bùi giáng : thơ phơi giữa nắng - tham luận : huỳnh như phương
báo tuổi trẻ tp. hcm : thứ bảy 14-9- 2013
bùi giáng : thơ phơi giữa nắng
tham luận : huỳnh như phương
LTS : Lần đầu tiên kể từ 1975, một tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng được tổ chức, diễn ra lúc 8 giờ hôm nay 14-9 tại trường đại học KHXH& NV ở tp. HCM.
tưởng nhớ Bùi Giáng, nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông, Tuổi trẻ trích giới thiệu với bạn đọc tham luận của Gsts Huỳnh như Phương.
Người và thơ Bùi Giáng là sự kết hợp giữa đất đai nguyên sơ, hoang dã và nhịp đời phố thị. Tuổi thơ ông trải qua một vùng thiên nhiên hào phóng ruộng đồng, non nước cỏ cây dọc sông Thu bồn, dưới núi Cà tang. Thơ Bùi Giáng hóa kiếp và cho đầu thai để tái sinh cả những cánh bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hương cỏ dại qua ngôn ngữ hiện đại. Ông cũng sớm hòa nhập vào cuộc sống đô thị, bắt đầu từ Hội an, Huế, rồi Sài gòn. Anh đi về đô hội / Ngõ phố thi mơ màng.* Bùi Giáng như cái cây bị bứng khỏi phù sa thu bồn, vất giữa đất Sài gòn, tưởng thung thổ lạ lẫm mà vẫn hút được dưỡng chất phồn hoa để tồn tại. Ông vừa lạc lõng giữa đô thành lại vừa muốn là một tế bào - tuy là tế bào dị thể - của nó. Thơ ông không dửng dưng với những chiều hôm phố thị.* Có lúc ông tự trách mình: Bây giờ tôi đã quên xưa / Sài gòn cám dỗ tôi chưa chịu về.* Điều kỳ diệu là Bùi Giáng ngao du sơn thủy mà vẫn như trụ chân một chỗ. Sau 34 năm, ông mới trở lại quê nhà; nhưng thật ra, ông đã có bao chuyến về tâm thức, đúng hơn, chân ông đã đi xa mà tâm ông vẫn còn ở lại :
Hỏi rằng: người quê ở đâu ? / Thưa rằng : tôi ở rất lâu quê nhà *.
trí giả và hiền giả
Trong thế giới sáng tạo của Bùi Giáng, gắn liền với kết hợp Quê - Phố là kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại. Đông phương và Tây phương. Từ một ;làng quê xứ Quảng [ Nam ] giã từ bầy dê từng được ông choàng hoa và đặt tên. Bùi Giáng và những trang từ điển của ông mở lối lên thành phố và đi ra nhân loại. Rồi ra Trung Niên Thi Sĩ sẽ không chỉ thân với Nguyễn Du, Cao bá Quát, Chu mạnh Trinh, Tản Đà ..., mà còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger, Saint-Exupéry, Gérard de Nerval, André Gide, Albert Camus ... Ông chơi với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất. Ông yêu Thúy Vân trong vẻ đẹp cổ điển, nhưng cũng ca tụng Thúy Kiều trên nền nhạc hiện sinh. Nhưng dù là truyền thống hay cách tân, Bùi Giáng vẫn hướng về cái tĩnh tại uy nghi trường tồn như núi Ngự muôn đời bên bờ sông Hương là đẹp, đồng thời cái biến dịch muôn sắc huy hoàng cũng là đẹp, miễn là nó được vĩnh cửu hóa bằng nghệ thuật.
Nếu làm một thống kê tự vựng trong thơ Bùi Giáng , sẽ thấy bảng pha màu ngôn ngữ của ông đa dạng biết bao ; những từ ngữ cổ kính, nghiêm trang đan kết với những từ ngữ tân thời, nghịch ngợm. Để dùng cách nói thời thượng hiện nay, ông nhà quê Bùi Giáng * là người mở cửa , hôi nhập sớm hơn ai
hết . Việc ông giỏi chữ Hán, tiếng Pháp thì không khó hiểu. Nhưng chỉ 10 năm ở sài gòn, không qua trường lớp nào, mà ông thông thạo tiếng Anh, có thể đọc Shakeaspeare trong nguyên tác, và am hiểu tiếng Đức một cách chuẩn xác, sâu sắc, khi đọc, khi trích dẫn Friedrich Holderlin, Martin Heidegger, như sự xác nhận qua kiểm chứng trong thực tế của nhà nghiên cứu [ triết học] Bùi Văn Nam Sơn, thì quả là một năng lực ngôn ngữ thâm hậu.
Một đối cực khác được kết hợp trong tác phẩm và con người Bùi Giáng là sách vở, nhà trường trang nghiêm với cuộc đời nắng gió, bụi bặm, xô bồ. Đó cũng là kết hợp quy cách và phá cách. Xuất thân Bùi Giáng là nhà giáo, ông viết những lời trân trọng về các thầy gió cũ của mình. Ông vào trường thi, thi rớt, phải thi lại để có tấm bằng. Nhưng ông cũng sẵn sàng bỏ trường thi mà đi, khi thất vọng về nó.Khi viết sách giáo khoa, ông viết mạch lạc, khúc chiết. Khi sáng tác, viết khảo luận và dịch thuật, ông để dòng ý thức của mình lôi ngòi bút đi miên man bất tận.
Sách vở giúp Bùi Giáng trở thành trí giả : cuộc đời và số phận biến ông thành hiền giả . Người trí giả phải chịu lép vế trước người hiền giả của ông.* Người và văn ông không để cho những chuẩn mực câu thúc, ý văn ông tràn ra ngoài những ranh giới của lý trí. Tư tưởng của ông đi theo đường dây riêng biệt của nó, từ Nerval đến Shakespeare, từ Shakespeare đến Nguyễn Du, từ Nguyễn Du đến Gide; rồi lại từ Gide đến Saint-Exupéry... Qua cái bề ngoài phi logic, văn bản của ông thách đố người đọc đi tìm sự mạch lạc nội tại * của nó.
người nghich chữ
Về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn , nhập nhòa giữa thực và mộng, giữa tỉnh và mê. Thực và mộng, tỉnh và mê không có ranh giới rõ ràng mà thực hòa trong mộng, tỉnh hòa trong mê và ngược lại. Có những trang thơ, trang văn Bùi Giáng viết như lên đồng, như viết tự động, viết trong giấc thụy du * Theo lời kể của người thân, bệnh án Bùi Giáng ghi : 'mắc bệnh tâm thần phân liệt dạng sáng tạo chữ '* Điên là thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào một thế giới huyền ảo của tâm hồn. Nói cách khác, điên là lìa xa chuẩn mực của người không còn bị gò bó, vướng bận. Từ khi được / bị xem là điên, Bùi Giáng thong dong đi tiếp con đường của mình, không phải chiều lụy gia đình, xã hội; không ai và không điều gì có thể níu kéo làm phiền ông nữa.* Ông có thể nhập thân vào thế giới của mình, một thế giới mang ít nhiều ảnh tượng của hiện thực, nhưng lại do chính ông tái tạo, chế biến. Có thể nói, ông là đấng toàn năng, là hoàng đế trong thế giới của tiêng ông .*
Lao động nghệ thuật của Bùi Giáng là sự tương tác giữa nghỉ, viết, và chơi. Có lẽ ông không phải là phu chữ, như cách nói của Lê Đạt. mà là người nghịch chữ. Ngay trong khi nghĩ, ông đã nghịch ngợm những từ ngữ và khi viết ra , thì thực sự là ông bày trò chơi trên trang giấy. Bao vấn đề suy tư triết học, tư tưởng văn học hóc búa, rối rắm, ông diễn đạt tuy rườm rà mà đọc văn vẫn thấy vui, nhiều khi ta chưa hiểu hết ý mà không thấy mệt óc *. Ông là bậc kế tục thượng thừa những trò chơi chữ, giễu nhại ... của văn hoá dân gian, của Hồ xuân Hương, Tú Xương, Tú Quỳ ... và khai thác một cách mạnh mẽ, cuồng nhiệt
nhất ... Ít thấy trong văn Bùi Giáng về nghiêm nghị, cau có của người tin rằng mình đang nói những điều quan trọng, hay đang phát ngôn chân lý.
Có thể nói rằng Bùi Giáng là thứ quả mà cây văn chương chỉ kết được một lần. Bùi Giáng phơi mình giữa nắng gió cuộc đời, rong chơi bất tận giữa đám đông mà vẫn bí ẩn trước mắt thiên hạ, thách thức mọi suy đoán, lý giải *. Ai ở Sài gòn những năm 70, 80, 90 thế kỷ trước, mà không 1 lần gặp
Trung Niên Thi Sĩ. Trên những con đường quanh chợ Trương minh Giảng, trước cổng trường đại học Vạn Hạnh, trong sân chơi chùa Già lam. Giữa các ngõ hẻm quanh co của xóm Gà Gia định- tôi có 4 năm là hàng xóm của ông ở xóm Gà.
Một buổi trưa nắng gắt, tôi chạy xe về hẻm 482 Lê quang Định, thấy ông nằm như thiu thiu ngủ trên 1 đống cát nhà ai đang xây, bóng cây không che hết gương mặt teo tóp đọng nắng của ông. Vài tờ giấy viết dở vương vãi bên cạnh. Tôi dừng xe lại, chưa biết làm gì : nhặt giúp ông những tờ bản thảo sắp bay đi hay đánh thức gọi ông vô nhà. Giữa lúc tôi còn phân vân, thì Bùi Giáng, mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng linh cảm có người bên cạnh, đưa bàn tay lên xua qua xua lại, ngầm bảo rằng : hãy đi chơi chỗ khác đi, đừng quấy rầy ông, hãy để ông yên với cơn mê của ông, thế giới của ông .*
Chúng ta nòi nhiều, viết nhiều về Bùi Giáng, nhưng có lẽ vẫn là người xa lạ đối với ông. Sau 15 năm, chúng ta thêm 1 lần đón nhận Bùi Giáng, đón ông về lại không gian văn hóa này, thậm chí có thể nói một cách nào đó là chuộc tội với ông, bởi có lần ta đã lạnh nhạt, nếu không nói là xua đuổi ông . Thử tượng tượng có một hôm nào đó, Bùi Giáng tinh anh, nghe nói có toạ đàm về ông ở một trường đại học [ nào đó]. Chắc ông sẽ lò dò đến đó, leo lên cầu thang, đứng ngoài cửa ngó vào, nghe [ được ] đôi câu, rồi hấp háy đôi mắt, dưới cặp kính dày cộp mà lẩm bẩm :
' Các cháu cứ ở đó mà toạ đàm đi, ông già Bùi rong chơi tiếp đây !.*
Dầu có như thế, chúng ta cũng đừng phật ý. Ta hãy đáp lại ông bằng ngôn ngữ chính ông:
' Vui thôi mà , thưa Trung Niên Thi Sĩ ' []
huỳnh như phương
----
* BT cho in chữ đậm.
( trích báo Tuổi trẻ, tp. HCM / ra ngày thứ bảy 14 tháng 9 năm 2013 - Văn hòa-nghệ thuật-giải trí : tr. 16 )
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ