Vượt qua tự tình dân tộc, vượt qua tình yêu riêng tư để đến với tình người là đỉnh cao nhất của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Anh Ngọc từng nhận định: “Định mệnh đã bắt anh phải yêu thương. Định mênh lại trao vào tay anh cây đàn và chiếc bút. Và thế là chúng ta có Trịnh Công Sơn, chúng ta có nhạc Trịnh. Con người ấy sinh ra để mà yêu và từ yêu thương lại sinh ra tất cả.... Trước những xấu xa, tăm tối của đồng loại, con người này không tự đứng ngoài hay đứng cao hơn tất cả – có phải vì trong bản chất của nghệ thuật chân chính vốn đã mang thiên lương của con người, thứ thiên lương cao quý của phẩm chất Chúa Trời. Xin hãy nghe:
Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn (Hát trên những xác người)
Anh đã đi qua chiến tranh với cái thiên lương như thế. Tôi không biết như vậy là đúng hay sai, chỉ thấy hễ nghe là muốn khóc. Và dù có ai đó nói là đúng hay sai thì tôi cũng chưa thấy một người nào ghét bỏ hay chí ít là lườm nguýt gì anh. Ai có thể ghét bỏ một trái tim đang rỏ máu – nó đang rỏ máu vì chính các người đấy, hỡi con người”.(18) Nhà thơ Anh Ngọc, một đại tá trong quân đội miền Bắc, chỉ biết Trịnh Công Sơn sau năm 1975 mà đã cảm nhận được tình yêu người ấy. Thật đáng trân trọng. Quả chỉ có nhạc Trịnh Công Sơn mới giúp con người đến gần với nhau, vượt qua những hệ lụy đời thường, vượt qua những tư tưởng trái ngược trên hai chiến tuyến, nhập vào một dòng chảy nhân ái như vậy.
Tình người của Trịnh Công Sơn thể hiện bàng bạc trong những tình khúc viết về quê hương, đất nước với hình ảnh người mẹ, người em. Cái gốc yêu thương của ông là yêu từng con người cụ thể: bé nhỏ, mong manh, nhọc nhằn... trên cơ sở đó mới yêu thương mọi người.
Từ ca khúc đầu tiên Ướt mi viết về giọt nước mắt của một nữ sinh phải đi hát phòng trà để đem tiền về nuôi mẹ bị bệnh lao nặng. Giọt nước mắt thuần khiết ấy đã làm bật lên trong ông niềm cảm thông, đau xót. Là nguồn cảm hứng để ông viết những sáng tác đầu đời. Lòng yêu người ở ông đã bắt đầu xuất hiện từ những ca khúc đầu tiên ấy. Và tình người ấy, nó sẽ trải dài, trải dài theo ông suốt cuộc đời.
Ngoài hiên mưa rơi rơi
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi (Ướt mi)
Cũng như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy cũng có một ca khúc viết về giọt nước mắt rơi, nhưng là giọt nước mắt rơi cho cuộc tình đôi lứa:
Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt theo duyên về xa vời (Nước mắt rơi - Phạm Duy)
Cùng là giọt nước mắt, nhưng có lẽ chúng ta sẽ dễ cảm thấu giọt nước mắt thương mẹ của cô gái hơn là giọt nước mắt khóc thương cho cuộc tình.
Phạm Duy cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca từ đẹp viết về quê hương, đất nước. Ca khúc Bà mẹ quê là ca khúc tiêu biểu cho dòng nhạc quê hương ấy. Bà mẹ quê ca ngợi lòng hy sinh, chí kiên nhẫn của người mẹ Việt Nam trong lao động:
...Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều cày tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều, nắng nhiều thì phơi lúa ra
Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui... (Bà mẹ quê- Phạm Duy)
Và người Mẹ của Trịnh Công Sơn cũng kiên cường, hy sinh như người Mẹ của Phạm Duy nhưng là kiên cường, hy sinh che chở con trong chiến tranh:
Mẹ lội qua con suối
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối
Tiễn con qua núi đồi
Mẹ chìm trong đêm tối
Gió mưa tóc che lối con đi (Huyền thoại mẹ) (19)
Với tôi, Huyền thoại mẹ là một trong những ca khúc có giai điệu đẹp và sâu lắng, nói lên lòng mẹ cao cả của người mẹ Việt Nam.
Yêu thương các bà mẹ, Trịnh Công Sơn còn yêu thương các cô gái thanh niên xung phong, lao động trên nông trường rồi hy sinh ở biên giới Tây Nam:
Trên nông trường không xa lắm
Có đôi chân đi không ngại ngần
Em bây giờ quen mưa nắng
Gánh trên vai vấn vương bụi hồng... (Em ở nông trường em ra biên giới) (20)
Có lúc ông lại vui đùa cùng các em thơ:
Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha
Em đến trường học bao điều lạ
Môi mím cười là những nụ hoa (Em là hoa hồng nhỏ)
Tính nhân bản của Trịnh Công Sơn chính là ở đây, ông ca ngợi, yêu thương từng con người bình thường, nhỏ bé. Và từ đó yêu thương mọi người, yêu thương nhân loại. Ông yêu người, yêu đời vì biết kiếp người là bể khổ, cuộc đời thì ngắn ngủi. Ông kêu gọi con người hãy ngồi lại gần nhau: “Lại gần, gần lại với nhau. Ngồi gần nhau hơn. Ngồi kề bên nhau”. Để làm gì? Để “Mơ một ngày Hồng Hà góp Hội Trùng Dương”, để “Mong tìm lại một giấc ngủ bình yên”. (Lại gần với nhau).
Ông mời gọi mọi người Hãy yêu nhau đi:
Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi dòng nước đã trôi xa...
Hãy trao cho nhau muôn ngày yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau...
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
Dù mai nơi này người có xa người..
.
Đây là lời thần chú mở cửa địa đàng. Đây mới thật là tình yêu cứu rỗi. Yêu trong một tình yêu rộng lớn, chung cùng. (21) Trịnh Công Sơn, với quan niệm sống:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng (Để gió cuốn đi)
Chính đó là cái tâm, cái tâm thì không tìm kiếm cái gì cho mình. “Cái tâm” chỉ giống như tấm chiếu, để trải ra cho thiên hạ ngồi lên. Trong đạo làm người, đức hy sinh là đức tính cao quý vô cùng, hiến dâng mà không cần đền đáp, đó là sự cao thượng nhất của đức hy sinh.(22)
Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: Lòng nhân ái nhu mì và sự bao dung không mặc cả là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn. Ông cũng viết: Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, có nghĩa ông biết chấp nhận sự đau khổ của đời sống.
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ở trọ)
Và dù cuộc đời chỉ là cõi tạm, ông vẫn phải sống, phải yêu thương, phải hy vọng ước ao: Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ. Quả thật cuộc đời chẳng được bao lâu, trái tim ông đã không bao giờ hờ hững với cuộc đời, ông đã vắt kiệt tình yêu trong trái tim cho cuộc sống, cho những thân phận khổ đau. Chính vì hiểu rõ đất nước cần một trái tim nên ông đã dâng hiến trọn trái tim mình cho đất nước, ông viết:
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi... (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)
Như thế thì chúng ta còn muốn điều gì hơn nữa. Người nghệ sĩ đã rút hết tâm trí mình để nhắn gửi những lời “nhỏ máu” đó. Một trái tim tràn ngập tình yêu người. Và có lẽ không ai hiểu rõ ông bằng Khánh Ly - người bạn tri kỷ đời ông: “Từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân. Tôi đã sống cùng tên tuổi của ông gần 40 năm, với những lời ông dặn bảo: Phải luôn luôn sống giữa đời với một tấm lòng và sống với người bằng sự tử tế.”(23)
Nói như đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, và cụ Đào Duy Anh khái quát tư tưởng của Trịnh Công Sơn đã hạ một câu chí tình “Cái anh Trịnh Công Sơn này lạ thật, anh ta muốn ôm hết những mâu thuẫn và khát vọng của đất nước vào mình”. (24)
Thật vậy, với thân thể hao gầy và trái tim ốm yếu Trịnh Công Sơn đã phải đương đầu với bao dằn xé của lịch sử. Mặc người đời phán xét, với tôi những ca khúc thấm đẫm tình người, ca ngợi cuộc sống của Trịnh Công Sơn vẫn luôn có giá trị trong dòng văn hóa Việt Nam.
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)
Quy Nhơn
2/2008
BAN MAI
---------------
Chú thích:
(18) Anh Ngọc (2004), Nhớ thế kỷ hai mươi, NXB QĐND (tr 285-287).
(19) TCS viết "Huyền thoại mẹ": “nhân chuyến ra Quảng Bình thăm bảo tàng cách mạng, nhìn tấm ảnh mẹ Suốt chèo thuyền, tóc xõa bay tung trên bầu trời, và có dịp về thăm các bà mẹ nuôi dấu cách mạng ngày xưa, nghe mẹ kể chuyện, tôi có thể hình dung hết với những tứ nhạc bay cùng mái tóc và cuộc đời gieo neo của mẹ. Tôi cũng có một bà mẹ mà tôi yêu quý nhất. Và "Huyền thoại mẹ" là sự cộng hưởng của nhiều mảng đời của mẹ, để tạc thành hình ảnh thiêng liêng của bà mẹ Việt Nam nói chung”. Phỏng vấn TCS, Trịnh Công Sơn, một cõi riêng thuần khiết cùng cuộc đời. Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng đăng lại trên mạng suutap.com
(20) Tôi sáng tác "Em ở nông trường em ra biên giới" từ niềm xúc cảm của chuyến đi thực tế xuống nông trường Lê Minh Xuân của đoàn nhạc sĩ thành phố. Chúng tôi đã cùng thức và hát bên nhau quanh ngọn lửa trại cùng các cô gái thanh niên xung phong. Sau đó một năm, tôi được tin cả hai mươi cô gái đêm ấy đều hy sinh ở chiến trường biên giới. Tôi lặng cả người, và cảm thấy đó là nỗi bức xúc không thể yên..”. Phỏng vấn TCS, Trịnh Công Sơn, một cõi riêng thuần khiết cùng cuộc đời. Nguồn dd.
(21) Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, NXB Trẻ.
(22) Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), sdd, (tr18)
(23) Nhiều tác giả (2004), Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hóa, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. (tr 460)
(24) Nguyễn Đắc Xuân (2003), Có một thời như thế, NXB Văn học. (tr 123)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ