Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi .../ tạ tỵ ( kỳ III) -- newvietart.com (france)

NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ
ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI

       tạ tỵ

          
                            tạ tỵ   [ i.e. tạ văn tỵ 1921- 2004 saigon]
                      (ảnh: internet)

Lời dẫn:  gần đến ngày 24/4/ -  nhớ 5 năm kỷ niệm ngày Tạ Tỵ " ra đi không mang va li, quần áo ướt hết, chân không đi  Ba ta.."tôi gõ một trích đoạn tự- sự -kể mà anh viết về đồng nghiệp ". Một điều tin cậy nhất, tác giả  viết rất thành thực  dầu đúng, sai- vẫn là  cảm tưởng chân tình nhất của tác giả.  Vào  thập niên 90, một  nữ đọc giả làm sách ở Hà Nội, rất yêu văn chương Tạ Tỵ -  bà Miên đã tự ý đem in một  tác phẩm  Tạ Tỵ - gây một dư luận thật ồn ào, báo chí trong nước lên án  rùm beng -  rồi các đài phát thanh, thông tấn ngoại quốc , như RFI, RFA phỏng vấn  tác giả . Tạ Tỵ trả lời  với giọng điệu lên án  gay gắt: " ... ăn cướp  tác phẩm nhà  văn để kinh doanh, mạt sát chế độ, nơi đã in sách lậu; kể cả viết thư  phản đối việc in tác phẩm không xin phép tác giả, gửi Bộ trưởng Thông tin  nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việtnam v.v ..." 
 Tưởng chừng sau đó, tác giả sẽ không còn  cơ hội trở về - sau khi phu nhân (bà Nguyễn Thị Hòa qua đời ở Mỹ); anh lại tự  mang xác thân bệnh hoạn trở về cố hương chữa bệnh; rồi qua đời ở căn nhà cũ trên đường Phan Văn Trị, quận 5, tp HCM  ngày 24/4/ 2004.  
 Với tôi, tự-sự-kể này -- một tác phẩm có 'những trang văn chương bất tử'-- xứng đáng để lại cho gia tài văn học Việtnam trong thế kỷ XX. 
tôi  cũng  có  lời , gửi  tới trưởng nam  tác giả , hiện ở tại Mỹ  cho phép tôi được đăng 'Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi' -- trên web Newvietart.com để đọc giả toàn cầu thưởng lãm .)

Đường Bá Bổn
 


Kỳ III

Nguyễn Đức Quỳnh, Đỗ Tốn, nữ sĩ Linh Bảo, Cao Mỵ Nhân, Thế Phong, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Vỹ, Mai Thảo, Phan Lạc Tuyên, Trần Phong Giao, nhạc sĩ Đan Thọ ...


(.........................)

những buổi sáng chủ Nhật, tôi thường la cà tai phố Lê Lợi, đôi khi ngồi quán KIM SƠN uống cà phê tán dóc với vài ba người bạn. Chính tại nơi này tôi đã gặp Thế Phong. Khi đó anh đang chủ trương nhà xuất bản ĐẠI NAM VĂN HIẾN. Sách của nhà xuất bản này đặc biệt in bằng máy ronéo, và do Thế Phong vừa biên soạn, vừa đánh máy. Sau khi in ra, chính tay anh mang đi phát hành. Tất cả những gì do nhà ĐẠI NAM VĂN HIẾN xuất bản đều không mang số kiểm duyệt, tức in lậu. Thế Phong thường được các nhà văn trẻ gọi đùa là: 'nhà văn nghệ "cao bồi" -- vì anh có cái tướng trông ngang tàng , bất cần ai và sẵn sàng đánh lộn nếu cần. 

Thế Phong, tóc hớt ngắn lởm chởm vì sợi tóc khô, cứng. Khuôn mặt trông khắc khổ, cặp mắt sắc với chiếc cầm nhọn.  Đặc biệt anh có bàn tay 6 ngón. Thân hình tuy không to lớn nhưng gân guốc, khỏe mạnh.  Thế Phong viết phê bình rất độc.  Anh không sợ sự oán giận của người bị anh phê bình, do đó anh viết cả một cuốn sách để nói về cuộc đời của Nguyễn đức Quỳnh, để mạt sát người đã dìu dắt và nâng đỡ anh trong bước đầu vào khung trời văn học. Nhưng không phải Thế Phong chỉ nói và chửi người khác đâu, anh dám nói cả những thói hư, tật xấu của riêng anh nữa.

  Cho đến hôm nay, tôi cũng không hiểu vì lý do nào, Thế Phong lại mến phục tôi; vì lúc nào gặp,  hoặc nói về tôi, anh đều dè dặt, có vẻ giữ lời, chứ không buông thả, chửi bới tùm lum như đối với những người khác.  Thế Phong, con người rất đam mê, không những văn học mà còn đàn bà.  Những người đươc anh mê, chắc cũng khổ tâm lắm như Cao Mỵ Nhân và nữ sĩ Linh Bảo. Thế Phong cứ viết đại ra; không biết viết như vậy, làm hại danh dự của người khác, nhất là giới phụ nữ -- nhưng hình như, anh không cần hai chữ danh dự; anh viết chỉ nhằm mục đích được nói hết những gì mình nghĩ. 

Thế Phong còn ký dưới nhiều bút hiệu khác như Đinh Bạch Dân, Đường Bá Bổn vv...

Tên thật Thế Phong là Đỗ mạnh Tường. Tôi cũng không hiểu sao Thế Phong lại có tiền để làm một công việc mà tôi tin có rất ít kết quả.  Sách in ronéo lem nhem, chữ còn chữ mất; lại in lậu nên phải bán giấu diếm chứ không công khai như các loại sách có kiểm duyệt.  Thế Phong, nhà văn nghệ cách mạng muốn lành mạnh hóa nếp sống tinh thần qua phương tiện văn chương; nhưng có điều Thế Phong quên, trước khi muốn sửa người, hãy tự sửa mình, nghĩa là phải soi gương trước khi nhìn người khác

.  Tôi tin rằng, Thế Phong nay đã gần 60 tuổi trời, khi quay nhìn lại những hình ảnh cũ, thế nào cũng nhận ra một số lỗi lầm và ân hạn!...

Cũng tại quán KIM SƠN này, tôi cũng gặp Nguyễn đình Toàn, một nhà văn trẻ có tác phẩm được nhà xuất bản TỰ DO ấn hành, sau khi đăng trường kỳ trên nhật báo TỰ DO, đó là tác phẩm CHỊ EM HẢI. Theo lời của anh em hồi đó, sau khi đọc cho rằng, tác phẩm trên thuộc loại 'đợt sóng mới'!

Nguyễn đình Toàn ít tuổi hơn tôi nhiều. Anh có mái tóc dầy và dài, khuôn mặt xương xương, với đôi mắt kính trắng.  Nước da xanh mét như người bị bệnh.  Thân hình anh cũng gầy guộc như không đu sức mang cái đầu với vầng trán rộng.  Nguyễn đình Toàn chẳng những viết văn, còn làm thơ.  Anh tặng tôi tập MẬT ĐẮNG, tuy không bề thế trên phương diện hình thức; nhưng nội dung thật hay. Tuy mới quen nhau, nhưng tôi mến Nguyễn đình Toàn vô cùng vì tính tình anh hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, khi cười miệng rộng, để lộ hàm răng trắng bong.

Sài gòn coi như một trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mên sự gặp gỡ nhau, giữa người này kẻ khác không khó khăn gì. 

Cứ mỗi chiều thứ bẩy hoặc sáng chủ nhật; đi nhởn nha trên vỉa hè đại lộ Catinat, Lê Lợi; thế nào cũng bắt gặp những anh em quen biết.  Có mấy quán nước anh em thường ngồi LA PAGODE, BRODARD, GIVRAL và KIM SƠN.

 Còn quán THANH THẾ tuy có, nhưng ít, vì nó nằm ở vị trí hơi khuất người qua lại.  Tuy nhiên quán này thường là nơi gặp  mặt của các ký giả. 

Nguyễn đình Toàn sống trong một khu nghèo gần Đakao. Khi trước, tôi không được biết anh sống ra sao, bằng nghề gì; nhưng từ ngày có tác phẩm và bắt đầu được chú ý, anh sống hoàn toàn bằng ngòi bút của mình. 

Anh rất ít viết cho tạp chí ngoài tờ VĂN của Nguyễn đình Vượng; do Trần Phong Giao điều hành tòa soạn và tờ VĂN HỌC của Phan kim Thịnh. Nhưng anh có nhiều tác phẩm được ấn hành, do  vậy số tiền bán bản quyền cũng cung cấp cho đời sống  của anh không đến nỗi quá túng thiếu. Ngoài ra, anh còn làm cho Đài phát thanh Sài gòn, số tiền 'cachets' hàng tháng cũng đỡ lắm. Nguyễn đình Toàn không bê tha thuốc sái; tuy có uống rượu nhưng chẳng bao nhiêu. Anh chỉ đam mê một thứ: đánh xì phé. Sự đánh bài cũng chỉ chơi quanh quẩn trong vòng anh em, nhưng sự thua được đôi khi làm cho đời sống mất thăng bằng. Nếu nói về sự nghiệp, quả thực Nguyễn đình Toàn đã có và được chứng minh qua những tác phẩm được ấn hành từ năm 1962 tới năm 1975.

(................)

Sau khi tờ SÁNG TẠO khuất bóng; Mai Thảo cùng với Thanh Nam chủ trương tờ NGHỆ THUẬT ra hàng tuần.  Tòa soạn cũng ở đường Phạm ngũ Lão nhưng ở phía trên, gần tòa soạn nguyệt san PHỔ THÔNG của Nguyễn Vỹ. 

 Tờ NGHỆ THUẬT bìa in offset, trình bầy rất mỹ thuật, bài vở xúc tích.

 Mai Thảo lại nhờ tôi viết giùm.  Vì nể anh em, tôi lại viết và cho in cả tác phẩm trừu tượng trên trang bìa nữa. Tòa soạn báo NGHỆ THUẬT về sau còn tăng cường Viên Linh, một nhà văn trẻ, nhưng nó cũng chẳng tồn tại được bao lâu.  Bởi vậy, làm báo dễ thôi, nhưng giữ được báo thì khó! Tờ ĐỜI MỚI chết; [chủ nhiệm Trần văn Ân/ Nguyễn đức Quỳnh chủ bút'ngầm', không đề tên trên manchette]  vì chủ nó làm chính trị; chứ không, còn sống dài dài ,vì nó đã đi vào quỹ đạo của tâm hồn độc giả miền Nam tự bao năm trước -- cũng như tờ NGÀY NAY của nhóm Tự Lực văn đoàn ở ngoài Bắc [xưa kia]. 

  Nơi tôi làm việc mới thêm một nhà thơ, đó là đại úy Phan lạc Tuyên. Tác phong của Phan lạc Tuyên rất nhà binh. Anh thay Đỗ Tốn trông nom tờ TIỀN PHONG.[nguyệt san dành cho sĩ quan - TP chú thích].

 Phan Lạc Tuyên dáng người hơi mập, đặc biệt mắt anh lé, nhưng không đến nỗi nào. Anh em cuộc đời lính chiến lâu rồi, mới ngồi ở văn phòng, nên đôi khi anh có hành động hơi cứng rắn. Cái gì không ưng ý, anh nói thẳng hứ không quanh co hoặc sợ mất lòng ai hết.

 Người ta biết tiếng Phan Lạc Tuyên qua bài thơ TÌNH QUÊ HƯƠNG được nhạc sĩ ĐAN THỌ phổ nhạc. Sự giao du giữa tôi và Phan lạc Tuyên ở mức độ vừa phải, không thân không sơ.  Đặc biệt anh rất mê tranh của tôi. Anh có ghé thăm nhà một vài lần để xem tranh và bầy tỏ cảm tưởng của anh về lối vẽ trừu tượng mà tôi đang thực hiện với dự  tính cho cuộc triển lãm[của tôi] sắp tới. Anh ngỏ ý muốn mua một tác phẩm với giá đặc biệt. Tôi đồng ý vá chỉ xin mượn lại để trưng bầy khi có triển lãm.

Phan lạc Tuyên tuy không nói thẳng ra qua những lời bóng gió, tôi biết anh không ưa chế độ Ngô đình Diệm. Một hôm anh lục tủ hồ sơ vô tình tìm thấy một bài viết đả kích ông Diệm, anh biết bài đó ai viết, ở giai đoạn nào. Anh cầm xấp bài vẫy tôi lại chỗ vắng bảo:

- Ông ơi, tôi thấy bài này trong tủ hồ sơ; ông hủy ngay đi, nếu để ai biết; chắc ông sẽ không yên thân đâu.

Nói xong anh đưa xấp bài cho tôi.  Nhìn chữ viết, không phải nét chữ của tôi mà của một trong những người thuộc ban biên tập chống ông Diệm -- dưới thời tướng [Nguyễn văn] Hinh. (nhưng dù sao tôi cũng phải chịu trách nhiệm).

Tôi cảm ơn Phan Lạc Tuyên, xé nhỏ xấp bài quăng vào thùng rác phi tang!

 Nhưng Phan lạc Tuyên cũng không làm chung với tôi lâu. Anh xin được thuyên chuyển qua đơn vị Biệt động quân; nhưng vẫn ở trong ngành Chiến tranh Tâm Lý. (danh xưng mới của Phòng 5).

Rồi tình hình chính trị của miền Nam dưới chế độ Ngô đình Diệm không còn êm ả nữa. Những đợt sóng ngầm chống đối đã nổi lên báo trước những gì sẽ xảy ra; nếu chính quyền không khôn khéo sửa đổi cho hợp lòng người. Nhưng ông Diệm quá tin vào sự ngay thẳng của mình; cũng như tinh thần chống Cộng tuyệt đối của chế độ. do ông và  gia đình ông điều khiển; nên mới đưa đến cuộc đảo chính của đ8ại tá Nguyễn chánh Thi, tư lệnh Lực lượng Nhẩy dù, và các đơn vị Biệt động quân; trong đó có Phan lạc Tuyên, vào năm 1960.

 Cuộc đảo chánh thất bại; những tay chủ chốt lên máy bay qua tỵ nạn ở [Cam Bốt], trong số đó có Phan lạc Tuyên.

Kể từ ngày đó, giữa tôi và  Phan Lạc Tuyên không một lần gặp lại...
(................)

tạ tỵ


(NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI 
(Thằng Mõ xuất bản -- USA, 1990)

(trích lại từ NEWVIETART.COM (France)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ