đọc thêm: tác giả Trần Đình Ba : " Lần theo những trang sử cũ '' / Thành Vinh Tp. HCM -- trích : Sài Gòn Giải Phóng online.
Tác giả Trần Đình Ba:
Lần theo những trang sử cũ
Tay ngang viết sử
Trần Đình Ba chuyển vào TPHCM sống và làm việc từ năm 2006. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xứ Thanh, từ nhỏ anh đã có tình cảm đặc biệt với những cuốn sách.
Từ những cuốn sách trong tủ sách của chị gái, thư viện xã, rồi các cửa hàng cho thuê truyện ở thị trấn, Ba đều đã đọc. Nhưng có lẽ, số sách ít ỏi đó chưa thỏa mãn niềm đam mê của Ba, vậy nên sau một năm tốt nghiệp đại học, anh quyết định Nam tiến.
Từ năm 2008, Ba bắt đầu viết sách và đến năm 2009, anh có cuốn sách đầu tiên. Kể từ đó, sách anh liên tục được ra mắt như: Chơi ô chữ môn Lịch sử lớp 6, 7, 8; Trắc nghiệm Lịch sử Việt Nam; Lịch sử lớp 10, 11, 12 qua ô chữ; Những câu nói nổi tiếng của các nhân vật lịch sử Việt Nam; Lịch sử Việt Nam - Những sự kiện tiêu biểu…
Sự chuyển biến bắt đầu từ năm 2012, đó là thời điểm Trần Đình Ba được đọc nhiều tài liệu và có sự chọn lọc về sử. Anh cảm thấy hài lòng với những tác phẩm của mình, đặc biệt là 2 tác phẩm xuất bản sau này, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Cuốn sách Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” ra mắt quý 1 năm 2016, sau 4 tháng thì được tái bản. Một tác phẩm xuất bản gần đây, được bạn đọc yêu thích vì những tìm tòi và phát hiện độc đáo là Việt án - Lần theo trang sử cũ.
Theo chia sẻ của Trần Đình Ba, cuốn sách khởi duyên từ công việc giữ chuyên mục Án xưa tích lạ cho một tờ báo từ năm 2015. Đều đặn hàng tuần, bên cạnh công việc chính của một giảng viên chính trị, sau này là biên tập viên của NXB, Trần Đinh Ba lại cặm cụi “nhặt” trong sử sách nước nhà xem có những án nào hay, đặc biệt để viết.
“Càng tìm, tôi càng thấy nhiều những vụ án, những cách xử án có một không hai trong sử ta sau khi lần giờ bao trang sách, bên cạnh những vụ án lâu nay chúng ta đã quen như án Lệ Chi viên, án Thái sư Lê Văn Thịnh…”, anh cho biết.
Dù đã ra mắt nhiều cuốn sách, trong đó có những cuốn sách được ghi nhận bởi tâm huyết và hàm lượng tri thức cao, nhưng Trần Đình Ba vẫn khiêm tốn nhận mình chỉ là một tay ngang, thích tìm hiểu và viết về sử. Anh tâm sự: “Để làm công tác viết lách, nghiên cứu về sử, đòi hỏi ở một tầm cao hơn. Tôi chỉ là người viết lách từ đam mê của mình, không được đào tạo chuyên nghiệp, cho nên phải tự tìm hiểu và bồi bổ kiến thức từng ngày”.
Vẫn đang đi tìm độc giả
Trần Đình Ba ví von: “Khi đã ăn quá nhiều một món ăn nào đó thì hầu hết mọi người sẽ có xu hướng cần và háo hức với những món ăn lạ và ngon. Việc đọc sách, đặc biệt là sách sử cũng vậy”. Hiểu điều này nên tác giả Trần Đình Ba thường lựa chọn viết về những giai đoạn hay triều đại mà chưa hoặc ít người nghiên cứu. Theo anh, điều này không phải chạy theo thị hiếu độc giả mà nó vẫn nằm trong đam mê của mình. May mắn là đam mê đó lại phù hợp với nhu cầu của độc giả.
“Tôi nghĩ là mỗi dòng sách, mỗi tác giả sẽ có lượng độc giả phù hợp. Ví dụ những cuốn sách mang tính đại chúng sẽ tiếp cận được nhiều độc giả. Còn những cuốn sách mang tính nghiên cứu chuyên sâu, cần có một lượng kiến thức nhất định để đọc tác phẩm đó, thì đối tượng độc giả sẽ hạn hẹp hơn. Nhưng một khi tác giả đã chọn lựa con đường đi của mình thì rõ ràng họ đã xác định được những vấn đề mà mình sẽ đối diện”, Trần Đình Ba nói thêm.
Trần Đình Ba nói rằng, anh vẫn đang trong quá trình đi tìm độc giả. “Ngoài thỏa cái đam mê viết lách, theo đuổi đề tài mà mình yêu thích, tôi vẫn đang cố gắng làm sao để giữa tác giả và độc giả tìm được tiếng nói chung”, anh bộc bạch.
Dù xác định việc nghiên cứu, viết sách chỉ là nghề tay trái, nhưng trong tâm thế của tác giả sinh năm 1983 vẫn luôn dành sự nghiêm túc cho công việc. Để có những bài viết chất lượng, ngoài kiến thức nền, anh còn thường xuyên đọc, tìm tòi từ các nguồn tài liệu khác nhau. Khi bắt gặp những tài liệu quý hiếm, Trần Đình Ba sẵn sàng thu vén để mua.
“Tôi được thỏa mãn với đam mê của mình. Những gì mà tôi có, tôi thể hiện được một phần qua tác phẩm, đem đến cho độc giả, ít ra tôi cũng góp được một cái gì đó cho văn hóa đọc. Đó là niềm vui của tôi”, anh tâm sự.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ