Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

hỡi linh hồn tôi - truyện thế phong / - 9

hỡi linh hồn tôi - kỳ thứ 9-
thế phong- saigon 2003

                                                       hỡi linh hồn tôi 
                                                          truyện thế phong

Cuối tháng 6 vừa qua, Đỗ và trung sĩ Bảng ra Đà nẵng công tác.  Đầu tiên, đi tìm gặp đại tá sư đoàn trường,  để phỏng vấn về sinh hoạt sư đoàn không quân mới thành lập.  Lại không gặp được, sếp bận đi dự một đại hội ở quân đoàn, không có mặt ở nhiệm sở trong ngày.  Cả 2 lại đi tìm phi công Trần viễn Phương, lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều. Gặp,  anh ta đang ngồi ở bàn viết, cởi trần, trừ một quần đùi  thò cặp chân dài nhằng.   Có lẽ, truyện ngắn cuối cùng trong đời phi công văn sĩ là truyện Cồn Cát Láng.  Thấy mặt  Đỗ,  anh ta trao ngay chiếc xe gắn máy Honda , dặn với theo, ra phố chơi thì nhớ về ăn cơm chiều lúc 6 giờ.   Phương và Trần đức Tự ở chung phòng, trên bàn viết của Phương, tập bản thảo đang viết dở dang, ngoài bìa có hàng chữ Phượng Hoàng Bồng.

Đỗ và Bảng trở về sư đoàn Không quân,  không là 6 giờ chiều, mà 11 giờ đêm.  Hai tên bạn trách khéo, tại sao không về ăn cơm chiều, để họ chờ mỏi mắt.  Thoái thác, đi rong chơi cho đã cái thú giang hồ vặt. Cả 2 phi công rủ 2 bạn đến quán cháo gà cô Châu, nhậu chơi.  Sau này, Đỗ và Bảng vỡ lẽ, thấy 2 người ở Saigon ra, bèn đi vay được 2000 đồng thết bạn.  Nhưng không thầy Đỗ và Bảng về như đã hẹn,  thì giờ đây dùng 2 xấp để thết cháo gà vậy.

 Quán cô Châu trong khu phố gia binh , nổi tiếng ngon-  2 chàng phi công thường rủ nhau đến đây, vừa ăn  vừa  tán chuyện gẫu với cô chủ xinh xắn có duyên mặn mà ở mắt liếc, giọng nói,  nụ cười.   Nơi bàn nhậu, biết bao là chuyện kể, bay trên trời, nói chuyện dưới đất,  hippies, chích choác, thân phận hèn mọn của lính nhược tiểu thường ngày giao thiệp với cố vấn Huê Kỳ.  Và, xôm trò nhất, khi kể chuyện , lính tráng gọi đích danh  phi công thời chiến , là Xuân tóc đỏ đương thời, nhiều như châu chấu, chỗ nào cũng có  bọn 'bưng bô tướng đái, rước gái tướng chơi.'

Khoảng nửa đêm  , một phi công trẻ khác, Lý Hợp về phòng ngủ, thấy Đỗ và Bảng có mặt, chàng ta nhường giường cho khách.  Sáng hôm sau trở dậy, đã nghe thấy tiếng Trần viễn Phương gọi ới ới,  sang bẹn này lấy xe gắn máy ra phố rong chơi .   Hết ngồi ở quán Quỳnh Châu, lại sang Cà-phê Dũng, rong chơi khắp nơi, quên cả lời hứa về ăn trưa như đã hẹn cùng bộ 3 : Tự, Phương, và chỉ huy trưởng phi đoàn 516,   ông sếp này là bạn học cũ của Đỗ, từ Hà nội xa xưa.  Phi công thiếu tá Phạm Bình An vẫn độc thân, vui tính với bạn bè, kỷ luật gắt với bản thân và đồng đội .

Sáng hôm sau, Đỗ và Bảng ra  Air terminal trở về Tân sơn nhất, lại gặp phi công Trác Vũ, trưởng phi cơ Cargo 119.  Tiễn bạn, có cả phi công A 37 Trịnh đức Tự, trong bộ đồ combinaison đen, khăn tím quàng cổ, súng đeo lệch bên hông, đang tán gẫu với Đỗ.  Bỗng, bóng dáng một vị trung tá, trưởng khối chiến tranh chính trị sư đoàn, dẫn 1 thiếu niên ra bãi xin 'pắc' bay về Saigon.  Đỗ nhận ra ngay , trung tá  Nhân  Hậu , Ông ta gặp ai cũng nở nụ cười xã giao khuyến mãi , như để lấy lòng mọi người. bắt tay Đỗ , bèn nói lớn như để mọi người có mặt cùng nghe,  " Tôi với anh Đỗ đây lả bạn quen cũ.  Khi  ở Pháp về, tôi in tập thơ vào thập niên 50, là quen anh ấy vào thời kỳ ấy.  Khi anh ấy đồng hóa vào Không quân đến nay, đây lần đầu chúng tôi gặp nhau.   Lẩn này, anh ra đây, sao không báo tin cho anh em biết, quả là tệ thật, mà,  lại chẳng thèm ghé qua chỗ tôi  nữa ...". 

Phi công Tự có bộ râu quai nón , trông rất hùng, ngạo mạn, nhìn sang cậu bé, hỏi với giọng trịch thượng, " cậu bé này là con  đại tá Ba bộ Tư lệnh, phải vậy không, thưa trung tá ?" -- trung tá Hậu đỡ lời, --
" ... đúng thế, con trai đại tá Ba.  Cháu ra đây chơi, bố cháu gọi điện thoại cho tôi, nhờ xin' pắc' cho cháu về Saigon, kịp đi học".   --  quay sang cậu học sinh, Tự hỏi,giọng xách mé,  --" Này em,  cậu học sinh vô tội này có đúng là con của đại tá trưởng phòng nhân viên bộ Tư lệnh, thưa trung tá ?" --  cậu bé đáp lí nhí,-- " Thưa chú đúng ạ".  -- " này, trong quân đội , không có 'chú, cháu' , mày con nhà lính như bố mày, thì, phải tập dần cho quen.  Chẳng hạn, thấy tao đeo 3 mai vàng,  mày phải gọi là  đại úy.  Lon đại úy  xũ xì, mày thấy đấy, bởi tao  'đại úy cụ thâm niên', hiểu chưa? .   Tao có lời khuyên,  tuy hời thừa, chú mày chẳng cần phải về Saigon sớm làm gì, cứ ở đây chơi cho thoải mái đã, học hành là phụ, chứ không quan trọng -- như ông trung tá đây, vừa cho  hay.   Mày biết sao không?   Xin lỗi, bởi,  thằng bố  của mày bây giờ là đại tá, 3 mai trắng toát trên cầu vai, thì , xưa kia 'ổng' có cần học hành gì đâu, bây giờ đầy quyền uy, hét ra lửa đấy thôi . Tao khuyên chú mày thực lòng, mày cứ theo gương bố mày đi nhé !". 

Đỗ liếc nhìn sang cậu bé, nét mặt  xa xầm , còn sếp Nhân Hậu thấy tình hình xấu đi, quay sang phía trưởng phi cơ Trác Vũ, nói như phân bua, " Đại tá Ba bộ Tư lệnh điện thoại cho tôi, nhờ xin 'pắc' cho cháu này đây,  xin quí vị giúp cho.  Anh em trong nhà cả,  mà,  có phải người ngoài đâu ." -- có tiếng xen vào, --"  .., Trác Vũ này, lúc nãy tao thấy mày trả lời  mấy người tới xin' pắc' , máy bay trục trặc, hỏng hóc chi đó, không thể chở nhiều hành khách. Thế, bây giờ mày có dám nhận thêm con của đại tá Ba, sếp sòng nhân viên bộ Tư lệnh không quân?. Tao nói thật nhé,  thêm cậu bé này chẳng sao, bởi, nó nhẹ kí thôi , có đáng gì!" .  Trác Vũ  hiểu ngay, Tự nói móc ngoéo-  trưởng phòng hành quân phi đoàn 516  như vua con ở đây -- bèn,  quay sang trung tá Hậu, lễ độ , thưa, "  trình trung tá ,chỗ thì thật ra chẳng thiếu , cậu bé này chẳng nặng là bao -- tôi nhận thấy hoa tiêu Tự nói đúng. Nhưng, có điều này cần phải thưa với trung tá, việc học hành quan trọng thật, chậm trễ một chuyến bay,  có sao đâu ?  Thưa trung tá,  bởi trước đó, tôi đã từ chối nhiều hành khách xin ' pắc' bay về Saigon -  họ còn đứng  sờ sờ  ra đó- lẽ nào , tôi lại nhận  cậu bé mặc dân sự lên máy bay được ?  Mong trung tá cảm phiền , đợi chuyến  bay sau .".--Tự tiếp , "  Trác Vũ,  mày đúng là trưởng phi cơ Cargo,  bay giỏi, nói hay. Bravo Vũ !!! - vừa nói vừa cười, nhìn trung tá Hậu giắt cậu bé rời khỏi phi đạo.


Cách 2 tuần sau, trung sĩ Bảng báo tin cho Đỗ:  "Trần viễn Phương đã ' ra đi không mang va li."  Đỗ bàng hoàng, thở dài, lại được nghe một chiến hữu , thêm lời bình, --" Có ai biết đâu, sau  khi phi công gãy cánh sẽ được chôn cất ra sao không ?  Người ăn thịt người là ngợm, chó ăn thịt chó là  chó má, gà ăn thịt gà là gà qué, vậy mà trung tá Hậu trưởng ban tống táng, đối với phi công  A37 kia, còn chó má hơn cả chó má. Thế thì ,làm sao còn  bô bô cái miệng :  đời lính phải thương yêu nhau  , từ binh nhì tới đại tướng đều là' huynh đệ chi binh' là láo khoét rồi  ." -- một chiến hữu khác ngắt lời, --" ...sao bạn tế sống sếp Hậu vậy, chắc phải có ly do ? -- "  lý do ư, sếp Hậu , vì thù riêng, đã không cho mượn  Dodge 4 để chở xác phi công Trần duy Mỹ  .( tên thật văn sĩ Trần viễn Phương) ra khỏi cổng phi trường Đà nẵng, đem  về Huế chôn  cất?,  hóa ra  Victor Charlie * chửi Quốc gia cũng không mấy sai ,  tình' huynh đệ chi binh' chỉ có trên môi mép bọn tâm lý chiến tranh chính trị sư đoàn Kq thôi .--"  thêm một chiến hữu nữa,  góp lời,- - " ...một thằng chết đi, thì  chẳng  nghĩa lý gì , nhưng, thằng còn sống sờ sờ, nhìn cảnh đối xử bất công, của cái gọi là tình' huynh đệ chi binh' kia , thì,  quả là chó mà trên mức chó má , thật thế đấy!  --   một chiến hữu  không quân khác  xen lời + lời bình rất Mao tôn Cương, -- " ...  mang tiếng là  tham mưu phó chiến tranh chính trị kiêm trưởng ban tống táng  Sư đoàn Kq, đã không tống táng chiến hữu đàng hoàng ,đúng tình chiến hữu, thì, 'nghìn năm bia miệng'hãy còn trơ trơ',  lời của  tiền nhân !  Thằng nào chả phải một lần chết đi , phi công rớt máy bay, thì 'không ai tìm xác rơi' đã đành,  còn chết tại gia, tất phải chui vào 6 tấm.   Hỡi những tên '6 tấm  còn sống sờ sờ kia', chúng bay nỡ lòng nào xử sự bất nhẫn với bạn hữu qua đời đến thế sao ?   Chẳng lẽ,  các ngươi đều là bọn bất cố vô liêm sỉ trên cõi đời ô trọc này ,sao?" -  chiến hữu khác cười cười, hỏi tất cả mọi người,-- " .. các chiến hữu phê đều chuẩn cà, nhưng, có một lý do, tại sao trung tá tham mưu phó CTCT sư đoàn không cho mượn xe Dodge 4, để  chở xác 'pai-lất Trần duy Mỹ' về Huế chôn cất  không?  -- mọi người nhao nhao, mắt hướng nhìn, tai lắng nghe --... "bới, Trần duy Mỹ, tức văn sĩ phi công Trần viễn Phương là bạn thân nằm cùng phòng với hoa tiêu Trần đức Tự.   Ấy là, cái lần ông ta dẫn con trai đại tá Ba, ở bộ tư lệnh KQ  ra xin' pắc' về Saigon , ông ta  bị Trịnh đức Tự làm nhục. Đời mà, c'est la vie, có lúc, cá lóc giả đò nhảy lên bờ nằm để  kiến bu,  rồi nhảy xuống nước, nuôi cá con -- thì cũng có lúc  bị kiến  sơi cá đấy,  các chiến hữu  ạ !!"   -- tiếng cười ồ vang vang , chưa kịp tắt, thì ...

 đèn trong phi trường tắt phụp đồng loạt  , còi hụ inh ỏi hú vang.

  " Xuống hầm, Victor Charlie  pháo kích vào phi trường rồi  !"
----
\* lính Mỹ  gọi đối phương VC là Victor Charlie. 


                                                                  ***

Mười tháng 3 năm 1975, Ban mê Thuột đã vuột khỏi tay Việt Nam Cộng Hòa.  Tin này làm rúng động dư luận trong và ngoài nước, moi người đều ngẩn ngơ, xôn xao.  Đỗ đi đón vợ hàng ngày-  vợ anh đi làm ở đài phát thanh Saigon- bằng chiếc xe gắn máy cà-tàng mà  văn sĩ Nguyên Vũ môi giới mua hộ. Cái khoá dùng để khóa cửa máy bay, với sợi giây xích lòi tói-  dưới mắt nhìn tên bạn làm báo,  tay biên luận chính trị  Lý đại Nguyên ," ... cái khoá này giá trị  hơn chiếc xe đấy. !!!".

Có lần, mấy ngày liền , Đỗ rong chơi với bạn bè, dùng cái khóa to đùng ấy, để khoá chiếc xe gắn máy kia , và dựng đại ở bên lề đường Lê thánh Tôn, bên hông  một mặt đường  quán  Cái Chùa - La Pagode.  Hàng ngày, Đỗ đón vợ sớm hơn giờ tan sở, anh dựng  xe lại, ngồi gác chéo chân, nhìn mọi người qua lại, hình như nét mặt ai nấy đầy lo âu .  Ngay cả Đỗ không khác hơn , lo  chiến cuộc + nhiều vụ việc xảy ra,  chiến trận  biên giới Tây Nam không còn yên tĩnh , Đỗ nhớ tới một người bạn Mỹ mua sách tiếng anh, tay này mời vợ chồng anh đến ăn một bữa cơm tối tại nhà anh ta,  trên phố Duy Tân.   Độc giả đặc biệt  làm ở sở Thông tin Mỹ,  có  tên  thật ạ lẫm :  Husband-   tên đặt nôm na, dân dã , như  bố mẹ dân quê việt đặt tên, con  trai tên Đực, con gái tên Gái.    Nhà riêng luật sư Husband ở 39 C Duy Tân, một biệt thự trệt ,  chủ là  bác sĩ chuyên khoamắt nổi tiếng cho thuê.

 Bữa cơm chỉ có vợ chồng Đỗ.  Khi đầu bếp nữ kiêm quản gia bưng thức ăn dọn lên bàn , Husband giới thiệu, "  ... bà này là vợ một cảnh sát dã chiến đã chết vì công vụ,  không chỉ là người miền bắc di cư, còn  là công giáo gốc  gác ở nhà thờ Phát diệm , nơi dức cha Lê hữu Từ từng  cai quản.." Husband không giải thích thêm,  tại sao chọn quản gia đầu bếp,  đủ 3 yếu tố ấy- Đỗ cũng dễ nhận thấy , người Mỹ này không muốn bị  'nội công' còn nguy hiểm hơn 'ngoại kích'.  Đỗ nhớ lại ,sở dĩ  quen Husband,  qua sự giới thiệu  một linh mục Dòng Tên, gốc người Canada ở Trung tâm Đắc Lộ,  độc giả quen thuộc mua sách anh ngữ Đại nam văn hiến Books.   Từ đó, tay độc giả người Mỹ mua sách của Đỗ.   Husband cho biết, lần này trở về Mỹ, anh ta sẽ hành nghề luật sư ở bang Minnesota-   mà Đỗ thường  diễn dịch đùa cợt :   bang  Mỹ-nó-sỏ-ta.  Husband  hỏi anh, liệu tình thế như bây giờ,  gia đình Đỗ có ý hướng nào  giải quyết không ?

 Husband  trẻ, lịch lãm, Đỗ đoán chừng, ở trạc tuổi trên dưới 30, chẳng cần phải hỏi nghề gì, chỉ biết  làm  ở Sở Thông tin Mỹ , đoán biết được ngay là CIA .   Qua chuyện kể, anh ta thường theo phái đoàn 4 bên ra Hà nội, mua  rất nhiều sách phía bên kia , đủ chủng loại : văn học,  lịch sử, địa lý, chính trị v.v..- Husband  giải thích cho vợ Đỗ; trong số bạn bè , có người thích mua tranh sưu tập, còn anh ta chỉ thích sưu tập sách-  nhờ đó - mở rộng chân trời du lịch, cũng như giàu có tâm hồn.  Quay sang phái vợ Đỗ, anh ta hỏi: có phải bà là bà Khuê, người thường đi giao sách cho linh mục Dòng Tên  ở 161  đường Yên Đổ -- bà nói với  linh mục , " đây, lần đầu tiên, tôi nhận $50.00 USD, và, tại sao không trả bằng tiền đồng việt?--  linh mục mua sách ,trả lời,-- " mua sách  tiếng anh, phải trả bằng tiền đô mới hợp lý".

Husband kể cho  vợ chồng Đỗ nghe,   khá nhiều cộ gái việt hỏi, tại sao anh ta không lập gia đình, để khi về Mỹ có bên cạnh  một cô bạn gái Việt nam dễ mến đi cùng - và, nếu bằng lòng, họ sẽ giới thiệu cho.   Husband kể chuyện dí dỏm, chắc cô gái vùa kể chuyện , định giới thiệu  cô gái việt đáng mặt giới thiệu, chính là cô ta. chăng ?  Đây cũng là cách để cô ta cùng gia đình có thể ra khỏi nước hợp pháp. Và, còn   nhiều thương gia Hoa kiều ra giá, trả tiền đô ,để xuất ngoại, nhưng, Husband không nhận lời.   Anh ta giải thích thêm: một khi tình thế hiện nay xoay chuyển, nếu vậy , thì hẳn là ,sau này ai đã xuất  ngoại được, sẽ trở thành công chức  nước Hợp chủng quốc, tương xứng với đồng lương  được trả+ sức lao động bỏ ra.

Quay sang phía Đỗ, Husband nhấn mạnh, "  như nhà văn đây chẳng hạn, ở lại trong  nước, thì sẽ không còn cơ hội để in tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ, cũng như sách được chuyển ngữ sang tiếng anh, tiếng pháp nữa... ".  Husband hỏi thêm, hiện Đỗ đang viết tác phẩm gì, và, cuốn bút ký ' ôi đi dân vệ Mỹ'  xuất bản  từ 1967,  một tài liệu sống thực + cảm nghĩ một người có vai trò cốt cán xác định cho sự thay đổi một chương trinh.  Và, tác phẩm của Đỗ chứng tỏ sự bất khuất, trước áp lực mua chuộc,  tất nhiên giới chức  có thẩm quyền phải lưu tâm.  Husband đi tới phía tủ ở gần đó, lấy ra tờ báo gập sẵn, tờ Saigon News Daily, đưa cho Đỗ,  tay chỉ vào trang 1,  bài  báo 2 cột, do phóng viên Nguyễn ngọc Lương giới thiệu bản dịch anh ngữ ' I was a American militiman * :
---
* The Ordeal of the American militiman , translated by Đàm xuân Cận. Dai Nam Van Hien Books, 1969= bản tái bản thay tựa.

" The Phong considers himdelf an American militiman simply because he was employed by the Americans.  Fot two years he was a lecturer in politics at the Vung Tau Training Center -- which produced cadres for the Government's a pacfication program.  He was in a vantage position assesses  the chance of the program, and his book is a taugh but constructives warning to the authorities concerned ..."

Husband nhấn mạnh, " ... tôi có thể nói với nhà văn, mà anh là tác giả, cuốn sách nhỏ bé này đã làm cho giới chức có thẩm quyền liên hệ bị điên cái đầu ..." .

 Sau bữa cơm, Husband tiễn vợ chồng Đỗ ra cửa, còn khéo léo nhắc nhở tình hình chính trị đang sôi động hiện nay .  Không nói thẳng thừng, nhưng nghe xong, vợ chồng Đỗ hình dung trong đầu -- rồi ra Saigon cùng lắm thì trở thành Hồng Kông thứ 2 mà thôi.  Tuy nhận định này chưa hẳn sáng suốt,  ấy là  đối với người am hiểu diễn biến thời cuộc toàn cầu.

Trên đường về nhà ở cư xá Không quân Tân sơn nhất, Đỗ nảy ra ý tưởng, phải tận dụng ngay cái bể chứa nước mưa ở sận trước nhà,  thành cái hầm trú ẩn kiên cố, có chiểu sâu khoảng 2 thước dưới lòng đất.  Thì như vậy, mới có thể tránh được những cơn pháo  mưa bấc - Victor Charlie nhắm thằng vào sân bay Tân sơn nhất.

 Khuê, vợ anh, tán đồng, họ chuẩn bị cấp tốc cái hầm trú ẩn khá an toàn này.  Trên nắp hầm, phải có những bao cát, cao chừng 1 thước, mới đủ sức chống nổi sức công phá  của hoả tiển 108 ly Trung cộng và  122 ly  của Liên xô.  Đỗ nhớ lại, trước sân bộ tư lệnh Không quân,  còn một hào nhỏ chưa lấp,  hậu quả những trận pháo vào ban ngày: 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều.   Bạn thân Đỗ, đại úy Phát nhìn hầm nước,  cười cười, " hay là ta mua cá về thả, được đó".

Phát từng là trưởng trạm Hàng không quân sự Đà lạt thuyên chuyển về khối Tiếp vận Tổng tham mưu,  anh ta thường xuyên vào chơi với gia đình Đỗ, còn giúp nhiều việc vặt trong gia đình, chẳng kháctình anh em ruột thịt.  Đã có lần, Phát chở anh đi mùa miếng tôn  kiếng để lợp lên mái bếp, tạo ánh sáng trời cho  bếp núc. sáng hơn  Đỗ ôm 2 miếng tôn quận tròn lại ngồi sau xe, đỡ tốn chuyến xe lam từ cổng Phi long vào cư xá.  Phát có sự chung thủy trong tình bạn hữu, thường ra rất ít nói, chân tình thì lại nhiều.   Phát góp ý, hầm trú ẩn nằm sâu dưới lòng đất, thường hay bị nước thấm rò rỉ , trước hết, tát cho cạn nước để cho khô, mua xi măng pha nước, quét lên nhiều lần --  hầm sẽ khô ráo , lại không còn bị nước thấm nữa.   Mà, đúng như vậy, kinh nghiệm thực nghiệm kia giúp cho đời sống hàng ngày hiệu nghiệm.   Có lần Đỗ nói đùa, " giá anh chàng Phát này viết truyện chẳng hạn, thì, nhân vật chính trong truyện  của Văn Phát, sẽ chẳng kém gì nhân vật truyện giang hồ tứ chiếng Lê văn Trương, có khi,  lại mới  và  hay hơn,  không chừng ! " Đỗ thường khuyên Phát đọc  một  sách biên luận văn học việt, của 2 tay  giáo sư Sorbonne : M.M. Durand & Nguyễn-trần Huân / Introduction à la littérature vietnamienne  mới  xuất bản ở Paris năm 1969.   Đọc xong, nếu,  Phát thích, anh ta có thể chuyển dịch việt ngữ, bởi lẽ, Phát có vốn chữ Hán học tốt,  chuyển âm tên các triết gia, nhà văn Trung hoa sang việt ngữ  chuẩn.  Đỗ đưa ra một thì dụ , Phát  đã thử dịch:  Han Kao Tsou là Hán quang Vũ, Kang You Wei , rất xa lạ với độc giả  việt -- thì quen tên Khang hữu Vi, hoặc Li Po là Lý Bạch, Kiang Tseu Ya, Khương tử Nha.  Đỗ đọc tên danh nhân Seu Tiang -jou  thì Đỗ lắc đầu, Phát  dịch ngay là  Tư mả Tương như. lại rất quen tên, " quả tay cử nhân văn khoa ( việt hán)  lợi hại thật ! "  Còn một số tên danh nhân quen thuộc, thỉ chẳng nói làm gì, Sun Yat Sen , ai cũng nhận ra ngay Tôn dật Tiên.   Sau này,  mỗi khi giở Introduction à la littérature vietnamienne   --  Bản liệt kê tên riêng--  ở cuối sách, Văn Phát chú thích gần đủ hết tên danh nhân, tính chuyển dịch việt ngữ-  nay-  không kịp mất rồi : đó là  những ngày chộn rộn  tháng 4- 1975 .

Có một lần,  Phát thở dốc, nói ,  " Galaxy đáp xuống chở cô nhi đi Mỹ, bị trúng đạn pháo VC. rớt ở ngoài vành đai.   Còn ở Air terminal,  ông có biết trung tá hoa tiêu nguyên phi đoàn trưởng F5 E không nhỉ , tôi thấy ông ta đưa bà cụ , gửi  phi công Mỹ lái  Galaxy đi trước rồi . Tình hình cực kỳ nguy kịch\..!!!

                                                                                                   ( kỳ sau tiếp)

thế phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét