Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

bài đáng đọc : nhà văn LÊ VĂN NGHĨA [ 1953- 2021] như vẫn còn đâu đây / VANVN -- trích: vanhocsaigon/ tphcm-- 25 /07/ 2022.

 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa như vẫn còn đâu đây

Ngày 24.7, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM đã diễn ra chương trình tưởng niệm một năm ngày mất nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa (1953 – 2021), người được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 với tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng.


Trường chuyên Lê Hồng Phong chính là Trường Trung học Petrus Ký ngày xưa Lê Văn Nghĩa từng theo học mà sau này viết nên tự truyện nổi tiếng Mùa hè năm Petrus.


Chương trình tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa tại khuôn viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong diễn ra xúc động, do người bạn đời ông – nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh dàn dựng.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp thân thiết khác của Lê Văn Nghĩa đã đến tham dự. Với mọi người ông như vẫn còn hiện diện đâu đây với nụ cười rất… trào phúng!

Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20.5.1953 tại Chợ Lớn, mất ngày 25.7.2021 tại nhà riêng ở TPHCM, hưởng thọ 69 tuổi. Trước năm 1975, Lê Văn Nghĩa tham gia phong trào học sinh – sinh viên đấu tranh đô thị, bị địch bắt đày Côn Đảo. Đất nước thống nhất, ông trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, làm Báo Tuổi Trẻ và phụ trách Tuổi Trẻ Cười.

Ngoài báo chí, Lê Văn Nghĩa còn say mê sáng tác văn chương, với thế mạnh trào phúng ông được mệnh danh là “Aziz Nesin của Việt Nam” qua các tác phẩm như: Thằng láu cá, Vua lừa, Hoa hậu phường Cây Mít, Nếu Adam không có xương sườn, Nhà mùi học, Người bán nụ cười, Tào lao xịt bộp, Điệp viên không không thấy, Tùy viên giảm béo, Trùm cá độ, Chuyện chán phèo,

Nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Khi cười xòa. Lúc cười sặc sụa. Khi cười mỉm chi. Lúc cười chua chát đắng cay, thậm chí phẫn nộ trước thế thái nhân tình. Truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa mang lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Và cái thế mạnh hài hước ấy về sau anh lại tiếp tục đưa vào các tác phẩm mang tính tự truyện, biên khảo của mình một cách tự nhiên ý vị”.

Sau khi về hưu, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã dành tâm sức còn lại viết về thành phố sinh trưởng nên mình, nhờ vậy các tác phẩm của ông về Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1975 đã được xuất bản, với 4 truyện dài: Mùa hè năm Petrus (2010), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020) và 5 tập tạp bút – biên khảo: Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (2016), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề (2020), Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức (2021)..


Từ trái sang
Nhà thơ Phan Hoàng, nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương, 
nhà giáo Phan Mai Ly, nhà báo Lưu Đình Triều tham dự buổi tưởng nhớ
 nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Trong bài viết Lê Văn Nghĩa trong cõi nhớ Sài Gòn, nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương nhận xét rằng: “Có thể nói những tác phẩm của anh được hình thành từ sự hồi phục của ký ức, ký ức cá nhân hòa trong ký ức cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả xem đó như kết quả của việc khâu vá lại những mảnh thời gian, qua đó mà khâu vá lại chính tâm hồn mình. Những mảnh ghép hồi cố chân thành mà không ủy mị thoạt nhìn có thể rời rạc, phân tán nhưng liên kết lại sẽ cho ta một bức tranh về Sài Gòn ngày cũ, Sài Gòn của thời niên thiếu Lê Văn Nghĩa”.

Nhân lễ tưởng niệm, gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa đã trao tặng áo dài và 500 cuốn sách của ông cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Nhiều tấm lòng nhân ái cũng đã tặng quà, học bổng cho học sinh khó khăn, như bà Mai Thị Hạnh – phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đại diện Quỹ Chia sẻ Sharing đã trao 50 triệu đồng; Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn trao 15 triệu đồng và Quỹ học bổng Bùi Trọng Chương trao 25 suất, trị giá 275 triệu đồng…

VANVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét