Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

bài đáng đọc : - đọc lại TÀU NGỰA CŨ của LINH BẢO / Viên Linh [ i.e. Nguyễn Nam 1938- 2021 ? ] -- trích báo Người Việt>

 Sunday, May 5, 2024

Ðọc lại ‘Tàu Ngựa Cũ’ của Linh Bảo


Viên Linh



Trước sau cho tới khi viết những dòng này, tôi chỉ được gặp nhà văn Linh Bảo một lần duy nhất, đó là khi bà ghé thăm tòa soạn Khởi Hành khoảng năm 2006 gì đó. Những mường tượng còn nhớ, đó là một bóng dáng thoải mái, mới gặp mà như đã quen biết từ trước. Bà đến một mình, chẳng cần ai giới thiệu, chỉ cần nói tên là như đã gặp lại.

Bà có nước da trắng hơn một người Á Châu bình thường, dung mạo như một phụ nữ Tây phương, hai mắt nhìn thẳng, nhân trung mở, sống mũi cao, cặp lông mày hơi xếch, và một vừng trán rộng, một cái cằm có góc cân đối, khiến toàn thể khuôn mặt – gọi là gương mặt thì đúng hơn – tỏa ra một ánh sáng khỏe mạnh, thẳng thắn.









Nhà văn Linh Bảo khi còn trẻ. (Hình: VL cung cấp)


Ðọc văn Linh Bảo cũng thấy những điều ấy, từ tốn, ý nhị, ý nghĩ đi cùng câu văn, và đi xa hơn, tạo ra một hàm ý mà không cần thêm lời diễn tả. Chỉ cần đọc truyện ngắn “Tàu Ngựa Cũ” cũng thấy ngòi bút của bà có nội lực như thế nào, dù câu chuyện không có gì, hai người cũ gặp lại nhau trong cùng một toa xe lửa của một con tàu đang chạy, rồi chia tay, mối tình xưa dở dang chưa kịp thanh thỏa bằng lời, thì sự việc mới xảy ra, và không một ai còn có thể nói lại với nhau một lời nào nữa. Chấm dứt đột ngột, nhưng không tàn nhẫn, vì không ai quyết định được gì, tất cả phải hiểu ngầm, vì không nói được, muốn nói chết đi được mà không nói được, thật là tài tình thay cho một ngòi bút tinh tế dửng dưng mà làm đau lòng người đến thế. Ðọc truyện ngắn ấy, tôi nghĩ mãi về người phụ nữ khi nàng lặng lẽ bên cặp vợ chồng kia, mà người chồng vốn là người yêu cũ của nàng, cho dù Linh Bảo không hề tả một lời về nhân vật nữ ấy sau đó, sau khi người vợ xuất hiện. Người vợ ấy có làm gì đâu, bà ta chỉ săn đón hỏi han chồng một cách bình thường.


Làm sao mà tả được nữa. Còn gì để tả nữa. Duyên kiếp là thế. Nó khắc nghiệt tàn tệ đến thế, nó khiến cho người đàn ông trong truyện trở nên tồi tệ dù anh ta đâu đến nỗi nào, tàn tệ đến độ bị so sánh như một con ngựa bị che mắt, chỉ còn một hướng đi, là hướng về cái chuồng cũ của mình, mà chỉ mấy phút trước anh thản nhiên nói với hai sinh viên hành khách mình là một giáo sư Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn! Ôi! Cái điềm tĩnh của ngòi bút Linh Bảo khiến người ta nhớ đến cặp mắt trong sáng của bà, chỉ một thoáng nhìn, là thu hết màu sắc và diên mạo kẻ khác. Khi kẻ khác ấy trở thành nhân vật, Linh Bảo là nhà văn sử dụng nhân vật như đi những quân cờ đã tính toán.









Linh Bảo khi còn là một thiếu nữ tóc dài. Cả hai hình in trong tác phẩm Mây Tần của Linh Bảo, tạp chí Việt Nam Hải Ngoại của Ðinh Thạch Bích xuất bản năm 1981 tại San Diago. (Hình: VL cung cấp)


Linh Bảo tên khai sinh là Võ Thị Diệu Viên, sinh ngày 14 tháng 4, 1926 tại Huế; con gái ông Võ Chuẩn, nguyên tổng đốc Quảng Nam. Xuất ngoại từ 1945, từng sống tại Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Kông, Anh, Pháp. Nhân viên Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Hồng Kông thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Khoảng cuối thập niên ’50 có về lại Sài Gòn vài năm, có bài đăng trên các tạp chí Tân Phong, Bách Khoa. Ra hải ngoại lần sau, bà dạy Việt ngữ tại trường Sinh Ngữ Quân Ðội Hoa Kỳ tại Monterey, California, từ năm 1962 cho đến cuối năm 1976. Hiện Linh Bảo cư ngụ tại Westminster, California, Hoa Kỳ. Tác phẩm đã xuất bản:


– Gió Bấc, nhà xuất bản Ðời Nay, 1953.
– Chiếc Áo Nhung Lam, 1953.
– Tàu Ngựa Cũ, 1961. Ðược trao Giải Văn Chương Toàn Quốc 1962.
– Những Ðêm Mưa, 1961.
– Con Chồn Tinh Quái, Ngày Mới, 1967.
– Những Cánh Diều, Trí Ðăng, 1971.
– Mây Tần, Việt Nam Hải Ngoại, 1981.


Tôi mong có dịp sẽ được viết thêm và viết kỹ hơn về Linh Bảo, một nhà văn nữ Việt Nam nhẹ nhàng và ý nhị trong văn phong và cuộc sống. (Viên Linh)


Tàu Ngựa Cũ


Những tiếng động ồn ào bên mình làm Kỳ bừng tỉnh. Anh không cần mở mắt nhìn cũng biết tầu đã đến một ga nào đấy, hành khách đang chen chúc lên xuống, và trong số đó chắc có người sẽ là bạn đồng hành của anh. Kỳ đã lên tầu từ ga Huế và sẽ đi suốt đến Saigon. Trải qua bao nhiêu ga, bao nhiêu người vào căn phòng hạng nhì này, cũng ngồi tầu với anh một lúc rồi lại đi.


Có người ngồi lâu, nói được vài mẩu chuyện trời mưa nắng, có người, Kỳ tránh nhìn họ để khỏi phải bắt chuyện. Kỳ mong mỏi gặp một bạn đồng hành đi suốt với anh quãng đường dài này, và giá hợp chuyện nữa thì sung sướng biết bao! Anh không nhớ hết những ai đã vào cùng ngồi với anh. Ðầu tiên là một bà cụ già đi với cô con gái. Anh chưa nhìn, cô em đã thẹn thò quay mặt đi nơi khác, nhưng nàng nhìn trộm anh trong tấm cửa kính. Bà cụ nhờ anh sắp đồ đạc cẩn thận, làm Kỳ tưởng bà cũng đi xa như anh, nhưng mới đến ga thứ nhất, bà đã kéo cô con, lếch thếch xuống tầu, vội vàng như bị ma đuổi. Kỳ không thất vọng, vì đường dài lắm, anh sẽ còn cơ hội gặp người bạn đường khác. Nhưng từ lúc ấy trở đi, bao nhiêu người lên xuống, người nào cũng chào hỏi, nhưng anh chưa cảm thấy hợp chuyện, họ đã xuống ga rồi.


Mãi cho đến bây giờ, đi đã gần nửa đường, Kỳ thấy hơi chán, không còn hy vọng có một bạn đường vừa ý nữa. Anh đem báo ra đọc. Ðọc hết cả tin tức, tiểu thuyết, quảng cáo, lại thuộc lòng cả một tá thơ tương tư của một nữ sĩ. Anh hơi lạ, vì thấy nữ sĩ tả hoa tương tư, lá tương tư, núi sông tương tư, mà không thấy nói đến người tương tư. Không lẽ cái tương tư của con người không đáng nói. Kỳ che tờ báo lên mặt, giả vờ ngủ. Anh chán nản lắm rồi. Bây giờ, bên cạnh anh, ai lên xuống, ga nào, người ít nhiều, anh cũng mặc, không nhìn nữa. Kỳ biết có người vào phòng anh. Trước hết, chắc là một thiếu nữ, vì nghe bước chân nhẹ nhàng và mùi nước hoa thoang thoảng. Theo sau, là hai thanh niên còn trẻ lắm, vì anh nghe thấy họ hành động nhanh nhẹn và nói cười có vẻ đầy nhựa sống.


Thiếu nữ ngồi bên cạnh Kỳ, có lẽ nàng thấy ngồi bên cạnh người ngủ say, trên mặt lại còn che một tờ báo, sẽ yên ổn hơn ngồi cạnh hai chàng thanh niên có vẽ “sát khí đằng đằng” kia. […] Tầu vẫn chạy trong đêm, và đêm cũng đã khuya lắm rồi, nhưng Kỳ không thấy buồn ngủ tí nào nữa. Anh nhớ đến bàn tay người bạn gái năm xưa, bàn tay anh đã cầm nhiều lần. Không biết có phải đúng là Thơ ngày xưa của anh không. Bàn tay gần tay anh lắm, nhưng anh không dám nắm lấy. Bàn tay ấy không đẹp, không chải chuốt, không có móng đỏ như máu, nhọn như vuốt, giống hệt như bàn tay anh đã nắm ngày xưa, nắm một cách yêu thương tin cậy, và lòng êm dịu, bình yên, thỏa mãn như người nằm đúng vào chăn đệm và giường của mình trong một đêm rét mướt mưa bão. Kỳ vừa ao ước nàng là Thơ, vừa mong không phải. Nếu không phải, chắc anh sẽ bâng khuâng mất vài hôm rồi lại đâu vào đấy.


Nhưng nếu nàng là Thơ thật tình thì sao? Trong chốc lát, Kỳ thấy trong tim mình như định ra một biên giới. Ðây là tình yêu vợ, yêu con, đây là tình… như nước sông, nước suối, nước thác, mỗi dòng nước có một con đường riêng, không hề xâm phạm đến nhau, nhưng tất cả đều đổ về lòng bể, là anh. Nếu đúng là Thơ, anh sẽ không để cho nàng đi thoáng qua như những người bạn đường kia nữa. Nàng sẽ ở bên anh mãi mãi và sẽ đi cùng anh đến ga cuối cùng của cuộc hành trình, cũng như đến ngày cuối cùng của cuộc đời.


Thiếu nữ hình như ngủ say. Nàng bỏ rơi tờ báo xuống, đầu nghiêng về một bên. Kỳ thấy lạnh hẳn cả người. Ðúng là Thơ ngày xưa rồi. Hình bóng Thơ nằm yên lặng trong tâm hồn suốt bao nhiêu năm trời, bây giờ hiện ra trước mắt anh bằng xương bằng thịt. Thơ già dặn hơn, nhưng những nét vẫn là Thơ ngày xưa. Mi mắt Thơ tuy nhắm, nhưng lòng mắt bên trong rung rung.


Nếu Thơ ngủ thật, chắc nàng đang mơ một giấc mơ buồn. Nét mặt Thơ cố đè nén một cảm xúc gì. Kỳ thấy muốn để đầu Thơ ghé vào vai mình, như thế, chắc Thơ sẽ dựa êm ái hơn, ngủ ngon hơn, và không thể nào mơ những giấc mơ ghê sợ nữa.


Mí mắt Thơ bỗng rung động mạnh và hai giọt nước mắt chảy ra, đem theo cả một dòng, lan tràn trên má. Thôi, Thơ không hề ngủ tí nào cả, nàng chỉ giả vờ ngủ để kéo dài thời gian trước phút nhìn được nhau. Chắc Thơ cũng đã nhận được ra anh lâu rồi. Thơ chỉ nghe giọng anh nói, cũng như anh chỉ nhìn bàn tay, cũng biết được nhau. Lần này Kỳ quả quyết lắm. Anh nhất định nắm lấy tay Thơ, rồi ra thế nào thì ra.


Thơ mở mắt nhìn anh, nói rất nhẹ:


– Em không ngờ. Có người cho em biết anh chết sau lúc xa em mấy tháng.


– Anh cũng không ngờ. Nghe kể lại, mẹ em đặt bàn thờ và tụng kinh cho em một trăm ngày… anh ngờ sao được!


Kỳ kéo đầu Thơ dựa vào vai anh như trước đây mấy phút anh đã ao ước được như thế.


Hai người cùng yên lặng, hình như không còn nghe thấy gì ngoài tiếng đập của trái tim.


Tầu bỗng hình như chạy mau hơn một cách kỳ lạ và dễ ghét. Kỳ vuốt tóc Thơ, thì thầm:


– Chúng mình đã đi được nửa đường rồi mới bắt được nhau.


Thơ cố nén cảm xúc:


– Nửa đường của chuyến xe suốt, và cả của cuộc đời!


– Cũng còn kịp để gặp nhau!


– Muộn chưa hở anh?


– Chưa em ạ. Ðường còn dài, đời cũng còn một nửa để chúng ta nhìn thấy nhau, ngồi cạnh nhau, sống với nhau. Ðừng làm sóng gió nữa em, đừng làm khổ nhau, đừng làm khổ mình, đừng tự ngược đãi mình nữa. Bây giờ, anh không để em thoát. Không có gì trên đời này có thể cản trở chúng ta được nữa!


Kỳ không hiểu tại sao anh có thể nói ra được những câu trái với sự thật như vậy. Ai cho phép anh được ngồi với Thơ, sống với Thơ? Anh rất thành thật với lòng. Anh nói những lời xuất phát từ trái tim và đồng thời cảm thấy rất chua xót, không biết làm cách nào để Thơ hiểu rõ, để cho Thơ biết sự thật, biết anh không còn tự do nữa. Anh muốn giữ Thơ trong cuộc hành trình đi đến phần mộ trong đời mình, mặc dầu biết không có một điều kiện nào.


Như muốn tránh sự thực hiện tại, anh bảo Thơ:


– Em đừng nói gì nữa. Chng mình sẽ có rất nhiều thì giờ nói chuyện. Bây giờ, hãy để yên cho anh ngồi bên cạnh em, biết có em trong tay. Chúng ta đã lỡ nhau suốt nửa đời người rồi. Yên cho anh sung sướng gặp em…


– Ngày xưa…


– Ðừng nhắc đến ngày xưa nữa em…


– Ngày mai…


– Cũng đừng nói đến ngày mai!


Hai người cùng yên lặng và hiểu nhau hơn lúc nào hết.


Thơ nhắm mắt lại, ngả đầu vào vai Kỳ! Tàu chạy đều và rung nhẹ, vai của người mình yêu quí, làm gối rất êm. Mi mắt Thơ không còn thấy rung rung nữa, nếu Thơ ngủ được, chắc giấc mơ sẽ yên lành biết bao.


Kỳ nhìn ra ngồi trời. Trời đen nhưng trong, mây sáng lơ thơ giăng mắc khắp không trung. Muôn ngàn vì sao lấp lánh rực rỡ, có những sao băng xẹt ngang rất nhanh rồi tắt hẳn. Kỳ ao ước giá còn được lòng tin tưởng thơ ngây ngày xưa, ngày anh còn bé ở làng quê. Hối ấy, mỗi khi thấy sao băng, anh cởi nhanh một cúc áo và nói một điều ước. Anh không nhớ những điều anh ao ước có bao giờ thành sự thực, linh nghiệm như lời bà anh vẫn bảo không, vì anh quên ngay hôm sau. Bây giờ, nếu còn hy vọng và tin tưởng được, anh chỉ ao ước có Thơ trong tay anh mãi mãi. Tầu đến Nha Trang lúc trời vừa sáng. Kỳ và Thơ cùng nhìn nhau mỉm cười. Cả hai đã ngồi yên lặng không nói một điều gì quan trọng, cũng muốn phút giây quên hết quá khứ, tương lai và sự thật, càng kéo dài càng tốt. Kỳ đứng dậy nhìn ra sân ga. Bỗng anh thấy cả người như tê lạnh một cách lạ thường. Vợ anh đang đứng nhìn lên từng toa như tìm kiếm. Trông thấy Kỳ, vợ anh reo lên:


– A, anh! Em cứ sợ anh nhỡ chuyến này.


Nàng chen lên tàu, bước vào phòng, nói ríu rít:


– Em đang nghỉ mát, được tin anh vào, nên đón tầu để đi cùng với anh cho vui. Thế nào, anh có mệt không?


Bất giác, Kỳ thấy mệt thực. Bao nhiêu nhọc nhằn chán nản, phiền muộn trong nửa đời người đã trải qua, anh đã quên không muốn nhớ, giờ phút này chúng đùng đùng kéo nhau đến bao vây lấy anh, làm anh thấy mình chỉ trong một lúc như già hẳn đi. Tất cả hy vọng tiêu tan trong chớp mắt một cách đột ngột và tự nhiên vô cùng.


Thấy Thơ đứng dậy sắp sửa hành lý, anh cũng không thể nói được một lời nào, để từ giã hay giữ lại. Anh chỉ nhìn theo với đôi mắt buồn rầu bâng khuâng. Vợ Kỳ xem xét hành lý và nói với anh những điều gì nhiều lắm, nhưng anh không nghe rõ, và dù nghe rõ cũng không hiểu gì hết. Mắt Kỳ như mờ đi, nhìn theo Thơ vội vàng ra khỏi ga. Anh biết tình yêu của Thơ và anh vẫn còn nguyn vẹn. Anh biết Thơ cố tránh. Thơ không muốn thấy mình cùng đi với Kỳ một chuyến xe trong đời, mà không thể nói với nhau một lời nào. Kỳ ngồi bên cạnh vợ, nghe vợ nói chuyện và thấy nàng đã nói nhiều quá, trong khi Thơ chưa kịp nói với anh gì cả.


Bây giờ, làm sao anh còn nắm được tay Thơ. Làm sao anh biết được Thơ nghĩ gì. Thơ đi đâu? Thơ làm gì? Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu lằn roi đời quất vào tâm hồn nàng? Bao nhiêu thất bại, đau khổ. Ai lau nước mắt cho Thơ?


Kỳ chưa kịp biết được gì hết, anh đã để cho bóng Thơ tan mất. Và đau đớn biết bao, anh không có dịp nói một lời giã từ. Giá biết được phải chia rẽ đột ngột và vĩnh viễn như vậy, anh sẽ cố nói với Thơ một vài lời, dù chỉ là những lời rất vô nghĩa, cũng còn có dịp nhìn được mắt nhau lâu thêm vài phút. Tầu vẫn chạy rất bình yên, như không bao giờ biết được bao nhiêu ly hợp đã xảy ra trong một chuyến đi.


Người vợ ngồi bên cạnh đem lại cho anh thói quen thường ngày. Kỳ thấy lòng mình bình tĩnh lại. Anh lắng tai nghe vợ nói, trả lời vợ và ngoan ngoãn theo vợ về nhà. Ngoan như con ngựa nhà, ngựa thuần. Con ngựa rất siêng năng cần mẫn, ngày ngày kéo xe cho chủ. Ðôi mắt ngựa bị che hai bên lại, chỉ còn nhìn thấy một phía trước mắt, một con đường thẳng, một bổn phận. Ngày ngày làm xong công việc, tối về tàu, ngựa sẽ được phát cho một nắm rơm hay cỏ khô, cho ngựa ngủ yên, đợi ngày mai lại tiếp tục công việc, lưng mang nặng yên cương, mắt che kín. Ðền bù lại, ngựa được chủ cho ăn no, được khen là ngoan ngoãn, và ngựa ráng hết sức lực làm việc cho chủ vui lòng.


Nhưng may mắn làm sao, Kỳ thấy dù mình như con ngựa đã bị che kín hai mắt, chỉ được phép nhìn thấy một con đường thẳng trước mặt, chỉ được trở về với tàu ngựa cũ mà thôi, tim anh vẫn còn nguyên vẹn, vẫn còn có thể cảm, nghĩ và yêu thương.


* “Tàu Ngựa Cũ” – tựa đề của truyện ngắn, được lấy làm tựa đề cho cả tuyển tập gồm 9 truyện, được nhà Ðời Nay xuất bản năm 1961.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ