Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

nhớ nơi kỳ ngộ : trường bưởi / lãng nhân - 2


                       nhớ nơi kỳ ngộ : trường bưởi    2
                                                          lãng nhân

     Khi xưa  [ Bưởi] là trường duy nhất ở Bắc Việt dạy chương trình trung học sơ cấp *  - để sau 4 năm lên Cao đẳng chuyên khoa : y khoa, pháp chính, sư phạm, v.v...

     Năm 1921, Lương Danh Môn và tôi lấy xong bằng Cơ thủy ** , thi  đậu vào Bưởi, thì gặp trường mơi mở 2 lớp C, D, thêm vào A và B của năm thứ Nhất.   [ Lương danh ] Môn được chỉ định vào A, tôi vào D.  Cách mặt mà chẳng xa lòng, chúng tôi lại được dịp kết thêm bạn mới.  Tôi gặp Lê tài Trường mà tôi mến ngay, cũng như mến Môn, 2 anh đều thông minh, mẫn tiệp, lại có phong độ khác người.   Từ đó, chúng tôi tìm nhau học hỏi
trong niềm chân thành của tuổi thanh niên, yên trí  sẽ giắt tay nhau cùng nhóm bạn nối khố: Vũ đình Nguyên, Trần đức Vượng, Lê văn Trương ... ung dung bước đến mãn khóa để lên Cao đẳng.

   Nào ngờ, ngày 22 tháng 12 năm 1923, không hiểu từ đâu, bỗng tung ra cái tin 1 học sinh năm thứ 4 bị xử ức gì đó, đã gây lộn với giám thị, bị thưa lên đốc Lomberger, mà chúng tôi  gọi tắt là Lom.   Lom đùng đùng nổi giận , giơ tay chuối mắn tát học sinh và quát mắng sale race ( giống  nòi nhơ nhớp ) .  Thế là anh em nhao nhao lên phẫn nộ, hò nhau bỏ lớp , tràn ra sân, hô những khẩu hiệu chống đối.   Các giám thị hết lời khuyên giải không xong, học sinh ùn ùn kéo nhau bỏ trường, trong khí thế sôi nổi.   Chỉ nhóm lưu trú lầm lũi lui về tẩm thất, vì không có gia đình ở Hànội.

    Sáng ngày 23, học sinh vẫn tới trường đầy đủ, nhưng tụ tập ngoài cửa, trống đánh rối, mà chẳng ai chịu vào.   Nhìn qua dẫy lớp, thấp thoáng vài giáo sư đi đi, lại lại, đăm chiêu, ban giám thị lủi thủi ngoài sân, vẻ mặt len lét.   Thỉnh thoảng có tiếng Lom la hét trong văn phòng.  Từng nhóm học sinh ồn ào bàn tán dọc theo hàng rào, chốc chốc lại có tiếng giận dữ nổi lên:  ' ... đuổi cổ thằng Lom về Pháp '.  Cho đến chiều , tình trạng vẫn căng thẳng, không thấy bóng Lom.  Khi các giáo sư  ra về, học sinh cũng khoác tay nhau trở gót trong niềm hân hoan , phấn khởi.

    Song, chỉ được có ngày hôm ấy.

    Sáng ngày 24, trường mở chỉ có buổi sáng, vì đến trưa là bắt đầu tuần nghỉ lễ Giáng sinh.   Tuy học sinh vẫn đến , tề tựu đông nghẹt ở cửa trường, nhiều bạn năm thứ 4 vẫn đi vòng vòng, vẫn hăng hái  cổ võ- nhưng chừng hơn 10 giờ, đã có nhiều người lục tục rút lui, để thu xếp hành trang cho kịp chuyến tàu về gia đình ở tỉnh nhỏ, như thường lệ mọi năm.   Sau, chỉ còn chừng 40 dân Hànội ngồi lại đến giờ trường đóng cửa.   Ngồi lại để tiếp tục bãi khóa, và cũng để chia xẻ nỗi lo âu : sự chia tay đằng đẵng cả tuần  là 1 nguy cơ cho tinh thần đoàn kết, liệu khi tựu trường, anh em có còn sát cánh nhau để tranh đấu hay không ?

    Nỗi lo âu quả nhiên không hão huyền.

    Qua 1 tuần đoàn tụ, nhiều bậc phụ huynh nghe biết sự tình, sợ thành to chuyện, nên đã chuẩn bị để ngày tựu trường, đích thân kèm con em vào tận lớp, dưới sự hỗ trợ của cảnh binh.    Thành ra ngót ngàn học sinh chỉ còn nhóm Hànội  kiên quyết bãi khóa.   Lom thấy tình thế không đáng ngại nữa, bèn thẳng tay khai trừ hết nhóm này, trong đó có Trần đức Vượng . Lê văn Trương, Vũ đình Nguyêntôi [ Phùng tất Đắc ] cùng vài bạn nữa thuộc năm  3 D.  Cả trường, thì có hơn 40 người bị đuổi, có bạn Lương danh Môn ở ban A.

   
     Một cuộc nổi dậy nhỏ nhoi như cuộc ' Lom '  này, chỉ  mới manh nha đã tan vỡ, đối với đại cục trong nước, thật không đáng kể, nhưng đối với chúng tôi là đánh dấu một khúc ngoặc quan trọng trong đời học sinh.

    Bây giờ, ngoài Bưởi, không có trường trung học công lập nào khác, mà trường tư chỉ có Trường Minh Sanh, giáo sư bằng cao, nhưng không rành khoa sư phạm, kỷ luật lại lỏng lẻo.  Chúng tôi theo mấy tháng rồi cũng chán, chỉ có Lương danh Môn chịu khó  ngồi lại, sau lên đại học.  Còn thì ai cũng lăm le tìm tin tương những ' tự do, bình đẳng', những Voltaire, Rousseau  [ J.J.] ...

     Chúng tôi xuống Hải- phòng, lần mò làm quen với mấy công nhân bến Sáu kho, mong xin được cuốn sổ hàng hải cần thiết để được nhận làm thư ký dưới tàu biển.   Hãy xuống tàu đã, rồi tìm cách đổ bộ lên đất Pháp sau !   Thì chỉ một Trần đức Vượng may mắn, lênh đênh vượt biển ... Còn anh em bị gia đình tìm về kiềm thúc, không muốn cho tuổi non dại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc.

    Sau đó, Lê văn TrươngVũ đình Nguyên thi vào sở Bưu chính, Nguyên được bổ đi nhà giây thép Vũng tàu, Trương đi Nam vang.   Tôi phải về Nam định để thi vào tòa đốc lý.  Ở đây, tôi gặp 2 đồng sự cũng là bạn bãi khóa : Sĩ ThọLong, đã đổi tên ra Xuân ThụKhánh, để tránh  sổ đen ...

    Làm 1 tên công chức nhỏ, ngày tháng rộng dài, đôi khi cao hứng câu thơ ,vần phú, hùa theo trào lưu lãng mạn ...

------
*    đến 1926, trung-học-sơ-cấp mới thêm 2 năm tú-tài bản -xứ cho đầy đủ chương trình trung học.
**  cơ-thủy: tiếng Pháp' Certificat de fin d' études primaires ' .
           (Chú thích : Lãng Nhân ).
 [...] chữ của Biên tập.  

                                  phong trào lãng mạn

    Những câu thơ  trữ tình Lamartine, Musset đã thổi vào lòng anh em, một ngọn gió lãng mạn, thích than hoa, khóc bướm, thích trồng cây si, thích phá thành sầu , nên ở năm thứ 3 D, từng họp nhau làm  1 tập văn thơ, không biết do ai đặt tên là Giọt sương buổi sáng- trong đó, luận thuyết, truyện ngắn, chuyện vui, thơ ... bài của ai, người ấy tự viết tay trên 1 quyển vở cỡ lớn.  Cũng tưởng chỉ là ghi những cảm nghĩ  viển vông của tuổi học trò, làm thú tiêu khiển, vậy thôi.   Không ngờ, xảy ra bút chiến.  Hai tuần sau, ở ban khác, đã xuất hiện một tập vở tương tự, đặt là Hạt lụy đêm khuya, mục nọ, mục kia đối nhau chan chát !   Ra được 2 kỳ thì đụng phải vụ bãi khóa, giọt sương khô luôn, hạt lụy cũng ráo nốt ...

    Trào lưu lãng mạn   chỉ hời hợt, thế thôi !  Đầu óc tuổi thơ nào đã ý thức được gì về  đất nước.  Cất tiếng khóc ban đầu vào lúc Pháp  đã củng cố thế lực, rồi trong cuộc Âu chiến, họ lại dùng báo chí đánh lạc hướng dư luận, đến nỗi năm 1924, báo Trung Bắc đăng trong  mục tin vặt : ' Sở Cảnh sát  vừa bắt được 1 người tên là Phan bội Châu ..'. - anh em cũng thản nhiên, cho đây là 1 thường phạm.   Đến khi nội vụ ra tòa, cụ Phan bị  tuyên án tử hình, bấy giờ  bỗng nổi lên ùn ùn cao trào xin ân xá.   Tình hình sôi động, Pháp cử Varenne sang làm Toàn quyền.  Varenne bị  dón tiếp bằng những biểu ngữ quyết liệt chưa từng thấy : ' Đả đảo chính sách thực dân  bằng gậy gộc ' /  A bas le colonialisme à là trique '  . Tiếp đến, là vụ truy điệu cụ Phan chu Trinh trên toàn quốc, thúc giục thanh niên  vào cuộc đấu tranh đòi độc lập.   Lúc này, dân chúng mới được biết những vụ Cần vương, Đông du, Đông kinh Nghĩa Thục, và những câu hô hào bi tráng của những nhà ái quốc:

                                 Nghĩ lắm lúc thâm gan tím ruột
                                 Muốn vạch trời mà tuốt gươm ra
                                 Cũng xương, cũng thịt, cũng da
                                 Cũng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long ...
                                 Cớ sao chịu trong vòng trói buộc 
                                 Bao nhiêu năm nhơ nhuốc lầm than ...

    Mặc  cảm  tự ti trước mặt người Pháp không còn nữa, lớp trẻ hăng hái xung phong vào cuộc đối kháng ngấm ngầm và công khai.   Ngấm ngầm như Lê văn Phúc ( bạn hồi tiểu học ) , như Phó đức Thục đã bỏ ngang năm thứ 2D, đổi tên là Chính, thi vào  Trường Công chính, 3 năm sau tốt nghiệp bổ tham tá.   Đến năm 1930, Phúc bị đày  [ ra ] Côn đảo.   chính nằm dưới máy chém, ngửa mặt lên  nhìn lưỡi dao phập xuống ! Còn cuộc đối kháng công khai đâu đã hết, nhưng phải ôn hòa hơn, vì phải lách qua luật pháp.   Đối kháng công khai bắt đầu bằng sự canh tân báo chí.

                                                báo chí  

    Trước đó ngoài [ báo] Nam Phong  là một tạp chí chuyên  về khảo cứu, các báo hàng ngày như :  Trung Bắc, Thực nghiệm, Ngọ báo đều ra 4 trang lớn , mỗi trang chia 4 cột- trang đầu, cột rưỡi bên trái đăng 1 bài xã thuyết, rồi đến mục hài đàm, mục thường thức.   Qua trang 2 là tin tức Hà thành , những thay đổi trong ngạch quan lại, việc vặt các tỉnh, tiểu thuyết dài ( dịch Tàu hoặc Pháp ) , trang 3 và 4 dành cho quảng cáo.  

    Bài xã thuyết  là tác phẩm  của 1 trong mấy cụ cách mạng đã hồi chánh, được nhà báo dùng  tiền trợ cấp đài thọ cho một số lương hưu dưỡng; các cụ tránh né  những gì liên quan đến chính trị, đề tài chỉ quanh quẩn trong việc đả phá hủ tục, như đốt mã rằm tháng 7, đeo chỉ ngũ sắc mùng 5 tháng 5 ... bằng 1 lối văn - mà chúng tôi gọi đùa là tứ thời.  Nghe như ông [ Nguyễn văn ] Vĩnh có lần phàn nàn  : một hôm xem bài đả kích thủ tục đốt mã, ông ngờ ngờ như đã từng đọc qua, liền giở tập báo năm trước ra soát, thì đúng bài rằm tháng 7 năm ấy đem in lại !

      Hỏi ra mới biết, hôm qua nhà in giục bài để xếp chữ, đúng lúc tác giả đang trong cuộc tổ tôm, nên lục đưa bản cũ.  Cho nó tiện ! 

    Mãi đến năm 1928, báo chí mới dần dần cải tiến, từ hình thức đến nôi dung.   bắt đầu là tờ Ngọ báo, do công trình của 2 nhân vật mới ở Pháp về : Đỗ Văn + Hoàng tích Chu .  

                                                                     (   kỳ sau: Nguyễn văn Vĩnh ) 

     lãng nhân

 ( Nhớ nơi kỳ ngộ / Lãng Nhân - Nxb  Ziên Hồng/ Zieleks / Texas / USA , 1997 - tr. 23- 27 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét