Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013
nhà văn hậu chiến 1950- 1956 - thế phong - 12
nhà văn hậu chiến 1950-1956 12
thế phong
Tiết 4.
TIỂU MỤC
1.- SONG NHẤT NỮ ( 1927- 1977)
Tên thật Đặng Bá Ngữ. Sinh năm 1927, qua đời 1977 tại Hànội. Năm 1953, đồng tác giả cùng Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Ngọc Dương, Hoàng Phụng Tỵ trong thi
phẩm " Nhựa mới " . Viết bài đăng trên tạp chí Quê Hương, Giác Ngộ, Cải Tạo, Liên Hiệp( Hànội) , tuần báo Đời Mới ( chủ nhiệm : Trần Văn Ân) , Nguồn sống mới ( Cn: Nguyễn Hữu Pha. Saigon ). Thơ truyền cảm, sử dụng nhiều bài lục bát, qua nội dung tranh quê, hoặc tình cảm người thị thành .
Trích thơ .-
QUÊ EM
Chiều chiều lại lắng lòng quê
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu
(TẢN ĐÀ dịch THÔI HIỆU )
Quê em tận cuối trời xanh thẳm
Cách biệt kinh đô những dặm đường
Qua mấy con đò .. xa quá lắm !
Nhiều nhiều thôn nữ dáng thương thương
Quê em náo nức cùng xuân mới
Lụa dệt thơm thơm tựa cốm vòng
Bao nhiêu cô gái xuân chờ đợi
Người về ... khăn thắm đón sang sông
Quê em dù nắng hè oi ả
Bão táp phong ba vẫn đẹp bền
Quanh thôn sông lượn hình con cá
Từ chùa xuống chợ cuối làng bên
Quê em cứ mỗi mùa thu đến
Là hội chùa trên rộn trống chèo
Đoàn trai lao mình qua mấy bến
Reo hò cố giật giải làng treo .
SONG NHẤT NỮ
2.- HOÀNG PHỤNG TỴ ( 1929- 197 ? Hànội)
Sinh năm 1929 . Anh ruột của nhà thơ Hoàng Song Liêm, Như Song nhất Nữ, là 1 trõng tác giả tập thơ " Nhựa mới " ( Hànội 1953) . Cuối 1953, cho xuất bản tập thơ
riêng " Hương thơ mùa loạn " . Thơ phản ảnh đời sống quân nhân, có bước chân trên đường hành quân, hình tượng sống dân đô thị . Với Song nhất Nữ, đọc thơ ông , thì yêu vườn khoai, nương sắn, chẩy hội chùa ,kéo co nơi đình hội - còn thơ Hoàng Phụng Tỵ là thơ công thức, sáo mòn , và thường thấy đăng trên tạp chí văn học ở Hànội và Saigon : Quê Hương, Giang Sơn, Thẩm Mỹ .. đa số bài thơ cũ rích, kể cả nội dung lẫn hình thức.
Trích thơ .-
TƯƠNG BIỆT DẠ
Say một đêm nay cạn rượu nồng
Ngày mai lên ngựa ruổi mông lung
Cuộc đời quên nỗi niềm cay đắng
Nuôi chí trai vung lưỡi kiếm hồng
Quen với trăm phương lạc hướng tình
Xóm làng vẫn những lũy tre xanh
Những nàng quẩy nước qua thôn vắng
Khuất bóng vào sau những mái tranh
Say kiếp giang hồ say gió trăng
Quê hương khắp nẻo nhớ muôn nàng
Rượu hồng ai uống đêm nao nhỉ ?
Ai chuốc men nồng, anh nhớ chăng ?
Say một đêm nay chăn gối ấm
Ngày mai người của núi sông rồi
Chiều nơi quan ải say trong quán
Anh có buồn chi có nhớ tôi ?
HOÀNG PHỤNG TỴ
3. HOÀI VIỆT .- Tên thật Nguyễn Hoài Việt. Không rõ năm sinh. Lớp người cầm bút sót lại từ giao thời tiền-kháng-chiến, sống ở Hànội vào thập niên 50 với Đinh Hùng, Trần Thanh Đạm, Huyền Quang, Trương Uyên ... Thơ đăng rải rắc trên báo chí thủ đô Hànội. Đề tài thơ lấy từ nguồn cảm hứng nông thôn, và bản thân người thơ gốc thành thị . Thơ Hoài Việt, như một lối nói khác : " thơ đủ để được gọi là thơ ", thơ chưa có gì nổi trội, đủ tạo cho có một bản sắc riêng.
Trích thơ .-
VỠ ĐẤT
Hai đứa mình hẹn nhau
Thuở còn xanh mái tóc
Sau này khi bỏ học
Trở về vun luống cày thơm
Cả hai từ giã nhà trường
Mỗi thằng đi một ngả
Anh về cầy trưa bắc mạ
Tôi đi cầm bút cùng người
Trán anh bóng giọt mồ hôi
Tóc tôi bạc ròng năm tháng
Ruộng lúa nhà anh đầy ánh sáng
Bốn mùa hoa cỏ reo vui
Anh cầy vỡ đất, anh hát yêu đời
Đất anh bàn tay anh giữ
Anh bẻ bắp cây đuổi loài muông thú
Thân anh cao đẹp lạ lùng
Bỗng dưng tôi thấy sượng sùng
Bút tôi không buồn viết nữa
Đất tôi không còn để vỡ
Luống cày nay đã cằn khô
Cỏ xanh rạp xuống quanh bờ
Mạ còn úa thành cây lụi
Nhớ lại ngày xưa kề vai sớm tối.
Còn gì nói câu sư nghiệp
Còn bận gì chuyện sới vun
Ruộng tôi nay đã không còn
Bài ca vỡ đất nghe buồn vô biên .
HOÀI VIỆT
4.- HOÀNG SONG LIÊM ( 1933 - )
Sinh năm 1933 ở Hànội. Bạn văn đồng lứa Tạ Quang Diễm ( Tạ Quang Khôi sau này ) , Nguyễn Thiệu Giang, Nghiêm Huy Giao .. .Năm 1954, xuất bản thi tập " Thơ " cùng Nghiêm Huy Giao ( Hànội 1954) . Đó là tập thơ của học sinh vừa rời trườngtrung học, sửa soạn bước vào đời. ( Quyển vở kỷ niệm ). và chẳng bao lâu, bước vào quân ngũ, hình ảnh chiến binh bộc bạch trong bài thơ " Tôi là anh lính chiến " - loại hình thơ công thức, nội dung tâm lý chiến.
Bài " Gửi ngưới chị phố phường" một bài thơ hay, đóng góp cho thơ tự do của nền văn học thời hậu chiến.
Trích thơ .-
GỬI NGƯỜI CHỊ PHỐ PHƯỜNG
Phố phường khóc nhớ quê hương
Quê hương nằm nhớ phố phường
Chị nhớ em
Em nhớ chị
Xa nhau dài mấy thôi đường
Thư nào kể siết niềm thương
Hỡi người em của chị
Trời dịu
Mây hiền
Làng xanh
Ruộng vàng
Sóng trắng
Lá đỏ sang ngang
Hai vụ chiêm mùa
Mấy tuần sương nắng
Gieo hạt mạ đầy tay
Đổ bao sức vóc trọn ngày
Tát mấy đêm trăng thanh nước mắt
Gặt vài buổi nắng đỏ sàn phơi
Ấm no bằng giọt mồ hôi
Nằm nhà tranh hát cuộc đời thôn trang
Thị thành của chị
Một lần em qua
Chao ôi ! Lửa điện sao lòa chói
Xe cộ phồn hoa
Bụi cát mù
Chị ơi ! Son phấn đêm tàn lửa
Hướng cũ phai dần hoa tuổi xưa
Những khách du nằm chờ tiễn biệt
Vội vàng yến tiệc
Ép duyên mơ
Kỹ nữ gương say hồng má đỏ
Đàn ca nhịp mãi điệu giang hồ
Tay trắng đổ nghiêng tiền bạc trắng
Cuộc đời theo chuyện vu vơ
Chị gối tay bao khách lạ lùng
Ngỡ ngàng chị có đoái em không ?
Em thường ao ước thường mong đợi
Chị lại về đây với ruộng đồng
Thương chị bao nhiêu
Chẳng gửi ai mà đưa tới chị
Chị khi nào gặp lại em
Đêm nay ngồi ngóng về đô thị
Nghe gió xa về cũng đau
Em lần giở tấm áo nâu
Sờn vai sương nắng bạc mầu tuổi thơ
Bao giờ lại đến bao giờ ?
Chị về chiếc áo năm xưa quê nhà .
HOÀNG SONG LIÊM
5.- TRẦN NHÂN CƯ
Chưa tìm được tên thật, năm sinh, lai lịch tác giả. Chỉ biết vào 1953, trên tập san
" Nhân Loại " (Saigon ) - thì Trần Nhân Cư xuất hiện qua đôi bài, giọng hoài cảm quá vãng, hồn thơ ngọt ngào; như hơi hướng thơ Lưu Trọng Lư qua bài " Nhớ Mẹ" thời tiền chiến. Đưa phương danh Trần Nhân Cư vào văn học hậu chiến, ý nghĩa đầu tiên của tôi là nhớ đến trường hợp Xuân Tiên , chỉ cần một đôi bài in trên báo " Hànội tân văn "
( Vũ Ngọc Phan chủ trương) đã tạo cho Xuân Tiên nổi tiếng. Đó là bài " Lá rụng" có những câu thơ đẹp, như :
" Một chiều ngồi nghỉ gốc bàng
Thấy chưa, gió mạnh, lá bàng đã rơi
Mênh mông buồn mãi lòng tôi
Vẩn vơ nghỉ ngán cho đời phù vân ..."
XUÂN TIÊN
với Trần Nhân Cư là bài " Nhớ quê" trích dẫn dưới đây . Cũng như Yên Thao chỉ cần một bài thơ " Nhà tôi " , hoặc Hoàng Lộc , là bài " Viếng mộ " ; hẳn Trần Nhân Cư chỉ cần một bài cũng đủ đi vào văn học sử.
Trích thơ .-
NHỚ QUÊ
Tôi nằm đọc sách buổi trưa
Nắng hè vẫn đổ nhạt thưa trước thềm
Mẹ già lặng lẽ chỉ kim
Trên giàn thiên lý con chim yêu đời
Dưới nhà rộn tiếng trẻ cười
Thầy tôi bên kỷ mài thoi mực tàu
Hương trầm quyện lấy hương cau
Lắng nghe trầm bổng mấy câu thơ Đường.
Giờ đây biền biệt cố hương
Nằm nghe gió thổi bốn phương quê người
.
Trích tập san" Nhân Loại " ( Saigon )
TRẦN NHÂN CƯ
6.- HUYỀN GIANG ( 1932 - )
Tên thật Đào Đức Chinh. Sinh 1932 tại Hànội, Thơ đăng rải rác trên các báo Quê Hương ( Hànội), Thầm Mỹ ( Saigon ) , Văn nghệ tập san ( Saigon), nguyệt san Phụng sự
( báo quân đội ) ... Trưởng nhóm thơ , văn " Hoa Phượng ' ở Hànội vào thập niên 50, quy tụ một số cây viết, như : Băng Sơn, Vân Long, Huyền Vân ( nữ ), Hương Huyền
( Lê Thị Hồng Châu ) . Huyền Giang sử dụng thơ 5 chữ qua nhiều bài, thơ ngọt ngào, rung động, nhận thức về đời sống thâm trầm .
Trích thơ .-
NGÀY MAI HOA NỞ
( tặng T.P.)
Kề bên những đầu xanh
Anh quê rừng Việt Bắc
Tôi học trò kinh thành
Mây trời thương đổ máu
Mùa thu nào hòa bình
Bến Hải nhìn u uất
Hồn gương xưa Sông Gianh
Bài ca sầu nức nở
Ai khóc những đêm dài
Đã từng đêm vấy máu
Trời thương đất chia hai
Anh lìa rừng núi Lạng
Chị quê xa Đầm Hà
Thương mây trời Yên Bái
Nhớ Cao Bằng núi xa
Tôi giã từ Hànội
Thương hoài năm cửa ô
Chiều bên bờ Sông Lũy (*)
Nghe gợn sóng Tây Hồ
Gặp nhau rừng đất đỏ
Nghe gió núi Trường Sơn
Chúng ta nhìn ngọn lửa
Nung nấu những căm hờn
Những bàn tay chung góp
Dựng đôi mái nhà tranh
Chúng ta cùng tạm trú
Chờ qua ngày điêu linh
Núi thôi hờn vấy máu
Sông nối đôi khúc cầu
Ngày mai hoa nở đẹp
Đất trời ca bên nhau
Chúng ta về quê cũ
Chị mừng trông Đầm Hà
Anh say trời Yên Bái
Tôi nghe sóng Tây Hồ
Thôi hoài năm cửa ô . (**)
( trích tạp chí Văn nghệ tập san, Saigon )
HUYỀN GIANG
--------
(*) thuộc Phan Rí, Trung Phần.
(**) xin phép tác giả, được ghi tên tắt người được tặng. Năm 1955, tình cờ 2 người bạn quen nhau từ Hànội, gặp lại nhau ở Sông Lũy, cồn cát một doanh trại quân đội CID / Centre d'Instruction Divisionnaire / Trung tâm huấn luyện sư đoàn . Khi đó, đại úy Henri Guilleminot ( Quân đội viễn chinh Pháp , chỉ huy trưởng mời tôi lên chơi tại Sông Lũy - và gặp bạn cũ - thiếu úy Đào Đức Chinh, mới tốt nghiệp Trường Võ bị Thủ đức .
tác giả làm bài thơ " Ngày mai hoa nở" tặng tôi, và sau, đăng trên tạp chí Văn nghệ tập san ( chủ nhiệm: Nguyễn Đăng Thục ) . (TP) .
7.- VÂN LONG ( 1934 - )
Tên thật Nguyễn Văn Long. Thơ đăng trên các tạp chí Quê Hương ( Hànội, Đời Mới
( Saigon) ... Ngoài thơ, còn viết truyện ngắn - một truyện ngắn " Đói" rất đặc sắc , đăng trên tuần báo Đời Mới ( cn: Trần Văn Ân ) . Thơ Vân Long không mới, hồn thơ
truyền cảm, thể hiện tâm trạng thanh niên sống lạc loài giữa một xã hội tù túng thị thành, vào đầu thập niên 50 .
Trích thơ .-
CHIỀU ĐỒNG NỘI
Quán vắng sầu nghiêng một dáng mây
Đồng không lạc lõng cánh chim gầy
Lúa e dè thẹn thùng trong chiều nắng
Ta uống hương đồng say ngất ngây.
Đi trốn kinh kỳ trốn phấn hoa
Về đây đón gió một thời xa
Tâm tư quạnh quẽ mầu thơ úa
Ờ nhỉ đâu rồi những tiếng ca
Mến quá đồng quê cùng dáng lúa
Ai giam ta mãi với đô thành ?
Bao giờ đồng ruộng vang lừng nhỉ
Khúc nhạc yên bình trỗi ý xanh .
VÂN LONG
( trích tuần báo Đời Mới, Saigon ) .
8. BĂNG SƠN ( 1932 - 2010 Hànội )
Tên thật Trần Quang Bốn. Sinh 1932 tại Hải Dương . Còn ký Mai Băng Phương dưới những bài tạp bút, như : " Sông dài "đăng trên tuần báo Đời Mới ( Saigon ) , Mạch sống ( Saigon ) và đăng thơ trên báo Thẩm Mỹ ( Saigon ) , Quê Hương ( Hànội ). Băng Sơn có bút pháp đặc biệt trong loại hình tạp bút. Văn không giống bất cứ một ai khác. Thơ, văn phản ảnh tâm sự buồn chán, khắc khoải - thơ của lớp thanh niên sống ở thành thị. Băng Sơn thường sử dụng loại thơ 4 chữ, ý thơ nồng nhiệt, lời thơ bao hàm ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, có lập ý cao.
Trích thơ.-
MỖI ĐỘ THU VỀ
Mỗi độ thu về
Sương mù lê thê
Lá đan mành gió
Lòng ta não nề
Ngoài sông nước rộng
Bao kẻ ra đi
Ở đây đô thành
Lòng ta tái tê
Hỡi khách phương xa
Còn nhớ lời thề
Mỗi độ thu về
Nắng nhạt hồn quê
Mây bay tản mạn
Tràn ngập sơn khê
Ai nghe nức nở
Của kẻ phòng khuê
Hồn đang trĩu nặng
Lệ thảm tràn trề
Người chinh phu đi
Không hẹn ngày về
Mỗi độ thu về
Sương mù lê thê
Lá đan mành gió
Lòng ta não nề .
( trích tuần báo Đời Mới, Saigon )
BĂNG SƠN
9.- SONG HỒ ( 1932 - )
Tên thật Nguyễn Thanh Đạm. Sinh 1932 ở Bắc Ninh. Bạn văn đồng lứa: Hiệp Nhân, Dương Vy Long, Tô Hà Vân ( Nguyễn Đình Toàn sau này ), Nhật Tiến ... Viết văn, làm thơ, bài đăng trên tuần báo Đời Mới, Nguồn sống mới ( Saigon ) , Quê hương,Tia sáng
( Hànội ) ... v. v. Thơ Song Hồ có hình tượng mới, truyền cảm, sử dụng ngôn ngữ tài tình, nói như Rimbaud : " thơ phục vụ cho con người và con người chưa là tuyệt đối "; ông đóng góp cho " thơ tự do "của văn học hậu chiến không nhỏ.
Trích thơ .-
AI VỀ MIỀN QUÊ TÔI NHẮN
Ai về miền quê tôi nhắn
Cho bóng người áo vải
Rằng thành đô đổ nát đến nơi rồi
Say thú vui khóe mắt làn môi
Đổ ngày tháng cho hung thần khoái lạc
Ai đã trông mà lòng không tan tác
Trẻ già trai gái
Trụy lạc như nhau
Mặc súng ngoài xa nổ
Gục mấy hàng cau
Gục người mẹ
Người cha
người anh
người em
Họ hàng thân thích
Đây Hànội !
Trời mưa tuôn rả rích
Bê bết bùn lầy, nước đọng nhớp nhơ
Đèn nê-ông tỏa ánh điện xanh mờ
Nhạc cuồng loạn
Gót giầy đinh lắc ván
Một và hai, trăm ngàn
Rồi đến vạn
Đèn nhạt, đèn xanh, đèn tím đèn vàng
Nhạc điên cuồng vẫn réo rắt reo vang
Mầu biến đổi là lòng người biến đổi
Mập mờ và yếu đuối
Hiện dần trong bóng tối
Có bóng người con gái miền quê
Khăn yếm bỏ đi rồi
Làn tóc xoăn xoăn
Đỏ mọng đôi môi
Chiều thứ bẩy
Giầy đinh vang hè phố
Ai về miền quê tôi nhắn
Cho bóng người áo vải
Rằng thành đô đổ nát đên nơi rồi.
1954
( trích tuần báo Nguồn sống mới, Saigon )
SONG HỒ.
( còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét