Đỗ Hoàng Diệu trình làng tiểu thuyết mới

                                                                                                   Tạ Duy Anh


image

Chỉ cần “Bóng đè” “Vu quy”, “Lưng rồng”… và ngót chục truyện ngắn khác, đã đủ để định danh một cây bút văn xuôi độc đáo trong dựng truyện, với một giọng kể có sức lôi cuốn, ám ảnh đầy ma lực và luôn ở trạng thái bùng nổ, sẵn sàng tung hê hết thảy, cả lịch sử linh thiêng một cách âm u, lẫn những quy tắc được xây cất trên nền quyền lực tuyệt đối. Đỗ Hoàng Diệu luôn khiến bạn đọc ngộp thở, nhiều phen sợ hãi. Có cảm giác đọc chị xong rất ngại giao tiếp với chị. Còn nếu ai dám một lần đối diện với cặp mắt sắc như dao bổ cau của tác giả, thì tốt nhất là nên “thành khẩn” khai báo để được hưởng sự bao dung.

Vượt ra khỏi cái khung hiện thực và lịch sử từng nhào nặn nên số phận mình, luôn để lại những hệ quả trái ngược với bất cứ người cầm bút nào: Hoặc thành chơi vơi dẫn đến bế tắc, hoặc có cơ hội đưa ra một tầm nhìn bao quát, tỉnh táo, khách quan hơn. Đỗ Hoàng Diệu có chơi vơi không? Chắc chắn là có. Nhưng với một nguồn dự trữ văn hóa và năng lượng dư thừa, chị sớm lấy lại thế thăng bằng khi tìm ra một điểm tựa đắc địa, để từ đó vươn tới sự bao quát.

Điểm tựa đó là coi lịch sử như những giả tưởng!

Tiện thể Đỗ Hoàng Diệu vừa cho ra đời tiểu thuyết mới, lần đầu trong đời xin có vài bàn luận lan man về chị.

Với cuốn tiểu thuyết mới ra đời, tôi tự thấy khó mà trốn thoát khỏi trách nhiệm liên đới góp phần làm nên số phận long đong của nó. Từ nhiều năm trước, “Máu rắn”, tên khi đó là “Hầm mộ”, đã nằm trên bàn biên tập của tôi. Ngay cả khi chưa có lời cảnh báo công khai về sự nguy hiểm của nó, tôi cũng không sao cầm nổi bút kí vào hồ sơ thẩm định, như tôi vẫn làm một cách dễ dàng với các cuốn sách khác, kể cả tiểu thuyết “Trại súc vật”. Có một sự đè nặng ghê gớm từ lịch sử, từ những ác mộng ép cho tôi bép gí, đến mức lần đầu tiên tôi cho phép mình chạy trốn.

Giờ thì “Hầm mộ” – “Máu rắn” đã tìm được cơ hội chui ra khỏi ngăn kéo, để thuộc về công chúng như những gì tôi đọc được theo đường link dưới đây.

https://www.barnesandnoble.com/w/book/1144523836…

Là một người nghiêm khắc với mọi hành vi của bản thân, tôi tự thấy mình không đủ tư cách để luận bàn bất cứ điều gì về nó.

Nhưng như thế có vô lý và bất công với bạn bè?

Tôi thấy rõ là có.

Còn đang vật vã tìm lối thoát danh dự, thì vô cùng may mắn cho tôi, đã có một nhà văn tài năng, mạnh mẽ, với thẩm quyền học thức cao hơn tôi nhiều lần, hào hứng viết những lời sâu xa về cuốn sách. Nếu có viết, tôi cũng không nói thêm được điều gì mới mẻ, ngoài việc trưng ra sự hời hợt, nông cạn, chỉ khiến phân tán sự chú ý của bạn đọc.

Vì thế, việc thực tế và tử tế nhất là xin phép để được đăng lại lời thẩm bình của nhà văn Trần Vũ, như dưới đây:

“Tiểu thuyết Máu Rắn phát sáng ở cấu trúc tân kỳ, xây cất hàng ngang mà không theo hàng dọc, không theo mô hình kim tự tháp mà đa giác, đa chiều, kết hợp hỗn loạn điên điên với ý thức, chừng như là câu chuyện riêng của Đỗ Hoàng Diệu nhưng huyền ảo hóa với tra vấn cuộc đời của chính tác giả xuyên qua đồng loại và thần chết. Truyện không có một nhân sinh quan mà nhiều nhân sinh quan, không có một trọng tâm rõ rệt vào một vụ án hay vào cái chết của mẹ mà Đỗ Hoàng Diệu treo đồng loạt hàng chục quả cân làm nên chuỗi trọng lực liên tục giăng mắc cài cắm như một chiếc bẫy khổng lồ mà mỗi trang sách là một lối đi quỷ. Cảm giác chung là xã hội là thế giới của dao mác, gai nhọn, bóng ma, đêm tối, huyệt mộ nơi tất cả các sinh vật cùng thất lạc, cùng chết chìm, cùng hoảng loạn, cùng giành giật khát khao mơ ước trong sợ hãi. Tiểu thuyết thành công ở khí hậu, không khí, cách dẫn đưa vào mê lộ, gây ngạc nhiên, gây xáo trộn lý trí của người đọc. Tác giả mở ra liên tục các nhân vật lạ, dồn dập các tình tiết tối ám, các chi tiết không ngừng xuất hiện như một thúng gai ném tung ra sân rồi bắt người đọc lăn lộn bên trên để cảm thấu chua xót, đau đớn và cả giận dữ từ mỗi chiếc gai mật, đang lún từ từ thành dằm. Nhưng cũng chính sự hỗn loạn khiến không có gì tách bạch làm nhấn chìm người đọc, làm ngộp thở, đuối sức, hết hơi khi đọc. Vì Máu Rắn như hàng loạt nhát búa dộng vào màng tang làm người đọc bị đinh tai, ngất ngư. Tuy nhiên, Máu Rắn rất khác thường và chính khác thường này làm nên đặc sắc vì Đỗ Hoàng Diệu vượt thoát ra khỏi cách viết tiểu thuyết hiện thực bình thường. Ngay trên trang giấy, người đọc đã biết mình sẽ đọc lại, vì mỗi một lần sẽ là một phát hiện khác trong vô vàn các mô-týp mà lần đọc thứ nhất không thể thâu nạp hết. Vô vàn các manh mối giữa tiềm thức với ý thức, giữa tố cáo và phục vụ, giữa tình thương mẫu tử và ích kỷ, giữa chà đạp và bi phẫn, giữa ma và người, giữa người và thần linh… Nội dung chồng chất các tương quan phức tạp này sẽ khiến Máu Rắn là dấu mốc trong văn nghiệp của Đỗ Hoàng Diệu. Một Đỗ Hoàng Diệu không còn ngây thơ, mà tinh vi, không còn khơi khơi phóng túng trên trang giấy mà sắp xếp từng hành động cùng suy nghĩ nhân vật; đan kết và kết nối thành một sự rối rắm chủ ý cùng lúc vẫn giữ được bản năng đập phá vất tung quy ước.” (Trần Vũ)

‐————–

Ở trong nước, bạn đọc nào muốn sở hữu “Máu rắn”, xin liên hệ với tác giả qua trang cá nhân.


TẠ DUY ANH