- LẠI NGUYÊN ÂN tái hiện chân dung PHAN KHÔI / published on 7 tháng Ba 2024 By Anh Nguyễn -- trích: US Vietnam Research Center // Hoa Kỳ.
Lại Nguyên Ân tái hiện chân dung Phan Khôi
Published on
By
Anh Nguyễn(Một số công trình nghiên cứu của Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.)
Phan Khôi là danh nhân văn hóa hiện đại của Việt Nam, như Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh từng vinh danh ông năm 2017. Tuy nhiên, vì những lý do lịch sử ( vụ Nhân văn giai phẩm) nên năm 1991, Phan Khôi mới được chính thức nhắc tới trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do NXB Khoa học xã hội xuất bản của Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế. Khi ấy đã 32 năm trôi qua kể từ khi Phan Khôi qua đời (1959), và trong suốt thời gian này, tên tuổi cũng như tác phẩm của ông hầu như không được nhắc tới tại VN do các nhạy cảm thời cuộc.
Và bắt đầu từ thời điểm này trở đi, các nhà nghiên cứu, các nhà báo, cùng con cháu của Phan Khôi từng bước đã đóng góp công sức vào việc giới thiệu, phân tích, đánh giá về những tác phẩm và tư tưởng của Phan Khôi trên nhiều lĩnh vực mà ông tham gia với tư cách là nhà báo, nhà văn, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu Việt ngữ, nhà Hán học tinh thông…Mà trong số này, nổi bật là những thông tin về Phan Khôi qua các tập sách hồi ký, ghi chép mà con trai út của ông -Phan An Sa biên soạn (xuất bản từ 2013 tới 2021); bộ sách Tác phẩm Phan Khôi – đọc và suy ngẫm ( xuất bản 2017) của một người cháu họ ngoại của ông- giáo sư tiến sĩ Ngô Quang Huy; và đặc biệt là công trình nghiên cứu về Phan Khôi của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân ( gồm16 cuốn sách đã xuất bản kể từ 2003 tới 2023).
Tái hiện chân dung đa diện và phong phú của danh nhân văn hóa Phan Khôi
Lại Nguyên Ân đã bỏ ra 27 năm trong đời để làm việc cật lực cho công trình quan trọng này. Cho tới nay, ông là một trong hai nhà nghiên cứu khoa học xã hội rất hiếm hoi ở Việt Nam tập trung vào một tác giả. Ông tập trung vào Phan Khôi, trong khi người còn lại là giáo sư sử học Chương Thâu chuyên nghiên cứu về Phan Bội Châu.
Công trình nghiên cứu của Lại Nguyên Ân về Phan Khôi tạm chia thành 2 phần. Phần đầu gồm có 12 cuốn sách dày tổng cộng 7617 trang là những sưu tập, phân loại, sắp xếp, chú giải vô cùng công phu toàn bộ các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi kể từ 1917 tới 1957
Đây là phần rất quan trọng để có thể làm nền tảng cho các nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về Phan Khôi, vì các tác phẩm công bố dưới dạng sách của Phan Khôi in ra chỉ vẻn vẹn có 3 cuốn là Chương Dân thi thoại năm 1936; Việt ngữ nghiên cứu năm 1955 và tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra năm 1939. Còn tất cả đều là bài đăng báo. Nếu không có 12 cuốn sách tập hợp lại các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi này thì việc hình dung ra chân dung toàn vẹn của một danh nhân văn hóa như ông vô cùng khó khăn.
Phần thứ hai chính là các cuốn sách chuyên khảo về Phan Khôi, bao gồm 4 cuốn. Thứ nhất là Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn (2007); Phan Khôi và vấn đề phụ nữ ở nước ta ( in 2016, tái bản 2018); Phan Khôi: Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta (2018) và cuốn mới nhất là Tìm hiểu tác gia Phan Khôi (2023). 4 cuốn dày có độ dày 2277 trang. Trong đó cuốn Tìm hiểu tác gia Phan Khôi có thể tạm coi như một cuốn tổng kết lại những gì mà Lại Nguyên Ân đã dành mọi tâm huyết nghiên cứu trong 27 năm của cuộc đời về nhân vật này.
Thống kê sơ bộ của tác giả Phan An Sa cho thấy di sản trứ tác của Phan Khôi mà Lại Nguyên Ân sưu tầm lại được có trên 700 bài nghị luận, gần 1200 bài văn tiểu phẩm, trên 40 tác phẩm thơ, truyện dài, truyện ngắn, hồi ký, hồi ức, trên 40 dịch phẩm và 400 bài đăng lẻ tẻ trên các chuyên mục hay các báo khác.
Từ công trình của Lại Nguyên Ân, độc giả có thể hình dung ra đầy đủ chân dung Phan Khôi, mà điểm chốt yếu nhất, ông đóng vai trò là một trí thức phản biện. Và là một trong những tiếng nói phản biện nổi bật nhất ở Việt Nam trong thời đại của ông. Kế đó, ông cùng với những học giả lớn như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…đã là những kiến trúc sư góp phần tạo ra nền văn hóa Việt Nam đương thời. Và cuối cùng, Phan Khôi luôn là một người chọn thái độ cấp tiến và đổi mới trong mọi lĩnh vực ông đề cập.
Vai trò tri thức phản biện này đã khiến ông đương đầu với Thực dân vào thời điểm từ 1928-1940 khi dũng cảm bênh vực Quốc dân đảng, Thanh niên cách mạng đồng chí hội ( vốn đang bị chính quyền thực dân truy bắt, xử án). Mà theo Lại Nguyên Ân thì Phan Khôi đã đòi cho thành viên các tổ chức này khi bị bắt phải được xử tại tòa án Pháp chứ không xử tại tòa án Nam ( của Triều đình Huế, xử theo Luật Gia Long sẽ áp dụng mức phạt rất nặng). Ông cũng phê phán đảng Lập hiến Nam Kỳ có nhiều thành viên là nghị viên hội đồng quản hạt, hội đồng thành phố, nhưng lại im lặng không lên tiếng khi thực dân đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng bằng súng đạn. Ông cũng từng có nhiều bài bình luận, phê phán sự lạc hậu của hệ thống quan chức triều đình, phê phán giới quan trường yếu kém tham nhũng vào những năm 1935-1936 khi đang làm chủ bút tờ Tràng An tại Huế. Ông cũng có những bài phản biện với các lãnh đạo văn nghệ VN giai đoạn sau 1954.
Cũng vì đóng vai trò phản biện, nên Phan Khôi đã tạo ra hàng loạt các cuộc tranh luận và thậm chí cả cách mạng trong nhiều lĩnh vực trên báo chí. Ví như ông từng mở ra cuộc thảo luận về sử học vào năm 1928 trên Đông Pháp Thời báo về vấn đề có hay không có chuyện người An Nam mời người Pháp sang bảo hộ; Phan Khôi tham gia khởi xướng ý tưởng về cuộc thi Quốc sử trên báo Thần Chung năm 1929 và chấp bút chính cho hàng loạt bài viết trong cuộc thi này; năm 1932, Phan Khôi khởi xướng ra phong trào Thơ Mới; Phan Khôi từng tham gia tranh luận với Trần Trọng Kim về lịch sử; tham gia tranh luận về truyện Kiều; tham gia tranh luận về Phật học với sư Thiện Chiếu và chống lại học phiệt…
Trong khi đó, như một trong các kiến trúc sư của văn hóa đương thời, Phan Khôi tỏ rõ tư tưởng cấp tiến. Ông chỉ ra ảnh hưởng rất nặng của Khổng giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam với những hệ quả tiêu cực trong thời đại mới. Vì vậy cách hóa giải của người Việt là về mặt học thuyết cần biến Nho giáo từ chỗ như kim chỉ nam qua thành đối tượng của nghiên cứu, phân tích, phê phán, trong khi vẫn giữ lại những nét tinh túy, tốt đẹp của Nho học như lòng ái quốc, tính chính trực, việc giúp xây dựng nhân cách…. Đồng thời ông chú trọng các vấn đề căn cốt của văn minh phương Tây cần học hỏi như giá trị cá nhân và giá trị dân chủ. Như Lại Nguyên Ân nhận định” Phan Khôi ý thức rõ rệt về tình thế thay đổi hệ hình văn hóa khi xã hội Khổng giáo Á châu tiếp nhận các luồng sóng” Âu hóa”…Ông xem văn minh Âu Mỹ chính là văn minh mới mẻ nhất của nhân loại đương thời, với các đặc tính khoa học, dân chủ, tự do, là tiêu biểu cho xu thế tiến bộ của thời hiện đại.” Vì vậy nên Phan Khôi tình nguyện làm “một viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng, đi trước dẹp đường”. Từ đó ông khởi xướng tại nhiều tờ báo mà ông làm chủ bút phong trào ủng hộ phụ nữ và trở thành một trong những nhà nữ quyền năng động nhất ở VN năm 1930.
Lại Nguyên Ân đã có kết luận khá xác đáng về nhân vật mà ông đã dày công nghiên cứu như sau:
“Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức.”
(Chân dung Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.)
Công phu của một công trình nghiên cứu với đặc thù địa phương
Để hoàn tất công trình nghiên cứu về Phan Khôi, Lại Nguyên Ân đã phải bỏ tâm sức ra nghiên cứu về tác gia Phan Khôi trong một điều kiện vô cùng đặc thù mà các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới khó lòng mà hình dung ra được.
Theo thông lệ quốc tế, với một danh nhân văn hóa như Phan Khôi và một lượng tác phẩm đồ sộ cần sưu tập, tuyển chọn, sắp xếp, nghiên cứu như vậy, sẽ trở thành một dự án văn hóa lớn của một viện đại học, hay của một tỉnh thành, hay quốc gia mà ngoài sự dẫn đầu của Lại Nguyên Ân sẽ có nhiều nghiên cứu sinh tham gia. Và dự án này sẽ nhận được tài trợ hàng triệu usd để có đủ nguồn lực về nhân sự cũng như vật chất và cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện tốt nhất. Thậm chí khi làm xong thì có thể công bố công trình ở trong và ngoài nước. Nó có thể là một đề tài cho những nhà nghiên cứu trẻ để bảo vệ thành công các luận án tiến sỹ.
Tuy nhiên ở Việt Nam, dự án này chỉ hoạt động chủ yếu vì sự đam mê và yêu thích của Lại Nguyên Ân. Ông phải tự bỏ tiền và công sức ra làm mọi thứ từ a tới z. Và chính ông phải vật lộn để giải quyết vấn đề nan giải vì sự nghèo nàn của các thư viện nghiên cứu cũ kỹ của ta. Trong khi việc số hóa thư viện vẫn còn rất chậm chạp. Và các tài liệu là báo chí Quốc ngữ từ 1917 tới nay phần lớn đã nát, cũ mủn. Do đó công việc bắt đầu với những hành trình đầy khổ ải như phải tìm cho đủ các số báo cũ đó ( mà có thể thiếu trước hụt sau), sau đó đọc tất cả để tìm ra từng bài của Phan Khôi ( mà có bài thì viết đúng tên ông, có bài mang nhiều bút danh khác nhau). Trong khi Phan Khôi viết cho 33 tờ báo, tạp chí, sách chuyên đề khác nhau và trung bình mỗi năm Phan Khôi viết cỡ 1000 trang. Thành thử tìm được toàn bộ những gì cần tìm là vô cùng vất vả.
Kế đó ông đem thuê đánh máy, hay phải đích thân mày mò đánh máy lại. Sau đó ông mới phân loại, sắp xếp, nghiên cứu và rút ra các ý tưởng hữu ích. Trong cùng lúc, ông phải làm hết công việc được giao ở nơi làm việc đang lãnh lương như một biên tập viên của một nhà xuất bản và lo chăm sóc gia đình như một người cha bình thường.
Chưa hết, Lại Nguyên Ân còn phải chiến đấu từng ly từng tí để tìm ra giải pháp giúp từng đầu sách có nơi đầu tư kinh phí in ấn và phát hành. Dù một vài cuốn đầu là nằm trong đặt hàng của NXB Đà Nẵng. Nhưng càng về sau càng khó. Bởi vì đây là dạng sách hữu ích, dùng cho nghiên cứu học thuật bền vững, nhưng không có tính thị trường. Trong khi từ 1992, kể từ khi ông bắt đầu dự án này tới nay, sách thị trường bán chạy mới được các nhà sách ưu ái.
Trong khi đó, Phan Khôi từng nhiều năm là nhân vật gây tranh cãi. Và danh tiếng của Phan Khôi đã từng lao dốc sau vụ Nhân văn giai phẩm năm 1957. Vì vậy nên kể từ đó tới khoảng 40 năm sau, không có mấy ai công khai quan tâm, nghiên cứu, viết bài về ông, cả trong giới học thuật cũng như các độc giả thông thường. Vì vậy càng để lâu thì thông tin càng chìm xuống. Những nhân chứng biết về Phan Khôi lần lượt qua đời, những sách vở và các bài báo của Phan Khôi có thể hư hỏng toàn bộ nếu không may bị thiên tai địch họa hay đơn giản là bị phá hoại bởi mối mọt cũng như khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam.
Trong bối cảnh này, công việc của Lại Nguyên Ân ít nhiều giống như Hiệp sĩ Don Quixote vật lộn với cối xay gió.
Nhưng thật may mắn là không ít người tôn trọng những công sức của ông, và hết lòng giúp đỡ ông. Mấy chục bạn bè, các nhà nghiên cứu, thân nhân của gia đình Phan Khôi, những người làm sách, các nhà xuất bản, và quỹ văn hóa Toyota một thời gian đã hỗ trợ và động viên ông rất nhiều.
Và quan trọng hơn, Lại Nguyên Ân đã làm việc cật lực mà không tính đếm, là vì ông quá yêu Phan Khôi, ông muốn là người tiên phong trong việc tìm kiếm các giá trị, và đưa ra các ý tưởng nghiên cứu hữu ích về danh nhân văn hóa này.
Nhưng cái hay là khi Lại Nguyên Ân chỉ cần mở hé một cánh cửa, là sau đó có bao nhiêu cánh cửa khác được mở ra.
Ông đã lặn lội không biết bao nhiêu lần trong mấy chục năm ròng tại Thư viện Quốc gia VN, (trong khi việc tiếp xúc với sách báo cũ rất hại cho người mắc bệnh hen suyễn như ông). Ông cũng từng lặn lội qua Mỹ một tháng với sự giúp sức của vợ chồng nhà nghiên cứu, giáo sư sử học Peter Zinoman để đọc và chụp lại các tư liệu quý giá về sách báo thời Pháp của Việt Nam tại thư viện của Đại học Berkely tại tiểu bang California cũng như tại thư viện Đại học Cornell, tiểu bang New York. Và sau đó ông trở lại quê nhà với mấy chục ký lô giấy A 4 tài liệu photocopy. Ông cũng được nhà phê bình văn học Thụy Khuê tại Pháp giúp đỡ về một số tư liệu khác.
Trong khi đó, Lại Nguyên Ân cũng cho biết ông đã đọc rất kỹ những tác phẩm của các học giả miền Nam, những người đã đi trước ông trong nghiên cứu về Phan Khôi như Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Bằng Giang, Vu Gia, Nguyễn Q Thắng. Ông cũng không bỏ sót những gì mà các học giả đương thời công bố cả ở trong và ngoài nước. Ông cho rằng đây là “ một cái gì đó gần như một cuộc chạy tiếp sức” khi ông tiếp nhận được từ đây những gợi ý về văn học sử, những tín hiệu về giá trị mà công chúng sẵn sàng tiếp nhận và trân quý Phan Khôi, bất chấp những khuất lấp vì tai ương giáng xuống cuộc đời danh nhân văn hóa này.
Giáo sư tiến sĩ sử học Peter Zinoman,trưởng khoa Sử học tại Đại học California tại Berkeley, Mỹ nhận định: “Lại Nguyên Ân đã thực hiện một công trình thực sự đồ sộ về mặt học thuật, văn chương và lịch sử”.
Zinoman đánh giá cao Lại Nguyên Ân ở 3 điểm. Một là công phu tìm tài liệu và nghiên cứu 27 năm ròng trong tình trạng nghèo nàn của các thư viện nghiên cứu nghèo nàn ở Việt Nam và những bước tiến chậm chạp trong việc số hóa các sưu tập báo chí Quốc ngữ cũ lưu trữ rải rác khắp nơi. Hai là Lại Nguyên Ân đã thực hiện công trình này mà gần như không hề có sự hỗ trợ mang tính thể chế nào cả (như nguồn tài trợ thường có thông qua liên kết với các viện nghiên cứu khoa học hay các khoa chuyên ngành của các trường đại học tại Việt Nam). Và ba là tính nhạy cảm chính trị lâu năm xung quanh hiện tượng Phan Khôi. Khi danh tiếng của Phan Khôi đã lao xuống sau vụ NVGP cuối thập niên 1950 và vẫn là chủ đề cấm kỵ trong suốt 40 năm sau đó. Điều đó có nghĩa là không có một tập hợp phong phú các bài viết và nghiên cứu về Phan Khôi để Lại Nguyên Ân có thể dựa vào.
Do đó Zinoman khẳng định: “Lại Nguyên Ân quả thực là người tiên phong trong đề tài Phan Khôi. Bằng sự quyết tâm và nghị lực vô song, bằng sự thông thái cộng với cảm quan cấp tiến sâu sắc, ông đã hoàn thành được dự án khổng lồ này”.
Lại Nguyên Ân năm nay 79 tuổi, quê ở Hà Nam, một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng Bắc bộ của VN. Ông tốt nghiệp đại học Tổng hợp HN ngành ngữ văn năm 1968. Khi ra trường ông bắt đầu sự nghiệp như một giáo viên dạy trung cấp. Năm 1977 ông mới được chuyển về làm biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Ông đã tự học hỏi để trở thành một nhà nghiên cứu văn học. Những đức tính khiêm cung, cẩn thận, cần cù, tỉ mỉ đã khiến ông “có khả năng theo đuổi những mục đích lớn trong một thời gian dài với tốc độ cao” như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn tiết lộ.
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 21:06 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ