Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

nhà văn tác phẩm cuộc đời / thế phong - 16

                  nhà văn tác phẩm cuộc đời      16
                                                   tự-sự-kể : thế phong

                                           5 

     Một sáng chủ nhật gần  tết, Cao Mỵ Nhân đến thăm tôi.  Nàng thấy tôi nấu cơm lấy để ăn,  dường như thương cảm tôi không ít.  Nàng bèn làm thay tôi công việc đó trong ngày hôm nay, bữa cơm trưa có thêm đĩa trứng ô-mơ-lét do tay nàng tráng.   Tôi nhìn nàng  làm bếp, nhìn qua song cửa - không muốn nói ra điều linh cảm thấy sự đau đớn  cho biết trước -  qua những cử chỉ âu yếm này sắp mất đi vĩnh viễn.  

     Ít hôm say, Mỵ trở về Ban Mê Thuột cùng đại gia đình ăn tết, món quà  tặng tôi trong phong bì chúc xuân mới  có kèm theo 300  Vnđồng. Lần đầu tiên nhận tiền  phụ nữ, cảm tưởng ngay sau khi cầm phong bì, tôi mường tượng ra sự khinh bỉ của người đưa tiền, nếu  sau  này không có món quà nào khác to hơn tặng  lại. Nhưng đành  nhận, bao tử lúc ấy trống rỗng,   không có món tiền kia chẳng biết xoay sở làm sao khi  áp tết ta đến gần  ?  

    Tôi đi mua  1 chậu hoa hướng dương, nói là một chậu,  chỉ duy nhất có 1 bông đem bầy lọ hoa ở giữa nhà, 1 cặp bánh chưng, vai thẻ nhang  xạ, hương trầm đốt trỏng ngày tết.   Nhớ đến  mẹ, đến ba tôi và đại gia đình xưa ở nông trại Làng Bữu * 
------
*  Thượng bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. 

    Một buổi sáng tinh mơ, khoảng 4 giờ sáng, thức giấc trở dậy, tôi vội vàng ra bến xe đi Cao Nguyên ở Ngã 7 tiễn nàng về Ban Mê Thuột .  Tôi không ngờ gặp ký giả Phan Nghị ở đây, anh ta  cũng đưa tiễn ai đó; nhìn thấy tôi, anh nhà báo cười cười, như có ý 
hỏi  :' vợ chồng mày lên Cao nguyên ăn tết đấy ư? ' Sáng nay Cao Mỵ Nhân mặc quần jean, trông gọn ghẽ xinh xắn như nữ tài tử  Audrey Hepburn.   Một vài câu  ghi lại trong 1 bài  :

               '... Tường  hôm nay quét vôi xanh làm mát mắt
                    cửa sơn mầu hy vọng, chủ nhà hì hục trọn ngày 30  
                    anh khóa cửa phòng, đốt hương trầm  soi đối bóng 
                    nhìn ảnh em, anh lên tiếng , thầm gọi đôi lần
                    mắt em vẫn nhìn về phiá anh như hoa hướng dương
                    ôi mơ mộng tô hông vẫn là kỳ công thợ ảnh
                    bơ vơ ảo não buồn lén chảy quanh phòng 
               ... sớm hôm nào tiễn em đi sương lạnh quá chừng !
                    anh soi niềm sung sướng bằng mắt môi em đó
                    cho dầu cuộc đời  hành hạ anh đến mấy
                    lột da đầu, tóc thôi mọc, lưng nổi ốc bánh phồng tôm  
                    nhìn  dáng em đi ung dung ngoài đại lộ 
                    một lần tay ngọc ngà vuốt ve đủ  tin cẩn cuộc đời 
                    dù phải ghé vai lãnh nằm gai nếm mật
                    ý nghĩ em có mặt khiến  anh  quá vui lòng ..
                          GIÃ TỪ ANH EM VỀ BẢN THỔ 

   Chỉ còn đâu đó, 2 lần nữa thôi - một ngày chủ nhật-  hình như sau tết ta ít ngày, Cao Mỵ Nhân lại đến thăm tôi. Lần này xúc động,  tôi viết bài Phẫn nộ ,  bài này sẽ được trích nguyên văn, không những chỉ là kỷ niệm sống động lần chót với Mỵ , màtôi  biết đây lần cuối cùng . Sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại nàng nữa,  tiễn nàng qua một chặng đường dài đi bộ, băng qua những thửa đất trồng rau ở 2 bên đường  khu Nông tín cuộc .  Nàng nhìn luống rau, tỏ lời ta thán, cuộc đời sao lắm éo le, ý tưởng bềnh bồng vô vi Lão Trang bỗng nhiên lóe lên câu nói: ' anh ơi, hay là chúng ta bỏ hết công việc ngoài đời, ẩn mình  nơi  đồng quê, cơm  canh  đạm bạc có lẽ sẽ sung sướng hơn chăng ?!  . Tôi đoán chừng,  bước đi đầu tiên vào  đời không mấy suôn sẻ , khiến nàng thốt ra lời  nói ấy chăng ?   Lần ấy, chúng tôi đi bộ từ Khu nhà thờ Tân Sa Châu  tới chợ Trương Minh Giảng, băng qua  ngã tư Yên Đổ, rồi mới gọi tắc-xi  tới quán chả cá  Thăng Long  Dakao - vợ  góa  nhà văn Hoàng Đạo làm chủ .    Chọn 1 bàn cuối phòng, ít khách qua lại , nhưng khi đang ăn lại bắt gặp  bạn gái của Mỵ đi cùng chồng tớ ăn ngay  bàn bên .  Cô bạn gái giới thiệu chồng nàng với Cao Mỵ Nhân, sau đó trách , sao lập gia đình  không mời dư tiệc cưới.  Mỵ trả lời , sau  nàng  đã biên thư cho tôi , có câu trả lời cô bạn ;

   '...  đây chẳng thèm mời các cậu đâu, cưới ở một nơi thật xa, để chống mình đỡ tốn tiền ...'

    Người đàn bà kia nhìn tôi, nửa  muốn hỏi, nửa  biết rồi, và hình như hỏi lại chỉ để là  cho chắc chắn thôi :  ' đây có phải  là   ... không ?'  Cao Mỵ Nhân gật đầu, còn tôi nghe mà lòng se  sắt.  

    Bữa ăn ấy là lần cuối giữa 2 chúng tôi ở ngoài phố, cũng là lần chót ở nhà trọ vào 1 ngày chủ nhật mà tôi sắp kể ra đây.   Mỵ nấu cơm , tráng trứng; tôi nằm trên giường nhà trên, nhìn qua song cửa,  để mường tượng ra 1 người vợ hiền đang nấu cơm, vợ chồng son chưa con cái,  hạnh phúc chứa chan rồi !     Trưa hôm ấy, ăn xong, Mỵ ngủ trưa, nằm trên  giường ,  tôi nằm trên ghế bố.  Mái tóc dầy đen lánh xõa trên  đôi gối, một  xanh, một đỏ. Buổi chiếu, chúng tôi trò chuyện với nhau  tới gần tối-  Mỵ sửa soạn trở về trường vào lúc 8 giờ tối.  Tôi thấy rằng câu chuyện  đã sửa soạn từ buổi trưa đến giờ, thôi đành phải  bày tỏ  một lần là đủ hết .  Nếu không làm  được, sẽ chẳng còn bao giờ còn cơ hội .  Cao Mỵ Nhân sắp ra trường, không biết sẽ đi đâu; còn tôi, hẳn không thể ở đây mãi được, chưa biết sẽ đi đâu - chắc chắn  đường tôi đi  sẽ buồn thảm hơn nàng nhiều.  Với hiện trạng, tôi không thể lập gia đình, khi chưa có một công việc chắn chắn có nguồn sinh lợi.  Ngày  trước, tôi đã dự định sẽ làm  nghề tắc xi để nuôi gia đình.  Dầu vậy, tôi không hề hối hận  rằng mình đã lao đầu  làm văn nghệ, cho rằng có thắng cuộc đi nữa, vẫn là cựu chiến binh đầy vết tích chiến tranh. Làm văn chương, tôi đã nói lên được  cảm nghĩ đời sống nhà văn như thế nào,  giống hệt nhu cầu cơm áo - kể từ khi mất liên lạc gia đỉnh, nếu không có đời sống văn nghệ kia, hẳn hôm nay tôi không còn sống .

      Mười mấy năm qua, tôi chống bệnh đạo đức giả trong đời sống văn nghệ, dám nhận chân sự thực xấu xa, nhớp nhúa, từ chối đóng vao làm-người-thánh mà không có chút máu quỉ pha loãng.  bạn đọc phương tây có thể tha thứ lỗi lầm, hay tội lỗi thiên tài thấu thị như Rimbaud, Verlaine, J.J.Rousseau, gần hớn Jean-Paul Sartre - nhưng tâm địa người làm văn nghệ nhược tiểu dân tộc sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi !

         Những ngày có dấu chân chàng kỵ mã văn nghệ la tôi đây, quang cảnh miền Nam đã thay đổi  thực sự.  Tôi như là mũi tên tẩm độc không tha thứ cho bất cứ một tên cường hào, ác bá  nào, dầu có quyền lực sau đời sống văn nghệ, tôi  vẫn lao những mũi tên tẩm độc  để cảnh cáo, và  cần thì khai tử.  Những tên làm xấu xa  văn chương, nào  đạo văn, văn thám,  chúng phải luôn nghĩ  đối tượng tôi, trước khi chúng bắt tay vào việc.  Chúng có thể ghét tôi, nhưng phải né tránh và không thể coi thường.  Tôi đòi chúng, phải thừa nhận lỗi lầm nhơ nhớp đã làm, biết lỗi mới có thể  hối cải sửa chữa.  

         Kể từ người làm văn nghệ thời tiền chiến già đời như Đông Hồ thừa nhận tôi ' kẻ có dũng khí ' -  giáo sư dạy chuyên khoa Nguyễn minh  Hiền * tiết lộ.   Một ký giả gì không muốn nêu danh,  hoạt đông cùng thời  Vũ tam Anh mời  lại nhà chơi, tôi  từ chối phắt , bởi  lẽ mật vụ Diệm Nhu theo dõi có cớ ám hại , mà gặp gỡ này có  cải thiện được việc gì đâu?   Bạn tôi,  Phó Minh Long, con  chủ nhà cho tôi ở nhờ, anh ta đóng vai em nhà cách mạng mời,   tôi đem câu chuyện  kể lại cho ông Vũ tam Anh nghe, ông ta khen  ý tưởng hay !
------
* tên thật Lữ Hồ.

    Nhà làm cách mạng già Mai Lân-Nguyễn đắc Lộc, chủ nhiệm báo Tân dân tâm sự:

        ' ...ông Thế phong thì ai mà chả biết ...'  .

      Đại để vậy, rất nhiều légendes về tôi, qua nhiều người khác kể, tới tai tôi,như một huyền thoại khó tin !  

     Thái Lân,  ngoài 40 , nhà báo sừng sỏ , thư ký tòa soạn  báo Chính luận,  nói thẳng thừng: ' Thế Phong đang đạt tới đời sống thánh nhân '-  trong khi đó,  nhà phê bình  thi ca Nguyễn đình Tuyến  viết  :

    '... hình ảnh của người hùng trong thế giới mà Nietzsche xem như một quái vật vô thỉ vô chung ...'
----
 * Những nhà thơ hôm nay / Nguyễn đình Tuyến, Giáo khoa Saigon xb, tr. 319. 

      còn báo pháp ngữ Journal d' Extrême Orient ( JEO)   gán cho tôi : ' le critique éminent   ( báo ra ngày 9-3-1959) - hoặc ký giả  Nguiển Ngu Í viết phê bình tập thơ
 Cho thuê bản thân của tôi :

       ' thi nhân bất lực nên có thi thần
        ( báo  Tin Sách, 1962 ).

    cho dầu tôi là cái gì đi nữa, tôi vẫn là tôi  đó -  có lời cảm ơn tới qui vị đã bày tỏ cảm nghĩ thực, dấu đúng, sai -  không  phải là vấn đề chính yếu.   Ở đây, cần phải mở một dấu ngoặc : '  câu  vừa nói là câu nói của tôi  thật chân tình đấy quí vị '.

    Trở lại với kỷ niệm  người nữ mà tôi yêu sắp  vuột khỏi tầm tay - lúc này chập choạng tối - tôi bày tỏ , Cao Mỵ Nhân lắng nghe  :

      ' ...mối tình 2 chúng ta đến đây đã 5 năm, Mỵ không thể đợi tôi thêm được .  Hai chúng ta cũng không thể còn tiếp tục gặp  nhau . Cứ kéo dài tình trạng này, tai họa sẽ đổ lên đầu  Mỵ  và Mỵ  sẽ buồn đau hơn  tôi.   Khi người con gái  bắt đầu yêu, họ sẽ phải giữ cái gọi là ngàn vàng chặt chẽ - đến khi đã yêu thật  tha thiết tột độ,  cho hết không tiếc;  thì chính lúc này, người đàn ông kia   phải tiếp tục  giữ  trọn  trinh tiết cho  cô ta... ' 

    Tôi  cũng vậy, phải rất   thìn mình  giữ cho Mỵ  đến giờ phút chót.  Hinay, tôi với   2 bàn tay trắng, chưa có một nghề  vững vàng kiếm sống, như vậy không thể gọi là thất nghiệp-  vậy thì sao dám lấy vợ,  sinh con  - tất cả những thứ ấy phải được bảo đảm bằng cơm, gạo, bạc tiền.  Còn Mỵ nói rằng, có thể một ngày kia, tôi sẽ trở thành bộ trưởng,  thì sẽ dễ quên nàng thôi, và lúc này, có ai tha thiết tới:' cô bé tự biết mình là chất kim  loại quí giá ,  bị  nhiều quặng  quấn  quanh' .   Bộc bạch lòng  như  bóc  bánh,  đừng buộc tôi phải níu kéo  danh hão kia thêm một phút nào vào đời sống hiện tại, nói thực lòng, trước kia có ý ấy, nay thôi rồi ! 

      Hẳn Cao Mỵ Nhân được nghe một chuyện  : khi tôi  còn làm giảng viên chính trị  khóa đầu tiên,  bộ Công dân vụ mở vào  1960.   Đi làm  tròn 5 tháng, hoàn tất nhiệm vụ được giao , lương  5000 đồng, vẫn chỉ được tạm ứng 2 /5.  

      Có 1 lần, tôi và  Vị Ý  đi dạo trên  phố Lê thánh Tôn , tôi vào tiệm giày Hànội  đặt đóng kiểu Unic  1 đôi giầy da hảo hạng .  

      Ít ngày sau, tôi đi đôi giầy tây ấy vào lớp giảng bài, tiếng khua của  đế giầy ròn vang  náo động  hội trường.  Khóa sinh g hỏi, có ý trêu  giàng viên, giầy đế da  Cam Nguyên bóng lộn này chỉ danh cho bộ trưởng mà thôi.  

      Trả lời tức khắc :
     ' vậy các bạn tưởng tôi sẽ không thể làm bộ trưởng ?  vài ba năm không chừng,
 mà làm bộ trưởng là danh giá lắm sao ?' 

    Giám thị báo cáo, tôi bị nạo, cho là nói móc họng bộ trưởng Ngô trọng Hiếu.  Bây giờ, làm tổng, bộ trưởng không khó, điều khó nhất  chưa tổng, bộ trưởng nào làm được,  làm sap cho  dân chúng ấm no, tiền viện trợ đỡ bị bớt xén, hãy đi xe đạp, đòi hưởng lương ít như bộ trưởng quốc phòng Ấn độ, ngài K. Menon dạo nào !

    Tôi chỉ nhận làm bộ trưởng, trong nội các  có nhiều người  thiện chí đồng tâm hiệp lực xóa  bất công, nâng đời sống dân chúng lên tầm cao,  dầu  đồng sàng dị mộng đi nữa !   Còn các vị tổng bộ , trưởng bây giờ  lên ghế quay ngồi ,chỉ lo no ấm bản thân,  gia đình- như 1 sự trả thù của  những ngày túng thiếu, hoặc tiền vay lo lót, bây giờ thâu lại đền bù.    Cũng muốn được làm bộ trưởng chỉ 1 vài ngày thôi,  để được tận mắt chứng kiến những tên nịnh hót, lưỡi dài như trái lúc lác bao vây quanh, lăng xăng, bám víu chỉ vì  muốn  tóm thâu  quyền lợi  riêng tư.   Tôi  đề cáo ý chí quật cường của  những vị bộ trưởng  Đức quốc muốn làm đất nước giàu sang, lớn mạnh, cho dầu chưa thành công viên mãn, ít ra đồng môn thực hành triết thuyết siêu nhân Nietzsche làm cho thế giới rúng động, năm châu bốn biển không ai quên  tên chàng thợ sơn Adolf Hitler , từng hy vong  đem sơn xám phát xít quết  trọn  toàn cầu ! 

     Riêng tôi, không bao giở bỏ qua một cuốn sách nào có được của Friedrich Nietzsche + những ai  nói về nhà độc tài này đã hành động, nhờ sức mạnh triết thuyết siêu nhân kia.   Với tôi, chỉ xin được chọn một công việc nhỏ bé nhất, chẳng ai tranh giành, lương tối tiểu nhất, ít ai ham hố ,để làm lợi  cho ít ra, chỉ riêng tôi, bằng cách này hay cách khác, để hiểu rõ tâm trạng, ý muốn thầm kín thấp  kém nhất  người dân Việtnam  hôm nay .

    Và bây giờ, tôi cũng còn được biết; con đường tân phong  muốn lên cao nằm  ở đâu, kẻ môi giới đắc lực  sự tấn phong kia là ai?  Nhưng đã chót nghĩ rằng, ý định trên ăn sâu trong tiềm thức, nay xuất lộ thành hành đông để có lợi  riêng mình, al cái việc bé nhất mà ít  ai tranh giành đó.

    Vì tôi đã mất 2 điều lớn trong đời làm đàn ông: người yêu và  chán sự nghiệp.

   Nhớ lại, kỷ niệm với người yêu, người con gái được tiếng  lì lợm kia, đối với đàn ông  nổi danh, vì cho rằng tất cả mọi truyện trên đời chỉ đáng cho nàng cười ngạo mạn, khinh bạc - bây giờ đây - nàng đang khóc, nàng khóc thật sự.  Tôi không lấy khăn cho nàng lau, vì, biết rằng nước mắt là bạn thiết  đàn bà khi đau buồn.  Nàng vít cổ tôi xuống, 2 mái tóc chụm vào nhau . tôi hứa :'   hãy thử đợi vài tháng nữa  xem sao ?' Nói thì nói vậy,  tôi biết-  chính mình dang nói dối mà dường như nàng cũng biết vậy.  Chính điều này về sau , người mình yêu không hiều rằng tôi kính trọng  mới hành đông vậy - tôi  chỉ còn nhận được  vài bài thơ,  vài lá thư ước lệ ... 

    Khi sắp giã từ những ngày khốn nạn nhất ở xóm đạo Tân sa Châu- tôi biên thư gửi  ông Cao văn Phương, thân phụ nàng.  Đại để,  trong thư báo tin tôi  sẽ bị gọi  nhập ngũ, không thể lập gia đình được, ấy là  việc xin cưới Cao Mỵ Nhân mà xưa kia  hằng tha thiết. 

    Điều này, hẳn ông  sẽ thích th lắm , bởi,  bất chiến tự nhiên thành, và thực lòng, nào  ôngcó  muốn gả con gái cho tôi đâu ? - vây thì- từ hôm nay,  xin trả lại ông :  cô con gái hoàn toàn còn nguyên vẹn

   Một năm sau,  được tin muộn, Cao Mỵ Nhân đã lấy chồng - Thế Nguyên  báo tin xong,  an ủi tôi, bằng cách rủ đi xem phim Mưa rừng đang chiếu tại rạp Văn hoa ở Dakao.  Tôi buồn ray rứt  đến  năm sau,   tự thú nhận :   bất lực hoàn toàn  rồi, muốn chối cãi ư, chằng ai tin được nào, kể cả  bản thân  !

    Lần lên Dalat vào Giáng sinh 1964, vừa qua, ngoài việc vợ chồng Đỗ Ngọc Yến + Loan hỏi về Cao Mỵ Nhân -  tiếp ,  bạn Đinh ngọc Mô, sinh viên triết tây Sư phạm, còn là
 họa sĩ tập  tọng vẽ tranh, chưa có tranh triển lãm -  tôi vẫn tin  anh này có tài - hỏi tôi về trường hợp Cao Mỵ Nhân .

    rằng:  tôi chỉ yêu nàng suông thôi ư, sao không cưới?  Bạn  nhấn mạnh :' chính tôi bỏ rơi nàng, thâm tâm không muốn lấy nàng làm vợ'.  Niềm đau đớn nhói đau hành hạ trong thân xác, thôi thì, chỉ cần 1 mình tôi tự hiểu .  Dư luận xầm xì ngoài kia, kể cả  kẻ ai nói, người kia  nhận định,  quí vị hãy chịu khó đứng ngoài cửa trái tim tôi . 

        Đành thú tôi ,  kể cho bạn  Mô nghe sự thực, qua vài câu giản lược định đề : ' không nghể ngỗng vững chắc, lấy vợ sinh con đẻ cái, lấy gạo tiền đâu nuôi, đi ăn mày hả ?'  

   Còn biết bao người khác nữa cũng nghĩ  tựa như bạn sinh viên Đinh ngọc Mô.  Tự nhủ:
' chỉ tôi biết về tôi là đúng nhất mà thôi'.   Dinh ngọc Mô  kể thêm một légende  về tôi - giai đoạn bạn Mô  chưa quen -  có  1 bạn anh ta kẻ chuyện  vui vui :

    '... cậu biết  Thế Phong không ?  Hắn ta là một hiện tượng lạ.  Văn sĩ đi đường , tóc không chải, đeo kính râm Rayban suốt ngày đêm, thắt cà-vạt buông thõng.  Giữa đường lê Lợi mà  dám cỏi cà-vạt ,  gạ bán cho một người  đi đường ...'

    Thế ra tôi nghĩ câu chuyện kia, người bạn của Mô đã đọc  từ   Hoàng trọng Miên rồi.  những lời bịa đặt, vu khống trắng trợn đăng trên báo Văn hữu hồi nào, quả có tác dụng thật !

   Bài thơ Phẫn nộ dưới đây ,  cho trích toàn bài để chính tác giả  đọc lại , để  càng nhờ  hơn Cao Mỵ Nhân, dầu  chỉ 1 lần nữa thôi . Và tôi không tự nói ra ,   vì ai tôi viết - dầu là nhà phê bình văn học tài ba chẳng dễ biết ? .  Thí dụ có 1 câu:

                                 quay gót trước  thềm bông trưởng giả

    ấy là lần  rời sân nhà vị  phó đổng ly phủ tổng thống Diệm, ông Đoàn Thêm hồi  nào - tay công chức cao cấp kiêm nghề soạn thơ, viết nghiên cứu hội họa, hòa điệu đông, tây, kim, cổ giao hòa  rất  hay  -  đố ai mà biết được!  

    cảm ơn ông Đoàn Thêm   đã cho vay 1000 Vnđ, lẽ nào chỉ trả ông bằng 1 câu này thôi sao ?  Mỗi bài, mỗi câu đều phản ánh cảm tưởng  nghĩ gì trong mẩu đời sốnmà tôi  đã trải qua   , được lọc qua tiềm thức  !  Chúng nó đều có  tiểu sử cả đấy ! 

   từ Nếu anh có em là vợ đến Cho thuê bản thân - có nhiều hình ảnh  Cao Mỵ Nhân - có những đêm  năm mợ gặp trong mộng, như vợ chồng, thế mà sáng hôm sau tỉnh, thấy đấu mình gối tay mình, buồn lặng người -  ả mộng còn kéo dài trong mộng tới 2 năm : này mắt, này môi, này miệng.. kéo dài cho đến hết một chu kỳ thương nhớ!  

    chỉ có  2 tập Trước mắt nhìn thi sĩ Thơ làm lớn dây con người không còn  mang hình ảnh và cảm hứng từ  nàng . 

    Nusch của Éluard  chết đi, chàng thi nhân còn đau đớn đến tê liệt tứ chi, mất nguồn thơ giội đổ, đớn đau nào cho bằng !  Nhưng, ít ra, chàng Éluard đã có rồi mất  - còn  tôi ư -  tưởng là có mà không mất, vẫn còn đấy , còn, nhưng  lại không phải của tôi

      niềm đau đớn hành hạ tâm can mới là điều trả về cho cơn mộng .

     cho tôi đặt một vòng hoa tưởng niệm cái vương miện của Mai A trong tập thơ Vương miện Mai A. 

                                              PHẪN NỘ
                                           thơ thế phong

              Tôi đóng cửa phòng cho âm u nắng quái chiều thất bại
              khi em ra về rồi, tôi không dám quay mặt nhìn theo
              từ sáng tới trưa và chiều lại tối rồi  khuya đêm
              có gì lạ ở nhà anh thuê không thừa bấy nhiêu điều quen thuộc
              tĩnh vật làm bạn thân chịu đớn đau khi chủ nhà nóng giận
              tay cầm bút vung lên cao, xê dịch bấy nhiêu dòng
              hai chiếc gối màu xanh màu đỏ lấn tóc chen đầu
              chiếc khăn hồng thay ngôi , mảnh chăn tàu đầy kỷ niệm
              khăn bông mua về chưa bao giờ dùng rửa mặt 
              đệm nằm nhoai mình phủ lên mắt lên môi 
              cho ánh nắng ban mai này sẽ phải chột phải  đui 
              cho đôi mắt người thơ khỏi lên cơn  giận  dữ 
              đọc báo trang tư làm gì, những tin mừng khởi sự 
              càng nghiến tim buồn thớ nhỏ, soi thất bại lòng mình
              Mai A em ! sao không phỉ nhổ vào mặt anh 
              bất tài, sai hẹn, tôi lỗi chưa làm em buồn phiền ?
              em đừng xõa tóc trước gương anh chải tóc 
              em đừng nhắc nhở gia đình, làm anh buồn tức
              anh đưa em lên xe rồi, bóng tối phủ mình anh
              lùa hai tay xương xảu quờ lên mái tóc xanh
              như giật thốc hành hạ mình, da đầu đến lợt trốc
              cho đê mê cảm giác khổ đau đến ứa nước nước mắt
              cho buồn rũ rượi tê điếng đến làn da 
              Mai A ! sao em còn thương, còn giận còn yêu, còn hờn 
              vì thế kỷ này, tìm ai xả thân cho ai, ngoài bản thân ?

              Mỗi lần tôi làm ngơ rút đôi mắt sáng
              phản ứng tự động mình là thằng hèn nhát 
              không dám đứng trước gương nhìn khuôn mặt đáng yêu
              ở đâu và chỗ nào ,tự khinh mình  trỗi dậy 
              nên tôi lại, dán ngươi tròn nhìn đởi thẳng tắp
              cả đống rác, cả ruồi muỗi từng đoàn theo ra ngoại ô 
              và một lần trong đời nhiều lần nếm mùi thúi mùi ôi
              giá trị bằng một lần bịt mũi trước thềm bông trưởng giả 

              Còn lại mình tôi, em đi rồi, nên khoá trái cửa
              đèn sáng lên từ lâu rồi màn đêm tối vẫn xuyên đầu
              vẫn chiếc gối xanh này em đặt mớ tóc ban chiều
              vẫn chỗ nằm này, sao anh không thấy còn hơi ấm ? 
                  ( CHO  THUÊ BẢN THÂN )


                                                                                     ( còn tiếp ) 

               thế phong

 ( Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời  / Thế Phong  - Đại Ngã tái bản, Saigon 1970 - tr 194 . 209 )

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét