dọc thêm: Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân : " Phan Khôi lấy khoa học và dân chủ làm trọng / phỏng vấn của Hà Văn Bảy -- trích: báo Quảng Nam , 11/ 05/ 2024.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Phan Khôi lấy khoa học và dân chủ làm trọng
Bộ sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thực hiện, in cuốn đầu tiên vào năm 2003, đến cuối 2019 đã ra được 12 cuốn, dày hơn 7.600 trang. Đây là tập hợp của 41 năm viết văn làm báo của Phan Khôi, tính từ bài luận thuyết chữ Hán đầu tiên đăng trên Nam phong tháng 11.1917 đến bài cuối cùng là truyện ngắn Ông Năm Chuột đăng tuần báo Văn ngày 10.1.1958. Vì sao trong thời cuộc nhiễu loạn, phương tiện sơ khai, mà Phan Khôi có thể viết dữ dội như vậy?
Bộ sách này còn chưa tính 3 cuốn sưu tập chuyên đề là Phan Khôi - Viết và dịch Lỗ Tấn, Phan Khôi - Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Phan Khôi - Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta. Dù nội dung các tập này rút trong 12 tập đã kể trên, nhưng cho thấy tầm quan tâm và chuyên sâu trong ngòi bút của Phan Khôi.
Nhân 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2020), nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện về tinh thần báo chí của Phan Khôi - một trong số ít ngòi bút tiên phong của báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
* Sau gần 12 quyển sưu tập và 3 quyển chuyên đề tác phẩm Phan Khôi, theo dự kiến của ông thì còn mấy cuốn nữa là tạm đủ?
- Theo thống kê sơ bộ của ông Phan An Sa (con trai út của Phan Khôi), thì bộ sưu tập này cho thấy di sản trứ tác của Phan Khôi gồm khoảng hơn 700 bài nghị luận, gần 1.200 bài văn tiểu phẩm, hơn 40 tác phẩm thơ, truyện dài, truyện ngắn, hồi ký hồi ức, hơn 40 dịch phẩm; đấy là chưa tính khoảng gần 400 bài trong các mục hoặc bài đăng lẻ tẻ trên các báo.
Theo tôi, 12 tập sách kể trên đã bao gồm hầu hết tác phẩm Phan Khôi đã từng đăng báo, in sách lúc sinh thời. Tất nhiên cũng còn một số tác phẩm của Phan Khôi chưa có bộ sưu tập, nhưng không nhiều; lại cũng có thể có một số tác phẩm của tác giả khác bị lẫn vào đó (chưa tách ra được, do hiện tượng dùng chung bút danh). Ngoài ra các di cảo, tức những tác phẩm ông viết ra nhưng chưa đăng báo in sách, cũng không có trong bộ sưu tập này.
* Đọc lại toàn bộ về báo chí, ông thấy tầm quan tâm của Phan Khôi thường xoáy vào những lĩnh vực, chủ đề gì?
- Phạm vi quan tâm từ ngòi bút viết báo của Phan Khôi là khá rộng, từ xã hội chính trị đến văn hóa tinh thần, văn chương, học thuật. Những năm 1928-1940, ông có khá nhiều dịp lên tiếng như cây bút phản biện chính trị xã hội. Năm 1935-1936, khi làm chủ bút tờ Tràng An ở Huế, ông có nhiều bài bình luận phê phán sự lạc hậu của hệ thống quan chức triều đình, phê phán giới quan trường yếu kém, tham nhũng…
Tuy vậy, ngòi bút Phan Khôi chú ý nhiều hơn, chính là các vấn đề văn hóa tinh thần. Ông chỉ ra tính thời đại của toàn vùng Đông Á là chuyển đổi từ xã hội trung đại sang xã hội hiện đại, xu thế chính phải là Âu hóa, học theo Âu Mỹ, lấy khoa học và dân chủ làm nội dung căn bản để phát triển kinh tế, quản trị xã hội, phát triển văn hóa, học thuật. Phan Khôi nhận thấy, để đi vào đời sống hiện đại, xã hội ta phải vượt qua hệ ý thức Nho giáo vốn là học thuyết biện hộ cho nền quân chủ chuyên chế, biện hộ cho xã hội thứ bậc, đẳng cấp, biện hộ cho xã hội nam quyền, trọng nam khinh nữ.
* Trong các vấn đề hệ trọng đó, phụ nữ và bình đẳng nam nữ có phải là một chủ đề lớn, được Phan Khôi ưa thích?
- Vấn đề phụ nữ là một chủ đề lớn trong di sản báo chí Phan Khôi. Khảo sát rộng ra, tôi nhận thấy những cựu chí sĩ Duy tân như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, chừng như đến giữa những năm 1920 đã nhận thấy rõ một thiếu hụt lớn mà hồi những năm 1902-1908 phong trào chưa đề cập chính là chưa vận động nam nữ bình quyền, giải phóng phụ nữ. Phan Sào Nam bị an trí về Huế (1926) là chú ý ngay việc nêu vấn đề nữ quyền, được hưởng ứng của Đạm Phương, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Trần Thị Như Mân. Tại Sài Gòn năm 1929, khi được chủ nhân Phụ nữ tân văn mời cộng tác, Phan Khôi liền triển khai vấn đề phụ nữ bằng rất nhiều hình thức vận động, nhiều loại nội dung báo chí, văn học.
Sự chú ý hầu như đặc biệt đến vấn đề nữ quyền, ở Phan Khôi cũng như Phan Bội Châu, theo tôi, chính là ở chỗ các vị hiểu rằng, nếu không vận động nam nữ bình quyền, đưa trình độ đời sống của phụ nữ ta lên trình độ đời sống hiện đại, thì không những nền công nghệ, thương mại đang phát triển sẽ bị thiếu nhân công, mà các vấn đề cơ bản của giáo dục gia đình, nuôi dưỡng dạy dỗ thế hệ trẻ, cũng bị bế tắc.
* Vậy theo ông, vì sao một nhà Nho như Phan Khôi chọn thái độ cấp tiến, đổi mới cho mọi lĩnh vực?
- Cũng không hẳn là Phan Khôi có được thái độ cấp tiến, đổi mới cho mọi lĩnh vực ông đề cập đâu! Tôi thấy đôi khi ông cũng chưa cập nhật được quan điểm thật mới mẻ, hiện đại; khi khác tôi sẽ nêu ví dụ. Còn lại, nhìn chung ông chọn thái độ cấp tiến, đổi mới. Lý do? Theo tôi, vì ông đã thấy rõ lịch sử đã sang trang khác, chính cuộc sống của bản thân ông cũng không theo sự trù định của gia đình. Phương hướng học giỏi thi đỗ làm quan, kế nghiệp ông cha, đã hỏng hẳn, do việc ông tham gia hội Duy tân, bị bắt bị tù, mảnh bằng tú tài bị tạm hủy, hết hạn tù cũng sẽ không được đi thi nữa! Phải trở lại làm dân, phải tìm nghề để sống.
Hơn thế, để có thể “phụng sự Tổ quốc bằng văn hóa”, ông tìm học tiếng Pháp, học viết văn Quốc ngữ, học viết báo, tìm hiểu thế giới bên ngoài, Âu Mỹ, Nhật, Tàu. Về nguồn gốc, ông vẫn là “nhà Nho”, đúng ra là cựu nho sĩ, không phải quan chức, cũng không còn là chí sĩ. Tóm lại ông chỉ là người dân. Bút hiệu Chương Dân ông chọn ngay lúc đầu viết báo, cho thấy cái tự ý thức sâu sắc đó. Nếu hoạt động báo chí đem lại cho ông một uy tín trước cộng đồng, thì ông vẫn là một người dân có làm công việc trứ tác, ngôn luận, ông là một trí giả dân sự. Ở vị trí ấy, ông vẫn tự dấn thân làm “tên lính tiên phong” của đạo quân bình dân tư tưởng.
* Về kỹ thuật báo chí, ông có thể cắt nghĩa vì sao phần lớn các bài báo của Phan Khôi ít bị tính thời sự làm cho lỗi thời?
- Cũng có một số bài báo của ông bị lệ thuộc thời sự; tuy vậy, quả là phần lớn các bài báo của ông ít bị tính thời sự làm cho lỗi thời. Điều này có nguyên nhân ở tầm nhìn, ở vốn hiểu biết của người viết.
* Vì sao Phan Khôi có thể viết nhanh và khá cập nhật?
- Phải nói Phan Khôi là người có những năng lực và thuộc tính ưu việt, ví dụ trí nhớ ông thuộc loại siêu việt. Ông ngồi viết về các vấn đề văn hóa, lịch sử, học thuật nhiều khi là trong tình trạng không có sách bên mình, phải dẫn sách theo trí nhớ, nhưng hầu như không sai chệch. Ông từng tìm hiểu kỹ logic học của tư duy Âu Tây, nhưng cũng tin rằng trong tư tưởng Khổng Tử có môn danh học rất đáng thừa kế.
* Phan Khôi có đưa ra quan điểm làm báo của mình không? Trong các quan niệm này, có điều gì mà báo chí ngày nay có thể học hỏi được?
- Tôi nghĩ rải rác trong các bài báo của ông có thể lẩy ra được những luận điểm, ý kiến, nhận định của Phan Khôi về nghề báo. Ví dụ ông gắn nghề báo ở ta với thời đại chữ Quốc ngữ; vì chữ Quốc ngữ chỉ mới được xã hội sử dụng chưa lâu nên sự viết văn viết báo cần trước hết viết cho thông, chưa quá chú trọng viết cho đẹp. Ông cũng từng viết kỹ về thể tài bút chiến (Thần chung, 1929), và khi làm báo, được tòa soạn tin cậy, ông sẵn sàng cầm chịch các cuộc bút chiến, ví dụ bút chiến giữa Trung lập với Đuốc nhà Nam (1930), bút chiến giữa Dân báo với Điện tín (1941)….
Khá nhiều quan điểm về nghề báo của Phan Khôi, ngày nay ta vẫn có thể học hỏi. Rõ nhất là quan điểm về sự ngay thật, Phan Khôi nhiều lần nói đến “sự ngay thật của học giả”, khích lệ tư tưởng về sự thành thực trong văn chương. Ông không có lợi thế hoặc kinh nghiệm về sự tưởng tượng bay bổng, nhưng lý trí lành mạnh khiến ông rất tự do trong tư duy.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ