Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

HỒI KÝ NGOÀI VĂN CHƯƠNG / THẾ PHONG / Cao Mỵ Nhân viết.

Lời dẫn:
Bài điểm sách dài hơi - Cao Mỵ Nhân phê Hồi ký ngoài văn chương mà tôi có - ấy   là  nhờ Phan Diên trao tay , khi  họa sĩ về  thăm Saigon . ( thời kỳ Internet chưa phổ biến nhanh nhậy  như bây giờ).   Kể cả  Nguyễn Ngọc Bích ở Washington   tổng kết tình hình văn học,  khen: " con mắt sắc sảo ,  đáng gờm vì trí nhớ ..." ( giáo sư  Bích   từng bị báo Saigon   lên án  chuyển dịch sang  anh ngữ  " canh gà Thọ xương" thành  " chiken soup "-nhưng  nói gì thì nói -vẫn là giáo sư danh tiếng  thủ đô VNCH xưa kia  , từng ngang dọc dạy anh ngữ  cùng anh  ruột Nguyễn Ngọc Linh, và  em Nguyễn Ngọc Phách.  ) cũng do một thư tay gửi từ   nữ văn sĩ  Nguyễn Thị Ngọc Dung. "... Đầu năm 1997, ông Nguyễn Ngọc Bích, vùng Hoa Thịnh Đốn, trong một bài tổng kêt về văn học Việtnam ở hải ngoại đã viết về Hồi ký ngoài văn chương:".. HKNVC là một cuốn hồi ký đáng gờm vì trí nhớ và con mắt sắc sảo của tác giả, sở dĩ gọi là ngoài văn chương vì nhiều người  trong sách không phải là giới văn nghệ mà là chính trị gia, tướng tá ..."-
( Thư viết ở Saigon/ Thế Phong /  lá thư E-mail 2) .  
....với  Đặng Trần Huân, Nguyễn Mạnh  Trinh -  thì  Hồi ký ngoài văn chương  phô trương - với Cao Mỵ Nhân , lại  khác đi :
"...như một chiếc gai nhọn, vươn ra giữa đường đầy hoa, muôn sắc, chiếc gai có thể chuyển hướng  như một chiếc gai nhọn vươn ra giữa đường đầy hoa muôn sắc, chiếc gai có thể chuyển hướng châm chích theo chiều thời gian, hoặc bị lôi kéo thình lình- nhưng chiếc gai nhọn vẫn còn dính trên cành lá, vẫn còn sắc bén tự bảo vệ thân phận...... "
...vậy mời bạn đọc   cùng chia xẻ bài  viết  :đầy tâm huyết, chân thực, buồn, vui thổ lộ  đúng  tâm trạng, chẳng  thèm xu nịnh,   khen ra khen, chê thẳng thừng , nghĩ sao viết vậy - qua  ngòi bút  Cao Mỵ Nhân 
Rất  hoan nghênh !
Thếphong.

                                              ...   Ngoài văn chương

                                                                                 CAO MỴ NHÂN  viết.

Trên 50 cuốn sách, viết với đủ thể loại : biên khảo, nhận định, truyện ký, thơ v.v... tới nay, 1996, THẾ PHONG, một người làm văn nghệ đã sống chết với đời ông trong niềm si mê viết lách, tưởng không thể thiếu được cây viết trong tay
Kể từ những năm đầu thâp niên 50 ở HÀ NỘI, bấy giò ông ký  TƯƠNG HUYỀN, vì tên ông ĐỖ MẠNH TƯỜNG, cho đến bây giờ...  viết công khai ở chế độ CSVN - từ sau ngày chính sách đổi mới 1987, các văn nghệ sĩ chế độ cũ có thể sáng tác và tái bản tác phẩm của họ; miễn không chống ... phá chính quyền đương thời là  được.
Với  THẾ PHONG , nhân viên chấp sự của Công đoàn xe buýt THỦ ĐỨC- SAIGON, mộ thời ký còn ký tên ĐƯỜNG BÁ BỔN qua cuốn khảo luận về CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN * xuất bản trươc 1975 ở miền Nam - thành ra tự bản thân ông, đã có điều  mâu thuẫn trong cuộc sống.
Thế nên, trong số mấy chục cuốn sách của ông, đã có khoảng gần 10 cuốn là tự truyện , nhưng, đích thực hồi ký thì THẾ PHONG đã viết tới 3 cuốn, theo thứ tự thời gian sau:
-  NỬA ĐƯỜNG ĐI XUỐNG do Đại Nam xuất bản năm 1959, Đời Mới tái bản 1968.
-  NHÀ VĂN, TÁC PHẨM, CUỘC ĐỜI xuất bản 1965 (?) , Đại Ngã tái bản năm 1970.
-  HỒI KÝ NGOÀI VĂN CHƯƠNG , Đồng Văn xuất bản, Văn Nghệ tổng phát hành.   Cả 2 cơ sở đều ghi ở Hoa Kỳ.
 Sự viêc một tác giả viết nhiều hồi ký không phải là vấn đề đặc biệt, hay đáng ngạc nhiên, hoặc giả người đó còn muốn nói gì thêm, còn cảm thấy viết bao nhiêu vẫn chưa đủ, cũng không phải điều tôi định nêu ra đây, nhất là với THẾ PHONG , ông mới chỉ ghi tới đoạn TỔNG DI TẢN năm 1975; thì thế nào cũng còn có các cuốn hồi ký tiếp theo từ sau 30.4.1975 tới hôm nay, và mai mốt nữa chẳng hạn.
Nhưng, tôi viết vì theo yêu cầu của một số vị có chút ý kiến về cuốn sách... ngoài văn chương của ông.
THẾ PHONG  đã không mất thì giờ "suy nghĩ" viết từ trong văn chương đến ngoài văn chương của ông- ông viết theo cái trớn của cảm hứng, đến không muốn dừng lại ở những điểm không cần thiết .
 Cuối năm kia ( 1994) rất nhiều vị văn, thi sĩ, nhà báo, và cả độc giả thường quan tâm đến những giai  thoại văn chương, đã điện thoại cho tôi về câu chuyện" T.T.KH., nàng là ai?" do THẾ NHẬT, tức THẾ PHONG và TRẦN NHẬT THU biên soạn- nội dung mô tả một T.T.KH. hậu chiến, cứ áp đặt nữ sĩ  VÂN NƯƠNG là người thơ T.T.KH. ấy, và, vì trong cuốn sách có đề cập ( tới - sic)  Hội Thơ QUỲNH DAO , mà nữ sĩ VÂN NƯƠNG,  phu nhân của luật sư cựu Bộ trưởng Quốc Phòng thời đệ I Cộng hòa, cựu đại sứ Anh Cát Lợi  ( Anh quốc)* * thời đệ II Cộng Hòa- là 1 trong 4 nữ sĩ sáng lập thi hội " TRĂNG QUỲNH"  nêu trên - tôi là người tham gia muộn nhất và nhỏ tuổi nhất đối với các nữ  thi sĩ QUỲNH DAO  , do đó tôi cần phải lên tiếng, để phần nào góp ý : Nữ sĩ  VÂN NƯƠNG có phải là T.T.KH. xưa, như tác giả THẾ NHẬT  khẳng định không ?
Cuối năm nay ( 1996) cũng lại nhiều vị văn thi sĩ, và thân hữu của tác giả THẾ PHONG hỏi thăm và " nhân thể"  người thì cười vui vẻ, người lại bực bội nhắn gởi, cho rằng tác giả THẾ PHONG  không nên viết ra những sự việc ngoài văn chương như thế !
Tôi ngẫm nghĩ, rồi trả lời :
-Ủa, nếu cuốn" T.T.KH., nàng là ai?" THẾ PHONG và TRẤN NHẬT THU loanh quanh trong  văn chương, không làm vừa ý ai cả, vì sự thức, nữ sĩ VÂN NƯƠNG chẳng bao giờ là T.T.KH., thì quyển" Hồi ký ngoài văn chương" này,  THẾ PHONG có luẩn quẩn tới văn chương gì đâu, ông ta chỉ kể lại một giai đoạn của đời ông ấy mà thôi.   Vậy quý vị muốn đề cập chuyện chi trong sách đó ạ ?
Tiếng bên kia đầu giây trả lời buông sõng:
- Chuyện thì... rất nhiều, nhưng sao phải kể ra chứ ?
-Hồi ký mà.   Hồi ký của chính mình , có khi không thoải mái với người được hay bị nêu tên trong đó.  Và, hình như hồi ký thì... thường là chuyện thực.
-Thực nó cũng vừa thôi chứ,  phải có một mức độ.
Tôi cười:
- Mức độ thì có khi lại bị chê là không thực, không đúng 100% đấy.
-Tôi thấy cũng có cô trong sách đó đấy, vậy chuyện thực 100% hay sai lạc, xin cho biết.
-Sai với lạc để làm gì, khi mà đã quá " date" khiếu nại, hoặc đính chính rồi ạ. -Với cô thì" hết hiệu lực", chứ có người đang tức anh ách đây.
- như ai chẳng hạn ?
-Ai cô có biết đâu, hoặc giả cô biết tên họ, chứ cô có biết sự việc đúng hay sai thế nào đâu, có khi biết sự việc đấy- nhưng cô không phải là tác giả, hay liên hệ với tác giả, hầu ... lý giải, thì nói tên họ ra cho cô hay làm gì.
-Tất cả những người viết hồi ký, hình như cũng không cần có nhiệm vụ lý giải thì phải ?
-Thôi được, có ngày tôi gặp lại THẾ PHONG, tôi sẽ phân tích cho ra môn, ra khoai.
-Cũng dễ thôi, quý vị có thể điện thoại hay thư từ, hoặc có dịp về  SAIGON , tìm ông ấy ở số X... , đưòng Trần... Tân Định.
-Được...
Vị khách buông thõng chữ " Được"   một cách không như ý lắm - muốn nói" Được" , để xem thử coi " làm tôi hỏang quá ! "  Chết nỗi, tôi có phải là tác giả cuốn" Hồi ký ngoài văn chương" đâu chứ.   Quý vị  bạn vừa đàm thoại trên, đã vô tình không thấy nơi trang sách trắng, trước khi vào chuyện, THẾ PHONG đã ghi:

                                        Riêng tặng NGUYỄN THỊ KHÊ - người vợ tuyệt vời của tôi .
.                                                                       T.P.
thì thiết nghĩ:
- Thứ nhất, cuốn hồi ký này ông ta chỉ muốn tặng riêng người vợ của ông.
-  Thứ hai, nếu phải vòng vo tam quốc để phát biểu đúng, sai, thì, hoặc tác giả, hoặc người được đề tặng có đủ điều kiện tiếp thu những ý kiến của độc giả, chứ ai  lại nhắn gởi người hàng xóm lâu đời là tôi chuyển giùm, bởi vì có khi tôi quên béng mất; hoặc tôi trộm nghĩ: " Chẳng phải việc mình, hơi đâu vướng bận "!
 Thế rồi, thì tôi cảm thấy cũng nên đọc cho biết khoảng thời gian trong cuốn " Hồi ký ngoài văn chương"  xem tác giả sinh hoạt thế nào, có khác gì với những giai đoạn trong văn chương của THẾ PHONG không ?
Riêng tôi thấy có vẻ" không khác lắm" nếu ai bảo VĂN là NGƯỜI, huống  chi văn hồi ký càng phản ảnh đúng người, khi viết từng chi tiết xẩy ra.   Hóa cho nên quý vị được hoặc bị nêu tên, đã  lỡ có những kỷ niệm êm đềm hay không êm đềm với nhà văn THẾ PHONG , thì cũng... đành vậy.   Bởi giá như chúng ta biết được một ngày nào đó người đối thoại với chúng ta bỗng viết hồi ký, thì  chắc lúc đó, chúng ta sẽ nói năng chải chuốt, hoặc tỏ thái độ bất mãn ngay - nếu cần phải biểu lộ một tư thế, một phong cách để minh định đúng, sai từ điểm xuất phát nào đó.
Tuy nhiên, bây giờ đã bước vào tuổi đời ngũ thập ít năm rồi, tôi mới mạnh bạo viết nên cái điều làm như tôi bình tĩnh, bình tâm lắm ấy- chứ thực ra kinh qua 2 cuốn hồi ký trước của THẾ PHONG, đã mấy lần tôi cũng .... " đứng tim" luôn.
Tôi chỉ cần đan cử một thí dụ thôi.  Khoảng trước 75, chú em chồng tôi làm Tổng giám thị môt trường trung học lớn bậc nhất ở ĐÀ NẴNG  - môt buổi chiều kia, chú ấy ghé nhà tôi chơi, nhưng vẻ mặt lại như quan trọng lắm, chú ấy nói:
- Chị MỴ, hôm nay tôi đến  nhà sách VĂN HÓA đường  HÙNG VƯƠNG , để mua một số sách cho  thư viện trường, tôi đã đọc sơ cuốn " THẾ PHONG,  nhà văn, tác phẩm, cuộc đời" , sách thì dày lắm, độ vài trăm trang; nhưng có tới trên 100 trang viết về chị, tôi nghĩ, chị nên xem lại vấn đề, vì anh BÊ mà biết được thì phiền.
Mắt tôi như hoa lên, tai ù, cơn sợ hãi không đâu đến vây bủa.   Nhưng, kỷ niệm cũ của tôi với THẾ PHONG thật trong sáng, tôi chả việc gì phải lo lắng thế, tôi cười ngay:
- Có gì đâu mà viết tới trăm trang ?
- Ờ thì họ viết, tôi làm sao biết được, nhưng theo tôi,  chị nên đến nhà sách ấy, nhờ họ cất đi thì hơn, vì chị cũng biết anh BÊ là ghen khiếp đảm lắm.
-Tôi làm gì mà" ghen" ?
Nói vậy, nhưng tôi cũng mong thì giờ qua mau, ông xã tôi lại hay thuê truyện chưởng ở nhà sách ấy, nên, sáng hôm sau, sẵn xe đón đi làm, tôi nhờ người tài xế chạy thẳng đến nhà sách  VĂN HÓA, và tìm hồi ký của THẾ PHONG, rồi cũng nói sơ qua cho ông" VĂN HÓA" hay.   Chủ nhà sách cười tủm tỉm:
- Cất làm sao hết được sách của ông này, kia kìa" Vương Miện MAI A"," NẾU ANH CÓ EM  LÀ VỢ "và v.v..., bà không thích  sách ông ấy là quyền của bà, đâu cấm được người bán, kẻ mua... văn chương nhỉ ?   Ấy vậy chứ cuốn" Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời "  này, THẾ PHONG sắp cho tái bản lần thứ 2 đấy.
Bực bội ( tôi cũng bực bội chứ)  mua 1 cuốn, đem thẳng vào văn phòng " kiểm duyệt thử  " xem THẾ PHONG viết những gì đây?
Đoạn, cũng hơi buồn, giá như ông ta đừng viết phần ( nói về ) mình ( C.M.N) thì hơn , tình huống giống y ông bạn vừa mới điện thoại đây.
Là vi sao?   Có phải vì bây giờ tôi đã và đang sống trong 1 hoàn cảnh đầy đủ, hạnh phúc, tôi không muốn có những thóang mây mờ chợt bay qua sân nhà tôi chăng ?   Tại sao lại chi muốn những điều gì có lợi cho mình, còn cảm thấy không lợi  cho mình thì không muốn hay không thích nhỉ ?   Xin thưa, ngày đó cách đây gần 30 năm, thời gian còn dài hơn tuổi tôi lúc đó, nên tôi còn quá sợ hãi, e dè, nhất là THẾ PHONG  ghi nguyên vẹn cả tên tôi như bất cứ tên của ai trong đó nữa.
Tưởng đã lâu rồi, đã xa rồi, đã quên rồi, thế mà hồi ký thì lại như  .... mới đây- vì số là ai có tên trong hồi ký của bất cứ ai, đều như mới mẻ như đang sinh hoạt quanh CHỐN BỤI HỒNG  này.   Huống chi những vị nào đó trong một bối cảnh xã hội thời bấy giờ, ngoài tính cách thân thương, chán ghét, đau khổ, mừng vui, đùa rỡn , hay vân vân khác, thì cũng có những ân óan giang hồ với một cây viết đầy mâu thuẫn  "THẾ PHONG, nhà văn tác phẩm, cuộc đời" áp dụng cho bất cứ cuốn truyện ký nào của ông- giống như " HỒI KÝ NGOÀI VĂN CHƯƠNG  " bây giờ.
Tôi đếm được, đã có ít nhất trên 300 danh tính quý vị văn nghệ sĩ, thân hữu và không thân hữu của  tác giả THẾ PHONG, được hoặc bị trong những danh sách cuối tập "  Hồi ký ngoài văn chương" - thí dụ" Chỉ danh":
                              Vần   A...: Duyên Anh, vvv..
                              Vần   B....:Vũ Bằng, Ngô Bảo...
                              Vần   C  .: Vũ Hoàng Chương, Hà Huyền Chi... v.v..
                                                     v.v... và v.v...
                              Vần    Y...  Tô Thùy Yên, Đỗ Ngọc Yến...
Rồi, một vài vị " quá giận"  vì tình tiết truyện trong " Hồi ký ngoài văn chương"  của THẾ PHONG đã vô tình nói lên toàn sự thật làm mất lòng quý vị ấy lắm - như  " ông  Sáu " đơn vị này, "ông Năm" đơn vị nọ, v.v... và v.v... tôi đành cười xòa:
- Trước 75 ở Sài gòn, hiện tượng THẾ PHONG  đã gần như ai cũng biết là nhà văn ấy có những biệt danh được đánh giá qua hình thức bên ngoài : quần áo thì tươm tất, mà " cà vạt"  lại thả thòng lọng trễ xuống nút áo thứ hai,.  Có người bảo:
- Ai bắt thắt" cà vạt"  đâu mà phải làm ra thế ?
Liếc mắt qua văn chương, sách vở,   năm 1959, THẾ PHONG tự đánh máy rồi quay ronéo những tác phẩm của chính ông, và bạn bè, còn bước qua cả lãnh vực... THƠ, để viết  tập " NẾU ANH CÓ EM LÀ VỢ  " , mà ngổn ngang lời lẽ :
                                                 Nếu anh em là vợ
                                                 ( ) con  ông chủ  hiệu giầy
                                                 ( Thì)  mỗi ngày anh sẽ đi một đôi...
                                                           ( THẾ PHONG )
Như một chiếc gai nhọn  vươn ra giữa đường đầy hoa muôn sắc, chiếc gai có thể chuyển hướng châm chích theo chiều hướng thời gian, hoặc bị lôi kéo thình lình, nhưng, chiếc gai nhọn vẫn còn dính trên cành lá, vẫn còn sắc bén, tự bảo vệ thân phận, và tự cải thiện   cuộc sống sau này, THẾ PHONG  đã từ một hoàn cảnh đơn độc khởi sự một chuyến đi  dài suốt cuộc đời.
Ông có  được nhận định   là một người viết không biết mỏi, sống không biết chán, dù hôm nay hoàn tất một tác phẩm, tự ấn hành với một phương tiện tài chánh nào, ngày mai đã có vài quy vị chê trách là " không biết xử thế " hay " ông giả vờ đùa với hòan cảnh, rằng tại sao THẾ PHONG có một nếp sống    bừa bãi, buông thả, không tương lai, mà vẫn lạc quan được nhỉ "?
Với tôi, viết về THẾ PHONG, có lẽ phải dài dòng hoặc không viết gì cả, vì viết tàm tạm lại rơi vào ngộ nhận, không giải thích được mấy điều quý vị nêu ra, không trả lời dứt khoát điều đúng  sai chẳng hạn, nên, như tôi đã trình bầy- không phải việc của tôi, đó là việc của tác giả, của gia đình, của người xuất bản, của cơ sở phát hành v.v...
Tuy nhiên, tôi vẫn có thể cống hiến quý vị thân hữu hay độc giả của nhà văn THẾ PHONG, những tin tức xác thực nhất, mà chẳng với ý đồ' đánh bóng"  cho một tác giả vốn là người quen thân từ thời tôi còn đi học.   Rằng để tìm hiểu THẾ PHONG  trong làng văn trước 75 ở miền Nam  , THẾ PHONG đã tự vượt qua một chặng đường khá dài gian truân, mà ông thường ẩn náu qua ngòi bút luôn bất mãn của ông.
Quả  là ông đã gặp được một phụ nữ tuyệt vời, NGUYỄN THỊ KHÊ, người chịu làm  vợ THẾ PHONG  ,với tư thế sẵn sàng chấp nhận    những bất trắc xảy ra trong cuộc đời mà THẾ PHONG  là nguyên nhân- bởi lẽ ông không đứng ở một lối đi chung nào với bạn bè  , đã thế, ông còn tạo ra cái hành trình cuộc đời toàn... chông gai và bảng cấm.
Song le, điều mới nhất, đó là một THẾ PHONG đang rất hạnh phúc bên vợ và 5 con đã lần lượt lớn lên, cháu bé nhất cũng trên vị thành niên, không sính văn chương như" cô MỴ" -  mà một nhà biên khảo đã phát biểu: THẾ PHONG chỉ làm được cái việc viết, rồi thuê đánh máy, xong quay ronéo các thứ sách của ông, đoạn đem lòe bịp các cô gái vị thành niên sính văn chương hầu các cô tôn phong tác giả gai góc đó là thiên tài...
Thế thì bây giờ, THẾ PHONG vẫn đi làm công nhân bình thường, vợ ông có cửa hàng buôn bán trước cửa chợ TÂN ĐỊNH , 5 người con của ông đi làm và đi học, con trai thứ hai tên Đỗ Nhị Tường Khê  tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa, đang hành nghề ở  SAIGON.
 Toàn bộ gia đình THẾ PHONG đang được Chúa bảo bọc, che chở, cũng nhờ vợ ông làm chứng,để THẾ PHONG, một mấu chốt của sự mâu thuẫn đa dạng nhất, giữa bối cảnh xã hội trước 1975- từ trong chữ nghĩa đến ngoài văn chương, và, từ trạng thái vô thần đến quan niệm duy tâm- như nhân vật " RUỒI TRÂU"  trong tác phẩm một nhà văn Ý- quý vị sẽ gặp một THẾ PHONG sau khi tin CHÚA , với những lời nói tiềm ẩn  ĐỨC TIN, hơn là những dấu than  muộn phiền trong " Hồi ký ngoài văn chương"  vừa mới phát hành ở HOA KỲ.
[]

Rancho Palos Verdes
10-11-1996.
C.M.N.

( trích  từ  CHỐN BỤI HỒNG -    SAIGON TIMES ( California /USA)- Friday, November 22, 1996.  Chủ nhiệm: Thái Tú Hạp. )

------
* Tôi chưa hề viết cuốn nào như trên , lại  ký bút danh ĐƯỜNG BÁ BỔN.   Rất có thể  tác giả bài viết đã lầm với  cuốn  MUỐN HIỂU CHÍNH TRỊ - TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI  / THẾ PHONG, tựa HÀ VIỆT PHƯƠNG -  Thế Giới, Saigon xuất bản ,  1955  .(TP chú thích)
** cụm từ thay thế hoặc thêm. (BT.)                                               :
   
                        

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ