đọc thêm : " Bữa Cơm Trưa "/ Nguyễn Thị Vinh [ 1924- 2020 / Na Uy ] -- trích: http://hoaxuongrong.org> - 29-02-2020.
Thứ Ba, 25 Tháng Hai, 2020
(hình: - tư liệu của Nhà văn Nhật Tiến )
Nhà văn Nguyễn Thị Vinh sinh ngày 15 tháng 7 năm 1924 tại Hà Nội. Hai cụ thân sinh mất sớm khi bà mới lên tám. Khởi đầu bà làm thơ sau đó viết văn từ những năm 1939-1940. Năm 1948-1951: bà và con gái sang Hồng Kông tị nạn chính trị cùng với chồng là dịch giả Trương Bảo Sơn. Năm 1953 nhà văn Nhất Linh (1906-1963) đề nghị Nguyễn Thị Vinh vào làm thành viên dự bị của Tự Lực Văn Đoàn để sau đó khi có cuộc họp sẽ chính thức công bố là thành viên chính thức, nhưng cuộc họp đã không xảy ra. Năm 1984, Nguyễn Thị Vinh định cư tại Na Uy cho đến khi qua đời vào ngày 8/1/2020, hưởng thọ 97 tuổi.
Các tác phẩm đã xuất bản:
Hai Chị Em (1953), Thương Yêu (1954), Xóm Nghèo (1958), Men Chiều (1960), Cô Mai (1972), Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972), Nổi Sóng (1973), Vết Chàm (1973), Cỏ Bồng Lìa Gốc (2005).
BỮA CƠM TRƯA
NGUYỄN THỊ VINH
Cánh cửa hé mở lộ ra khung trời bên ngoài. Vào mùa này mặt trời lên muộn. Đã gần sáu giờ sáng rồi mà mây vẫn xẫm không khí mới mờ mờ, trắng đục mầu sữa loãng. Hơi sương quện theo trong gió lùa qua cửa sổ, phả vào người bà Mùi, làm ớn lạnh hai bả vai, chại dài suốt sống lưng.
Bà rùng mình, kéo vội chiếc chăn len đắp kín người. Suốt cả đêm, bà trằn trọc, ngủ không đầy giấc. Có mệt lắm chỉ chợp đi được một lát, rồi lại thức chong mắt ra. Tới bây giờ trời đã bắt đầu vào ngày thì suốt người bải hoải, đau nhức từng khớp xương, cứ như kẻ bị đánh đòn thù ấy.
Bà thầm nghĩ “Thì ra tinh thần và thể chất liên hệ mật thiết thật” câu chuyện xẩy ra từ bữa cơm trưa hôm qua, nó còn “hành” bà tới giờ. Bà nghĩ đến con gái lớn của bà, cô Bích đang còn ngủ với chồng con ở căn gác ngoài.
“Không biết đêm qua nó có ngủ được không, có còn ‘đau đớn’ vì thấy mẹ bị chồng ‘khinh miệt’ không?” Lúc xẩy ra câu chuyện vào bữa cơm trưa, ăn xong, bà buông đũa lên ngay đây nằm khóc thầm. Hình như con gái bà nói gì với chồng nó ở phòng ngoài. Cô Bích cố sức nói nhỏ giọng như sợ bà nghe.
Nhưng thằng chồng nó chốc chốc lại lớn tiếng “Tôi xử đến vậy thôi chứ, bộ muốn tôi phải lậy nữa hả…” Yên lặng một lát, nhưng bà biết trong phút giây yên lặng đó cô Bích vẫn cằn nhằn chồng, vì tiếng thằng Sàm con rể bà lại cất lên “Bảo bà ấy ở đây một mình đi, nếu có phải ‘cung phụng’ thì tôi cũng chỉ ‘cung phụng’ bà ấy thôi, chứ bắt tôi phải nuôi ‘lũ kia’ thì không khi nào.”
Nghĩ tới đây bà lại ứa nước mắt! Lũ kia là con người chồng sau của bà. Thằng Ái và con Ly. Chúng là em khác cha với cô Bích. Hồi Bích mới ba tuổi đã mồ côi bố, bà tái giá và sinh thêm hai đứa này đây.
Chúng nó đang nằm kia, trên mảnh chiếu trải trên sàn gỗ của căn gác nhỏ, cất thêm trên mé nhà bếp. Từ một năm nay, cha chúng nó mất, bà buôn bán thua lỗ, nên phải về ở với con gái lớn và con rể.
Mấy tháng đầu còn “dễ thở”! Lần lần mỗi ngày một chuyện, nay thì không khí trong nhà đặc quánh lại rồi! Mỗi ngày một chút, những chuyện gì ở đâu, cứ bất ngờ xẩy ra thật ngột ngạt hết sức. Bà đã cố gắng nhẫn nhục, trong khi con rể bà cố tình gây. Thằng Ái và con Ly luôn luôn là “đề tài” của mọi chuyện. Bà có mình Ái là con trai nên rất thương yêu. Thấy Ái và Ly bị hất hủi, bà lại càng xót, đem hết tình thương để bao bọc cho hai đứa. Ái mới có mười lăm tuổi, nhưng người cao tồng ngồng. Chân tay dài quá khổ. Đã nhiều lần bà xót xa khi bắt chợt Sâm “lườm lườm” nhìn Ái, lẩm bẩm nói: “Bất thành nhân dạng, thứ này chỉ sớm thành du đãng chứ gì.” Bà không hiểu sao rể bà lại ghét thằng Ái đến thế. Hình như cái vóc người cao “lêu nghêu” của nó mỗi khi ra vào làm vướng cả gian nhà này. Chắc Ái cũng cảm thấy thế, nên nó ít dám xuống nhà, cả ngày cứ ngồi thu mình trên căn gác “xép”, hoặc lỉnh ra phố. Có hôm nó về vào lúc cả nhà đang ăn cơm, bà đã thoáng thấy nó, nhưng nó không dám vào ngay. Đợi lúc ăn xong, anh chị nó đi ngủ trưa, mới len lẻn về, xúc chén cơm chan nước mắm lên gác ngồi ăn. Bà trông mà ứa nước mắt nhưng chả biết làm sao!
Bà cũng biết cô Bích vì bênh vực bà mà hàng ngày vẫn ngấm ngầm gây gổ với chồng. Từ ngày bà về đây, gia đình này cũng mất cả nếp sống bình thường, mọi thứ, mọi chuyện, đều thay đổi. Trước kia cô Bích vẫn mua gạo “Nàng Hương” cho chồng con ăn. Giờ phải đổi ăn thứ gạo Mỹ hạt tròn cho đỡ tốn. Cả thức ăn nữa chứ, mọi thứ mọi giảm. Phần tại lúc này quá đắt đỏ, phần nhà đông miệng ăn, cô Bích cố sức tằn tiện. Tô canh nho nhỏ ngọt chất thịt, trước kia cô vẫn nấu cho chồng con ăn, nay thành tô canh rau lớn, những đĩa sào thơm ngút, không còn được “trình diễn” thường xuyên trên bàn ăn nữa, mà chỉ còn là đĩa đồ kho cho mặn miệng. Cốt sao cả nhà ăn cho no bụng, qua bữa là được. Bà Mùi cũng không mong gì hơn thế. Nhưng khổ nỗi không khi trong nhà các bữa ăn cứ nặng chịch. Như vừa mới trưa hôm qua, cả nhà đã ngồi quanh bàn ăn, cơm đã xới ra bát rồi, mà rể bà cứ cố tình đi ra đi vào, rót chén nước, rửa cái tay. Cô Bích có vẻ tức cất tiếng giục thì chồng cô nói “Ai muốn ăn trước thì ăn đi, việc gì phải đợi.” Thế nhưng lúc con Ly mới cầm đũa gắp miếng đậu rán, bà Mùi chưa kịp đưa mắt cản thì nó đã bỏ vào mồm. Vừa đúng lúc Sâm ra tới, Sâm nói trống không:
“Cứ như đồ mất dậy.” Con Ly biết Sâm nói nó, đã mười hai tuổi rồi nên cũng biết tủi thân, nó cúi gằm mặt xuống chén cơm, mắt rưng rưng, miệng ngậm miếng đậu, nhai chệu chạo. Bà Mùi thắt cả ruột lại, ngây dại như kẻ mất hồn. Cô Bích cất tiếng cố gắng làm ra vẻ bình thường để xóa không khí căng thẳng:
- “Cụ” ăn cơm đi chứ, hôm nay chị Ba “trổ tài” nấu món cà bung, cụ thử coi có ngon không?
Bà Mùi gượng cười:
- Ừ… thì… cứ ăn đi, hôm nay ta chóng mặt quá, nó làm như muốn cảm.
Chị Ba “người làm” biết bà Mùi buồn, cầm bát cơm đặt hẳn vào tay bà Mùi:
- Bà ăn đi mà, con mới học bà Kim nấu cà bung lối Bắc đấy.
Cô Bích lại tiếp giọng có vẻ van lơn:
- Mẹ ăn đi, hay nếu mẹ mệt để con bảo nấu cháo mẹ húp cho khỏe.
Bà Mùi bắt chợt ánh mắt của cô Bích nhìn bà, nửa thương xót, nửa an ủi, làm bà suýt bật khóc. Bà cầm vội bát cơm cười cười:
- Nào thì ăn, nấu cháo… làm gì…
Giọng bà nghẹn lại, bà cầm đũa đưa mấy hạt cơm lên miệng cố nuốt cho trôi tủi cực.
Trong khi đó Sâm ngồi ăn như không cần biết có sự hiện diện của mẹ vợ, không cất được một tiếng mời, thản nhiên nói với bé Ánh:
- Con chan canh không? Đưa bố chan ăn cho mau nào.
Không khí trong bữa cơm dù nặng nề đến đâu rồi cũng phải qua. Sau đấy bà lên nằm vùi trên này, lấy cớ là “ốm” bỏ bữa cơm chiều không xuống. Thằng Ái và con Ly cũng ở luôn với bà. Chiều tối cô Bích đem lên cho mẹ và các em mấy miếng bánh mì chả. Cô bùi ngùi bảo mẹ:
- Hay… mẹ tìm chỗ cho các em… ở đỡ đâu ít ngày. Để con “tính” với Sâm… cho ngã ngũ ra. Con thật hết chịu được rồi… Muốn ra sao thì ra chứ.
Bà cố khuyên con gái:
- Thôi con, một đời người rồi cũng qua đi mau lắm. Con cố gắng chịu đựng cho con con nó hưởng. Con đừng trách chồng con, cũng tại mẹ tới đây làm xáo trộn cho các con.
Cô Bích chậm nước mắt:
- Gì thì chứ, con có một mẹ mà anh ấy xử như vậy, đâu con có chịu. Mẹ còn nhớ hôm tuần trước cái vụ con chó con đấy không? Mỗi ngày mỗi gây, mình có muốn nhịn cũng không được mà…
Bà Mùi ậm ừ… Bà quên sao được cái chuyện ấy chứ. Hình như Sâm cố tình gây không cho mẹ con bà ở thêm ngày nào nữa.
Một hôm Sâm đi xin đâu được con chó con mới sinh. Suốt đêm suốt ngày con chó kêu ăng ẳng “làm xấu” vung vít đầy nhà. Mẹ con cô Bích cố nhịn, được hai ngày, hết chịu nổi cô Bích bảo chồng:
- Anh đem con chó về nuôi làm gì, nhà đã chật, lại có mình chị Ba dọn dẹp sao cho hết việc…
Sâm quắc mắt, ngắt lời vợ:
- Á… à, nhà chật hả, nuôi một con chó không có chỗ hả…
Sâm tiếp cười khan:
- Thế mà tôi tưởng nuôi đến ba bốn con cũng còn được cơ đấy…
Biết chồng ám chỉ mẹ và em mình, cô Bích giận. Bất chợt, cầm tách nước đang uống dở ném vào Sâm, không kể phải trái, cô hét lên:
- Đồ khốn, ăn nói đểu cáng thế mà nghe được à! Tôi nói cho mà biết dù tôi có nuôi mẹ tôi đi nữa, cũng không ai có quyền nói tôi. Đã “ai” nuôi tôi ngày nào đâu. Hay lại chính tôi phải làm nuôi “báo cô” bao nhiêu năm rồi. Giờ có phải anh “ghen” ăn với mẹ tôi không, thì anh nói trắng ra đi!
Bốp… Bốp… Hai cái tát như trời giáng vào mặt. Cô Bích sợ mẹ chạy xuống trông thấy lại khổ cho mẹ. Cô cắn răng nhịn, một vệt máu rỉ ra bên khóe môi cô. Sâm buông vợ vào túm lấy con chó thẳng tay đập, con chó trước còn kêu ăng ẳng, sau lịm dần. Con Ánh còn nhỏ quá mới sáu tuổi đầu, phải chứng kiến chuyện này nó đứng chết run ở kẹt cửa, không khóc nổi, mắt mở lớn nhìn bố đánh con chó. Trên căn gác xép, thằng Ái và con Ly đang quýnh lên lay bà Mùi. “Mẹ ơi… Mẹ… Mẹ ơi…” Bà Mùi từ từ mở mắt nhìn hai con ứa nước mắt. “Mẹ không sao đâu đừng sợ.”
Nghĩ đến đây bà Mùi thở dài nói nho nhỏ:
- Người thương người phải xa nhau cũng khổ. Mà người ghét người, phải ở với nhau lại càng khổ hơn.
NGUYỄN THỊ VINH
(Đầu thu 1973)
============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ