T.VẤN
& Bạn Hữu
Văn Học và Đời Sống
Nguyễn Phú Yên:
PHƯƠNG TẤN, CUỘC LỮ HÀNH
TRÊN CON ĐƯỜNG THI CA
ảnh (Nguồn: SG Nhỏ)
Người khách lữ hành ấy ra đi từ rất sớm, lúc mới mười bốn tuổi. Ra đi từ lúc bình minh mà mấy mươi năm cũng chưa đến buổi hoàng hôn. Chàng thiếu niên ấy xem con đường thi ca của mình cũng là con đường nhân sinh, con đường sinh mệnh mà bỗng dưng tự mình trói buộc vào. Có lẽ chàng có niềm tin yêu mãnh liệt vào chữ nghĩa nên cứ thong dong đi vào con đường thi ca, tưởng như một hành giả thõng tay đi vào con đường chánh đạo.Và như thế dường như cứ dấn một bước chân chàng trai nhìn thấy chữ nghĩa như có một hấp lực kỳ ảo cuốn hút chàng vào đó để rồi tự phô bày cảm xúc, tình tự của mình với đời như một sứ mệnh phải nhận lấy.
Không ai ngờ rằng chàng trai trẻ tuổi ấy đã sớm nhìn về quê hương nơi mình sinh ra một cách lạ lẫm vì trước mắt không phải là cảnh thanh bình mà là một thực tại gieo sầu:
“Đêm lên phố vào sa mạc
Tìm đâu rộn rã kinh kỳ
Lầu dinh mà như cồn cát
Thênh thang một nẻo sầu bi.
Đà Nẵng mình buồn em hí
Hôm nào em ghé vô chơi
Mùa ni có bông chung thủy
Ở nơi khóe mắt thay lời”.
(Đà Nẵng, trời ni đất nớ)
Dù sao với chàng trai trẻ ở tuổi 15, lứa tuổi của yêu đương, thì tình cảm dạt dào nhất lại dành cho người con gái yêu thương. Chàng cất lên giọng điệu thật trữ tình, thật nhẹ nhàng và ấm áp:
“Anh lùa trăng sao lùa chim ca hát
Lùa áo Phương bay lùa môi ngào ngạt
Rồi ngắt đêm sâu cài lên mắt Phương
Cho mắt Phương sầu, sầu xui nhớ anh”.
(Cười nghiêng ngửa bóng)
Ở cái tuổi còn trẻ trung, dẫu là cùng con đường văn chương nhưng nhà thơ Phương Tấn đã già dặn hơn trong tư duy nghệ thuật, trong ngôn từ thi ca. Không ai ngờ rằng chàng đã lặng lẽ chọn cho mình cái bút hiệuThái Thị Yến Phương trong thi tập “Di Bút Của Một Người Con Gái” khiến giới làm thơ phải tò mò tìm hiểu. Bài thơ đầu tiên trong tập thơ nàymang tên “Dâng hiến”từng đăng trên một tờ tuần san đã làm họ ngạc nhiên. Nhà thơ 16 tuổi đã phải giải thích cái bút hiệu con gái như thế này:“Thái là họ mẹ của tôi, Yến là tên một người con gái yêu thơ tôi, Phương là tên thật của tôi…”.Tưởng như nhà thơ Thái Thị Yến Phương hay chính là Phương Tấn là người từng trải cuộc đời nên những dòng thơ của di bút bày ra một mảnh đời bất hạnh, đau khổ, phản ánh một thế giới u sầu và tội lỗi đầy cay đắng mà người đọc càng phiêu du vào thế giới đó càng sững sờ, ngẩn ngơ. Dường như chàng viết cho người lớn đọc chứ không phải cho lứa tuổi của chàng, viết lên tiếng kêu thương đau đớn để chia sẻ, cảm thông những con người bé mọn, đớn hèn trên quê hương:
“Thân con gái cháy bừng bừng
Trông tôi rời rã người mừng lắm sao
Ngây ngô người vẫy tay chào
Đó hồn sầu muộn máu trào ra khe”.
(Người con gái giữa biển, 1961)
“Trông qua lau lách chập chờn
Ngó về nhân ảnh xanh rờn khói sương”.
(Người đàn ông đi vào, 1962)
“Từng sớm từng khuya
chong đèn nằm khóc.
… Buồn mãi buồn chi,
khóc hủy khóc hoài…
Ta chết ngất trong vòng tay ngạ quỷ
Tuổi con gái cho người làm lộ phí
Ta trở về đeo tủi hổ sau lưng
Ta trở về nghe mộng mị bừng bừng
Rồi nằm xuống và ngửa mình dâng hiến”.
(Dâng hiến)
Trải qua bao tháng ngày tưởng như chất ngất buồn đau, từ trong tăm tối, nghĩ về mình mà than thở, mà nhìn đời để luôn thấy mắt mình đẫm lệ:
“Nằm nghe thân thể hao mòn
Tang thương quánh đặc cô hồn tuổi thơ
Mang thân mười tám dại khờ
Bầm vai, cổ lệch, bơ phờ người ơi”.
(Lời cuối)
“Tôi thương tôi, với sầu xưa
Người ơi buồn mấy cho vừa tầm tay”.
(Và khi em nói)
Để rồi từng đêm mơ ước sẽ có ngày thoát ly để giã từ đoạn đời cũ nghe chừng ai oán lắm:
“Mai em bỏ phố về ngàn
Tóc mai rừng rú vô vàn bi ca
Phân vân mình với tuổi già
Vóc lưng sương gió hồn pha núi đồi
Ru anh, anh ngủ đi thôi
Còn đêm còn mộng mai rồi rã riêng”
(Còn đêm còn mộng)
Lúc ấy sẽ không còn ai biết đến nàng, nàng đã vô hình, vô thanh và biến mất vào hư không:
“Tiếc chi một chút mỹ miều
Phận lay bóng hắt buồn thiu giữa đời”.
(Bài ca truy điệu)
Tập thơ đã gây tranh luận đầy sóng gió trong giới yêu thơ để rồi cuối cùng Phương Tấn cho nhà thơ nữ ấy ra đi trong bệnh viện, kết thúc một huyền thoại thi ca tuyệt mỹ, một huyền thoại mà người yêu thơ không ngừng tìm kiếm.
Tiếp tục con đường sáng tạo của mình, Phương Tấn trở về với thế giới tình ái của tuổi trẻ. Tình cảm lai láng thuở ban đầu của chàng trai 17 tuổi không có cái cuồng nhiệt, đắm say bất tận mà chỉ là cái đẹp lung linh của sự thiết tha, nồng nàn rất diệu vợi của tình đầu:
“Mai mốt anh đi, e mình sầu đau dằng dặc
Nhỡ má phai hồng anh biết nói mình sao
Nắng quê Phương trông chừng cũng sang màu
Giấc ngủ không yên mình chong đèn nằm khóc.
Mình thương anh thôi mình đừng khóc
Chúa sẽ rầy anh, mình chắc không vui
Con đường đất đỏ mình lên về đơn độc
Và xa kia… lủi thủi mỗi mình anh”…
(Phương ơi, những ngày trốn học)
Những ngày tháng này hình ảnh của người con gái nhè nhẹ bước vào trái tim vừa hé mở nhưng tràn đầy cảm xúc của chàng trai với ngôn từ đầy tha thiết như những con sóng tràn bờ:
“Nhớ chi lạ biết môi còn mũm mĩm
Cắn ô mai răng là lúa ở trên trời
Tay cầm lược là lụa ở trên mây
Mắt là ngọc ở trong thu vừa trổ.
Buồn chi lạ buồn không ai buồn hộ
Hồn vi vu bay khuất ở trong trăng
Ngậm chút gió chừng có hơi Phương thở
Phương là sương hay sóng vỗ trong anh”…
(Ở Huế nhớ Phương, Huế 1964)
Như mọi bạn bè cùng lứa tuổi, cảm xúc đầu tiên của chàng đến từ ngoại giới gần gũi, đó là khung cảnh trường học, lớp học, bạn học luôn tươi mới trong lòng chàng. Sau này, đâu cũng mười năm, khi hồi tưởng một thời đi học, chàng thể hiện được tâm trạng hồn nhiên, đã viết những câu thơ trong trẻo với lối nhân hóa, ẩn dụ tân kỳ, đầy trìu mến. Đây là lời tụng ca tuổi học trò nên thơ:
“Cô học trò bé tí teo
Có hai bím tóc áo thêu tên trường
E chừng trong guốc đầy hương
Sao nghe chim chóc bên đường xuýt xoa”.
(Nai vàng)
Hình ảnh cô học trò xinh xắn, đáng yêu trong sân trường để lại một chút tình reo vui rộn ràng ngân mãi trong tâm hồn thi nhân:
“Mỗi cô em một bông hoa
Khoe trăm cánh mộng la đà bóng chim
Mỗi cô em một trái tim
Tình vui hót giữa đồi sim bên đời”.
(Trước cổng trường)
Nhưng rồi khi xa trường lớp, chút tình khép nép, ấp úng ấy bỗng nhuốm chút bi ai dịu dàng;
“Em xa, xa lắc xa lơ
Tôi buồn lớp cũng ngẩn ngơ với trường”.
(Bỏ trường)
Để rồi tình cảm lưu luyến ấy lớn dần theo tháng năm bằng những nhớ thương vương vấn mãi trong hồn
“Đó trăm con mắt theo mình
Ấy ngàn sợi nhớ gửi tình cho em
Tim mình, mình hé cho xem
Kẻo anh gõ lạc bỏ quên chiếc hồn”.
(Trên đường)
Thơ Phương Tấn còn vượt qua cái tình cảm đôi lứa đầy tính chất trữ tình của hầu hết thi nhân để đi gần với thực tại mà Phương Tấn đắm mình trong đó. Cái thực tại đó đầy đau thương vì hoàn cảnh gia đình và khói lửa chiến tranh của đất nước. Trước hết là tình cảnh người cha của thi sĩ. Như nhiều chàng trai khác, anh có người cha đi theo kháng chiến biền biệt bao nhiêu năm trường. Cũng như trường hợp của nhà văn Phan Nhật Nam, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhà báo Lưu Đình Triều (con trai của nhà báo Lưu Quý Kỳ), anh nhớ về người cha với đôi mắt ráo hoảnh và lạnh lùng:
“Cha đi từ thuở nọ
Biệt tích giữa chiến khu”…
(Cuốn trôi giấc mơ tiên)
“Cha tôi theo cách mạng
Huyễn mộng giữa đất trời
Sầu đùn theo năm tháng
Mẹ đợi bóng ma trơi”.
(Đợi bóng)
Để rồi thi nhân chợt buồn cho cuộc đời, cho riêng mình và buồn cho tổ tiên:
“Xin quay về chong đôi mắt xanh xao
Đứng ngó tổ tiên ngó cùng dân tộc
Ngó xuống hồn thân bỗng úa mênh mang”.
(Thư gửi cha bên kia sông Bến Hải)
Và hình ảnh người mẹ thân thương “thân cũng tàn”, “quẫy quạnh hiu” trong cuộc sống đầy truân chuyên:
“Mẹ so đũa gắp lòng reo trong mắt
Gắp một đời rót xuống chén cơm con”.
(Thưa mẹ)
“Mẹ buồn quên bẵng tiếng kêu
Và con thấp thỏm trớ trêu phận đời”…
(À ơi)
Để rồi cuối cùng cũng vang lên tiếng đau thương héo úa lòng ai:
“Mót tàn hơi, níu thời gian
Đất trời chết điếng trần gian mịt mùng”.
(Con cười bên mộ vui cùng nỗi đau)
Từ hoàn cảnh gia đình thi sĩ mở cái nhìn rộng lớn hơn: đất nước chìm trong lửa đạn khi chiến cuộc tràn lan. Những hình ảnh bi thảm của một người đã từng trải nghiệm:
“Đất bừng đỏ xoáy tròn như vỏ ốc
Bầy quạ đen bay đặc quánh vòm trời
Dân Việt khóc cho nỗi buồn lớn mãi
Lúa không cười cho lịch sử không vơi”…
(Hòa bình hòa bình đường xa lăng lắc)
“Này da vàng đầy phố
Vẫn không thấy anh em
Sao da vàng đầy phố
Vẫn không thấy mặt người”.
(Ngày xuống ngày không lên)
“Đạn chim chíp, vỗ hoàng lương
Thây lăn lóc, vỗ thiên đường hò reo”.
(Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu)
Như những người trai trẻ khác, thi sĩ nhận ra ý nghĩa đau thương của cuộc chiến trên quê hương đã lôi cuốn bao phận người vào trong trùng trùng khói lửa. Với một tâm hồn mẫn cảm, một trực giác bén nhạy, nhà thơ nhìn thấy đằng sau chiến tranh những thực tại đớn hèn làm nhức nhối lương tâm:
“Này đồng bào tôi đó
Các người thật nghĩ gì
Khi cam lòng giết nhau
Để giành phần nô lệ…
Một Việt Nam vô phúc
Thăm thẳm những hận thù
Nằm giữa áo chùng tu
Chen nhau vào triệt lộ”.
(Nam mô A di đà và thánh thần A men)
Khi nhìn thấy được những đầu óc tàn bạo dìm đất nước trong lửa đỏ, anh phẫn nộ, dằn vặt để hiểu ra nguyên nhân của tham vọng:
“Chúng nó bán quê hương
Chúng nó bán mình rồi
Làm người dân khi chết
Không cọng cỏ che thân…
Cháy ngàn năm chưa tắt
Chảo lửa trụng cơ đồ
Quê hương bầm vết cắt
Của mối sầu khôn nguôi”.
(Chảo lửa trụng cơ đồ)
Để rồi cũng như mọi người Việt Nam khác, thi sĩ lòng cũng đầy mơ ước hòa bình nhưng thực tế chỉ đem lại niềm vô vọng:
Hòa bình hòa bình đường xa lăng lắc
Lá tre vàng queo quắt ngó dung nhan
Loài cây mọn thở nghe buồn hiu hắt
Xót thương kia vong bản vỗ chân cười.
(Hòa bình hòa bình đường xa lăng lắc)
Thôi thì chỉ còn niềm ước mongcho quê hương, đất nước:
Hãy đem rải mặt trời
Việt Nam một ngày mới!
(Hãy đem rải mặt trời)
oOo
Có thể nói rằng bước vào thế giới thi ca của Phương Tấn như lạc vào một khu vườn mênh mông đầy kỳ hoa dị thảo mà bông hoa nào cũng chói lòa sặc sỡ. Thật vậy, có thể tìm thấy mọi thứ tình cảm yêu thương, nỗi buồn, nỗi đau, nỗi xót xa bi phẫn, ưu tư về thân phận làm người, mọi khía cạnh của thực tế cuộc đời trên từng trang thơ với ngôn từ mượt mà được chọn lọc kỹ càng, rất lạ lẫm và đặc sắc của anh.
Phương Tấn dù đặt bút ở đề tài nào, nguồn cảm xúc của anh luôn tràn đầy và dạt dào. Dòng thơ tuôn chảy dễ dàng như suối nguồn không cạn. Khởi đi từ khi đặt bước chân vào con đường thi ca cho đến nay, người lữ khách ấy vẫn miệt mài cày xới trên con đường sáng tạo, chắt chiu từng ngôn từ diệu kỳ như từ chốn thiêng liêng nào rót xuống để rồi anh ngân nga tiếng lòng trong suốt mấy mươi năm vẫn chưa nguôi. Chất hiện thực không chỉ phô bày tình cảnh riêng của anh mà còn là khái quát bóng dáng của cả một thế hệ được nhào nặn trong cuộc xoay vần của thế sự. Hơn sáu mươi năm cầm bút, anh chưa hề dừng lại để nhìn ngắm mình, trái lại anh vẫn tiếp tục cuộc lữ hành triền miênvào thế giới thi ca với tất cả cái đẹp lung linh như ánh sáng của thần tiên được đem xuống đời và dâng hiến cho tha nhân.
Nguyễn Phú Yên
-----------
- Nhà thơ Phương Tấn tên thật Nguyễn Tấn Phương sinh năm 1946 tại Đà Nẵng. Các bút hiệu đã ký: Phương Tấn, Nguyễn Tấn Phương, Hồ Tịch Tịnh, Thích Như Nghi, Người Thành Phố, Chị Ngọc Ngà.
Bài đăng trên các báo: Phổ Thông, Mai, Thời Nay, Bách Khoa, Văn, Đối Thoại, Văn Học, Dân Ta, Gió Mới, Tuổi Ngọc, Ngàn Khơi, Khởi Hành, Hồn Văn, Tiểu Thuyết tuần san, Cấp Tiến, Văn Nghệ Tiền Phong, Độc Lập, Ngôn Luận, Công Luận, Lập Trường (Huế), Sức Mạnh (Đà Nẵng).
Chủ bút các tạp chí: Sau Lưng Các Người (1963), Cùng Khổ (1968), Ngôn Ngữ (1973).
Đã xuất bản: Rừng (thơ in chung 1963), Vỡ (thơ in chung 1965), Thơ Tình Của Một Thi Sĩ Việt Nam Trên Đất Mỹ (thơ 1970), Khổ Lụy (thơ 1971), Trai Việt Gái Mỹ (bút ký 1972), Hòa Bình Ta Mơ Thấy Em (bút ký 1974). (Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/)
Nguyễn Phú Yên
Bài Mới Nhất
- NGUYỄN HÀN CHUNG: THÁNG TƯ (QUA NHIỀU NĂM THÁNG)
- Phạm Hiền Mây: CAO HÀNH KIỆN VÀ TUYẾT THÁNG TÁM
- Ngân Bình: TÌNH YÊU THỜI CHINH CHIẾN
- Như Thương: TIẾNG CƯỜI CỦA LÁ
- Nguyễn Thanh Sơn: VÔ ĐỀ
- ThaiLy: NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG XUÂN…
- Phạm Hiền Mây: HOÀNG THI THƠ – MÀ HÌNH BÓNG CŨ THIẾU TRONG TÔI MỖI KHI NGHE CHIỀU RƠI.
- Quảng Tánh Trần Cầm: KÝ ỨC LÀ NHỮNG GIẤC MƠ/DI VẬT
- NGUYỄN AN BÌNH: CHÙM THƠ TÂY NGUYÊN
- Phạm Hiền Mây: PHIM MUÔN VỊ NHÂN GIAN…
- Hoàng Thị Bích Hà: LẠM BÀN VỀ GIỌNG NÓI
- Nguyễn Thiên Nga: TÔI ĐI TÌM TÔI
- Vương Trùng Dương: Cá Tháng Tư, Fake News & Báo Lá Cải
- Phan Tấn Hải: Đọc sách “Những Mẩu Chuyện Đời” Đào Ngọc Phong
- Tình Ca Phạm Anh Dũng: RỒI EM ĐÃ XA TÔI
- Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: CÁI BẬT LỬA ZIPPO
- Phạm Hiền Mây: LAM PHƯƠNG – LẠY TRỜI CON ĐƯỢC BÌNH YÊN
- Nguyễn Hàn Chung: MÀU SƯƠNG RIÊNG RỚT (2)
- Khaly Cham: THÁNG TƯ KÝ ỨC HIỆN VỀ…
- Hoàng Xuân Sơn: NGŨ NGÔN, THÁNG BA
- Trần Vấn Lệ: MƯA PHỤC SINH
- Đặng Tiến (Thái Nguyên): THI
- Trần Vấn Lệ: NHỮNG BÀI THƠ THÁNG BA (4)
- Phan: EM VỀ THÁNG BA
- Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: THÁI BÌNH – XƯA & NAY
- Phạm Hiền Mây: NGUYỄN TÔN NHAN – Ở HOÀI THẾ GIỚI MẬT TÔNG MỎI RỒI
- Vương Trùng Dương: Hồi Ký “Người Muôn Năm Cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại
- Thương Tử Tâm: SÁM HỐI VU LAN/EM CÓ VỀ/NGẬM LỆ
- ThaiLy: CHUYỆN ĐÊM TRĂNG
- Lê Minh Hiền: THÁNG BA GIÃ TỪ
- Phạm Hiền Mây: SA GIANG TRẦN TUẤN KIỆT – TRĂM NĂM LÀ MẤY TRỜI GIÔNG BÃO
- Lâm Hảo Dũng: Rớt Rơi Đâu Đó Chút Buồn Không…
- Lê Hữu: BẮN CHẬM THÌ CHẾT
- ĐẶNG XUÂN XUYẾN: MƯỜI BA BÀI THƠ ĐỘC VẬN BẨY CHỮ
- Phạm Hiền Mây: VĂN CAO – MÙA THU CHẾT BAO LẦN
- Phạm Hiền Mây: NGUYỄN VĂN ĐÔNG – VẦNG TRĂNG XẺ ĐÔI VẪN IN HÌNH BÓNG MỘT NGƯỜI
- Tiểu Lục Thần Phong: CHUYỆN CÒN DANG DỞ
- Hoàng Thị Bích Hà: CHÙM THƠ VỀ HUẾ
- Phạm Hiền Mây: KHÔNG DƯNG…
- Đặng Tiến (Thái Nguyên) : NGẪU HỨNG/NHỚ TURGHENIEV/TỰ THÁN…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét