Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

BÀI TÂM CA SỐ 7/ Phạm Duy -- bài viết: Phạm Hiền Mây / Sài Gòn -- trích: T.Vấn & Bạn Hữu / Hoa Kỳ.

 

Phạm Hiền Mây: 

GIẾT NGƯỜI ĐI THÌ TA Ở VỚI AI – BÀI TÂM CA SỐ 07

 
 
 
 
 
             ảnh: https://music.apple.com/

1.

Tâm Ca nghĩa là lời ca từ trái tim. Trong một lần được phỏng vấn, Phạm Duy từng thẳng thắn: Tôi không muốn làm lợi khí của bất cứ bên nào. Tất cả những điều tôi muốn nói, đều đã được nói ra trong các bài Tâm Ca hay Trường Ca. Tôi không muốn vênh vang một thái độ trong các tác phẩm ấy, tôi chỉ muốn phô diễn một lời than thở.

Dân tộc đã quá khiếp đảm vì cuộc chiến tranh kéo dài từ ba mươi năm nay, ai cũng muốn tìm nơi lẩn trốn. Nhưng sự ra đi không phải chuyện dễ dàng, cho nên người ta đâm ra tù túng, ngờ vực và đôi khi trở nên bạo nghiệt nữa. Người ta không có thì giờ để giáo dục, học hỏi, để đoàn kết lẫn nhau. Mười bài Tâm Ca ra đời là để chống lại sự vong thân ấy.

******

2.

Phạm Duy viết trong Hồi Ký của mình: Tâm Ca ra đời sau biến cố tháng 11.1963, kéo theo nhiều xáo trộn của miền Nam nước Việt. Tôi gọi thời kỳ này là thời kỳ của sợ hãi, hoài nghi và khinh thị.

Bài Tâm Ca số 07 có tựa đề Kẻ Thù Ta. Nội dung của nó là nhận diện kẻ thù. Kẻ thù của ta không cứ là người ngoài, mà còn công khai, chễm chệ, thách thức nằm trong ta nữa. Bài Tâm Ca số 07 – Kẻ Thù Ta được biên soạn theo motif rất giản dị, giản đơn, nhạc mà nghe như tiếng nói. Trẻ con chỉ nghe qua một vài lần là có thể hát được ngay.

Bài Tâm Ca số 07, đã nhận diện ra, kẻ thù của chúng ta, đó là danh từ, đó là chủ nghĩa, đó là gian ác, đó là vô lương. Và, có khi kẻ thù của ta lại chính là ta nữa. Biết nó rồi, thì ta phải đi lùng nó ngay để mà tìm cách loại bỏ nó, diệt trừ nó, chiến thắng nó.

******

3.

KẺ THÙ TA

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hờn căm

Tên nó là hận thù

Tên nó là một lũ ma (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa

Kẻ thù ta mang lá bài tự do

Mang cái vỏ thật to

Mang cái rổ danh từ

Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai ?

Người người ơi thương xót người nhỏ bé

Người người ơi thương xót người ngây thơ

Thương xót người bị mua

Thương xót người bị lừa

Thương xót người thương xót ta (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta tên nó là vu khống

Kẻ thù ta tên nó là vô minh

Tên nó là lòng tham

Tên nó là tị hiềm

Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo

Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu

Trong cõi lòng quạnh hiu

Trong óc hẹp tiêu điều

Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Người người ơi yêu mến người mãi mãi

Người người ơi yêu mến người không nguôi

Yêu mến người đầy vơi

Yêu mến người đêm ngày

Yêu mến người tay nắm tay (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!

******

4.

Ca khúc có cả thảy bảy lời. Và lời nào cũng bắt đầu bằng hai câu, từa tựa như một bài kệ: kẻ thù ta đâu có phải là người / giết người đi thì ta ở với ai? Đặt câu hỏi là thế, nhưng tác giả đã giải đáp luôn. Trong lời một, kẻ thù ta, tên nó là gian ác, là vô lương, là hờn căm, là hận thù, là lũ ma. Ông sử dụng phương pháp liệt kê và phương pháp điệp, với mục đích nhấn mạnh, khắc sâu, khắc sâu vào đầu, vào tim, vào tâm khảm người nghe, tên các kẻ thù, không chỉ với ta, mà còn là với hết thảy những con người có lương tri trên trái đất này. Thế thì.

Trong lời hai, tác giả lại tiếp tục kể tên những kẻ thù ấy, đó là bọn mặc áo màu chủ nghĩa, là bọn mang chiêu bài tự do, chúng mang những cái vỏ bọc thật to, mang những cái rổ đựng trong đó những danh từ mỹ miều, cao đẹp, và mang cả những mầm mống nhằm chia rẽ chúng ta. Thế thì.

Ở lời ba, tác giả thiết tha kêu gọi, người người ơi, thương xót người nhỏ bé, nhỏ bé đây hiểu là phận người nhỏ bé cũng được, mà hiểu là các em nhỏ, các em bé, cũng chẳng sai. Người người ơi thương xót người ngây thơ, người ngây thơ ở đây, hiểu là những người không được khôn ngoan, cũng được, mà hiểu là những người nhẹ dạ, cả tin, cũng chẳng sai. Thương xót người bị mua, nghĩa là bị mua chuộc. Thương xót người bị lừa, nghĩa là bị gạt gẫm. Hãy thương xót người như thương xót chính ta. Thế thì.

Trong lời thứ tư, tác giả đổi hai câu đầu bằng hai câu khác, không để hỏi, mà để khẳng định: kẻ thù ta đâu có ở người ngoài / nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai. Nghĩa là, kẻ thù ta, chính là ta đó. Tên của nó là gì ư? Ông tiếp tục liệt kê hàng loạt những cái tên của chúng, tên của bọn đang núp trong lòng ta, đang luôn sẵn trong lòng ta, nó chính là vu khống, nó chính là vô minh, nó là lòng tham, nó là sự tị hiềm, nó là sự ghét ghen. Thế thì.

Tiếp tục ở lời thứ năm này, tác giả lại thẳng thắn chỉ ra tiếp, kẻ thù ta ở trong mắt thèm lơ láo. Thèm gì ư? Thèm tiền bạc, thèm hư danh, thèm địa vị, thèm quyền uy. Kẻ thù ta còn ở trong góc đầu tự kiêu. Càng nhiều tự kiêu, tự đắc, hợm hĩnh bao nhiêu, thì bộ não, mắt nhìn lại hẹp hòi, thiển cận, tiêu điều bấy nhiêu. Càng nhiều thèm thuồng, khao khát bao nhiêu thì tâm hồn lại nhỏ hẹp, lòng dạ lại quạnh hiu bấy nhiêu. Và, kẻ thù ta, không chỉ vậy mà chúng còn tồn tại cả trong giấc mộng xâm chiếm nữa. Thế thì.

Qua lời nhạc thứ sáu, tác giả thiết tha kêu gọi, người người ơi yêu mến người mãi mãi, người người ơi yêu mến người không nguôi. Thiết tha này chưa dứt, lại đã tiếp tục một thiết tha khác, không ngừng, yêu mến người đầy vơi, yêu mến người đêm ngày. Và, yêu mến người, tay hãy nắm tay. Thế thì.

Lời kết thúc ca khúc, tác giả sử dụng lại hai câu hỏi và hai câu khẳng định: kẻ thù ta đâu có phải là người / giết người đi thì ta ở với ai? / kẻ thù ta đâu có ở người ngoài / nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!

******

5.

Phạm Duy thổ lộ với báo chí, khi ông quay trở lại Việt Nam vào năm hai ngàn không trăm lẻ năm: Có ba con người trong một Phạm Duy. Con người tình cảm Phạm Duy luôn làm những bản nhạc tình yêu. Con người xã hội Phạm Duy làm những bản nhạc cho đất nước, cho quê hương, cho Tổ Quốc. Con người thứ ba, ít người biết lắm, là con người tâm linh. Tôi đã phát hiện ra nó khi tôi bắt tay vào viết Tâm Ca.

Tâm Ca ra đời vào năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm. Những người chủ trương chiến tranh, bạo động, cố nhiên là họ không thích Tâm Ca rồi.

Tâm Ca hay dở như thế nào, tôi không biết, nhưng tôi là người dám nói, dám cất tiếng. Và rất nhầm lẫn, khi nói rằng, Tâm Ca ru ngủ thanh niên. Ngược lại là đằng khác, Tâm Ca đã làm cho nhiều người thức tỉnh lương tâm. Biết bao nhiêu thanh niên đã yêu Tâm Ca, vì nó dám nói lên những điều mà mọi người muốn nói, nhưng không thể.

Giá trị tối thiểu của Tâm Ca là ở vào thời điểm những năm từ sáu mươi lăm đến bảy mươi. Đó là những ca khúc nhân bản nhất, trong khi ca nhạc ở nước ta luôn luôn bị giữ lại ở trình độ những bài hát tuyên truyền.

Có người cho rằng Tâm Ca không dễ tiếp thu ư? Xin thưa, không khó – “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?” là câu hát dễ ợt, hồi đó con nít miền Nam hát hoài, không có ai là người không tiếp thu được nó. Có những bài còn làm cho những người được lệnh chống Tâm Ca phải khóc nữa đấy.

Tôi mà không soạn Tâm Ca vào thời đó, thì tôi đã chẳng phải là tôi, kẻ đã chọn làm một ca nhân “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, ngay từ khi mới khởi sự kiếp cầm ca!

******

6.

Qua năm sau, năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mang hai câu nổi tiếng: kẻ thù ta đâu có phải là người / giết người đi thì ta ở với ai, trong bài Tâm Ca số 07 – Kẻ Thù Ta này, đọc cho Mục Sư Martin Luther King Jr. nghe. Và trong một buổi biểu tình tại Memphis, Martin Luther King Jr. đã mượn hai câu trên để sử dụng trong bài giảng của ngày hôm đó.

******

7.

Thiền sư Thích Mãn Giác, trong một bài đăng trên tạp chí Bách Khoa vào tháng 03.1966, với tựa đề, Lần Đầu Tiên Tôi Thấy Lão Tử Lầm, ngài viết:

Lần đầu tiên, trong chốc lát, tôi nhận thấy Lão Tử bị lầm. Lão Ðam vốn chống sự hiện hữu của lễ nhạc và tác dụng của nó, vì cho rằng, nhạc hiện hữu, thì xã hội nhân sinh mất hướng thượng và chỉ xuống dốc.

Suy đến cực vi cực diệu thì Phật Giáo và Lão Giáo có chỗ tương đồng, cho nên trong khi mặc áo tu hành, chúng tôi vẫn dành một chỗ đáng tôn kính cho Lão Giáo trong tâm tư. Nhưng có một hôm gần đây.

Vâng, có một hôm gần đây, vào ngày mùng ba tháng ba năm dương lịch này, tôi có buổi nói chuyện trước số đông giáo chức Phật tử Huế, tại chùa Từ Ðàm. Và khi tôi vừa dứt lời, thì ban dân ca của nhạc sĩ Phạm Duy lên trình bày Tâm Ca và Trầm Ca. Trong buổi này, cũng có cả một người Mỹ lấy tên Việt là Túy Phượng, đứng ra hát một bài Tâm Ca nữa.

Xin thú thật là khi nghe Phạm Duy trình bày bài Tâm Ca Số 07 – Kẻ Thù Ta, trong đó có câu “kẻ thù ta đâu có phải là người”, tôi đã ứa nước mắt. Và có thể nói, tâm hồn tôi đã trải qua một trạng thái phong phú, chưa từng có trong đời tu hành của tôi.

Tôi nói phong phú mà không nói xúc động, cảm động, vì đó là một trạng thái mà ngôn ngữ không diễn tả được. Tôi đã dùng tất cả tâm hồn của một con người để đón trọn vẹn Tâm Ca và Trầm Ca, đón chúng vào mảnh đất trống, một không gian trống, đón hết chúng như đón một ngọn gió lớn mà không loại đi bất kỳ một hơi thở thiên nhiên, dù chỉ thoáng qua nào.

Chung quanh tôi lúc ấy là cả một xã hội nhân sinh thu nhỏ, thế mà tôi, dường như đã quên mất họ, chỉ thấy như có mỗi một mình tôi hiện diện. Tôi thấy lạ vô cùng, có lẽ người ngồi đồng, đón linh hồn những người đã khuất, vào cơ thể để biến thành những cá nhân khác, chắc cũng như tôi lúc ấy thôi. Tôi tưởng như đang nghe tiếng thở than của chính mình từ cõi sâu xa nhất vọng lên mênh mông và vun vút.

Có lẽ, Phạm Duy cho rằng, những nỗi, những niềm, những mối, có trong từ điển như gian ác, vô lương, tị hiềm, tự kiêu, lâu nay, chúng đã ăn sâu trong lòng người, bây giờ, cần phải nhổ bỏ nó đi, thay vào đó là từ bi, bác ái, hỷ xả. Thì rồi tự nhiên căm hờn, ghen ghét mất, chiến tranh cũng mất theo. Con người mới, hiện ra trên trái đất.

Tôi cũng đồng ý với Tchékhov và Federico Fellini, một người xưa và một người nay, hai người đều có ý nói rằng, nghệ sĩ là người chỉ có một sứ mạng phản ánh nhân sinh mà thôi. Còn việc cải tạo nhân sinh, hay việc giải quyết những vấn đề nhân sinh, gây đau thương là của các nhà luân lý, của những nhà an bang tế thế. Nghệ sĩ giỏi thì tác phẩm có giá trị trường tồn. Nghệ sĩ dở thì tác phẩm thiếu giá trị và bị lịch sử loại bỏ.

Dân tộc Việt Nam đương chịu đau thương vì chiến tranh. Phạm Duy là người phản ảnh đúng cái đau thương ấy và làm cho người nghe cảm động. Phạm Duy không phải là nhà luân lý mà cũng chẳng phải là nhà chính trị. Ở đời, việc của ai người nấy lo, sứ mạng ai người ấy tự đảm trách. Chung nhau mà lo, thì được việc chung. Bằng như ngược lại, thì chỉ gây xáo trộn, bất lợi cho đại cuộc.

Văn nghệ gây xúc động được, là đã làm được việc lớn rồi. Việc lớn khác, tự khắc sẽ đến sau. Nhạc Phạm Duy tạo được cảm xúc. Sự buồn thương sẽ biến thành thương tiếc. Niềm thương tiếc sẽ biến thành giận hờn. Và có giận hờn thì mới vùng dậy. Khi con người vùng dậy là lịch sử gióng chuông. Chuông lịch sử gióng lên, tức người người đứng lên.

Nghệ sĩ là người có công đánh tiếng chuông xúc động. Vậy là đủ để nhìn nhận công lao của nghệ sĩ rồi.

Quay trở lại việc tôi thấy Lão Tử lầm, là vì chính tôi đã thấy được tác dụng của lễ nhạc. Không phải bỏ lễ nhạc thì con người mới trở về được lẽ vô vi. Nhạc đã có rồi thì phải dùng nhạc để hướng con người về bản thể trạm tịch, yên tĩnh thường hằng. Nghĩa là, nhạc có tác dụng giáo hoá vậy.

Ngay đến nhạc của thiền, chúng ta cũng đã có từ ngàn xưa. Nói gì xa xôi, hãy nói chuyện gần, đó là tiếng mõ sớm, đó là tiếng chuông chiều. Những âm thanh thông thường hằng ngày ấy đã từng có tác dụng.

Tôi cũng chưa từng thấy âm nhạc tôn giáo nào thúc đẩy sự hờn oán bao giờ, từ Phật đường, Giáo đường bước ra, người ta vốn muốn gần nhau. Chỉ khi hòa vào đời sống ồn ào, thì tạm thời, nó mới lánh đi đấy thôi.

******

8.

Thú thật, trong mười bài Tâm Ca, từ đó đến giờ, tôi chỉ biết duy nhứt có bài Tâm Ca số 04, Giọt Mưa Trên Lá. Còn bài Tâm Ca số 07, Kẻ Thù Ta, gần đây, qua anh Lan Vo, tôi mới biết.

Mới biết, trong ca khúc này của Phạm Duy, lại có một lời nhạc, à không, nói cho chính xác hơn, lại có một câu thơ, thơ đến như vậy, cũng như, tạo được xúc động, mạnh đến như vậy.

Một câu thơ, mà khi đọc lên, khiến bao người có mặt, khiến bao người nghe thấy, phải rúng động, phải nao núng, phải xốn xang:

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Cùng thời gian đó, John Lennon của The Beatles sáng tác ca khúc Imagine. Trong ca khúc có câu: Nothing to kill or die for, chẳng có (lý tưởng, chủ nghĩa) gì (đáng để) phải giết người hay hy sinh cho nó.

Ông đã làm cho tuổi trẻ cả thế giới xúc động.

Như Phạm Duy, đã khiến cho chúng ta xúc động, cũng chỉ bởi bằng hai câu:

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?



Sài Gòn 05.04.2024

Phạm Hiền Mây

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ