Vài nét thơ về cõi thơ Cao Mỵ Nhân / Hà Thương Nhân [ i.e. Phạm Xuân Ninh 1917 ? - 20 xx ] -- trích: Internet.
VÀI NÉT VỀ CÕI THƠ
CAO MỴ NHÂN
HÀ THƯỢNG NHÂN
Người bạn thơ thân thiết của tôi, anh Ngô Đình Chương gởi đến tôi một số thơ của Cao Mỵ Nhân và đề nghị tôi viết cho ít lời nói đầu.
Tôi là người yêu thơ, yêu những người có thi tài thực sự. Cao Mỵ Nhân quen biết tôi đã lâu lắm. Từ ngày còn là học sinh Trưng Vương Cao Mỵ Nhân đã làm thơ. Tôi đọc thơ cô từ đấy, quý trọng thơ cô từ đấy. Tôi thường nói với các bạn thơ trong quân đội như Cao Tiêu, Hoàng Ngọc Liên, Tạ Tỵ rằng Cao Mỵ Nhân đích thực là một thi nhân.
Có lần tôi đã nói với thi sĩ Vũ Hoàng Chương rằng tại sao Cao Mỵ Nhân không chịu dự giải thơ Tổng Thống? Suốt trong hai chế độ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, cho đến năm 1973, năm nào tôi cũng là một trong những giám khảo giải thơ quốc gia. Tôi nói với nhà thơ họ Vũ: “nếu bấy giờ mà hậu duệ của cụ Huấn Cao mà dự thi, thì tôi là người cho giải trước tiên.”
Nhưng Cao Mỵ Nhân không dự thi. Cô chỉ làm thơ một cách tài tử. Cho đến ngày đi tù cộng sản về, tôi mới gặp Cao Mỵ Nhân trong nhóm thơ Quỳnh Dao.
Cao Mỵ Nhân mảnh khảnh thật “liễu yếu đào tơ”. Khi gặp Cao Mỵ Nhân trong các hội thơ thì không phải như vậy, cô bặt thiệp, thông minh, lanh lợi, có cái phong thái của một quân nhân, không trách Mỵ là sĩ quan cấp tá.
Tôi thường nghĩ một: người như thế mà làm thơ, lại làm thơ hay thì cũng lạ. Thơ cô trau chuốt, nhưng không làm dáng, không có những ngôn ngữ cầu kỳ, mà thật trong sáng, thật độc đáo.
Ta hãy đọc:
Ta đợi người từng giọt nến sa
Tan cơn mê loạn rũ phong ba
Mai sau tới hẹn mùa hoa cúc
Sẽ giữ hương thu ủ ấm nhà
(Tới Hẹn Mùa Thu -CMN)
Ngọn nến lụi dần, cuộc đời trở thành vô vọng.
Tan cơn mê loạn, rũ phong ba
Cuộc tình nào chẳng là một cơn mê loạn lớn? Tan cơn mê loạn rồi người thơ có đau đớn không? Hẳn là có. Nhưng cái hương vị của mùa thu, hương vị của cuộc tình vẫn còn mãi mãi. Người thơ sẽ ấp ủ nó vào trong những chén trà buổi sáng. Thật là hào sảng và thật là đạt.
Cao Mỵ Nhân không nói đến tình yêu một cách nôm na, mộc mạc như TTKH chẳng hạn. Tình của cô là một mối tình sâu và thấm gần như một mối tình tri kỷ.
Bây giờ Cao Mỵ Nhân không còn trẻ. Ai lại không ngậm ngùi khi soi gương thấy mái tóc đã điểm sương? Mỵ viết:
Lá đã già, hoa xanh sắp cỗi
Hàng cây hôm trước chia đường xe
Thành đôi bờ nhớ thương vời vợi
Bỏ lại đằng sau vạt nắng se
(Đi Tìm Kỷ Niệm -CMN)
Lời thơ không nói gì cả, nhưng người đọc bỗng dưng bâng khuâng, thông cảm. Phải là những người có thi liệu mới viết được những câu như thế
Lục bát của Cao Mỵ Nhân ngọt ngào, thật đáng yêu, thật đầy nữ tính:
Thế người có biết nụ hoa
Sáng nay mới nở bao la ngôn từ
Từng lời chẳng rõ thực hư
Mà con bướm lạ giả vờ bay đi
(Nghe Chuyện Trăm Năm-CMN)
Hoa nở nghĩa là hoa muốn tâm sự, muốn diễn tả lòng mình. Lời nói đó chẳng biết có ai nghe không, nhưng cánh bướm vờ như không biết mà bay đi. Thi nhân trách người yêu hay trách thói đời đen bạc?
Mỵ ạ, nếu cho tôi viết thì viết miên man đến bao giờ mới chấm dứt?
Phải rồi:
Cửa sổ phòng văn vừa rộng mở
Vần thơ thốt gọi bút si tình
(Thu Tới Sớm-CMN)
Thế đấy:
Quán chưa khép cửa nên sương đọng
Làm ướt hồn thơ, lạnh cuộc tình
(Tiếng Dế Kêu Khan-CMN)
Chúng ta là như thế đấy, tôi đọc thơ Mỵ mà cảm thương. “ta vốn nòi tình, thương người đồng điệu...
HÀ THƯỢNG NHÂN
==================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ