Thi ca & Thi nhân :
B Ù I K H Ả I N G U Y Ê N
CAO THẾ DUNG viết.
Tên thực : Bùi Bình Hiếu. Sinh 1927 tại Hà Nội .
Tôt nghiệp khóa 12 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Hiện là thiếu tá Bộ binh .
Đã xuất bản: " Thiết tha" ( 1961, tái bản 1965),
"Con tê giác " , dịch " Rhinocéros" , tập kịch Eugene Ionesco ( 1912-1994, quốc tịch Pháp, gốc Roumanie) Nxb Trình bầy, Saigon 1961 (? )....
Thi nhân có khuynh hướng xã hội ở Việtnam ( ngoại trừ trào phúng ) đã rất hiếm hoi. Thường tình, trong quan niệm thơ- cho- thơ- trước- đã và thơ chỉ được hiểu qua sự ca ngợi tình ái, thiên nhiên hay nỗi u uẩn và niềm đau khổ của thi nhân, bời thi nhân vẫn chỉ hiện diện như một tao nhân mặc khách phiêu lãng trên đường trần. Do đó, không có mấy thi nhân quan tâm đến thực tại xã hội, nhất là xã hội ta bấy lâu nay đã tan rã, đã vạn phần đen tối , và hàng ngày diễn ra không biết bao nhiêu tấn tuồng bi thảm - người bóc lột người, bất công, dâm ô, thối nát. Trong một thực tại xã hội như vậy, nếu thi nhân hóa đời sống và sống với thiên năng xúc cảm thơ trong một thực tại xã hội như vậy, tất nhiên sẽ tìm kiếm được không biết bao nguồn thi hứng khởi sự từ sự tan rã, sự bất công và đọa đầy trên phận người.
Đã hơn một trăm năm trước đây, tiếng thơ Nguyễn đình Chiểu trở thành bài ai điếu trước cơn vong quốc. Tiếng thơ ái quốc trữ tình của họ Nguyễn miền Nam đã như một bản cáo trạng mãnh liệt nhất, tha thiết nhất khơi động niềm tin Dân tộc và sức đấu tranh cương cường bền bỉ của dân Việt, đồng thời phản kháng bọn ngoại nhân đế quốc như một bầy lang sói tàn phá quê hương và đồng bào.
Từ đó khơi dậy tinh thần phấn đấu trong giới sĩ phu và toàn dân. Thơ Nguyễn đình Chiểu qua một Thảo thư hịch ( hịch đánh chuột) Hoàng trùng trập dịa ( cào cào dấy lên) hay một văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuôc, nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, văn tế Trương công Định... là sản phẩm của một hồn thơ yêu nước -hồn thơ bốc đấu tranh... trong quê hương quần chúng. Nếu thơ- cho- thơ trước đã, nghĩa là nghệ thuật thơ phải như nền tảng và khởi điểm, thì thơ Nguyễn đình Chiểu vẫn là thơ- cho- thơ của một niềm căm phẫn, của chân tình đột khởi trong tinh thần kháng chiến. Thơ-cho-thơ khởi phát từ ngọn lủa của hồn, ngọn lửa của sĩ phu và quần chúng trong một thực tại chua xót, vỡ lở. Thơ họ Nguyễn có riêng một thứ nghệ thuật - nghệ thuật xây dựng trên căn bản của lòng yêu nước và yêu dân, của một người tình nguyện cộng hưởng nỗi thống khổ của tập thể và vận mệnh dân tộc trong cơn đen tối, thê lương. Vậy thì, thơ chưa hẳn chỉ là những gì ca tụng tình ái, ước mơ hay thiên nhiên hoa mộng. Thơ vẫn còn một thiên năng cao hơn nữa, mãnh liệt hơn nữa; khi nguồn hứng thơ phát hiện từ lòng yêu nước, từ chân tình đối với quê hương và niềm phẫn uất trước một thực tại đầy bất công đen tối.
Thơ của những Phúng Quán, Trần Dần trong cuộc vùng lên của văn nghệ sĩ miền Bắc năm 1955 qua Nhân văn Giai phẩm, đã tự nói lên rằng : thơ vẫn như một khí giới sắc nhọn nhất, và như một tiếng pháo đầu mãnh liệt nhất, làm nổ tung căm phẫn của quần chúng để mở đầu cho con đường phản kháng.
Văn học Trung quốc đã tô khắc đậm đà sự nghiệp thi ca Bạch Cư Dị ( 772-864) mà thơ ông không phải là thứ thơ nghệ thuật vị nghệ thuật. Với Bạch Cư Dị thì lời đẹp, cung điệu cao kỳ sẽ hoàn toàn vô vị, nếu ý rỗng không. Theo Thơ phải hòa với thời đại, hợp với lòng người, nói lên nông nỗi thống khổ chung của nhân sinh. Tương truyền, một khi Bạch Cư Dị làm xong một bài thơ, ông đọc cho người vú già quê mùa nghe, rồi hỏi: " Hiểu chưa ?". Khi bà ta đáp:" Hiểu" , lúc bấy giờ ông mới mãn ý, chép lại. Một Văn khốc giả, một Tần trung ngâm là nỗi lòng chung của quần chúng, là niềm căm phẫn chung của thời đại. Bạch Cư Dị chỉ đóng vai trò như một người thông ngôn của tạo hóa ( interprète de Dieu ) diễn dịch niềm căm phẫn và nỗi lòng kia. Tiếng thơ ông là tiếng nói người thể hiện trung thành thực tại đen tối của xã hội mà con người thể hiện trung thành thực tại đen tối của xã hội mà con người đang phải sa lầy, tù hãm, thất thần...
Viết về thơ Bùi Khải Nguyên, tôi phải có lời dài dòng như vậy, cũng chỉ là muốn làm sáng tỏ một điều : thơ Bùi Khải Nguyên tuy non tay trong phần cấu tạo của thơ; tuy còn yếu về kỹ thuật cho sự tạo hình và phối hợp nhạc điệu và xúc cảm thơ - song thơ ông đã như một chuyến tàu chuyên chở niềm căm phẫn xót sa của ông, tiếng nói phản kháng rất người. Tiếng nói từ trong quần chúng, từ đáy đen của xã hội.
Sau binh biến 11-11-1960, chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đi vào băng hoại., xã hội mỗi ngày một thêm phân hóa, một thêm bất công ai oán. Nhất là khi chế độ này ban hành Luật Gia Đình và luật Lành Mạnh Xã hội -thì xã hội Việtnam lại càng thêm bại hoại, trộm cướp, dâm ô, thối nát, đĩ điếm và gia đình lại càng thêm tan hoang, đổ vỡ. Dĩ nhiên, Tổng thống Diệm vẫn là người chu toàn trong đời sống đức hạnh cá nhân rất gương mẫu, song không vì thế mà chế độ của ông tìm được sự công chính lành mạnh. Trong tình cảnh ấy, thơ văn Miền Nam ( 1955-1963) , đại đa số vẫn chỉ là sự ca ngợi tình ái, đề cao tự do cá nhân và trữ tình cổ điển, hay nếu không, thì lại a- dua chạy theo thứ triết học hiện sinh, rút tỉa, cắt vụn vặt, từ sách báo phương tây. Giữa lúc ấy, Bùi Khải Nguyên là một trong mấy người làm nghệ thuật, từ một thiểu số nhỏ bé, đã can đảm dùng tiếng thơ để phản kháng chế độ, tố cáo thực tại đen tối của xã hội.
Thi tập Thiết tha xuất bản năm 1961 ( ký bút danh Hoàng Nguyên / Sùng chính viện / Uyên Thao chủ trương ), tuy in rô-nê-ô mà phổ biến hạn chế hẹp, song đã như đợt pháo đầu làm nổ tung niềm căm phẫn của quần chúng phát hiện từ thơ. Tiếng thơ ấy, như thế này:
Ai bảo em luồn nhầm móc dở
Để công an thộp cổ bắt quả tang
Ai bảo em tôi nghèo khốn khổ
Hết ăn xin đến túng thiếu làm càn
Người ta mắng chưởi em tàn nhẫn
Còng tay em dẫn bót tống giam
Người mất cắp hả hê nguôi giận
Chỉ riêng em đòi đoạn can tràng
Mai em sẽ đi vào nhà trừng giới
Sống vài năm hết lỗi ăn năn
Người ta quên không biết đường xã hội
Còn bao nhiêu ăn cắp ngoài vòng ...
( Ai bảo em luồn nhầm móc dở
Bùi Khải Nguyên được xem như một người thứ nhất đã vạch mặt bọn người lang sói kia. Ông dùng ngôn ngữ thơ như con dao sắc nước để đâm thẳng vào trái tim bọn người đã đã mất tình người. Bọn người này mang nhiều bộ mặt, có ở trong mọi hàng ngũ, xuất hiện ở mọi nơi, từ xóm thôn hẻo lánh đến thị thành đô hội. Chúng là người Việtnam trong mọi hàng ngũ. Là trí thức, con buôn, bọn côn đồ dao búa. Chúng đã đè lưng bóp cổ nhân dân này và bán rẻ lương tâm con người cho những đòi hỏi của một bản năng thú vật, đã ly thân với thực chất người và tình tự Việtnam. Chúng là thù địch của dân tộc và xã hội ta . Chúng là dã thú mang hình người đang ngồi trên ghế cao, kiêu sa với muôn ngàn bổng lộc. Chúng có mặt ở mọi nơi :
Chúng ăn cắp công nho công qũi
Chúng trổ tài thổ phỉ dân đen
Chúng nhan nhản trong ngồi sang chức quí...
Trong khi đó, thì : " Công an chẫu mắt ứng nhìn !".
Nỗi đau lớn lao nhất của xã hội chúng ta đã như vậy, và ở đâu, đồng bào Việt cũng chịu cùng một nỗi căm phẫn nghen ngào như vậy. Bùi Khải Nguyên đã mạnh dạn điểm mặt chúng với một nguồn rung cảm bốc bừng của ngọn lửa căm phẫn. Qua thơ ông, ta có thể hình dung khuôn mặt một người mắt đỏ ngầu, tay vùng vẫy, miêng hò hét thất thanh. Tiếng thất thanh của niềm căm phẫn trong cảnh vô vọng. Sự thử thách trong phẫn nộ, như cuộc kiếm tìm khuôn dáng đau thương, để một lần thức tỉnh người vô tình:
Bên kia cầu Bông
Hang cùng ngõ hẹp
Sống gieo neo hàng lũ chuột người
Với áo quần lem luốc tả tơi
Với bụng ỏng đít ròn ngực tóp
Với đôi môi lợt, mắt sâu má hóp
Với ốm đau đói rét ngu đần
Với ăn mày ăn cắp mãi dâm
Với đủ hết xấu xa tôi lỗi...
( Bên kia Cầu Bông )
Đây là một bức tranh xã hội. Kỹ thuật của họa sĩ trong cách dùng mầu và biểu hiện chất liệu còn non , nhưng từ tâm hồn bén lửa, từ con mắt nhìn dồn nén trước những bất công đe dọa đầy trên phận người, Bùi Khải Nguyên đã vẽ lên đơn giản một cách mộc mạc những nét chân thực, qua cảnh bùn lầy nứoc đọng, ở ngay cạnh đô thành sa hoa, choáng lộn!
Như trên đã viết, thơ Bùi Khải Nguyên non tay nghệ thuật và những điểm rất yếu không đạt được thể chất thơ, song ông vẫn có đủ nồng độ của lòng căm phẫn. Ông muốn nói to tiếng, muốn khơi động, muốn vẫy vùng... ông muốn theo dấu chân của một Maiakovsky:
Hỡi những người xấu số
Ngoài đầu đường xó chợ
Trong phòng văn dưới hầm mộ ngoài đồng
Bên chòi canh tù ngục tối om
Giữa hang hóc đô thành ngộp thở
Hãy chứng tỏ
Các anh không biết sợ
Hãy đứng lên
Tất cả
Thét cho vỡ bất bình..
(Tiếng máu trong Thiết tha )
Qua thơ, ta thấy Bùi Khải Nguyên tin mãnh liệt ở sự vùng lên từ hiện tại và tương lai . Tin rằng, những thế lực hủ lậu, phong kiến, nô dịch sẽ bị bánh xe tiến hóa nghiền nát chúng. Nhà thơ thì ngang nhiên với thái độ thách đố. Thơ sẽ như khí giới đánh ngã bọn chúng không một chút sót thương, và phải chiến thắng, dủ phải đánh đổi bằng bất cứ cách nào:
Dù chúng nó bắt bớ làm hung
Tù đày bắn giêt
Chúng ta quyết
Không là cừu Panurge
Không cam phận nạn nhân
Vì chúng ta
Không mù
Không câm
( Ẩn ức )
Không than vãn, vì than vãn chỉ là thái độ tiêu cực đầu hàng, tuyệt nhiên không ích lợi gì cho mọi hình thành công cuộc vận động mới để đổi thay cơ cấu thối tha của xã hội. Sự đầu hàng bọn phát mại lương tâm, hay thỏa hiệp với chúng, với một bọn người ngưu đầu mã diện đều là không thể chấp nhận.
Thơ phải mang theo lòng tin mãnh liệt để toàn thắng chúng. Lòng tin ấy qua thơ Bùi Khải Nguyên như lòng tin của một tín đồ khi lao mình vào thánh chiến. Ông tin rằng theo diễn trình lịch sử, thì bọn thư lại nô dịch, cũng như bọn mại bản cơ hội cướp cạn đồng bào, sẽ phải tan như trứng đập vào đá - trước thế vỡ bờ của một ngày Vùng Dậy. Nhà thơ tin ở ý nguyện đấu tranh của mình, của quần chúng và chỉ mơ ước một ngày nào ca hát:
Tôi nghe tiếng mùa xuân
Trong nhựa cây réo chảy
Chim gọi nhau thức dậy
Ca hát những ngày hồng
Tôi hy vọng tàn Đông
Xuân gieo niềm tin mới
Trong lòng người hấp hối
Bên dòng đời u buồn.
( Bài hát mùa Xuân )
Ý thơ đã mạnh, hồn thơ xúc động như bộc phát nỗi căm phẫn trong một tế bào, và từ trong tận đáy tim. Tưởng một người nếu không có tâm hồn xã hội, không có lòng tin sắt thép, thì không thể nào có những vần điệu thắm thiết đủ cao điệu làm cho xao xuyến lòng người như vậy. Mỗi tiếng thơ của Bùi Khải Nguyên như một tiếng gọi tha thiết và rướm máu. Tiếng gọi gợi sự phản tỉnh để lớn lên, vươn lên để đập đổ. Đọc thơ ông, bỗng dưng tâm hồn mình dấy động như muốn san bằng mọi bất bình, muốn nói lớn tiếng, cho vỡ tung căm hờn tủi nhục mỗi ngày chồng chất lớn hơn.
Việtnam hôm nay, tìm được một nhà thơ xã hội như Bùi Khải Nguyên thật khó khăn ! Một Vũ Trọng Phụng đã lên án xã họi thối tha, nhơ bẩn, qua một Giông tố, một Số đỏ, một Làm đĩ... tác phẩm của ông tựa hồ một bức họa trong thô bạo, phũ phàng vẽ nên được cái mặt bọn người thú vật kia !... Bọn ngơời ấy vẫn là xương là thịt, đầy rẫy trong xã hội ta. Vũ Trọng Phụng dùng văn mà khơi nguồn cho ý thức cách mạng xã hội.. Honoré de Balzac, một trong những nhà văn hiện thực của Pháp, bằng tâm hồn xã hội tuyệt vời đã vẽ lên cả một xã hội thô bỉ, xấu xa, được che đậy bằng nhung lụa qua trường thiên vĩ đại La Comédie Humaine. ( tạm dịch Thế thái nhân tình) . Từ đó Balzac - một géant của văn học Pháp cận đại trở nên bất tử... Charlie Chaplin - ông vua hề của thế giới đã bất tử , nhờ một Limelight - trước hết, chỉ vì tâm hồn ông là tâm hồn xã hội. Ông đã dám nhìn không lợm giọng tử tận đáy cuộc đời cùng khổ của kiếp dân đen, mà thân phận không sung sướng hơn một loài chó của bọn trưởng giả vô lương bóc lột. Charlie Chaplin không viết được một tác phẩm nào, nhưng cuộc đời nghệ sĩ phụng sự xã hội của ông đã trở thành một đại tác phẩm tuyệt vời. Nếu Bùi Khải Nguyên đi sâu hơn nữa, tha thiết và thấm đậm hơn nữa, và nhất là trau dồi kỹ thuật hơn nữa, tinh luện và tìm kiếm hơn nữa... thì thơ ông cũng như đời ông phải là một sự xưng tụng cho khuynh hướng thi ca phụng sự xã hội.
Nhà thơ xã hội, nếu có một tấm lòng thành, có nguồn rung động thực, biết yêu đời, can đảm hòa vào sự khổ đau của quần chúng thì thơ họ là một thiên chức. Chúa Giê -xu xuống thế trước hết để cho đám dân đen cơ cực của Chúa và với lý tưởng :" .. Ta xuống trần gian để phục vụ người chớ không phải để người phục vụ ta " ( Non ministare sed ministari ). Vậy thì Chúa Ki-tô mới chính là đấng cứu chuộc trước tiên của những con người từng " luồn nhầm móc dở" đói rách , lang thang và đau khổ, chỉ vì" cơ hàn thiết thân bất cô liêm sỉ". Chúa không đến với bọn lang sói , sinh ra chỉ để manh tâm bóc lột người, bàn rẻ lương tâm:
Áo em đỏ đèn nê-ông
Quần em đen đêm huyền u uất
Tóc em uốn xức dầu thơm nồng nặc
Mắt em sầu đáy huyệt đen ngòm
Môi em đẫm son
Má em bù phấn
( Gửi em gái Vườn Lài )
Những vần thơ như thế, chưa thể là một xúc động thơ. Vì ý thì không có gì mà lời thì tầm thường... Nhưng nó là một thái độ minh thị sự phản kháng. Vì ai cũng biết rằng, với Luật Gia Đình và Lành Mạnh Xã Hội của bà Ngô Đình Nhu thì các em... giang hồ đã không hơn loài thú vật, không còn là con người. Bùi Khải Nguyên xưng tụng" các em là người.".. Những con người ấy như đã nhập vào hồn xác của nhà thơ, để từ đây tâm tư của lòng căm phẫn mà bật thành lời:
Anh là một quân nhân
Mang tâm hồn thi sĩ
Em chỉ là gái đĩ
Bán trinh tiết nuôi thân
Đêm đêm anh lẩn trại
Mò mẫm về thăm em
Em rước anh lén lút
Trong bóng tối âm thầm.
( Những vì sao bị đuổi khỏi trời xanh )
Thơ hiện thực mà co nguồn rung cảm như vậy cũng đã tự nhiên. Bùi Khải Nguyên tuy chưa nắm vững được thể thơ này từ ngôn ngữ, tiết điệu và hình ảnh trong một nghệ thuật thơ đúng nghĩa với thể chất thơ-là-thơ-trước-đã. Song tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc : Bùi Khải Nguyên là quân nhân , vốn lại là người trực tính, nên trước hết thơ ông mang theo cơn phẫn của một con người đã nhiều phẫn nộ trong dồn nén. Thơ Bùi Khải Nguyên luôn luôn là sự dấy động. Dấy động trong những chưa chất tình cảm của con người muốn đi, muốn đến và thế chấp trọn vẹn cuộc đời, từ lâu ranh của sự ô nhục trên phận người:
... Em tôi ngủ trong nôi
Mơ gì tôi chẳng biết
Nào em rõ ngoài đời
Các anh đang chém giết
Càng ngày càng khốc liệt
Ngoài mặt trận xa xôi
Vì em đấy em ơi...
( Em bé Việtnam )
Ngay từ thế kỷ 18 - thời của Voltaire, Montesquieu, văn chương triết học lúc ấy đã dấn thân vào hành động ( force en action). Nhà văn trở thành sức mạnh của hành động để dấn thân vào quần chúng mà khí giới cuối cùng vẫn là văn thơ, tư tưởng. Cuộc cách mạng tinh thần ấy đã làm ngòi bộc phát cuộc cách mệnh chính trị 1789. Sự thực từ vạn kỷ, những biến động trong tâm hồn của văn thi gia vẫn mang giá trị như một cái mầm tạo hình và mồi lửa cho những biến động xã hội và chính trị đem lại những cơ cấu tôt đẹp cho xã hôi. Vậy thì tiếng thơ Bùi Khải Nguyên phải được coi như lời thôi thúc kêu gọi sự quật khởi. Tiếng kêu gọi trong thơ B.K.Nguyên chưa đủ tầm vóc và dư âm như tiếng kêu gọi của Montesquieu hay Voltaire tiền cách mạng Pháp, song vẫn là tiếng kêu đáng kể từ một chân tình tha thiết của một con người biết căm phẫn theo niềm căm phẫn của đồng bào hơn là một nhà thơ chỉ biết làm thơ, vì muốn làm thơ..
. Xét về nghệ thuật thơ, Bùi Khải Nguyên tất nhiên chưa được cao. Nếu thơ chỉ thuần những lời kêu gọi đơn giản, tuy có sự bốc lửa nhưng kém truyền đạt và nồng độ xúc cảm thơ thì sẽ khó khơi động chủ đích mà thi nhân muốn đạt tới. Thơ của họ Bùi tuy là thứ thơ hiện thực xã hội và kêu gọi ( poésie d'agitation) tuy thiết tha thì có thiết tha, nhưng thiếu nhạy cảm, kém hơi thơ. Thơ không phải là một bài phóng sự, và không bao giờ như một lời nói thẳng, nói ngay ... Thơ phải cô đọng tình ý và chuyên chở bằng nhạc của thơ, gói ghém những hình ảnh cho người thưởng ngoạn và chỉ những hình ảnh ấy mới gây xúc động làm cho công chúng thức cảm mau chóng và chân nhận hoàn cảnh mình đang sống để phản tỉnh rồi phản kháng.
Picasso với bức họa Guernica là một thành phố Tây Ban Nha bị cuộc nội chiến tàn phá. Nhìn qua những nét tuyệt vời, tuy như kỳ bí, vì lập thể vào với siêu thực - song người thưởng ngoạn vẫn có thể hình dung được một Guernica ma quái, khủng khiếp. Từ đó, người ta ghê tởm chiến tranh để rồi thức tỉnh và phản kháng chiến tranh.
Ở địa hạt thơ cũng vậy, không cần nói nhiều, không cần biện giải minh chứng. Một bài thơ chỉ cần năm bẩy hình ảnh tượng trưng, điền hình và sống động cũng đủ gây xúc động cho người thưởng ngoạn.
Mathieu Arnold, nhà phê bình Anh quốc vào thế kỷ 19 cho rằng: " thi ca cũng chỉ là sự phê bình cuộc sống" ( Poetry is a criticsm of life).
Thi ca Bùi Khải Nguyên qua Thiết Tha, chính là thứ thi ca phê bình cuộc ôống và xã hội ta hôm nay- dù chưa đạt được nghệ thuật cho cái nghệ thuật phê binh sự sống và xã hội bằng thi ca - song Bùi Khải Nguyên vẫn ẩn giấu trong thơ ông một tấm lòng thiết tha hướng về nghệ thuật kia.
Ngày nay ( 1967) đọc lại thơ ông, tôi không còn giữ được sự sảng khoái và hân hoan ngưỡng mộ như năm 1951... chỉ vì như đã nói - thơ ông trong khuynh hướng xã hội ( vốn khô khan, thiếu vắng tính cách trữ tình ), hãy còn non tay về phần kỹ thuật và chưa đạt được nghệ thuật thơ.
Song điều đáng nói và cần phải viết ra là thái độ của Bùi Khải Nguyên. Đối với người Đông phương - nhất là giới văn thơ - thì thái độ luôn luôn biểu quyết cái tư cách làm người của một con người trong môi trường xã hội và tha nhân của nó. Thái độ trước mọi sự việc, một hiện tượng, một biến cố không những biểu quyết cấp thời tư cách của người văn học mà còn minh thị giá trị của họ từ hiện tại để luân lưu về dĩ vãng.
Năm 1961 - dưới một chế độ mà uy quyền của chính quyền gần như một điều tuyết đối và ở cảnh huống cai trị thư lại - bán -cảnh- sát ( quasi police ) , Bùi Khải Nguyên đã là một trung úy và đang có chỗ ngồi tốt tại Saigon - vợ ông lại là môt công chức..., ông đã can đảm cho thi tập Thiết Tha xuất hiện, và hậu quả là ông bị thuyên chuyển ra Sư đoàn 9 Bộ binh.
Sự việc ấy cũng chưa đáng kể - cái đáng kể là thái độ của ông đối với tham nhũng, bất công và những ngày tháng đầu ( 1961) của cuộc nội chiến này là một thái độ tiền phong - can đảm và đủ nêu danh tiết của giới văn thơ.
Như một chiếc là bay vèo. đã 5 năm qua đi, 5 năm cuộc chiến và mỗi ngày xã hội Việt càng thêm đau thương, càng thêm máu và nước mắt tràn đầy, ngập lụt Quê hương... Từ đó, riêng thơ Búi Khải Nguyên như tiếng kèn báo động , khi cuộc chiến vừa mở màn.
[]
CAO THẾ DUNG
( trích- " Văn học hiện đại / Thi ca & Thi nhân", từ trang 241- 252.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét