy sinh vô bờ bến.
Có đặt chân đến nơi này mới hiểu hết tấm lòng của Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến đối với văn học miền nam 1954–1975. Riêng tôi, tôi khâm phục và ngưỡng mộ việc làm của bạn tôi.
Có đặt chân đến nơi này mới hiểu hết tấm lòng của Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến đối với văn học miền nam 1954–1975. Riêng tôi, tôi khâm phục và ngưỡng mộ việc làm của bạn tôi.
Gặp lại nhau, mọi thứ thật nhẹ nhàng và ấm cúng. Chị Yến chưa bình phục nhưng cũng đã đỡ hơn cách đây 5 tháng. Chúng tôi muốn ở lại lâu hơn nhưng sợ sẽ bất tiện cho anh chị do vậy đến 3 giờ chiều chúng tôi phải xin phép ra về. Chị Yến lại khóc. Đã ra khỏi nhà, tôi vẫn quay lại, mở cửa bước vào, chào chị một lần nữa, “Cố gắng vượt qua chị Yến nhé”. Trần Hoài Thư đứng nơi cửa, nét mặt thoáng buồn, chờ xe lăn bánh rồi mới quay vào.
Phạm Cao Hoàng
May 12, 2013
--------------------------------
Trang VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PCH
======================
--------------------------------
Trang VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PCH
======================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ