Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Ngô Thảo với ' Bốn nhà văn nhà số 4' .... / Kiều Bích Hậu -- trích : https:// thanhnien.vn/author/ki...

 

Ngô Thảo với ‘Bốn nhà văn nhà số 4’ và hơn thế...

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
16/01/2021 09:00 GMT+7

Bốn nhà văn nhà số 4 (NXB Hội Nhà văn, 2020) - cuốn sách thể loại tư liệu văn học, dày 500 trang của tác giả Ngô Thảo là cuốn sách nặng tay, và… nặng ký.

Tác giả Ngô Thảo (sinh năm 1941) là một trong số ít các nhà phê bình văn học từ thời chiến tranh, từng là lính chiến, cầm bút cùng lúc cầm súng ra chiến trận, và hiện nay còn sung sức viết, và viết về những nhà văn cùng thời với ông, thậm chí là sinh trước ông. Với cuốn tư liệu văn học Bốn nhà văn nhà số 4, dường như nhà phê bình Ngô Thảo dành nhiều tâm huyết và tình cảm trân quý hơn cả cho bốn tác giả: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn.
Không chỉ viết kỹ lưỡng về 4 tác giả lớn, mà cuốn sách còn là cả một thời của thế hệ các nhà văn sống, chiến đấu, cống hiến và hy sinh, là những câu chuyện cuộc đời không thể lặp lại.
 Phần vào đầu cuốn sách đã khá dày dặn và thú vị, đặc biệt là phần Ghi ở Hương Ngải, giống như món khai vị đặc sắc, sống động các giai thoại về 4 tác giả nhà văn quân đội, nhân vật chính của cuốn sách, và hơn thế, còn là những nhân vật khác, tham gia vào cuộc đối thoại theo kiểu “cánh gà” nhưng lại đắc địa về sự chân thật, ấn tượng. Ta có thể được níu mắt lại với những đoạn như khi nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận xét: “Xuân Thiều học Nguyễn Khải ở việc khi viết cứ tìm cách tương tất cả hiểu biết tạp nham vào tiểu thuyết, gọi là tận dụng vốn sống. Nguyễn Khải là đầu têu lối viết đó”. Quả vậy, chỉ cần một câu ngắn nhận xét đó, bạn đọc, nhất là dân viết lách, sẽ thấy được các bậc tiền nhân “bếp núc” ra sao, làm nghề thế nào ở cái thời muôn vàn thiếu thốn, khó khăn của chiến tranh.
Hay câu khác của Nguyễn Minh Châu về văn Nguyễn Khải: “Văn của Nguyễn Khải đắt khách ở miền Bắc trong giai đoạn hiện nay. Nhưng rồi vào miền Nam sau này sẽ khó được người ta thích. Bởi đó là thứ thông minh của nông dân, sự ma lanh, lọc lõi của anh cán bộ nông thôn, trí tuệ rất nông dân, của nông nghiệp ba sào, chứ khó xúc động tầng lớp khác”. Như vậy, có thể thấy tinh thần phê bình rất thẳng thắn, cái nhìn bao quát của nhà văn với bối cảnh văn học chung thời đó. Các nhà văn cầm súng, trong thời điểm gian khổ của cả dân tộc, hầu như đều thiếu thốn trong trang bị kỹ năng làm nghề, chỉ viết với lòng đam mê, nhiệt tình tuổi trẻ, viết bản năng với tất cả những gì mình có và được trời ban. Tất cả vì sự cống hiến cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, giành độc lập.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ