Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

Nhà văn BĂNG SƠN [i.e. Trần Quang Bốn 1932- 2010 ] : " Còn sống, còn viết về Hà Nội " -- trích : https://toquoc.vn> -- 27/ -08 - 2009.

 

Nhà văn Băng Sơn: "Còn sống, còn viết về Hà Nội"

 27/08/2009 16:36

“Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa. Tôi chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần. Hà Nội có gì thì trong con người tôi có cái ấy dù tôi không phải là bách khoa thư lưu trữ toàn bộ những thứ liên quan đến Hà Nội, nhưng gần một đời thâm nhập vào Hà Nội, tôi tự thấy mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi”, nhà văn Băng Sơn tâm sự.

“Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa. Tôi chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần. Hà Nội có gì thì trong con người tôi có cái ấy dù tôi không phải là bách khoa thư lưu trữ toàn bộ những thứ liên quan đến Hà Nội, nhưng gần một đời thâm nhập vào Hà Nội, tôi tự thấy mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi”, nhà văn Băng Sơn tâm sự.

Nhà văn Băng SơnNhà văn Băng Sơn

Viết nhiều về Hà Nội bằng thể loại tùy bút, đoản văn, có lẽ không còn ai sánh được với nhà văn Băng Sơn. Nhưng bẵng đi một thời gian, những tùy bút đẫm chất thơ của ông không còn thấy xuất hiện thường xuyên trên các ấn phẩm báo chí như dăm năm trước đây nữa. Tìm đến nhà riêng hỏi thăm, mới hay, ông vừa trở về từ bệnh viện sau gần 5 tháng nằm điều trị bệnh suy tim. Trong suốt quãng thời gian đó, theo như ông cho biết: “Tôi mới chỉ viết được đúng một trang sách cho một đề tài mới toanh về Hà Nội…”.


Suốt đời lang thang để ngắm nhìn Hà Nội


Nhà văn Băng Sơn, (tên thật là Trần Quang Bốn), sinh ngày 18/12/1932, quê cha ở Bình Lục (Hà Nam); quê mẹ ở làng Sét, Thanh Trì (Hà Nội). Ông sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Giàng (Hải Dương), nhưng lại khởi nghiệp văn chương ở đất Hà thành. Ông làm thơ và viết văn từ năm 1949 và đã có rất nhiều bài viết được đăng báo từ thuở đang còn ngồi trên ghế nhà trường... Học xong tú tài, ông quay qua làm kịch, làm báo cho đến khi về hưu. Dù làm việc ở đâu, cho cơ quan nào, nhà văn Băng Sơn cũng chưa bao giờ phải làm việc 8 tiếng một ngày. Ông kể: “Thời tôi còn làm anh cán bộ phòng tuyên truyền ở Bộ Thủy sản (trực thuộc Văn phòng Bộ trưởng), hầu như ngày nào tôi cũng chỉ “ghé mặt” đến cơ quan chừng một tiếng đồng hồ, rồi thì thích đi đâu thì đi, miễn là trong tuần tôi hoàn thành tốt công việc mà cấp trên đã giao phó...”.

Chính vì vậy mà ông có điều kiện để đi lang thang ngoài đường, ngắm nhìn Hà Nội suốt mấy chục năm trời không biết chán. Ông nhớ và biết rất rõ từng con phố của Hà Nội dài, ngắn thế nào, những ngôi nhà khác nhau ra sao, trong một số ngôi nhà, ông cũng nhớ có ai đang ở trong đó, họ là người như thế nào... Tất cả những gì thuộc về Hà Nội, của Hà Nội dường như đã lọt hẳn vào trong trí não, tâm hồn, con người ông.

Có được “tài sản vô giá” đó về Hà Nội, chung quy, như ông tự thấy, cũng là do cái thú, cái máu mê lang thang gần hết một đời người của ông mà có chứ không hẳn là nhờ vào sách vở. Kết quả của những lần lang thang ấy cuối cùng cũng đã mang lại cho ông hàng loạt các tác phẩm viết về Hà Nội như: Thú ăn chơi người Hà Nội (4 tập), Đường vào Hà Nội; Dòng sông Hà Nội; Phập phồng Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường... và sắp tới là Hà Nội đời thường...


Dứt tình với thơ để “tôn thờ” tùy bút


Nhà văn Băng Sơn bắt đầu viết tùy bút từ những năm 1948 - 1949. Tuy nhiên, ông cũng thú thực là ngày đó tùy bút của ông chưa thành và chưa có cá tính nên chủ yếu vẫn làm thơ là chính. Đến năm 1975, ông xác định không thể làm thơ nữa mà chuyển qua viết văn xuôi. Ông bảo: “Phải viết văn mới biểu diễn được hết những cái mà mình chất chứa trong tâm hồn về con người, cuộc sống, về quê hương, đất nước, đặc biệt là về Hà Nội mến yêu”.

Từ khi nhận ra mình có sở trường viết văn xuôi, nhà văn Băng Sơn chỉ dồn tâm huyết cho hai loại. Một là loại tùy bút viết từ 3.000 từ trở lên, hai là loại chỉ vừa vặn một trang A4, không hơn mà cũng chẳng kém. Nhà văn Băng Sơn gọi thể loại “tùy bút A4” là đoản văn. Với thể loại đoản văn này, ông cũng gặt hái được rất nhiều thành tựu mà bằng chứng là đến nay, ông đã cho ra đời được 10 tập đoản văn. Ông chỉ viết theo hứng và tùy hứng để viết. Như đã định ra một chuẩn mực, tùy bút Băng Sơn luôn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng. Đã từng có hẳn một cuộc hội thảo về tùy bút Băng Sơn tại Thư viện Quốc gia và hình như đó cũng là lần duy nhất văn học hiện đại Việt Nam tổ chức hội thảo về thể loại tùy bút thì phải(?). Cho đến nay, tùy bút và đoản văn của nhà văn Băng Sơn tính ra phải tới gần 3.000 tác phẩm, trong đó theo như ông cho biết có tới 95% đã được đăng tải hoặc in tuyển tập, nhất là các tùy bút viết về Hà Nội... số tác phẩm bị loại là rất ít”.

Nhà văn Băng Sơn chung thủy với tùy bút như chung thủy với... vợ, sống nghiêm túc, trách nhiệm với từng con chữ của mình như với chính các con, cháu trong gia đình. Và, sự tận tụy của ông dành cho tùy bút cũng đã buộc ông phải trả giá là, giờ đây, dẫu có các vàng ròng ông cũng không làm thơ được nữa. Ông thú thực: “Chuyển qua viết tùy bút, mình chịu, không làm được thơ nữa bởi tư duy cho tùy bút nó khác với tư duy cho thơ. Làm thơ là đào sâu vào mình, nhân vật của thơ phần lớn là chính tác giả, còn văn xuôi là phải đào sâu vào xã hội và nhân vật của văn xuôi phần lớn là cả xã hội. Vì vậy, viết văn xuôi, trong đó có tùy bút đòi hỏi người viết phải rất công phu đào sâu vào từng “góc nhỏ của xã hội”.


Còn sống, còn viết về Hà Nội


Bắt tay vào viết Có một Hà Nội âm Đầu năm nay, nhà văn Băng Sơn bắt tay vào viết cuốn Có một Hà Nội âm. (Ông cho rằng ngoài một Hà Nội chúng ta đang sống là “Hà Nội dương”, còn một Hà Nội khác là “Hà Nội âm” - PV). Tuy nhiên, như đã nói, ông mới chỉ viết được vỏn vẹn một trang thì bị đột quy , phải nhập viện và suốt từ đó đến nay, ông chưa hề viết thêm được một chữ nào.

Với Hà Nội, nhà văn Băng Sơn gần như đã gắn bó cả một đời. Ngày nào cũng vậy, ông cứ đi, cứ lang thang, cứ uống cà phê, cứ ngắm nhìn gốc cây, con phố... suốt bốn mùa và viết về Hà Nội không biết chán, không thấy cạn vốn, cũng chẳng hề thấy mòn văn.

Ông bảo: “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa. Tôi chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần. Hà Nội có gì thì trong con người tôi có cái ấy dù tôi không phải là bách khoa thư lưu trữ toàn bộ những thứ liên quan đến Hà Nội, nhưng gần một đời thâm nhập vào Hà Nội, tôi tự thấy mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi”.

Năm 2007, NXB VH -TT tái bản cuốn Thú ăn chơi của người Hà Nội. Đây là một trong những “đứa con tinh thần về Hà Nội” mà nhà văn Băng Sơn rất tâm đắc. Trước ông, đã có rất nhiều người viết về Hà Nội như Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng và đặc biệt những tùy bút viết về món ngon của người Hà Nội của Nguyễn Tuân. Tuy nhiên, đến Thú ăn chơi của người Hà Nội, Băng Sơn đã cho thấy Hà Nội có hẳn một lĩnh vực văn hóa ẩm thực đặc trưng.

Giờ đây, mặc dù đã về dưỡng bệnh tại tư gia, gần một nằm chưa “lọt khỏi nhà” nhưng tâm trí ông, nhất là cái máu mê muốn được lang thang ngắm nhìn Hà Nội lại chảy tràn, lại thổn thức lắng nghe từng gia điệu của phố phường qua những tưởng tượng, hình dung không nguôi đến phát cuồng, phát khóc. Ông tâm sự: “Nếu còn sống, tôi còn tiếp tục viết, và viết về Hà Nội, nơi tôi sống, rất yêu và đã từ lâu tôi xem như là máu thịt của mình...”.


----------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ