Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Di cảo sau hơn nửa thế kỷ [ của] nhà văn Ngọc Giao / T. Minh / Há Nội -- trích: Hanộimới

 


Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di cảo sau hơn nửa thế kỷ nhà văn Ngọc Giao

T.Minh| 12/04/2012 14:56

(HNMO)- Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Ngọc Giao, Công ty TNHH sách Phương Nam, xuất bản NXB Văn học đã kết hợp với ông Tuấn Khanh – con trai của nhà văn Ngọc Giao tuyển chọn 3 bản thảo gồm: “Bến đò rừng” (Truyện ngắn); “Đốt lò hương cũ” (Ký) và “Mưa thu”.



(HNMO)- Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Ngọc Giao, Công ty TNHH sách Phương Nam, xuất bản NXB Văn học đã kết hợp với ông Tuấn Khanh – con trai của nhà văn Ngọc Giao tuyển chọn 3 bản thảo gồm: “Bến đò rừng” (Truyện ngắn); “Đốt lò hương cũ” (Ký) và “Mưa thu” (Truyện dài) với những áng văn vừa đượm những nét đời và tình của Ngọc Giao, vừa cho ra mắt độc giả Việt.

Nhà văn Ngọc Giao (sinh năm 1911) thuộc thế hệ Nguyễn Tuân, Thạch Lam,Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng...; mất năm 1997 - thọ 86 tuổi, Ngọc Giao thuộc số người viết ít ỏi có hành trình xuyên suốt thế kỷ XX. Trước 1945, ở vị trí Thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy, tờ báo có sức cạnh tranh nghiêng ngửa với Phong hoá, Ngày nay của Tự lực văn đoàn, ông có mối giao du rộng rãi với nhiều tên tuổi hàng đầu cùng thời - ngoài nhóm Tự lực, như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Lê Văn Trương, Thanh Châu, Tam Lang, Tchya, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Lưu Trọng Lư, Leiba, Trần Huyền Trân, Nguyên Hồng, Thâm Tâm, Nam Cao, Nguyễn Bính, Tô Hoài... Hơn thế, còn là một cây bút lực lưỡng trên cả hai lĩnh vực truyện ngắn và tiểu thuyết - với những tên sách có chỗ đứng trong lòng công chúng như: Phấn hương, Cô gái làng Sơn Hạ, Đất, Quán gió, Cầu sương, Nhà quê...



Ngọc Giao xứng đáng có tên trong bộ lịch sử văn học Việt Nam trước 1945, như Vũ Ngọc Phan đã đưa ông vào bộ sách Nhà văn hiện đại. Thế nhưng nửa sau thế kỷ XX ông hoàn toàn bị quên lãng và bỗng trở nên xa lạ với các thế hệ bạn đọc trẻ tuổi, dẫu sức viết của ông vẫn còn rất dồi dào. Đối với người làm văn, người có một sự nghiệp văn chương thì một sự lãng quên như vậy có thể xem là một nỗi đau quá lớn. Thế mà ông vẫn phải sống và vẫn sống được. Và điều may mắn là từ cuối thập niên 80, sau khởi động công cuộc Đổi mới, Ngọc Giao dần dần trở lại được nghiệp viết và sức bút, để trong ngót 10 năm cuối đời, khi vào tuổi 80, ông đã có thể trở lại sự hiện diện cùng độc giả. Và, vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh, sau ngày mất 14 năm, là sự tái bản lần lượt những tên sách quan trọng ông viết trước và sau 1945 như các tiểu thuyết: Nhà quê, Xóm Rá, Cầu sương... và các tập truyện, ký như: Cô gái làng Sơn Hạ, Hà Nội cũ nằm đây, Phấn hương, Quan báo... chọn trong số trên dưới 300 truyện ngắn ông đã viết. Một ngắt quãng và vắng bóng khá dài, do những sự cố lớn diễn ra mà ông phải trải cùng với một số bạn bè cùng cảnh ngộ...

Đọc Ngọc Giao, dẫu chỉ với bốn tập truyện mới in lại gần đây, cùng tiểu thuyết Nhà quê, Xóm Rá, Cầu sương vừa được xuất bản, ta vẫn có thể yên tâm khi xếp ông vào đội ngũ những tác gia quen thuộc về Hà Nội, có vị trí xứng đáng bên Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng.v.v....


=============



Bởi gần như hầu hết các truyện của ông (không phải chỉ riêng mấy tập truyện này) đều gắn với các địa chỉ quen thuộc của Hà Nội, với thế giới nhân vật chính là con người của Hà Nội một thời, trong bối cảnh hình thành xã hội thuộc địa: những công chức loại thấp với cảnh sống đơn điệu, tẻ nhạt đến vô vị; những thanh niên thiếu ý chí và lý tưởng nên rơi vào hư hỏng hoặc trụy lạc; những điền chủ kiêm quan lại với lối sống nửa tỉnh nửa quê; những kiếp sống cần lao nhục nhằn, vô vọng; những bi kịch gia đình với những ông chồng vô tích sự hoặc hư hỏng; những người vợ nhẫn nhục cam chịu để mong có một hạnh phúc ảo; những cuộc ngoại tình với những cách xử lý oái oăm không đem lại hạnh phúc cho bất cứ ai; những trớ trêu hoặc bạc bẽo của số phận; những gắng gỏi giữ nếp nhà trong bao hiểm họa; những ông Tây thuộc địa trắng tay trong canh bạc đời hoặc những cô đầm (lai) phải sa vào vòng lao lý; những buồn tủi, xót xa cho cảnh xế chiều hoặc ế muộn...

Đọc Ngọc Giao thấy ông không vục sâu vào những kiếp sống “dưới đáy” như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng; nhưng cũng không thấy ông thi vị hoá đời sống trưởng giả và gợi nên các ảo tưởng ngây thơ về cải cách xã hội như Hoàng Đạo, Khái Hưng. Đứng ở chỗ giao nhau, hoặc nơi giáp ranh giữa lãng mạn và hiện thực, thế giới truyện của Ngọc Giao dường như có phần được nới rộng ra cả hai phía trong một cảm quan có màu sắc u buồn về hiện thực mà ông không muốn tìm đến nguyên nhân, và không tin có những thay đổi; thế nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống trong sạch và lương thiện cho con người, cho loài người.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ