Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

nhà văn băng sơn với hà nội, 'một nhà'. trong 'nhiều nhà' ...

nhà văn băng sơn vi hà ni,

  'một nhà' trong 'nhiu nhà' ...

vân long

băng sơn [ i.e. trần quang bốn 1932- 2010 hanoi]
( chụp với thế phong / hà nội 1994)


băng sơn + vợ,  ca sĩ mai phương (hanoi 1954)
(ảnh: VOV1)


vân long [i.e. nguyễn văn long 6/3/ 1934 -     ]  (bên phải)
 chụp với Thế Phong ở tp. HCM. --  (ảnh: Hoàng Khởi Phong )

Năm 1952, trong vùng tạm chiếm, Băng Sơn là chàng trai hào hoa 20 tuổi, anh đang học thi tú tài phần I ở một trường tư thục. Lúc đó anh đã có thơ in trên nhiều tờ báo. Anh lại có giọng ngâm thơ sang sảng, từng đóng vai chính trong kịch thơ Con tôi về giữa mùa xuân (kịch bản của Giang Quân) trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Có một nhóm sáng tác học sinh ngày ấy, mang cái tên rất học trò là Hoa Phượng. Nhóm cũng có khuynh hướng hẳn hoi: Viết những gì trong sáng, hướng thiện, không sa đọa, hấp dẫn rẻ tiền…Người luôn “vượt rào” là Băng Sơn. Anh có nếp sống không biết chừng mực là gì. Căn gác nhỏ phố Cầu Gỗ đêm nào cũng đèn chong thâu đêm. Hàng xóm cứ khen “cậu giáo” chăm chỉ (anh gõ đầu trẻ kiếm sống ở một trường tiểu học ngõ Hàng Hành). Thực ra, suốt đêm cậu chỉ làm thơ và viết nhật ký. Nhiều hôm, tôi đến đánh thức cậu dậy để đi cà phê, trên bàn, ngoài nhật ký là ngổn ngang hàng chục tờ giấy đặc chữ, vừa thơ, vừa …tên người yêu, loằng ngoằng như vẽ bùa. Thơ Băng Sơn hồi ấy thường là những dòng thơ tình say đắm, điên mê, ma quái. Tôi có cảm giác ngòi bút của anh như con ngựa bất kham cứ lồng lên hết trang giấy này đến trang giấy khác. Trong nhóm, anh được coi là người có giọng thơ tài hoa, nhiều câu hay, chữ lạ.

Sức khoẻ của anh không thể không ảnh hưởng đến cách nghĩ cách viết. Nhiều chặng đời, anh như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Thời gian anh bị lao hạch, tối nào chúng tôi cũng “dong” anh vào ngõ Liên Trì chữa bệnh. Đó là một gia đình có hai chị em gái. Cô em cũng làm thơ trong nhóm Hoa Phượng. Cô chị có đôi mắt mênh mông trong sáng và đặc biệt, nói nhanh như…súng liên thanh. Băng Sơn mê cả hai đặc điểm này. Số giấy mực dành cho thơ tình yêu chặng này có lẽ không kém số lá thuốc mấy mẹ con sắc hàng ngày mong thi sĩ khỏi bệnh. Khỏi lao hạch anh lại bị lao phổi. Sự cảnh báo của bệnh không làm anh sinh hoạt điều độ hơn.

Sống hoàn toàn cảm tính, sau này anh gặp và yêu Mai Phương, một ca sĩ mà sắc đẹp và tính tình hiền hậu hấp dẫn thi sĩ hơn cả giọng ca, rồi kết hôn trong tình trạng cả hai đều chưa có công ăn việc làm gì. Sự chọn lựa cảm tính (nếu có thể gọi là chọn lựa) nhiều khi mang lại hạnh phúc hơn cả sự cân nhắc kỹ càng, ta cứ thường gọi là duyên số. Mai Phương hồn hậu cứ lên chức dần, từ người yêu, người vợ, người chị, rồi có lúc chúng tôi cảm thấy bà săn sóc độ lượng với chồng và các bạn chồng từng thời gian tạm trú ở nhà bà với tấm lòng người mẹ. Chưa bao giờ ai nghe thấy bà phải nói to hay giận dữ điều gì.

Khu nhà thờ đạo Tin Lành cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội dạo đó trở thành trụ sở Ban kịch-nhạc Tháng Mười (do một số anh chị em văn nghệ sĩ trong nội thành tổ chức để đón mừng ngày giải phóng thủ đô: 10 tháng10-1954 bằng một đêm diễn kịch và ca nhạc). Không hiểu sao vợ chồng Băng Sơn cũng chiếm được một căn phòng nhỏ, cạnh căn phòng của vợ chồng nhà văn Sao Mai. Năm chiếc ghế băng xếp khít lại trải chiếu lên là thành chiếc giường đôi “bất đắc dĩ”. Hai vợ chồng nuôi một con chó nhỏ. Có bữa ăn chỉ có một miếng giò. Trước con mắt thèm thuồng của chú Cún, hai vợ chồng đành nhường. Cơm rưới tý nước mắm, cũng xong!

Những ngày rục rịch tiếp quản thủ đô, chúng tôi cũng áp dụng phương châm lấy ngắn nuôi dài. Nghĩa là tốp ca nhạc đi hát ở các rạp chiếu bóng trước giờ vào phim để “nuôi” đoàn kịch ăn tập. Vợ chồng Minh Tân+ Minh Đức vừa xuất bản tiểu thuyết Mưa bóng mây ký tên chung là Thùy Linh (sau Minh Tân nhường cả tên Thùy Linh cho vợ), được phân công chấp bút vở kịch hầu như sáng tác tập thể. Hai diễn viên chính là Băng Sơn và Quang Phùng thay nhau kíp 1 và kíp 2 (nhà nhiếp ảnh và dịch giả Quang Phùng (Con đường sấm sét của Pitơ AbrahamNam Phi) bây giờ). Đến bữa ăn, thổi một nồi cơm lớn, cả đoàn quây vào, thức ăn có gì ăn nấy. Cũng phải nhớ ơn mấy nhà hảo tâm là chủ xe khách, luôn góp vốn cho chúng tôi ăn tập, dường như muốn nhờ chúng tôi nói hộ phần nào lòng yêu nước của giới tiểu chủ vẫn hướng về kháng chiến.

Rồi mấy đêm công diễn giấy mời nhiều hơn vé bán. Hiệu quả là…thắng lợi tinh thần. Về vật chất, tôi nhớ đoàn kịch còn nợ 25 vạn tiền thuế du hí. Gặp những khó khăn vật chất, đoàn kịch Tháng Mười không tồn tại được đến tháng 11, tan ra như đám mây gặp cơn gió mạnh. Cơ quan thuế không biết đòi ai, rồi cũng thôi!

Còn một chút vang bóng: Lê Quang Kha và tôi về mở hiệu sách cũng lấy tên Tháng Mười ở 72 phố Huế, cùng vợ chồng Băng Sơn, dựa vào nhau, lần hồi kiếm sống. Sau những ngày diễn kịch, bệnh tình Băng Sơn càng trầm trọng, anh ho ra từng búng máu…Trước tính mạng Băng Sơn bị lâm nguy từng giờ, trong tình trạng chạy ăn từng ngày lấy đâu tiền thuốc thang, chúng tôi bàn nhau, muốn cấp cứu người bệnh hiệu quả, cứ đưa thẳng anh vào bệnh viện tư Đặng Vũ Lạc, rồi tính sau…Sau mấy tháng điều trị, bệnh anh thuyên giảm. Khi xuất viện, chúng tôi phải ký nợ 50 vạn đồng. May thay, bệnh viện đang giai đọan chuyển giao sang nhà nước quản lý. Người cán bộ quản lý mấy lần cắp cập đến nhà người bệnh, đòi nợ. Anh ta nhìn khắp gian phòng, không có lấy một cái giừơng ra hồn, chán ngán không quay lại nữa. Nhúc nhắc vài tháng, Băng Sơn lại xin vào Đoàn Kịch nói Nhân dân trung ương. Rồi căn bệnh phổi không còn là nan y với người giầu, vẫn theo đuổi anh, khiến anh phải hoàn toàn phải rời bỏ sân khấu, vào điều trị ỏ bệnh viện A.

Không diễn được thì anh viết kịch. Kịch và thơ cứ như một định mệnh gắn anh vào cuộc sống hồi đó. Một số vở kịch nói, kịch thơ của anh được dựng qua mấy mùa hội diễn của thành phố.

[ Rồi ngày 10-10- 1954, Hà nội thủ đô được] giải phóng, anh là một cây bút được chú ý ; cùng lứa với Ngô văn Phú, Bùi minh Quốc, Trần Nhật Lam…

Chuyển sang cách viết hiện thực, anh gây được xôn xao bên lề cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ năm 1961 bằng trường ca Cuộc đời một thị trấn viết về Cẩm Giàng quê anh. Nghe đâu ban giám khảo người thì muốn tặng giải cao, người lại muốn đưa anh ra “đánh đòn”. Bởi trong trường ca, bên cạnh những chi tiết chữ nghĩa sắc xảo, anh còn có cách nhìn trào lộng  về những cảnh đời mà người phản bác cho rằng đáng phải được thương cảm. Thời gian này anh có bài thơ Tiếng nước Hưng Yên được bạn bè khen ngợi (in trong tập Rạng nắng / Nxb Thanh Niên 1962), sau được chọn vào Tuyển tập thơ Việt Nam Hiện đại (I) (Nxb Hội nhà văn 1993) như để ghi nhận có thời anh là một cây bút chủ lực trong giới thơ trẻ.  Đến 1984 anh mới in chung tập thơ với Lữ Giang và Nguyễn xuân Thâm. (Nắng bên sông Nxb Tác phẩm mới).

Những năm chống Mỹ anh như ngừng in thơ trên báo, chuyển sang viết kịch và viết báo. Thực ra, anh vẫn làm thơ cho riêng mình, theo ý thích riêng, thiên về ảo hơn là phản ánh  hiện thực. Chỉ khi có sự đổi mới văn học, dạng thơ đúng thể tạng của anh mới được ra mắt (Thơ hai người, NXB Văn Hoá 1992, in chung với Nguyễn Hà). Những câu thơ mang màu sắc Liêu trai: Đèn lay nghe gió trở mình/ Tiếng ma loạt soạt gọi tình ngoài cây / Nửa đêm là phút đầu ngày/ Lá rùng sương lạnh người gầy cùng đêm (Nửa đêm chợt tỉnh). Đó vẫn là bút pháp của anh những năm 1952,53 qua thời gian được tinh luyện thêm. Lúc xã hội chưa thừa nhận, chúng sống trong nhật ký của tác giả, lúc được “mở cửa”, chúng ùa ra góp với đời một tiếng thơ lạ mà quen, quen mà lạ. Hàng đêm anh trò chuyện với Bồ Tùng Linh trong tĩnh lặng đến gai người. Nhất là những đêm mất điện. leo lét một ngọn nến: Nửa đêm thắp nến gọi ma về. Để hiểu một câu thơ có khi phải hiểu một đời người và thể trạng tinh thần của tác giả. Sống trong Hà nội tạm chiếm, trước khi tiếp xúc với văn học cách mạng (từ 1954) những ngày trọng bệnh thập tử nhất sinh, anh ngụp lặn trong văn Liêu Trai, thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên (thuở Điêu tàn), những: Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt (Hàn Mặc Tử), Bóng ma Hời sờ soạng dắt nhau đi. (Chế Lan Viên) .Băng Sơn chỉ viết theo dẫn dắt của tâm linh: Em đã thành không sao cứ về gõ cửa/ Căn hồn xưa…Hồ ly tinh không phải là linh hồn ngoại  nhập, anh nhận ra chính mình là hồ ly tinh tự ăn xương tủy mình mà sống. Mà xét cho cùng, nhà văn nhà thơ nào viết bằng tâm huyết chẳng tự ăn mòn mình như một ngọn nến. Chỉ có điều trước khi tàn lụi, nó đã giúp cho đời  một chút lung linh, Băng Sơn có những cảm nhận độc đáo: Con trâu nhai thời gian nuốt vào uất hận/  Để sớm mai kéo trái đất oằn mình/ Anh nhai em nhức hồn toàn cát sạn/ Hiểu ra thì tóc phếch nỗi mùa đông.  (Thời gian).

Sau những năm ở Hải Phòng, tôi trở về Hà Nội, tình cờ, làm việc chung với anh trong tòa soạn báo Độc Lập. Lúc này anh là cán bộ biên tập, phó Ban chính trị. Tôi cứ đùa: “Người vô chính trị nhất là ông mà lại ở Ban chính trị thì còn gì là…chính trị!”. Trên thực tế, anh là cây bút sắc sảo trong những bài viết về Quốc hội, tòa án, chân dung nhân sĩ, trí thức (những đối tượng tiếp xúc của báo Độc Lập). Không ngờ thời gian này anh lại nhen lên một sở trường khác, để về sau anh có chỗ đứng vững vàng hơn trong nghề văn, thay cho thơ.

Đầu tiên, chỉ là những mảng văn xuôi viết cho thiếu nhi, không có cốt truyện: một Mùa hoa sấu, một Cái Tết làng, anh viết về Vườn ông ngoại, về Hoa tóc tiên, ở mỗi mảng văn, anh đều phả vào đó tâm hồn thơ của anh và những kỷ niệm tuổi thơ.

 Rồi thế nào tôi cũng phải về thăm như một lời hẹn với người  bạn thân xa nhau lâu ngày. Nhưng còn người bạn gái bé nhỏ thời ấy, không biết bây giờ bạn ở đâu, bạn cũ ơi! “(Hoa tầm xuân).

“ Lá tre còn thưa thớt, thành ra nhìn qua cành tre, ta thấy cả  bầu trời, thấy rất rõ mây bay, thấy cả gió thổi nữa trong làn mây bay ấy, trong cái đung đưa của vọt tre ấy”. (Măng).

Có thể nói, anh đã chắt lọc cái phần hồn trong trẻo nhất dành cho các em. Nếu không phải nhà thơ, đâu có được câu văn này: “Cổ sơ đến cả ngọn cỏ rêu tường, giàn nho hoang dã, ngõ Tràng An như một người già ký tên mình vào lặng im tịch mịch”. (Ngõ Hà Nội).

Bàn về ăn uống, anh tinh sành không kém Thạch Lam:
Đang đói mà mất hứng, mà phí công đi xa, anh không thấy ngon nữa vì cháo gà, hỏi đến hạt tiêu, ông hàng cháo bảo không có, chỉ có tương ớt.  Cháo mà ăn với tương ớt thì như thịt gà chấm nước cáy vậy! .“ (Tản mạn về ăn).

Nhà văn Băng Sơn ở quãng tuổi 60 - 70 lại được coi là một trong số ít người viết báo sung sức nhất: Số bài báo in trong năm thường  vượt quá số ngày trong một năm. Những bài báo tập trung vào một hai chủ đề anh chuyên sâu nên cứ đủ độ  dầy, anh lại cho ra mắt một cuốn sách. Lần lượt, những cuốn đáng kể nhất của anh: Ngàn mùa hoa (đoản văn,1993) Hương sắc bốn mùa, tùy bút 1994), Nước Việt hồn tôi (tùy bút, 1995)Bóng bẩy màu (đoản văn, 1996)Cái thú lang thang (tùy bút, ,1997), Người đã khói sương (tùy bút dài, 2000), Dòng sông Hà Nội (tùy bút,2001)Miếng ngon đất Bắc (tùy bút, 2001)Thú ăn chơi người Hà Nội, tái bản nhiều lần. (1975-2005) 

Ngoài phạm vi văn hoá ẩm thực, chủ đề nếp sống và văn hoá người Hà Nội dường như có sức cuốn hút lớn nhất với Băng Sơn. Ở anh, còn một cảm thức thường trực về lịch sử. Bước chân lên mỗi viên gạch lát đường, anh như nghe được những hồi âm từ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Không chỉ là kiến thức! Những ngõ Huy Văn, nơi sinh ra ông vua thi sĩ Lê thánh Tôn, dốc Hàng Than, bến Đông Bộ Đầu, những chiếc đấu đong quân bờ sông Tô lịch…Bao nhiêu cảm xúc bâng khuâng với hồn thiêng lịch sử thấm đẫm những trang viết ấy!

Anh nghe được hồi âm từ nhiều thập kỷ: Chỉ 400 m. phố Hàng Than mà ta thấy bao nét thăng trầm Hà Nội qua dấu vết những đình chùa còn lại. Con phố nhỏ Hàng Bè xưa là Hàng Cau chỉ có 172 mét, anh đã chỉ ra rạch ròi hàng chục số nhà từng liên quan đến những nhân vật “vang bóng một thời”. Như  số 15, nhà cũ của nhà văn Nhất Linh, gia đình ông nổi tiếng là một nhà buôn cau phát đạt, số 24 là nhà làm bánh gai Đan Quế không kém nổi tiếng, số 16 là trường tư thục [ chuyên khoa đệ nhị cấp Nguyễn Khuyến] của 2 anh em thầy giáo [Bùi hữu Sủng] + Bùi hữu Đột…Có những chi tiết đã trượt qua bộ nhớ của ngay những người trong phố, anh vẫn khôi phục lại được tỷ mỷ, chính xác.

Ở anh, có sự cần cù chi chút tư liệu như cụ Nguyễn Văn Uẩn (Hà nội nửa đầu thế kỷ XX) nhưng lại được thổi vào đó cái cảm xúc phóng khoáng nghệ sĩ. Hai yếu tố không dễ có trong một nhà nghiên cứu.

Anh có một thời trẻ gắn bó với nhiều ngõ phố cổ Hà Nội.  Những đường phố khác thì anh gắn bó với chúng bằng cái thú lang thang, giang hồ vặt. Anh rủ tôi đến một hàng thịt bò khô ngon nhất, với dấm ớt thật cay, rồi ra cà phê Nhân. “Cậu có thấy cà phê hôm nay ngon tuyệt không? Đó là nhờ đĩa thịt bò khô, vị cay chua đã làm “chết lưỡi” của ta, rồi tách cà phê đã làm lưỡi “hồi sinh” ! Dở nhất là ăn chuối, ăn bánh ngọt trước khi uống cà phê!”. Anh không ăn uống được những thứ có mùi vị quá nồng, làm đề tài cho bạn bè trêu: Thứ này, nhà ăn uống học Băng Sơn không 'sực' (ăn)được! Những thứ anh thưởng thức được thì anh thẩm định tinh, sành!

Đó là con người mang phẩm chất Hà Nội thực sự, tử thú chơi đào thế tao nhã trở đi. Tết nào chưa sắm được cành đào ưng ý, coi như chưa có Tết. Có năm chợ hoa chỉ có một cây bạch đào, vị trí cây bạch đào ấy chắc chắn sẽ ở nhà anh! Phẩm chất Hà Nội chủ yếu toát ra trong ứng xử với con cháu, họ hàng, bè bạn. Các con anh được lớn lên một cách thoải mái, (bây giờ là các cháu) không bị gò bó gì để phát triển được cá tính trong không khí gia đình đầm ấm vui vẻ, nhưng vẫn có một nền nếp vô hình để con ra con, em ra em, anh ra anh…Có thể nói đó là một gia đình hạnh phúc hài hòa ba thế hệ mà không cần phải có những yếu tố nổi trội như sự sung túc, nhà đẹp, con cái thành đạt…Đó là một gia đình văn hoá Hà Nội khá điển hình! Điều này không thể không có sự góp phần quan trọng từ bà chủ gia đình hiền hậu, từng là một cô gái Hà Nội với đúng nghĩa của nó, là ca sĩ Mai Phương của Hà Nội những năm 50 thế kỷ trước…

Từ thơ, kịch, anh bước sang lĩnh vực đoản văn, rồi những thiên tùy bút về Hà Nội. Nói là anh sở trường hai lĩnh vực: văn  hoá ẩm thực và Hà Nội học thực ra là chưa thật đúng. Bởi ăn, mặc, ở cho ra người Hà Nội là những phần hết sức quan trọng của Hà Nội học.  [].

vân long


nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
-----------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ