bài 3: Thanh Thương Hoàng, tiểu thuyết gia của Sài Gòn trước 1975/ Hà Thượng Nhân / San Jose -- trích: vietmessenger.
Thanh Thương Hoàng,
Tiểu thuyết gia của Sài Gòn trước 1975
Hà Thượng Nhân
viết lời giới thiệu
Tiểu thuyết (tái bản lần thứ nhất) Lulu Press ấn bản và phát hành. 2024 – USA. Một cuốn truyện “viết trong đầu” 10 năm trong nhà tù. 14 năm sau in thành sách tại Hoa Kỳ.
Người ta biết Thanh Thương Hoàng là ký giả hơn là nhà văn, tuy anh đã cho xuất bản gần mười tác phẩm. Ấy là vì cái địa vị ký giả của anh “lớn” quá. Anh là Chủ tịch nghiệp đoàn ký giả VN, là Phó chủ tịch Hội đồng báo chí VN. Sáng lập và thực hiện xây dựng Làng Báo Chí VN ở Thủ Đức. Nhưng niềm đam mê lớn của anh vẫn là viết văn.
Tiến Sĩ Lê Mai là một cuốn tiểu thuyết nhưng cũng có thể gọi là cuốn hồi ký về tù cải tạo. Ở đó có sự đói khổ cùng cực, có những đối xử tàn nhẫn ngoài sự tưởng tượng của con người, có tiếng kẻng ghê rợn, ám ảnh bọn tù suốt ngày đêm. Những điều này người ta đã đọc được nhiều trong những cuốn như “Đại Học Máu” của Hà Thúc Sinh và những sách cùng loại của nhiều tác giả khác. Nhưng ở đây Thanh Thương Hoàng không chỉ thuật chuyện. Thuật chuyện chỉ là bức ảnh chụp, Tiến Sĩ Lê Mai là một tác phẩm hội họa. Nó có nhiều hư cấu. Nhưng tất cả mọi hư cấu đều bắt nguồn từ sự thật. Sự thật là ở miền Nam của chúng ta trước kia có rất nhiều những tiến sĩ Lê Mai, những thượng nghị sĩ Phùng Thời, những bác sĩ Đỗ Thế, những võ sư Nguyễn Huỳnh, những nhà văn Hoàng Dung, những thiếu tướng phục quốc Nguyễn Lâm. Mỗi nhân vật trên là điển hình cho nhiều tầng lớp người trong xã hội cũ.
Tiến Sĩ Lê Mai chỉ là một giáo chức. Ông bị đối xử như con vật, bị đập búa lên đầu nhưng từ thâm tâm vẫn không oán hận Cộng sản. Từ thâm tâm ông vẫn cho mình là kẻ có tội. Ông tình nguyện ở lại để chịu chung cái thảm họa của đất nước. Và ông lấy làm hãnh diện về quyết định đó. Ta có cảm tưởng là nếu có một cuộc đổi đời khác ông vẫn hành xử như thế. Đó là cái cao ngạo của người trí thức vẫn chưa hiểu được rằng người Cộng sản không nói chung một ngôn ngữ với chúng ta. Cái gọi là đạo đức là liêm sỉ, là lẽ phải, là tự do, dân chủ của Cộng sản không giống chút nào với những thứ ấy của chúng ta. Cho nên tiến sĩ Lê Mai phải chết. Chết vẫn chưa tỉnh ngộ.
Ông Thượng nghị sĩ Phùng Thời cho đến lúc gần đất xa trời mới vỡ lẽ ra rằng, Cộng sản không thể đội trời chung, là không thể chống Cộng một cách tài tử. Ông tưởng ông đối lập với chính quyền, ông tranh đấu cho người dân thấp cổ bé miệng, ông không có tội gì cả.
Ông bác sĩ Đỗ Thế cũng vậy. Nhưng đây là một thứ trí thức hèn và ngu. Ông võ sư Nguyễn Huỳnh có làm chính trị bao giờ đâu? Ông chỉ dạy võ. Ông không chống Cộng sản, không chống ai hết. Nhưng ông vẫn đi tù như người sáng lập Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Bất cứ là ai nếu không là Cộng sản, không đầu hàng Cộng sản đều có tội, đều cần phải loại trừ. Thiếu tướng phục quốc Nguyễn Lâm là một hình ảnh đẹp. Ông dám đề nghị anh em nhịn ăn để phản đối trại đã cho tù ăn thực phẩm của súc vật. Có thể ông nông nổi, nhưng ông chính là lớp người mà chúng ta kỳ vọng.
Con giun xéo lắm cũng phải quằn. Tù nhân bị đàn áp quá cũng biết vùng dậy. Họ đã dám quật ngã cán bộ trực trại là Ác Búa, kẻ chuyên đánh tù bằng buá. Chuyện “nổi dậy” không thành công, nhưng tất nhiên là phải có.
Ác Búa, tên cán bộ ác độc không còn nhân tính ghét cay ghét đắng tiến sĩ Lê Mai, đã hành hạ tiến sĩ Lê Mai cho đến chết. Nhưng y lại chính là con hoang của Lê Mai. Đến khi biết được, y khóc như một người con chí hiếu. “Rồi gã chạy thật, vừa chạy vừa la thật to: Bố chết rồi mẹ ơi ! Bố chết rồi mẹ ơi ! Tiếng kêu thảm thiết giống tiếng kêu của một con vật bị thương rống lên trước khi chết” (trang 161). Trước cái chết của bố ruột, cán bộ Minh Ác Búa sực tỉnh. Lương tri bị vùi đập chợt lóe sáng. Bỏ dao đồ tể là thành phật. Thật giản dị mà cũng thật người !
Văn Thanh Thương Hoàng sắc gọn, lôi cuốn. Anh nghiên cứu rất kỹ tâm lý của nhân vật. Tiến Sĩ Lê Mai xứng đáng là cuốn truyện “viết trong đầu” 10 năm trong nhà tù.
HÀ THƯỢNG NHÂN
[ i.e. Phạm Xuân Ninh 19 xx- 20 xx ]
Các tác phẩm xuất bản trước 1975
- Cánh Hoa Mùa Loạn, truyện dài (1955)
- Kiếp Phong Sương, truyện dài (1956)
- Nổi Lửa, truyện ngắn (1960)
- Kho Tàng Tô Định, truyện dài dã sử (1962)
- Phật Giáo Tranh Đấu (bút hiệu Quốc Oai, sưu tầm biên khảo 1963)
- Lành Rách, phóng sự tiểu thuyết (1965)
Đã xuất bản Sau 1975
- Khoảnh Khắc Và Thiên Thu, truyện ngắn (xuất bản tại Úc 1994)
- Tiến sĩ Lê Mai (tiểu thuyết, 1999)
- Người Mỹ cô đơn (tiểu thuyết, 2000)
- A Lonely American (Novel) (bản dịch cuốn tiểu thuyết NMCĐ, 2004)
- Những nỗi đau đời (tập truyện ngắn, 2001)
- Ông tướng tỵ nạn (tập truyện, 2005)
- Dòng Suối (tuyển tập truyện ngắn Ngọc Huyên & Quốc Oai xuất bản 2009)
- Cõi Đời, Cõi Người (tập truyện Ngọc Huyên & Quốc Oai xuất bản2011)
- Đoản Khúc Taboo (Kịch Bản Phim)
- Nỗi Đau Còn Đó (Kịch Bản Phim)
- Vài Trang Thơ
Ký Giả Thanh Thương Hoàng Đặt Chân Vào Hoa Kỳ
SACRAMENTO (Việt Hà) - Vào lúc 9:30 tối ngày thứ ba, 18/5/1999, ký giả Thanh Thương Hoàng đã đặt chân đến bến bờ tự do sau 24 năm sống trong chế độ CSVN khi ông đến phi trường Sacramento trong sự tiếp đón thân tình của một số anh em thân hữu.
Ký giả Thanh Thương Hoàng tên thật là Nguyễn Thanh Chiểu, sinh năm 1930 tại Hải Dương, Bắc Việt. Ông từng nắm giữ các chức vụ trong ngành truyền thông tại Saigon trước năm 1975, như: Trưởng ban phóng viên nhật báo Chính Luận, Tổng Thơ Ký Nhật Báo Tiếng Vang mà chủ nhiệm là ông Quốc Phong, chủ bút nhật báo Sống Còn. Ông Thanh Thương Hoàng còn là sáng lập viên và là Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam kiêm Chủ Tịch Hợp Tác Xã Kiến Ốc Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam còn được gọi là “Làng Báo Chí”.
Tháng 4/1976, ký giả Thanh Thương Hoàng bị CSVN bắt với tội danh “văn nghệ sĩ chống Cộng chế độ cũ” cùng với gần 70 nhà văn, nhà báo và văn nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh. Đến năm 1984 ông được trả và bị quản thúc chặt chẽ tại nhà nhiều năm. Khi có chương trình ra đi vì nhân đạo của Hoa Kỳ theo diện H.O. dù ông Hoàng đầy đủ tiêu chuẩn để ra đi, nhưng CSVN từ chối không cấp hộ chiếu xuất cảnh cho ông. Mãi đến khi chương trình H.O chấm dứt do sự can thiệp của các tổ chức nhân quyền, truyền thông, Hội Văn Bút Quốc tế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Hội Gia Dình Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ v.v... can thiệp cho ông đến định cư tại thủ phủ tiểu bang Sacramento do ông Trần Văn Ngà, Chủ Nhiệm “Tạp Chí Tiếng Vang Bắc Cali” bảo trợ cùng với cơ quan thiện nguyện World Relief.
Phái viên của Tin Việt từ Sacramento là ký giả Tô Ngọc điện về cho hay, tại phi trường Sacramento tối thứ ba, 18/5, khi ký giả Thanh Thương Hoàng bước ra khỏi phi cơ đã được sự đón tiếp của Ông Như Hoa Lê Quang Sinh, Hội Nhà Thơ Tài Tử Sacramento, ông bà Trần Văn Ngà, người bảo trợ; Ông Nguyễn Quý Nhượng, Chủ Tịch Hội H.O Sacramento, bà Huỳnh Mai Hoa, Hội Nhà Thơ Tài Tử, ký giả Hồng Dương, nhà thơ Trần Ngọc Văn đến từ Stockton và nhà thơ Lưu Trần Nguyễn... Cuối cùng, theo ký giả Tô Ngọc, Hội Nhà Thơ Tài Tử phối hợp với một số hội đoàn trại Sacramento sẽ tổ chức một buổi tiệc thân mật để chào mừng ký giả Thanh Thương Hoàng. Buổi họp mặt được tổ chức vào lúc 2:00 chiều ngày Chủ Nhật, 23/5/1999 tại nhà hàng Hương Quê, số 5060 đường Stockton Blvd, Sacramento.
ĐÔI LỜI NGỎ CÙNG BẠN ĐỌC
Một số thân hữu và bạn đọc vì quý mến muốn tôi tái bản một số truyện đã xuất bản trước đây hơn 10 năm, khi tôi mới định cư tại Hoa Kỳ. Vì những cuốn truyện này hiện không còn. Tôi thật sự cảm động trước tấm thịnh tình nhưng việc tái bản sách hiện nay quả là quá khó khăn, có lẽ không phải với riêng tôi mà còn chung cho tất cả những người Việt viết văn ở hải ngoại. (TTH)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ