Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

UCI, ' ngôi trường làng " của ước mơ / Vương Trùng Dương / Hoa Kỳ [ i.e. Trần Ngọc Dưỡng 1946- ] -- trích: Việt Văn Mới, 20/ 04/ 2024 -- Troyes-France.

 Việt Văn Mới



UCI, “NGÔI TRƯỜNG LÀNG” CỦA ƯỚC MƠ




H ệ thống đại học UC (University of California) có 9 trường từ Bắc xuống Nam: UCD (Davis), UCB (Berkeley), UCSF (San Francisco), UCSC (Santa Cruz), UCLA (Los Angeles), UCSB (Santa Barbara), UCR (Riverside), UCI (Irvine), UCSD (San Diego). Ngoài ra còn có 23 trường Cal State (CSU)… Các đại học tư với một số trường danh tiếng như Stanford, University of Southern California, Cal Tech, Loyola, Pepperdine,… Hệ thống đại học cộng đồng (California Community College) với 114 trường, sinh viên theo học 2 năm, nhận chứng chỉ (certificates) hay cao đẳng (associate degrees). Sau đó, sinh viên đi làm hoặc chuyển tiếp lên đại học (UC & USC) 2 năm lấy bằng cử nhân (BA & BS). Vì vậy Hoa Kỳ nói chung và tiểu bang California nói riêng là môi trường thuận lợi nhất của đất nước xứ Cờ Hoa cho sinh viên (già, trẻ) vào đại học.

Tại Nam California có UCI (University of California, Irvine) cách Little Saigon khoảng 16 miles (Little Saigon thuộc thành phố Westmisntre và các thành phố lân cận và thành phố Iviine đuề thuộc Orange County) nên sinh viên ở các thành phố nầy theo học rất tốt.

Tháng 9 năm 1990, gia đình tôi từ Đà Lạt được đi diện H.O vì “con đầu trọc” nên định cư tại thành phố Nashville, miền Đông Hoa Kỳ. Khi ở Thái Lan, có vài người đã du học ở HK cho biết đây là cái nôi của Country Music (Nhạc Đồng Quê), thành phố đẹp đến tháng 11, nhiều con đường lá phong chuyển sang màu vàng rất thơ mộng. Sau 15 năm ở trong nước với cảnh đời đen bạc, với tâm hồn lãng mạn, tôi nghĩ đây là vùng đất thần tiên khi đổi đời. Thế nhưng, thực tế quá phũ phàng làm vỡ mộng! Gia đình tôi được Hội Thiện Nguyện cấp cho căn appartment trong khu người da màu. Đây là khu chiếm độc quyền của họ chơi xì-ke, ma túy rất bất an. Tiền bạc trợ cấp do Hội Thiện Nguyện nắm giữ (họ nói để trang trải mọi chi phí) nên không nhận được đồng nào. Trong vài đêm đầu, mấy tên da màu đập cửa kiếng xông vào nhà nên vợ chồng và 3 đứa con ngủ chung một phòng để tử thủ.

May nhờ đôi vợ chồng trẻ Cảnh - Thủy tốt bụng, thấy hoàn cảnh như vậy nên đem về nhà cho tá túc. Rồi “họa vô đơn chí”. Vào thời điểm nhập học, tuy con đầu đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng mới 17 tuổi nên cùng với 2 đứa em theo học ở Nashville High School. Đi đến trường bằng xe bus nhưng các học sinh da màu cũng kỳ thị không cho ngồi vào ghế, ngay cả con gái út cũng phải đứng. Học sinh da trắng cũng bất bình nhưng không dám can thiệp. Thật đau lòng “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”!

Ở trong nước vì “lý lịch” không thể vào đại học, nơi vùng đất tự do với ước vọng duy nhất để con cái tiếp tục theo con đường học vấn nhưng trước cảnh ngộ xảy ra như vậy, quá đau lòng. Tôi quyết định phải rời bỏ quê hương của Country Music.

Khi liên lạc với người bạn đồng khóa Nguyễn Trãi I Nguyễn Đức Luận (Hội Trưởng Hội Ái Hữu Cựu SVSQ/TĐH.CTCT) thuê cho căn phòng để về Little Saigon. Rồi vấn đề tiền bạc để di chuyển, Luận kêu gọi bạn bè trong khóa “đóng hụi” (10 người, mỗi người trăm đô) làm lộ phí. Không đủ tiền để di chuyển phi cơ nên đi bus greyhound, và không ngờ chuyến xuyên bang rất thú vị vì được ngắm đất nước HK từ Đông sang Tây.

Khi tìm vè nơi đất lành chim đậu, đến Sở Xã Hội để apply tiền trợ cấp (Welfare) thì họ cho biết tôi tự động bỏ đi, không thông báo cho Sở Xã Hội ở nơi định cư. Hội Thiện Nguyện đã đóng tiền thuê apparment 3 tháng rồi nên phải đợi… Nghèo lại gặp eo trong “bước đường cùng”, làm thân trâu “cày” và “cày”!

Vì chưa đủ 18 tuổi nên đứa con đầu vào học lớp 12 và 2 đứa em học lớp 10 ở High School Westmisnter. Năm sau đứa con đầu vào học ở OCC (Orange Coast College) sau đó được UCI nhận theo học Computer Scienne (Programmer), ngành nầy lúc đó chưa thông dụng. Khi được tin con vào ngôi trường nầy, tôi lái xe đến UCI, bước chân trên cỏ, tôi có cảm tưởng như đi trong mơ vì không dám nghĩ con cái tiếng Anh chưa khá khi mới định cư để qua cửa ải bài “test”.

Theo con đường của người anh, 2 đứa em theo học ở OCC rồi cũng vào được UCI. Còn hạnh phúc nào hơn khi “chân ướt chân ráo” trên bước đường học vấn của con cái trong hệ thống University of California. Tôi nói với các con “Đời bố mẹ coi như vất đi, các con là niềm an ủi, niềm vui và ước mơ của của bố mẹ”. Khi đứa con gái út tốt nghiệp Chemical Engineering vào Hè 1997, chưa đủ 22 tuổi. Sau 3 tháng tôi vào tù năm 1975, đứa con gái út ra đời trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã ở Đà Lạt vì không có người thân nơi đó để nương tựa. Khu Gia Binh của quân trường có 4 dãy (2 dãy cho HSQ & binh sĩ, 2 dãy cho SQ) bị dân dân phương hôi của và tháo tôle, plafond… tang hoang đành căn vãi dầu tạm trú. Trên mảnh đất quê hương với mảnh đời rách nát!

Trải qua thời gian ở Mỹ, dần dà 2 đứa con trai lập gia đình, 2 cô con dâu cũng tốt nghiệp UCI. Gia đình tôi có 5 người con, dâu đều xuất thân UCI và làm việc ở Los Angeles & Orange County nên nhà gia đình các con và bố mẹ gần nhau. Từ ngày các con sinh ra cho đến khi lập gia đình, ở riêng, các con chưa bao giờ xa mẹ hơn một tháng, đây là niềm hạnh phúc nhất của vợ tôi. Rồi sau nầy với thế hệ thứ ba cũng vậy.

Với tôi, tiền hung hậu kiết là điều may mắn. Vì cũng ở gần nhau nên trong hai thập niên qua, ông nội, ngoại tự nguyện làm “bác tài” khi “em tan trường về” và còn dài dài vì có 2 “o” cháu nội, ngoại, nên chỉ mong còn được sức khỏe để tiếp tục cái job thiện nguyện nầy cho trọn đường tình.

Năm nay, niềm vui lại đến, đứa cháu ngoại (gái) sau 2 năm ở OCC (vì không muốn đi học xa nhà) được UCI nhận và đứa cháu nội (trai) học lớp 12 cũng được vào UCI. Bây giờ thì tỷ lệ thu nhận chỉ từ 3 đến 5%, được học ngôi trường gần nhà, bố mẹ cháu và ông bà rất yên tâm.

Đất Mỹ là thiên đường cơ hội và đồng đều giữa giàu nghèo cho vấn đề học vấn. Thời của các con, vì bố mẹ nghèo nên được vay tiền (student loans) khi vào học UCI. Nay đến các cháu, bố mẹ có thu nhập cao nên phải chi trả cho con. Tuy có thể “lách” cho con độc lập (independent) ở địa chỉ khác, đi làm thêm có lương để vay nhưng hầu như gia đình VN nào, bố mẹ có công ăn việc làm, thu nhập cao không muốn con cái phải nợ, đó là điểm son.

Theo HSBC, học phí (tuition) trong hệ thống university mỗi năm đều tăng. Nếu tính vào đầu thập niên 1990s đến đầu thập niên 2020s đã tăng khoảng 300%. Thời gian qua, chương trình giảm, xóa nợ cho sinh viên còn đang tranh cãi.

Ngày xưa, ông bà bà ta cho rằng đem vàng cho con không bằng cho con học hành, học nghề để lập thân. Và nay, vẫn còn giá trị ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi gọi ví von UCI, “Ngôi Trường Làng” vì ngôi trường nầy gần nhà và con cháu được theo học nơi đây. Sau 26 năm vắng bóng trường nầy, nay có 2 cháu ngoại, nội nhập học… tiếp tục giấc mơ nên phải đến thả hồn bay bổng.

Nay đã tám bó, ngoài mong muốn về sức khỏe và tuổi tác, nghề làm báo và viết văn từ ba thập niên qua để mưu sinh, nay còn lai rai vì sở thích, công danh sự nghiệp như mây trời “Nợ tang bồng trong trắng vỗ tay reo” như trong bài thơ Chí Làm Trai của cụ Nguyễn Công Trứ nên chỉ còn ước mơ cho thế hệ thứ ba với “Ngôi Trường Làng” để đại gia đình được đoàn tụ.

Với vận nước, khi cuộc sống bị rơi vào những hoàn cảnh ngặt nghèo, nghiệt ngã, nếu có chút nghị lực để chống chọi, may mắn tạo dựng được cuộc sống ổn định, mang lại niềm vui, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.-./.

4/2024



VVM.11.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ