Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Từ Hoài Tấn : " trượt dài cơn khát / Đặng Châu Long / Tp. HCM -- trích : Từ Hoài Tấn Blog / Tp. HCM .

 từ hoài tấn

trượt dài cơn khát

 

Đặng Châu Long

 

Image

 

Đêm qua chưa những đêm

Ôi những đêm

Đêm rạch mặt kêu thương

Đên ngủ ngồi trên gai lửa

Đêm la hét cầu cứu dưới vực sâu

Đêm dài trong bóng tối

….

Những đêm thâu trên xứ sở tôi

Chỉ còn đêm

Tiếng hú của đêm

Tiếng mừng vỡ của đêm

Đang ngậm mòn tuổi trẻ

Khuôn mặt thù của đêm ngày ngày vẫn đối diện nhau

Trong hầm chông cuộc chiến

(Từ Hoài Tấn, Những đêm chờ bình minh)

 

Có biết bao đêm dài như thế ở quê hương ta từ những ngày mới lớn. Những đêm dài rền vang bom đạn trên mọi chốn mọi nơi đả phô bày vô vàn cảnh tượng tang thương trước mắt mọi người như cảnh báo một con đường dài không có bình minh. Tương lai nào cho anh, tương lai nào cho tôi  giữa cơn biến loạn này. Chẳng ai tự nhận là tác giả những bi thương đó và con người trong vòng xoáy đã cũng cơn lốc dữ trầm luân. Bài thơ đầu tiên của quyển thơ Phục sinh tôi&em của Từ Hoài Tấn đã đưa chúng ta về lại một thời. Thời của những hoang mang, cùng cực, nghi ngại và đổ vỡ niềm tin.

@

 

Tập thơ Phục hưng tôi & em của Từ Hoài Tấn ra mắt tháng 10-2013 là tập họp của sự chọn lọc ba quyển thơ chép tay từ năm 1967 đến năm 1974. Một trăm chín mươi bốn trang chứa đựng chín mươi chín bài thơ một thời là tất cả những chắt chiu gìn giữ của tác giả và của anh bạn Trần Đình Sơn suốt hơn 40 năm qua.

 

Tác giả phân thành 3 phần : Bão vọng, Hãy lay tỉnh thức dậy và Ngợi ca mây trắng.

 

Tôi đặc biệt chú ý phần 1, là phần phơi bày tâm trạng của Từ Hoài Tấn , nỗi niềm và hoài vọng của người trong cuộc chiến.

 

Trong cuộc sống, Từ Hoài Tấn là một người trầm lặng tuy sẵn sàng hòa với mọi người nhưng trong anh dường như có một khuôn thước không thể vượt qua, như một  thầy giáo hay công chức mẫu mực, không như một Phù Hư với ánh mắt láu lỉnh nhanh nhạy, hay một Nguyễn Miên Thảo với cái miệng biết cười hóm hỉnh trong những câu chuyện bỡn đời. Anh là một giòng Hương giang trầm mặc, nhẹ bước theo đời trôi, từng bước nhẹ nhàng.

Bước trong cuộc chiến, nhìn nhận ra cuộc tang thương để rồi cảm thấy mình như một người lỗi nhịp

 

Người anh em ơi người anh em

Gióng trống rung chuông reo lời tự sát

Cây cỏ trăm đường ứa máu lem chân

Ta vác thập tự qua mấy nghìn năm tìm đất trú

(THT, Niềm im lặng kinh hoàng)

 

Và phân vân đặt câu hỏi cùng mình. Chiến tranh là cái gì để nhọc nhằn bi thảm cứ đeo đuổi từng thân phận người. Anh gọi tên nó là niềm im lặng kinh hoàng. Lầm lũi bước đi. Ngậm tăm không nói. Bước tới, bước tới như một định mệnh an bài.

 

Khi chúng ta lớn khôn, phải chăng

Lịch sử là tập giấy trắng

Khi chúng ta hiểu biết, phải chăng

Lịch sử là gỗ mục

Khi chúng ta ước mơ, phải chăng

Lịch sử là trái đắng

Khi chúng ta chết đi, phải chăng

Lịch sử là quên lãng

(THT, Niềm im lặng kinh hoàng)

 

Trong tăm tối anh bước tới, trong giông bão anh bước tới, nghe ra như giận cuộc đời quá đỗi đa đoan nhưng chỉ lại im lặng thả tiếp cho đời. Trước năm anh nhập ngũ, anh nhìn lại nỗi đời:

 

Những năm đã trôi qua

Xô lăn ta về bờ vực

Những tháng ngày đã trôi qua

Đưa gần ta nơi cõi diệt

Bầy thú hoang thả xuống đồng bằng

Reo hò lời tự sát

Sông nước chiều thu

Lời ca vang đau đớn người sống sót

Ngón tay bị chặt cụt đưa mãi lên không

Lời hối tiếc

Đêm lăn xuống

Những thi hài lộ thiên

(THT, Nhìn lại 1969)

 

Anh tự nhìn nhận nỗi bất lực của mình như một lời thú tội với nhân sinh. Mà anh còn có thể làm gì trước những nỗi đau thương mát mát diễn ra hàng giờ trên quê hương tan nát này ?  thôi cũng đành thân  thả niềm đau vào trong chờ đợi, chờ một cuộc phục hưng giữa bộn bề hổn độn này:

 

Tôi sống như một gã thợ săn

Dương cung bắn nát từng ngày

Nếu có ai hỏi tôi vì sao

Tôi sẽ không bao giờ nói

Bởi tôi cũng chẳng biết vì sao tôi sống

Được đến ngày nay

Như gã thợ săn cùng quẫn

Trở về tự mình làm con thú

Dang hai tay trên vách tường

Dây cung bật mũi tên

Tôi xót thương tôi

Gã thợ săn khốn khiếp

(THT, Là một người)

 

Ôi đời sống đâu phải lò sát sinh

Hãy móc trái tim quay về bể lớn

Và hãy sống

Dựng thời phục sinh

Hay hãy chết vô tâm

Trong máng cỏ êm ấm

 

Hãy cât lên lời ăn năn

Như chúng ta có đáng được mang trái tim tươi thắm

Chúng ta có đáng được làm người

(THT, Nhìn lại 1969)

 

Chúng ta có đáng được làm người ? lời đay nghiến nói cùng tâm thức này có lẽ sẽ theo Từ Hoài Tấn dai dẵng trong nhiều năm, rất nhiều năm khi những hệ quả của cuộc chiến vẫn diễn ra trước mắt anh và những thế hệ nối sau anh

 

Cho tôi quên

Cái chết mẹ

Thân thể tan nát giữa buổi mai nào trên cao nguyên

Mỗi thước đất tôi sống có phải là một tai họa

Cho tôi được đổi thay định mệnh oan khiên

Đã cướp mẹ tôi ra khỏi đời sống

Lũ em buồn khổ của tôi ơi

Chúng ta khóc được bao nhiêu ngày cùng nhau

Trước khi khôn lớn chia tay

(THT, Gởi các em tôi)

 

Có một quyển thơ anh đặt tựa Đi, đứng và chạy…với thời gian như muốn khẳng định thái độ của anh với đời. Bước vào đời, dừng lại ngắm và nghĩ để rồi dứt áo ra đi. Ngay cả trong những cuộc tình của anh cũng vô định như thế. Sự tử tế xui bạn bè và các nàng thơ đến cùng anh, nhưng cũng chính cái tử tế đó làm anh cuối cùng phải dang xa để hoài niệm những ngày tháng tốt đẹp và vẫn mãi đẹp vì chưa từng kết thúc dù đã chia xa

 

Chờ em tôi đứng bên ngàn

Trăm năm rồi nữa trăm năm một mình

(THT, lục bát)

 

Và cuộc sống vẫn bềnh bồng trôi dù đôi lúc anh như Diogènes mãi thắp đèn soi rọi giữa ngày tìm cho ra con người đích thực, dang tay hô hào giữa sa mạc người một cuộc phục sinh

 

Ta đi cùng một hồi chuông đổ

Dồn dập nhiều năm cái chết hư không

Ta đi cùng một dòng máu đỏ

Chảy dầm dề tràn ngập con sông

(THT, Trên đường tới một mái nhà)

 

Tuổi trẻ lên đường dấn tới tương lai bằng lối rẽ của mình. Quá nửa đời, bên giòng nhìn lại đời đôi khi cũng phân vân xen lẫn băn khoăn. Có đúng chăng, có phải chăng con đường ta đã quyết định dấn qua. Ngại ngần chi con đường trước mặt, khi con tim ta đã chọn thì đó chính là con đường thập giá mà ta sẽ phải qua. Bước tới và không hối tiếc. Có chăng là chút ngậm ngùi

 

Đêm nay rồi một đêm mai nữa

Chỉ còn bầu rượu cạnh thắt lưng

Trên dặm đường xa thương bạn hữu

Mời hư vô một chén rưng rưng

(THT, Một thoáng đời nồng)

 

 

Đặng Châu Long

03-12-2013

Ghi chú: Tập thơ Phục hưng tôi&em của Từ Hoài Tấn xuất bản 10/2013. Do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ